Tô bánh canh chả cá Phan Thiết
Thực khách có thể chọn một trong ba loại sợi bánh canh và dùng thìa dĩa để ăn.
Bánh canh chả cá là một trong những đặc sản dân dã du khách nên ăn thử khi đến Phan Thiết. Nguyên liệu cá tươi được đánh bắt từ chính vùng biển nơi đây là yếu tố tạo nên sức hút của món ăn. Người nấu sử dụng thịt cá để làm chả, xương cá để nấu nước dùng và mắm cá để nêm. Cá thu ảo, cá chai, cá rựa, cá mối, cá bóp, cá cam là các loài phổ biến dùng để chế biến.
Một tô đầy đủ có thành phần chính là các loại chả cá. Nhiều nơi cho thêm chả thịt, huyết và da heo.
Chả cá được nghiền, quết thật nhuyễn từ thịt cá sống lóc xương, thêm vài miếng mỡ heo cắt hạt lựu rồi trộn gia vị theo công thức riêng mỗi quán, sau đó nặn thành miếng dẹt to bằng khum bàn tay. Chả hấp khi gần chín sẽ được quết một lớp lòng đỏ trứng gà lên mặt trên để tạo độ ngậy và màu sắc bắt mắt. Chả chiên được đảo trong chảo ngập dầu với lửa vừa phải, ra lò có màu vàng ruộm.
Theo một chủ quán, người nấu thường cho tỷ lệ cá thu cao hơn trong thành phần nguyên liệu, để sau khi chín miếng chả sẽ giòn, dai và có màu đẹp mắt hơn.
Video đang HOT
Quán nào cũng làm hai loại chả cá chiên và hấp, được cắt thành miếng nhỏ bày đầy đủ trong tô phục vụ thực khách.
Món bánh canh chả cá Phan Thiết có nước trong, ít váng mỡ, mang vị ngọt thanh, chủ yếu được chiết xuất từ xương cá hầm. Xương heo và da heo tạo độ béo, nhưng không làm đục nồi nước xương cá. Ngoài ra, một số nơi còn thả nấu chung nấm rơm, củ cải trắng để tăng vị ngọt và mùi thơm tự nhiên.
Đặc biệt, các quán bánh canh Phan Thiết thường bán ba loại sợi, đều làm từ bột gạo. Một loại giống sợi bún nhưng to dài, màu trắng đục và có độ bở xốp hơn, thông thường chủ quán sẽ phục vụ loại sợi này. Hai loại còn lại ngắn và to hơn, là sợi bột lọc tròn lẳn màu trắng trong có độ dai và sợi bột xắt có bản dẹt, dẻo hơn.
Khách quen sẽ biết quán bán những loại sợi gì để chọn tùy ý.
Nhiều quán ở Phan Thiết phục vụ thìa và nĩa (còn gọi là dĩa), không phải là đũa. “Bánh canh sợi to trơn, khó quấn lại nếu gắp bằng đũa, nên dùng dĩa để xiên rồi xúc lên sẽ dễ dàng hơn”, một thực khách địa phương lý giải cách ăn này.
Gia vị của món ăn khá đa dạng, bao gồm nước mắm ớt loại mặn hoặc pha ngọt, tiêu, chanh, hành ngò tươi, hành khô. Theo cách ăn của người địa phương, thực khách nên dùng bánh canh khi còn nóng hổi, rồi gọi thêm ổ bánh mì xé nhỏ nhúng nước dùng ăn kèm.
Món ăn được bán cả ngày tại các khu chợ, hàng quán đường phố ở Phan Thiết với giá dao động 15.000 – 35.000 đồng một tô. Những địa chỉ bán bánh canh chả cá được người địa phương gợi ý là bánh canh Xíu (đường Kim Đồng), bánh canh bà Lý (đường Trần Hưng Đạo), bánh canh cô Dung (ngã tư Võ Thị Sáu – Tôn Đức Thắng) và một số quán trên đường Thủ Khoa Huân, đường Tuyên Quang…
Bánh xèo ăn trong tô
Chiếc bánh xèo Phan Thiết to bằng bàn tay được chấm ngập trong nước mắm, không cắt nhỏ, không cuốn khi ăn.
