Tổ chức tín dụng chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép
Đó là khẳng định của đại diện VKSND Tối cao tại phần đối đáp vào chiều nay, 10-12. Với khẳng định ấy, cơ quan công tố cơ bản giữ nguyên quan điểm đối với các cựu lãnh đạo ACB xoay quanh hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước.
Phản bác ý kiến luật sư cũng như ý kiến của 6 bị cáo vốn nắm “quyền cao chức trọng” tại Ngân hàng ACB đưa ra trong quá trình thẩm vấn và tranh luận, đại diện VKSND Tối cao tham gia phiên tòa khẳng định, sai phạm của các bị cáo xảy ra ngay từ khi ban hành chủ trương cấp vốn mua cổ phiếu và ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi ở ngân hàng khác.
Cụ thể, về ý kiến cho rằng việc ban hành nghị quyết của Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB là không sai, VKS cho rằng việc đó là hoàn toàn trái với Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997. Các luật sư và bị cáo nêu căn cứ để ACB ủy thác gửi tiền là Điều 72 Luật Các tổ chức tín dụng và Điều lệ Ngân hàng ACB, nhưng xem xét thì thấy, Luật Các tổ chức tín dụng chỉ quy định tổ chức tín dụng được quyền ủy thác và nhận ủy thác hoặc làm đại lý liên quan đến hoạt động ngân hàng. Trong khi đó, việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại ngân hàng khác không phải là hoạt động liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
Sau khi VKS tái khẳng định quan điểm, luật sư Nguyễn Đình Hưng bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải được HĐXX mời đối đáp tiếp
Theo VKS, các Điều 7, 20 cùng hàng loạt điều khoản khác của Luật Các tổ chức tín dụng đều không có quy định nào coi việc ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền là lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng. Bị cáo Kiên cho rằng tại Điều 45 của luật này xác định, gửi tiền là lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, nội dung của điều luật đó chỉ xác định về huy động vốn và nhận gửi tiền. Như vậy, nhận tiền gửi là hoat động liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, còn gửi tiền thì không phải.
Liên quan đến nội dung cần tranh luận nêu trên, VKS xác định Vietinbank nhận tiền của nhân viên ACB là hoạt động huy động vốn, do đó nó là hoạt động thuộc lĩnh vực ngân hàng, còn việc nhân viên ACB gửi tiền hoàn toàn không phải là hoạt động liên quan đến ngân hàng.
Nói về hành vi vi phạm pháp luật này của ACB, VKS đánh giá việc gửi tiền lòng vòng không những không khuyến khích được hoạt động của ngành ngân hàng là thu hút và điều tiết nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư mà còn làm “méo mó” thị trường tài chính, ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Từ đó, VKSND Tối cao khẳng định nghị quyết của Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền là một chủ trương trái luật ngay từ khi ban hành. “Ngay cả Bộ luật dân sự cũng không có chế định ủy thác mà chỉ có uỷ quyền. Ủy thác và ủy quyền là hai khái niệm rất khác nhau” – đại diện VKS phân tích.
Đối với hành vi thực hiện việc ủy thác cho cá nhân đi gửi hơn 718 tỷ đồng vào Vietinbank cũng trái với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Bởi theo Điều 90 của đạo luật này thì tổ chức tín dụng chỉ được tiến hành các hoạt động kinh doanh khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Điều đó có nghĩa rằng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng không được áp dụng quy định được phép làm những gì pháp luật không cấm mà chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Cụ thể ở đây là phải được phép của Ngân hàng Nhà nước. Trong giấy phép kinh doanh của Ngân hàng ACB không hề có nội dung nào thể hiện ngân hàng này được phép ủy thác cho cá nhân đi gửi tiền ở tổ chức tín dụng khác.
“Có ý kiến cho rằng chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động ủy thác gửi tiền nên không phạm luật là ko đúng” – VKS bác bỏ. Bởi Điều 106 – Luật Các tổ chức tín dụng đã chỉ rõ là tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện các hoạt động ủy thác khi được sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Và theo tinh thần của Điều 90 thì khi Ngân hàng Nhà nước chưa cho phép mà thực hiện, đó là trái với pháp luật.
