Tình yêu đẹp của chàng công an viên với cô gái ngồi xe lăn
Giờ đây, anh chị đã có một cuộc sống hạnh phúc bên nhau trong ngôi nhà nhỏ. Ít ai nghĩ rằng, để đến được với nhau, họ đã phải vượt qua biết bao nhiêu sóng gió. Tình yêu của họ là bản tình ca có cả nụ cười hạnh phúc xen lẫn những giọt nước mắt đắng cay.
Thương cho số phận hẩm hiu
Đến giờ, người dân ở xã Hoằng Quý (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vẫn còn kể cho nhau nghe câu chuyện tình yêu như cổ tích của anh Phan Văn Thành và chị Lê Thị Huệ với một tấm lòng cảm phục.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, nghèo khó ở xã Hoằng Quý, chị Lê Thị Huệ (SN 1980) là con gái út trong gia đình có 4 anh chị em. Khi cất tiếng khóc chào đời, chị Huệ vẫn khỏe mạnh bình thường. Nhưng tai họa bắt đầu ập xuống khi chị Huệ lên 3 tuổi. Sau một cơn sốt kéo dài, chị bị liệt hẳn chân bên phải.
Thương cô con gái nhỏ, bố mẹ chị không quản khó khăn, vất vả, khánh kiệt tài sản đưa chị đi chữa trị khắp nơi. Gần 2 năm trời nằm điều trị ở Bệnh viện Trung ương 71 Thanh Hóa nhưng kết quả đều vô vọng. Không chịu từ bỏ hy vọng, gia đình tiếp tục đưa chị lên Hà Nội chữa trị, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.
Hễ nghe ở đâu có bài thuốc hay, thầy thuốc giỏi chữa bại liệt, bố mẹ đều không quản đường sá xa xôi đưa con gái đến thăm khám. Bất hạnh hơn, trong một lần chữa trị tại nhà một thầy lang ở Nam Định, chị Huệ đã bị châm cứu “nhầm” vào gân chân khiến chiếc chân phải co rút lại.
Vợ chồng anh Thành, chị Huệ sống hạnh phúc bên cậu con trai bụ bẫm. Ảnh:Thắng Hải
Bị tật nguyền, nhưng thẳm sâu trong chị lại là một tinh thần hiếu học. Học hết lớp 9, chị Huệ phải nghỉ do trường quá xa nhà, bố mẹ lại không có điều kiện đưa tới lớp. “Khi nghỉ học, tôi rất buồn, nhớ thầy cô, bè bạn, nhiều đêm tôi úp mặt vào gối để khóc, thương cho số phận hẩm hiu. Thấu hiểu được tâm lý của tôi, bố mẹ đã an ủi, động viên tôi rất nhiều”, chị Huệ kể lại.
Không cam chịu kiếp sống “ăn bám bố mẹ”, chị Huệ xin phép được đi bán hàng giúp người chị gái dưới thị trấn để kiếm thêm thu nhập. Cũng nhờ quyết định này, chị tình cờ gặp được tình yêu lớn nhất cuộc đời mình. Đó là anh công an viên xã Hoằng Cát (huyện Hoằng Hóa) Phan Văn Thành.
Trái tim rung động
Trước khi gặp anh Thành, chị Huệ chưa bao giờ dám nghĩ tới chuyện tình yêu nam nữ. Vậy nhưng, từ khi gặp anh, trái tim cô gái trẻ bất ngờ rung động.
Video đang HOT
Chuyện tình của họ bắt đầu cũng thật giản dị. Ngoài công việc chuyên môn là công an viên phụ trách thôn, thời gian rảnh, anh Thành đi làm thợ xây kiếm thêm thu nhập. Trong thời gian anh xây dựng cho nhà một người quen ở thị trấn Bút Sơn (huyện Hoằng Hóa), anh gặp Huệ, khi đó đang bán hàng cho người chị gái.