Bánh xèo là món ăn phổ biến ở phố biển Phan Thiết. Dù đều phát ra tiếng "xèo xèo" trong quá trình chế biến, bánh ở Phan Thiết lại khác miền Tây ở hình thức, cách đổ bánh và cách ăn.
Không dùng chảo lớn lòng sâu để tráng bánh xèo, người Phan Thiết dùng một bộ khuôn bằng gang lòng phẳng, có nắp đậy bằng gốm, đường kính tương đương chiều dài bàn tay người lớn.
Một bếp có 6-9 khuôn, được nung nóng bằng than củi bên dưới.
Để đúc nhân bánh, ngoài thịt heo, người bán dùng nguồn hải sản địa phương gồm tôm và mực, một số nơi thêm cá, sò điệp hoặc tép biển. Theo một chủ quán trên đường Tuyên Quang, nhân hải sản nhất định phải chọn tôm sú và mực sữa mới ngon và béo.
Các loại nhân được cắt miếng nhỏ, tẩm ướp trước hoặc để nguyên vị trước khi đúc bánh. Người đứng bếp quết một lớp dầu hoặc mỡ mỏng lên mặt khuôn rồi cho các loại nhân sống vào, nhanh tay đảo cho nhân chín săn lại. Bước cuối cùng, họ đổ hỗn hợp bột bánh vào khuôn gần như ngập phần nhân, rắc nhúm giá sống lên và đậy nắp đợi chín. Nếu từng thử bánh xèo vùng Tây Nam Bộ, thực khách sẽ cảm nhận được bánh xèo Phan Thiết có vỏ dày hơn.
Bánh nhỏ nhanh chín, khách ăn hết đến đâu chủ quán đổ mẻ bánh mới đến đó. Do đó, bánh luôn nóng hổi, có độ giòn. Kích thước chiếc bánh nhỏ, khi gấp đôi vừa miệng ăn, chỉ cần cắn vài miếng là hết. Thực khách thường gắp ăn gọn từng cái, không cần cắt xé làm bánh rách bở.
Về cách ăn, thay vì cuốn với rau và hoặc bánh tráng như miền Tây, người dân địa phương có thói quen chấm ngập cả chiếc bánh nóng hổi cùng các loại rau gia vị trong nước chấm. Vì vậy, đa phần quán bánh xèo ở Phan Thiết phục vụ tô mới có thể đựng vừa chiếc bánh.
Kiểu ăn bánh xèo trong tô ở Phan Thiết.
Nước chấm phổ biến hơi quánh gồm mắm mặn pha đường, có đậu phộng giã nhỏ, cà chua nhuyễn và ớt xắt nhỏ. Có nơi chỉ dùng nước mắm tỏi ớt pha ngọt.
Bánh xèo ở Phan Thiết dễ tìm, được bán nhiều vào buổi sáng và chiều tối. Thực khách địa phương thường nhận diện quán bánh xèo nhờ làn khói tỏa mịt mờ từ những lò đúc bánh được dựng ngay mặt tiền, chẳng cần nhìn bảng hiệu. Trong đó, đường Tuyên Quang ở trung tâm thành phố được mệnh danh là con đường bánh xèo, tập trung những quán lâu năm bán món này. Giá mỗi chiếc bánh khoảng 5.000 - 7.000 đồng, một suất ăn thường có 5 chiếc.
Tâm Linh
Khám phá ẩm thực thành phố biển Phan Thiết Là thành phố biển nổi danh với nắng, gió và nhiều cảnh đẹp, Phan Thiết còn được biết đến là thiên đường ẩm thực với nhiều món ngon hấp dẫn. Phan Thiết - thành phố đầy nắng và gió lôi cuốn du khách bằng những đặc sản địa phương đơn giản nhưng đầy vị đậm đà của miền Trung. Bánh quai vạc Bánh...