Video đang HOT
Nói tới hậu quả và mối quan hệ nhân quả của vụ án, VKS phân tích căn cứ vào lời khai của ACB, Vietinbank và bị án Huỳnh Thị Huyền Như có đủ cơ sở để xác định Ngân hàng ACB đã gửi hơn 718 tỷ vào Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và cho đến nay số tiền ấy vẫn chưa thu hồi được.
Trong khi đó, có ý kiến cho rằng Vietinbank phải có trách nhiệm trả lại tiền cho ACB và bản án sơ thẩm đối với bị án Huỳnh Thị Huyền Như chưa có hiệu lực pháp luật. VKS thấy rằng hành vi ủy thác gửi tiền là trái với quy định quản lý kinh tế của Nhà nước, thực tế số tiền hơn 718 tỷ đồng đến nay không thu hồi được và điều quan trọng nữa là ACB cũng không có quyền khởi kiện đòi tiền Vietinbank. Do đó, hậu quả và tính nhân quả của vụ án là rất rõ ràng.
Xoay quanh ý kiến cho rằng Lý Xuân Hải – cựu TGĐ Ngân hàng ACB không phải là chủ thể của Điều 165-BLHS, đại diện VKS cũng bác bỏ. Bỡi lẽ theo cơ quan công tố, bị cáo Hải được HĐQT Ngân hàng ACB bầu làm TGĐ và Thường trực HĐQT, nhưng chức danh ấy phải có sự phê chuẩn, bổ nhiệm của cơ quan Nhà nước và cá nhân có thẩm quyền.
Tương tự bị cáo Kiên tuy không là thành viên của HĐQT Ngân hàng ACB nhưng cùng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật với người có chức vụ, quyền hạn nên cũng là chủ thể của tội danh “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Mặt khác, không có quy định nào xác định ngân hàng tư nhân thì không có người có chức vụ, quyền hạn.
Về ý kiến cho rằng các bị cáo không sai, không vi phạm pháp luật khi Thường trực Ngân hàng ACB ra nghị quyết cấp vốn cho “công ty con” của ngân hàng này để mua cổ phiếu của chính ACB, đại diện VKS cũng đã viện dẫn hàng loạt chứng cứ, tài liệu và các quy định của luật pháp thể hiện hành vi đó là cố ý làm trái quy định Nhà nước.
Sau cùng, đại diện VKS khẳng định không có căn cứ để cho rằng các bị cáo không phạm tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, trước đó đại diện cơ quan công tố tại phiên xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã ghi nhận ý kiến của luật sư cho rằng bản án sơ thẩm quy kết bị cáo Huỳnh Quang Tuấn phạm tội với tình tiết tăng nặng tại điểm k, khoản 1, Điều 48-BLHS như các bị cáo khác là thiếu chính xác.
Chiều cùng ngày, một số luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng đã đưa ra quan điểm đối đáp của mình với đại diện VKSND Tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa. Hiện, vụ án đang dần đi đến phần nghị án.
Theo_An ninh thủ đô
Phúc thẩm "bầu" Kiên: Viện Kiểm sát đối đáp phần tranh tụng
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, cả 4 tội danh Nguyễn Đức Kiên bị cáo buộc ở tòa sơ thẩm đều có căn cứ pháp luật.
Cuối phiên làm việc sáng nay (10/12), Đại diện Viện Kiểm sát đã có đối đáp phần tranh tụng sau khi nghe quan điểm của các luật sư và các bị cáo tự bào chữa.
Trước tiên Viện Kiểm sát đồng tình với quan điểm của một số luật sư về phương pháp tiếp cận vụ án, đó là phải lấy bản án sơ thẩm làm trọng tâm để làm kháng cáo. Vì thế, Viện Kiểm sát lấy các ý kiến, lời khai đều được xem xét trong bản kết luận vụ án. Về nhận xét của một số luật sư cho rằng, Viện Kiểm sát không cập nhật diễn biến vụ án là chưa chính xác.
Phần tranh tụng, Viện Kiểm sát nêu quan điểm với từng tội danh của bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
Về tội kinh doanh trái phép, bị cáo Kiên tiếp tục đưa ra các khái niệm trong Luật DN, Luật đầu tư, Quyết định 165, để khẳng định hành vi góp vốn mua cổ phiếu, cổ phần là không phải đăng ký kinh doanh.