Lúc đầu chỉ là lời thăm hỏi xã giao, nhưng qua nhiều lần trò chuyện, anh cảm thấy gắn bó, thân thiết hơn với người con gái tật nguyền này. Những tin nhắn ngày càng nhiều, những cuộc gọi điện tâm sự cứ dài thêm, những buổi gặp gỡ kéo hai người gần lại bên nhau trong một mối đồng cảm sâu sắc. Cứ như thế, một mối quan hệ đẹp đã được anh chị duy trì trong hơn 7 năm trời.
Chị Huệ khéo léo từ chối khi biết anh muốn tiến xa hơn trong tình cảm. Chị tâm sự: “Được anh quan tâm là một niềm an ủi lớn đối với mình. Nhưng nghĩ lại, bản thân tật nguyền, nếu gắn bó với nhau sẽ khiến anh khổ cả đời. Vì yêu anh nên tôi không muốn vì mình mà anh phải khổ.
Để tránh anh, tôi đã thay đổi số điện thoại, nghỉ bán hàng dưới thị trấn, xin làm công nhân may mặc tại TP Thanh Hóa. Nhưng như một mối duyên trời định, đầu năm 2010, sau hơn một năm không liên lạc, chúng tôi bất ngờ gặp lại nhau trong một buổi đi vãn cảnh chùa. Cũng từ buổi gặp ấy, hầu như ngày nào anh cũng đến nhà tôi chơi. Có hôm, anh ngồi từ đầu tối tới tận nửa đêm mới về”, chị Huệ tự hào khoe.
Tình cảm hai người ngày càng thắm thiết cũng là lúc tình yêu gặp trắc trở. Vì ngại làng xóm điều ra tiếng vào, bố mẹ chị Huệ đã ngăn cấm không cho con gái qua lại với anh Thành nữa. Mặc cho chị đóng cổng không tiếp nhưng tối nào anh cũng đến nhà.
“Thường anh ấy cứ đứng ngoài cổng, chờ mình đến khuya. Chỉ đến khi trong nhà đã tắt ánh đèn, anh ấy mới lặng lẽ quay xe về. Mình hiểu tình cảm của anh, thương lắm, nhưng không biết phải làm thế nào”, chị Huệ chia sẻ.
Chị Huệ đã tìm cách giới thiệu cho anh những người bạn của mình. Tổng cộng, chị đã giới thiệu cho anh 5 người bạn gái nhưng tất cả đều không thành do anh vẫn giữ tình cảm cho chị. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Một đêm, chị đi làm về khuya, bên ngoài trời mưa như trút, gió bấc thổi lạnh buốt xương… Khi ra đến cổng công ty, chị thật sự bất ngờ khi thấy anh đứng đó. Trong lòng chị trào lên một cảm giác vừa thương yêu, vừa chua xót, vừa thương cho số phận cả hai người…
Cũng từ sau lần ấy, bố mẹ chị Huệ không còn ngăn cấm anh chị đi lại với nhau nữa. Tình cảm hai người lại càng thêm gắn bó, nhưng trong lòng chị vẫn giữ mặc cảm bản thân, chị luôn tạo một khoảng cách nhất định với anh.
Ngày Giáng sinh, anh hứa đưa chị đi chơi phố, nhưng bất chợt đến sát giờ hẹn, anh lại báo tin bận việc do được cấp trên cử đi bảo vệ người dân vui dịp lễ. “Lúc đó tôi bỗng thấy hụt hẫng, thấy thiếu một điều gì vốn rất quen thuộc trong đời mình và bỗng nhận ra đã yêu anh. Đêm hôm đó tôi đã khóc rất nhiều vì nhớ anh”, chị Huệ nhớ lại.
“Hạnh phúc của tôi, tôi chọn lựa!”
Trong suốt thời gian yêu nhau, kể cả khi đã cầu hôn, anh Thành vẫn giữ bí mật chuyện này với gia đình mình, vì lo sợ bố mẹ phản đối. Đến khi tình cảm đã “chín muồi”, anh mới công khai mọi chuyện, xin phép bố mẹ được cưới chị Huệ về làm vợ.
Nghe con muốn cưới một cô gái tật nguyền ở xã bên, bố mẹ anh Thành phản đối dữ dội. Mọi biện pháp được đưa ra, từ khuyên nhủ đến biện pháp mạnh như dọa từ mặt vẫn không làm anh Thành lay chuyển. Cuối cùng, trước quyết tâm của con, bố mẹ anh đành phải đồng ý, lễ thành hôn tiến hành vào đầu năm 2013.
