Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sau 6 tháng ‘không ngại va chạm’
Với tinh thần công tâm, khách quan, không ngại va chạm, công khai và minh bạch, hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng đã có tác động mạnh mẽ, giúp giảm mạnh tỷ lệ nhiệm vụ quá hạn từ 25% vào cuối năm 2015 xuống còn gần 3% cuối năm 2016.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt ý kiến Thủ tướng nhắc nhở về tình trạng người dân, doanh nghiệp “lên xếp hàng” tại Bộ Xây dựng.
Với cuộc kiểm tra mới đây nhất tại UBND tỉnh Bình Phước ngày 20/2, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra 16 bộ ngành, địa phương, đơn vị sau 6 tháng được thành lập.
“Ngay từ khi Tổ công tác được thành lập, chúng tôi đã xác định đây không phải là công việc dễ dàng. Để đạt được kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ, sự mong đợi của người dân thì không thể tránh khỏi những va chạm. Công tác kiểm tra đòi hỏi sự thẳng thắn, khách quan và trung thực; với cương vị là Tổ trưởng Tổ công tác, tôi không tránh khỏi những áp lực, nhưng với tinh thần vì công việc chung, tôi không ngại va chạm, không né tránh”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chia sẻ về nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ công tác.
Từ yêu cầu của Thủ tướng
Tinh thần thẳng thắn, khách quan, công tâm được Tổ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tại tất cả các cuộc kiểm tra các bộ ngành, địa phương. Theo đó, mục đích của việc kiểm tra không phải là “bới lông tìm vết” để phê bình nhau mà để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém; phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho các bộ, cơ quan, địa phương để đề xuất các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xử lý, giải quyết.
Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, tại các buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác đều truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở các bộ,ngành, địa phương về những vấn đề bức xúc, nổi cộm nhất trên các lĩnh vực, địa bàn, được dư luận đặc biệt quan tâm.
Như Thủ tướng nhắc nhở việc Bí thư, Chủ tịch các tỉnh vẫn lên Bộ Tài chính để “thỏa thuận” về chỉ tiêu thu ngân sách; Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải kiểm điểm làm rõ việc vẫn còn tư tưởng cơ chế xin-cho, tư tưởng co kéo về Bộ; Bộ Xây dựng phải giải trình về những quy định khiến người dân, doanh nghiệp phải “lên xếp hàng” tại Bộ; Bộ VHTT&DL chậm bày tỏ chính kiến trước những hiện tượng phản cảm, thương mại hóa tại lễ hội, &’nếu Bộ trưởng ngại thì báo cáo để Thủ tướng lên tiếng’…
Tổ công tác luôn “đi đến cùng” trong việc truy tìm các nguyên nhân gây chậm trễ. Tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã “truy” gay gắt Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản về một số nhiệm vụ liên quan tới phát triển nghề cá. “Nhiệm vụ này Chính phủ giao từ 26/11/2015, còn vài ngày nữa là tròn 1 năm mà vẫn chưa hoàn thành. Cái này là do trách nhiệm của anh. Trong số 14 nhiệm vụ tồn đọng của Bộ NN&PTNT, thì Tổng cục Thủy sản nhiều nhất, chắc chắn là có vấn đề. Tại sao các đơn vị khác không nhiều như vậy? Anh để sót trong tủ không làm, chứng tỏ anh không quan tâm đến cái này”.
Tuy nhiên, thể hiện rõ nhất tinh thần khách quan, công tâm có lẽ là việc Bộ trưởng Mai Tiến Dũng luôn thẳng thắn nhận trách nhiệm, xin lỗi các bộ, ngành nếu việc chậm trễ là do VPCP. Như tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng chỉ rõ, việc VPCP tham mưu cho Thủ tướng giao Bộ này “xây dựng quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng” vừa không chính xác, đúng ra phải là xây dựng quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng; vừa không chuẩn về thời gian, vì một nhiệm vụ khó như vậy mà chỉ giao trong vòng 20 ngày.
Mới đây nhất, kiểm tra tại Bộ VHTT&DL, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã phê bình nghiêm khắc cấp dưới vì trong văn bản yêu cầu đôn đốc, bổ sung, hoàn thiện dự thảo một Nghị định lại không nêu rõ nội dung nào cần tiếp thu, hoàn chỉnh. “Không thể đưa ra một câu “yêu cầu tiếp thu, giải trình” chung chung, vô cảm, “sống dở chết dở” như vậy”, Bộ trưởng yêu cầu cấp dưới chấn chỉnh và xin lỗi Bộ trưởng Bộ VHTT&DL.