Viện Kiểm sát cùng quan điểm với bị cáo về công văn số 6388 của Bộ KH-ĐT về khái niệm kinh doanh. Theo đó, kinh doanh là việc thực hiện liên tục 1 số hoặc toàn bộ công đoạn của quá trình đầu tư, phải có 3 tiêu chí: được thực hiện liên tục; nhằm mục đích sinh lợi; hoạt động đầu tư thông qua giao dịch nhằm mục đích sinh lợi là hoạt động kinh doanh.
Cụ thể: Việc 5 công ty của bị cáo Nguyễn Đức Kiên góp vốn mua cổ phần là hoạt động liên tục nhằm mục đích sinh lời, như vậy có căn cứ để khẳng định đây là hành vi kinh doanh.
Tại công văn 935 của Tổng cục thống kê về hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007, thì hoạt động mua cổ phần, cổ phiếu được xếp vào mã 64990. Trong khi đó, 5 công ty mà bị cáo thực hiện kinh doanh có mã ngành 64990 nhưng không có đăng ký kinh doanh là vi phạm pháp luật.
Đối với Công ty Thiên Nam, DN này được đăng ký năm 1995, thay đổi lần thứ 7 vào năm 2000. Theo qui định của pháp luật, trường hợp thay đổi người đại diện pháp luật thì phải thay đổi đăng ký kinh doanh mới, giấy đăng ký kinh doanh cũ phải nộp lại cho cơ quan cấp phép kinh doanh.
Về hoạt động mua bán tại hợp đồng 017 bị quy kết kinh doanh trái phép: Bị cáo vẫn cho rằng việc kinh doanh trạng thái vàng là mua bán hàng hóa không phạm pháp luật. Viện Kiểm sát đặt câu hỏi: Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài của Thiên Nam có trên giấy chứng nhận của Thiên Nam hay không? Đây là hoạt động mua bán, tại điều 2 của hợp đồng có ghi: bên A và bên B đồng ý mua bán trạng thái vàng, nhưng điều 5 của hợp đồng này có nói tới phí giao dịch. Phí giao dịch chỉ có khi ACB là trung gian giao dịch, càng khẳng định Thiên Nam đã kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài.
Tại hợp đồng, có nội dung mua bán trạng thái vàng có thể chuyển đổi thành vàng vật chất, nguyên liệu, như vậy không thể coi là hoạt động phái sinh.
Do đó, hoạt động của Thiên Nam chịu sự điều chỉnh của Quyết định số 03 của NHNN. Hoạt động kinh doanh vàng trạng thái được xếp vào mã 46624, như vậy Thiên Nam đã kinh doanh mà không có đăng ký kinh doanh.
Bị cáo Kiên là người đặt lệnh qua điện thoại, đứng ra giao dịch. Viện Kiểm sát khẳng định, bị cáo Kiên bị cáo buộc kinh doanh trái phép tại Thiên Nam là có cơ sở.
Bị cáo Kiên cho rằng, một số DN khác cũng hoạt động như vậy mà không bị truy cứu, VKS thấy điều này không nằm trong phạm vi của vụ án.
"Với các phân tích trên, án sơ thẩm quy kết bị cáo tội kinh doanh trái phép là có căn cứ" - đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh.
Về tội Trốn thuế, theo Viện Kiểm sát trích dẫn, có 3 hợp đồng: Hợp đồng số 01 ngày 25/12 của bà Lan ký với ACB, hợp đồng số 010109 giữa bà Nguyễn Thúy Hương và Công ty B Phụ lục hợp đồng ký giữa 3 bên gồm bà Nguyễn Thúy Hương, Nguyễn Đức Kiên và Công ty B&B.
Về nội dung này, Viện Kiểm sát tranh tụng 3 vấn đề: Thứ nhất, Viện Kiểm sát đặt nghi vấn 2 hợp đồng và 1 phụ lục hợp đồng trên có phải ký lùi thời gian, có phù hợp quy định pháp luật không? Mặc dù phụ lục hợp đồng ký giữa 3 bên, chưa có căn cứ để khẳng định đã bị ký lùi.