Anh Thành vẫn nhớ cảm giác khi đưa chị về nhà. Thời khắc anh bế chị từ trên xe ô tô xuống chiếc xe lăn, hàng trăm ánh mắt đổ dồn vào mình. Một sự im lặng khủng khiếp bao trùm bầu không khí xung quanh. Mẹ anh khóc nấc lên, anh trai không nhìn mặt, em gái gắt gỏng với anh. Nhưng điều khiến anh lo nhất vẫn là chị. “Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng thật sự mình vẫn bị sốc”, chị Huệ kể.
Sau ngày cưới, anh đưa chị về bên ngoại để tiện bề chăm sóc. Tình yêu nở hoa khi chị hạ sinh đứa con đầu lòng – cháu Phan Khánh Vinh vào cuối năm 2013. Để lo cho tương lai của con, anh Thành đã thôi các công tác xã hội như: Công an viên, thôn đội trưởng dân quân để đi làm ăn xa. Vài tháng anh mới trở về thăm nhà.
Xa nhau nhưng tình cảm của hai anh chị vẫn rất nồng nàn. Ngày nào anh cũng gọi điện về nhà hỏi thăm hai mẹ con. Chị tuy không thể giúp được anh việc lớn nhưng cố gắng chăm sóc con thật tốt và làm các công việc nhỏ trong gia đình.
Bây giờ, trong ngôi nhà nhỏ của anh chị luôn tràn ngâp tiếng cười. Ở đó có tình yêu, có niềm tin vào tương lai. Và còn hơn hết, ở đó có câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích, truyền niềm tin vào cuộc sống cho nhiều người.
Giữa bao nhiêu ánh mắt đầy định kiến, anh đã dang tay che lấy chị, nói: “Hạnh phúc của tôi, tôi chọn lựa!”. Cho đến bây giờ, câu nói ấy vẫn luôn văng vẳng trong tim chị, truyền cho chị một niềm tin vượt qua định kiến.
Theo Xuân Thắng – Xuân Hải
Gia đình & Xã hội
Người đàn bà hóa điên sau 15 năm tựa cửa chờ chồng phụ bạc
Qua một đêm mệt nhọc vì đứa con sơ sinh quấy khóc, chị Lành tỉnh dậy thì phát hiện chồng đã bỏ đi đâu mất. 15 năm đằng đẵng trôi qua, chị mòn mỏi ôm con chờ chồng trong vô vọng.
Những lúc ốm đau, chỉ có hai mái đầu già chăm nhau. Ảnh TG
Thời gian cứ trôi đi, bao nhiêu yêu thương, giận hờn, chờ đợi trong tuyệt vọng đã khiến người vợ trẻ đã hóa điên dại. Những tiếng khóc nhớ chồng trong đêm, những tiếng gọi chồng tha thiết lúc tỉnh lúc mê như xé lòng những người chứng kiến...
Hòn Vọng phu thời hiện đại
Trước căn nhà nhỏ ở thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến (TT. Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), người phụ nữ có cái tên nhu mì Phan Thị Lành (36 tuổi) với mái tóc đen, mượt ngồi thẫn thờ trước cửa nhà. Thỉnh thoảng, chị lại tự nói một mình khiến những người xung quanh không khỏi ái ngại, thương xót. Được một lúc, hai ông bà già lập cập đến bên cạnh, nói nhỏ vài câu rồi kéo chị vào nhà. Thế nhưng, chị vẫn ngoảnh mặt ra ngoài, nói vớt vát: "Mệ để con đợi ảnh về! Ảnh sắp về rồi!". Sự tò mò cùng lời nói cám cảnh của bà bán nước khiến tôi chạnh lòng: "Tội nghiệp con Lành! Đẹp người đẹp nết như thế mà bỗng dưng hóa điên vì đợi chồng!". Câu chuyện về "hòn vọng phu" thời hiện đại cứ bám víu lấy suy nghĩ của tôi. Phận đời đầy những long đong của một người phụ nữ cứ hiển hiện qua lời kể đầy nước mắt xót xa...