Video đang HOT
Một yêu cầu khác trong hoạt động của Tổ công tác được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng liên tục nhấn mạnh trong các buổi kiểm tra, đó là tinh thần công khai, minh bạch toàn bộ trước báo chí và dư luận. Tổ công tác luôn chủ động mời đông đảo báo chí tham dự các buổi kiểm tra và mọi nội dung kiểm tra, số liệu về những nhiệm vụ được giao, số nhiệm vụ đã hoàn thành, những nhiệm vụ chậm trễ… đều được công khai toàn bộ.
Mục đích cuối cùng là nhằm bảo đảm tất cả các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, chấm dứt tình trạng “bắn chỉ thiên lên trời”, “trên bảo dưới không nghe”, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh khi kiểm tra công tác tiêu hủy hải sản nhiễm độc do sự cố môi trường, tháng 12/2016. Ảnh: VGP/Hà Chính
Tác động lan tỏa mạnh mẽ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh: “Không phải chỉ có Chính phủ chuyển động, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ chuyển động mà cả hệ thống phải chuyển động, phải làm gương để bộ máy từ trung ương đến các bộ, ngành, tỉnh, thành, quận huyện, xã phường phải chuyển động phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp”.
Tinh thần đã được Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng truyền đạt tới các bộ, ngành, địa phương thông qua tổ công tác. Mới đây nhất, tại Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đánh giá Bộ trưởng Phạm Hồng Hà là con người cần mẫn, trách nhiệm, thẳng thắn trước Chính phủ, nhưng như vậy là không đủ, cần sự chuyển động mạnh mẽ hơn từ các cơ quan trực thuộc Bộ và cả hệ thống ngành xây dựng.
Kết quả, hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng đã có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trong năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng đã giao hơn 10 nghìn nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương, nhưng số nhiệm vụ quá hạn của năm 2016 chỉ chiếm 2,82%, giảm mạnh so với tỷ lệ quá hạn 25% của năm 2015. Ngay đầu tuần này, trước khi Tổ công tác kiểm tra tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh này đã khẩn trương ban hành Quy chế làm việc như một nỗ lực giảm số nhiệm vụ quá hạn từ 3 xuống còn 2 tính tới thời điểm kiểm tra.
Học tập sáng kiến của Thủ tướng, nhiều bộ, cơ quan, địa phương cũng đã thành lập Tổ công tác để giúp Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố rà soát, đôn đốc và kiểm tra nội bộ cơ quan, địa phương mình trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần hoan nghênh, đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, tích cực và ghi nhận những kết quả mà Tổ công tác đạt được. Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác tiếp tục kiểm tra, đặc biệt là các bộ, ngành, địa phương được giao nhiều nhiệm vụ, những nơi có nhiều nhiệm vụ chậm trễ.
Nhiều chuyên gia kinh tế như TS Lê Đăng Doanh, TS Lưu Bích Hồ, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc… đều đánh giá cao cách làm, mô hình Tổ công tác của Thủ tướng, nhận định mô hình này đã đem lại hiệu quả trực tiếp, lan tỏa mạnh mẽ, cần được nhân rộng.
Tuy nhiên, một vấn đề nổi lên là qua kiểm tra, vẫn có rất ít bộ, địa phương có những đề xuất về điều chỉnh chính sách hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để bảo đảm phù hợp với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Trong năm 2017, Tổ công tác sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương, trước hết sẽ tập trung kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương còn nợ đọng nhiều nhiệm vụ, có vấn đề tồn tại, yếu kém mà chưa được giải quyết dứt điểm; tiến hành kiểm tra chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP, Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 60/NQ-CP và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ từ đầu năm 2016… Đồng thời, tiến hành kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương đã được kiểm tra trong việc thực hiện các kết luận của Tổ công tác.
Theo Hà Chính (VGP)
Ông Mai Tiến Dũng: "Lễ hội phản cảm, Bộ trưởng Văn hóa ngại nói thì để Thủ tướng"
"Người dân lao vào tranh cướp, nhà sư đứng trên ném lễ là ứng xử không văn hóa, nếu Bộ trưởng Văn hóa ngại phát ngôn thì báo cáo để Thủ tướng lên tiếng", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Ông Mai Tiến Dũng (bìa trái) và Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện tại cuộc làm việc sáng 14/2
Tại cuộc làm việc với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sáng 14/2, ông Mai Tiến Dũng (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng) cho biết, lãnh đạo Chính phủ đã nhắn nhủ ông yêu cầu Bộ trưởng Văn hóa lên tiếng về những hoạt động phản cảm trong các lễ hội.