Tuy nhiên, theo đại diện Viện Kiểm sát, vi phạm pháp luật tại các hợp đồng này thể hiện như sau: Tại phụ lục hợp đồng, bị cáo Kiên là người đại diện pháp luật của B&B lại nhận ủy thác của bà Hương, đã vi phạm điều 144 khoản 5 về phạm vi đại diện ủy quyền. Như vậy xác lập đại diện ủy quyền của bà Hương cho bị cáo Kiên là vi phạm pháp luật. Mặt khác, quá trình ủy thác tại BB, bà Hương khai: "Tôi (tức Hương) chỉ phụ trách công tác văn thư, quản lý con dấu. Nguyễn Đức Kiên là người hoạch định, quyết định thực hiện. Theo hợp đồng, tôi không phải đặt cọc, và anh Kiên đặt lệnh trực tiếp".
Còn bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên) khai "Không phải là người đại diện pháp luật của B&B, do anh Kiên đi công tác nên anh Kiên đã ký giấy ủy quyền. Về việc ủy thác kinh doanh vàng tôi không hiểu biết gì nhiều mà chỉ ký chứng từ. Khi thấy lỗ nhiều tôi hỏi thì anh Kiên bảo việc kinh doanh để anh và Hương giải quyết".
Bà Nguyễn Thúy Hương và Đặng Ngọc Lan tiếp tục xác nhận lời khai trên tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Đức Kiên đã khai: Các giấy tờ tài liệu vợ tôi và Hương ký theo yêu cầu của tôi. Như vậy, Kiên đã chỉ đạo ký hợp đồng ủy quyền, và sử dụng giấy tờ không hợp pháp để xác định số thuế phải nộp là vi phạm pháp luật.
Bị cáo Kiên nhiều lần nhắc lại rằng, bị cáo không có ý định trốn thuế, và bà Nguyễn Thúy Hương được hưởng chính sách miễn thuế. Về nội dung xét thấy của cáo trạng, có nội dung bị cáo biết trước việc miễn thuế. Bị cáo Kiên đã khai sau khi nghe báo cáo của kế toán, vì biết Nghị quyết 32 chưa được áp dụng thực hiện, nên tại thời điểm đó đã không trích nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát thống nhất không đưa nội dung này vào tranh tụng.
Về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Trần Ngọc Thanh đại diện ACI ký với Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát. Tại điểm 1 của hợp đồng này, Cty ACI cam kết đảm bảo số cổ phần được chuyển nhượng thuộc sở hữu hợp pháp của ACI, chưa chuyển nhượng và không có tranh chấp.
Đến ngày 27/6, Hòa Phát đã chuyển vào tài khoản của ACI và ACI đã chi hết số tiền nhưng vẫn không thực hiện việc giải chấp. Ngày 7/9/2012, Cơ quan điều tra có công văn số 497 yêu cầu ACB chuyển lại số tiền 264 tỷ đồng, nhưng ACI chỉ còn 53 tỷ đồng.
Lãnh đạo ACB cũng có quyết định không đồng ý giải chấp cổ phần của ACI.
Đến ngày 17/9/2012, Cơ quan điều tra - Bộ Công an mới ra quyết định về việc khởi tố bổ sung tội lừa đảo.
Luật sư của bị cáo và bị cáo cho rằng việc khởi tố xuất phát từ cơ quan điều tra là không chính xác. Trong trường hợp cụ thể, Cơ quan điều tra có quyền khởi tố khi phát hiện hành vi phạm tội.
Bị cáo Kiên trong quá trình điều tra đã có đơn khắc phục hậu quả, nhưng trong phiên tòa bị cáo không xác nhận đơn của mình./.
Vũ Hạnh
Theo_VOV
Nguyễn Đức Kiên tiết lộ thông tin không có trong tài liệu Sáng nay (10/12), phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạmtiếp tục diễn ra. Ngày thứ 9, bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo khác tiếp tục bào chữa về tội lừa đảo, trốn thuế. Bắt đầu vào phần bào chữa, bị cáo Kiên nói: Hoạt động của ACB là minh bạch, dân chủ, công khai, quyền...