Gia đình đông anh em nên Lành nghỉ học sớm ở nhà phụ giúp mẹ việc đồng áng. Cô gái có nước da trắng, tính tình hiền hậu được nhiều người quý mến vì sự siêng năng, hay lam hay làm và nụ cười hút hồn người khác. Phan Thị Lành và chàng trai cùng quê Hoàng Văn Hiếu học chung phổ thông. Hai người vốn là bạn học với nhau từ cấp II. Sau khi tốt nghiệp lớp 9, Hiếu gửi cho Lành một lá thư vỏn vẹn chỉ có dòng chữ: "Công chúa à, tớ thích bạn!". Thế rồi, tình cảm hai người cứ thế nảy nở theo thời gian, tình yêu ấy của Lành và Hiếu được nuôi dưỡng suốt những năm tháng cấp ba. Cả xóm ai cũng chúc phúc cho đôi tình nhân vừa đẹp người vừa đẹp nết. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tình yêu của đôi trẻ cũng đến độ chín muồi, Hiếu dẫn người nhà đến đặt vấn đề làm đám cưới.
Cưới xong, hai vợ chồng Lành đi hưởng tuần trăng mật mãi tận miền Nam khiến nhiều bạn bè cùng trang lứa ngưỡng mộ, bởi ở làng quê nghèo này mấy ai có điều kiện được như vậy. Chuyện tình thật đẹp của họ đơm hoa kết trái khi đứa con kháu khỉnh ra đời. Nhưng cũng từ ngày ấy, Hiếu bắt đầu biểu hiện thái độ khác với vợ con. Rồi một đêm mưa gió cách đây 15 năm, Hiếu lặng lẽ mở cửa bỏ đi không một lời từ biệt. Sáng thức dậy, chị Lành không tìm thấy chồng đâu, đứa con thì vẫn ngủ ngoan trong vòng tay người mẹ. Cô chạy ra ngoài rồi chạy sang nhà hàng xóm tìm Hiếu, tìm cả nhà bạn bè trong làng trong xã cũng không thấy chồng đâu.
Nhiều ngày sau đó, Lành miệt mài tìm nhưng không thấy tung tích của chồng. Người trong xã ở nhiều nơi có lúc điện thoại về báo gặp anh Hiếu ở chỗ này, chỗ nọ. Nhiều lần khác, chị lại được mọi người bảo anh Hiếu đã có vợ khác... Chị Lành nhất quyết không tin vào điều đó và ngày đêm ngóng đợi. Như giọt nước tràn ly, sự chờ đợi trong tuyệt vọng khiến chị phát điên. Một ngày nọ, người làng thấy chị hét lớn rồi chạy khắp hang cùng, ngõ hẻm trong thôn để... tìm chồng. Dân làng nghe vậy bèn đưa đến trạm y tế xã. Sau khi được sự giúp đỡ của bác sĩ, chị Lành cũng bắt đầu bình tĩnh trở lại, không đập phá nhưng suốt ngày nói lảm nhảm như người mất hồn. Từ hôm đó, thỉnh thoảng người dân lại thấy Lành chạy từ làng trên xóm dưới gọi tên chồng trong vô vọng.
Thương con, ba mẹ chị là ông Dương Tường (67 tuổi) và Trần Thị Hiền (68 tuổi) đi cúng bái tứ phương nhưng không đỡ. Cực chẳng đã, vợ chồng ông đưa con gái vào khám và điều trị ở bệnh viện tâm thần Huế. Điều trị được vài hôm, Lành có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn như người mất hồn, lúc buồn lại ra đường đứng khiến cả nhà lo lắng đi tìm. Bà Hiền cho biết, nửa đêm đang nằm ngủ, nhiều lúc Lành bật dậy khóc nức nở rồi đòi mở cửa đi tìm chồng. Khi đó, bà chỉ biết ôm con vào lòng an ủi, cả hai mẹ con cùng khóc cho số phận hẩm hiu.