Theo ông Dũng, nhiều ứng xử không văn hóa đã xảy ra ở lễ hội đền Gióng, chùa Hương. Cụ thể như người dân lao vào tranh cướp lộc, nhà sư đứng ném lộc, người dân cướp phết..., song cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Văn hóa đã không lên tiếng, không phản hồi.
"Việc này xảy ra lâu nay, liên quan đến ý thức của người dân và cần có cơ quan quản lý nhà nước lên tiếng. Nếu Bộ trưởng Văn hóa ngại thì báo cáo để Thủ tướng lên tiếng", ông Mai Tiến Dũng đề nghị.
Lãnh đạo Tổ công tác của Thủ tướng cũng cho rằng, một số hoạt động trong lễ hội không được người dân đồng tình vì bị biến tướng, tạo ra lợi ích nhóm thu gom tiền của người dân, trục lợi từ lễ hội. Nhiều lễ hội tổ chức trong thời gian dài song manh mún, thiếu sự điều hành thống nhất của địa phương.
"Bộ Văn hóa cần kiểm tra các hoạt động lễ hội, báo cáo Thủ tướng để có chấn chỉnh. Chúng ta cần có thái độ sớm và rõ vì còn nhiều lễ hội với quy mô ngày càng lớn đang và sẽ diễn ra", ông Dũng nói.
Giải trình với Tổ công tác, bà Trịnh Thị Thủy (Cục trưởng Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa) cho biết, năm nay Bộ đã tổ chức các đoàn kiểm tra lễ hội, điều chỉnh những hành vi phản cảm. Nhiều hành vi bạo lực, phản cảm đã được ngăn chặn như không còn lễ hội chặt đầu lợn, đập đầu trâu hay treo trâu.
Tuy nhiên, bà Thủy thừa nhận lễ hội ở một số địa phương vẫn xảy ra hiện tượng phản cảm như Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu. Bộ trưởng Văn hóa đã giao các cơ quan chức năng phối hợp với địa phương chấn chỉnh tình trạng này. Những lễ hội lớn, đơn cử đền Trần ở Nam Định, được Bộ Văn hóa giám sát từ ngày đầu tổ chức.
"Cục Văn hóa cơ sở đã hơn 10 lần trả lời các cơ quan truyền thông về vi phạm quản lý lễ hội", bà Thủy bày tỏ.
Theo ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, lễ hội chọi trâu vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, ví dụ ở Vĩnh Phúc ngày 13/2, Thanh tra Bộ khó lập biên bản vì huyện đứng ra tổ chức.
Hội chọi trâu vẫn diễn ra ở một số địa phương. Ảnh: Giang Huy
"Chúng tôi đang tìm hiểu doanh nghiệp nào đứng sau lễ hội chọi trâu. Họ phối hợp với địa phương bán vé và bán thịt trâu thu lời, người dân cũng thích nên khó ngăn chặn", ông Thành nói và cho rằng, quản lý lễ hội là vô cùng khó vì số thu lớn, gắn liền kinh tế và du lịch, như lễ hội đền Cửa Ông thu 16 tỷ đồng.
Nhắc lại yêu cầu Bộ Văn hóa cần lên tiếng về công tác quản lý lễ hội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lấy dẫn chứng, sau khi có hoạt động phản cảm ở đền Gióng (Hà Nội) thì Bí thư Thành ủy đã có phát biểu ngay.
"Nhà sư ném lộc, người dân giật cướp phết, chọi trâu, chọi gà... rất phản cảm. Bộ Văn hóa phải công bố hoạt động này được phép hay không. Địa phương nào có hoạt động tương tự như vậy phải điều chỉnh, cơ quan quản lý nhà nước phải mạnh mẽ và có chính kiến", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Về việc kiểm tra xe công đi lễ hội, ông Dũng cho hay không phải chức năng của Bộ Văn hóa song cơ quan này cần có báo cáo tổng hợp về công tác quản lý lễ hội, trong đó có tình trạng xe công bởi không có cơ quan nào nắm rõ hơn Bộ Văn hóa.
Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau khi sơ kết đánh giá công tác lễ hội vào tuần tới, Bộ sẽ có báo cáo chính thức với Thủ tướng.
"Muốn xử lý bền vững lâu dài thì phải nâng cao ý thức người dân và khâu tổ chức lễ hội, không thể ngày một ngày hai hết ngay các tiêu cực, hạn chế trong lễ hội. Quan điểm của chúng tôi là năm sau phải tốt hơn năm trước", ông Thiện nói.
Theo Đoàn Loan (VnExpress)
Hai Bộ trưởng cùng khẳng định không nhận quà Tết này Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng đưa ra khẳng định này tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ diễn ra chiều tối ngày 3/2/2017. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thường xuyên đồng chủ trì các phiên họp báo...