Điên tình là do sang chấn tâm lý Theo góc nhìn tâm thần học, bệnh nhân điên vì bị người yêu phản bội là một dạng loạn thần cấp do những sang chấn tâm lý, tình cảm, ảo giác và trong một giai đoạn nào đó cảm giác lên đến tột đỉnh khiến bệnh nhân luôn mất ăn, mất ngủ thậm chí đờ đẫn, suy dinh dưỡng.
Những âm thanh xé lòng...
Từ khi chồng bỏ đi, ngày ngày chị Lành cứ chạy ra đường quốc lộ đứng đợi chồng, ai gọi cũng không về, ai khuyên cũng không nghe. Đứng mãi như thế, đến khi tối mặt người mới lọ mọ rảo bước về nhà. Mỗi lần thấy chị Lành như vậy, ông Tường lại tìm cách bắt con về nhốt trong nhà để tiện chăm sóc và tránh tai nạn cho chị. Bà Hiền (mẹ chị Lành) nhớ lại: "Khi chồng bỏ đi, cháu Lành cứ đứng mãi ngoài đường quốc lộ đợi chồng, không ăn uống, không chịu về. Ba của nó phải nhờ người bắt về nhốt lại. Làm cha làm mẹ thì chẳng ai lại muốn nhốt con mình nhưng cái Lành đã thành ra thế, biết làm sao cho đặng. Mà nếu không nhốt thì có lẽ, con tui đã chết ở đầu đường xó chợ rồi!". Mấy năm nay, bệnh tình của Lành ngày một nặng hơn. Ông Tường kể, bữa trước Lành còn xé hết quần áo rồi chạy quanh làng. Khi thì cô nói cười một mình ở bụi rậm, khi thì ngồi cười ngẩn ngơ bên cái ao trước nhà.
Hàng ngày, bà Hiền và ông Tường phải thay nhau vào rừng bẻ cây rành rành đan chổi, bẻ nhánh bạch đàn đem bán cho hàng quán. Ông đi thì bà phải ở lại coi sóc hai đứa con lúc nào cũng ngớ ngẩn, chẳng biết ai là ai như thế. Con gái cả là Lành bị người chồng bỏ rơi, trong cảnh nhớ thương, đợi chờ chồng chị ta trở nên điên dại. Còn cậu con trai thứ đang tỉnh táo, bình thường thì một ngày bị đám trai làng khác đánh đến nỗi hóa ngẩn ngơ. Cậu con trai Phan Văn Toản (25 tuổi) trước kia rất khỏe mạnh và hiếu thảo với cha mẹ. Thương cha mẹ già, từ khi thôi học Toản siêng năng làm việc, khi thì vỡ nương, cuốc ruộng, khi thì đi phụ hồ, làm thuê mướn kiếm tiền nuôi gia đình. "Trước nó giỏi lắm, cái gì cũng làm được hết. Từ hôm bị đám trai làng khác đánh, nó kêu đau đầu rồi thành ra hóa điên như vậy". Ông Tường ngậm ngùi kể. Có thể, những hình ảnh vật vờ, những nụ cười man dại, hay những việc làm quái gở không giống ai... khi chứng kiến ở hai chị em Lành khiến không ít người cảm thấy ghê sợ, xa lánh. Thế nhưng được gặp và nghe kể về câu chuyện tình bi ai khiến Lành phải trở nên như vậy, điều đọng lại với chúng tôi là sự day dứt, tiếc nuối và cả nỗi xót xa cho thân phận con người, cả người tỉnh lẫn người điên trong ngôi nhà nghèo khó này.
Theo Đức Nghĩa
Gia đình & Xã hội
Cảm động người chồng 5 năm tận tụy chăm vợ bệnh Nhà anh đã khó, lại đeo thêm cực khi vợ mắc bệnh hiểm nghèo. Mọi lo toan đè nặng vai người chồng, nhưng anh vẫn cố gắng, hy vọng và động viên vợ không buông tay bỏ cuộc... Hạnh phúc mong manh Đó là hoàn cảnh của gia đình anh Lê Xuân Kỳ, chị Lê Thị Huệ ở xã Xuân Quang - Huyện...