Tình yêu cổ tích của người đang giành giật sự sống
Gia đình hạnh phúc của “người chạy thận” Mai Anh Tuấn.
Gặp gia đình anh chị tại căn phòng nhỏ nằm ở đường Lê Thanh Nghị (Hà Nội). Bước vào căn phòng chừng 12m2 ấy, ấn tượng ban đầu đối với tôi là những tiếng nói, cười vui vẻ của những thành viên trong gia đình.
Gia đình anh Mai Anh Tuấn (SN 1976) và chị Phùng Thị Nghĩa (SN 1977) chính là niềm vui của “xóm chạy thận”. Chuyện tình của anh chị đã trở thành “thiên tình sử” khi nó được mọi người truyền miệng kể cho nhau nghe.
Con mắt “hình viên đạn” bắt đầu một tình yêu
“Hai anh chị ấy đều quê gốc ở Ba Vì (Hà Nội), nhưng từ hồi anh Tuấn mắc bệnh suy thận phải lên đây chạy thận thường xuyên thì thuê căn phòng nhỏ ở ngõ này. Anh chị ấy ở đây cũng đã được 17 năm rồi. Lúc đầu cũng chỉ là bạn bè thân tình thôi, nhưng về sau không biết thế nào mà anh Tuấn có thể “cưa đổ” được chị Nghĩa – một người con gái không quá xinh đẹp nhưng bù lại chị ấy chăm chỉ, cởi mở, khéo nói và có duyên lắm” – vừa nói, em Thành (sinh năm 1993, người trẻ nhất “xóm”) vừa dẫn tôi tới căn phòng của đôi vợ chồng Tuấn – Nghĩa.
Anh Tuấn nhớ lại 20 năm về trước. Khi ấy, anh còn là người thanh niên khỏe mạnh, mang trên mình biết bao giấc mơ, hoài bão về tương lai. Nhưng đến năm 1996, trong một trận ốm “thập tử nhất sinh”, anh được gia đình đưa lên Bệnh viện Bạch Mai cứu chữa thì các bác sĩ ở đây kết luận anh bị “suy thận mạn tĩnh” phải “chạy thận” (lọc máu, hút những độc tố trong máu ra) thường xuyên mới có cơ hội sống sót.
“Căn bệnh đến bất ngờ quá khiến cho tâm lý của tôi suy sụp hoàn toàn, nhiều lúc tuyệt vọng vì nghĩ mình chẳng còn sống được bao lâu, nhưng lúc ấy nhờ có Nghĩa ở bên cạnh động viên nên tôi đã kịp lấy lại cho mình tinh thần để chiến đấu tiếp với bệnh tật. Mới thế mà đã thấm thoát 17 năm rồi” – kể đến đây thấy tôi có vẻ không hiểu, anh Tuấn như sực nhớ ra, khẽ tủm tỉm cười rồi kể tiếp: Anh và chị nhà học chung với nhau cùng một mái trường cấp 3. Tốt nghiệp trung học, hai người đều lên Hà Nội làm việc.
Chị làm công nhân may ở xưởng may Chiến Thắng, còn anh thì chạy lang thang ở các chợ lao động để làm thuê. Nhưng lúc ấy vẫn chưa quen biết nhau, mãi đến năm 1993, qua một người bạn giới thiệu anh mới quen được chị Nghĩa. Lúc đầu, cũng chỉ là tình cảm bạn bè đồng hương bình thường, thi thoảng hai anh chị cũng gặp mặt, uống với nhau cốc nước, trò chuyện với nhau những gì diễn ra trong cuộc sống chứ chưa hề có ấn tượng gì sâu đậm về nhau.
Mãi đến năm 1996, anh Tuấn bị bệnh phải nằm điều trị dài ngày ở Bệnh viện Bạch Mai, lúc đó tranh thủ những lúc nghỉ làm, chị Nghĩa lại vào bệnh viện thăm anh, động viên anh cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Cứ như thế, hình ảnh của chị Nghĩa đi vào trong trái tim anh Tuấn lúc nào không biết.
Video đang HOT
Chị Nghĩa bảo: “Ngày ấy thấy anh bị bệnh, là bạn bè chơi với nhau lâu ngày thì tranh thủ xuống động viên anh ấy với suy nghĩ mong cho người bạn của mình đừng gục ngã trước số phận, chứ có ai ngờ rằng lại đem đến cho anh tình yêu lớn như thế. Ngày anh Tuấn nằm trong viện, chị cũng đang yêu một người con trai khác được. Mỗi lần chị vào viện thăm anh Tuấn thì anh ý đều đưa đi rồi đứng chờ chị ở ngoài”.
Nhưng rồi, tất cả đã bị đảo lộn chỉ trong một giây phút trào dâng tình cảm trong tình yêu. Một ngày cuối tháng 4.2002, tại căn phòng mà chúng tôi đang trò chuyện, chị Nghĩa cùng người yêu của mình đến thăm anh Tuấn. Sau những lời động viên, thăm hỏi, chị Nghĩa xin phép ra về thì bất chợt bắt gặp anh Tuấn nhìn chị bằng “ánh mắt khác thường” (mà theo chị Nghĩa đó là “con mắt hình viên đạn”).
Nhớ lại cái giây phút đó, chị Nghĩa bảo: “Dù đã xảy ra hơn 10 năm nay, nhưng không bao giờ chị quên được cái nhìn đó. Chị không biết phải diễn tả như thế nào, chỉ biết rằng lúc bấy giờ khi chị nhìn sâu vào đôi mắt ấy, chị thấy trái tim mình như tan chảy. Anh Tuấn lúc đó chỉ im lặng mà nhìn chị. Tuy anh không nói lời nào, nhưng trong thâm tâm chị hiểu anh biết người yêu chị đang chờ ngoài cổng và anh Tuấn không muốn chị đi lúc đó. Thế rồi, không biết lúc đó tại sao mà chị chạy ra bảo người yêu của mình về trước rồi quay trở lại phòng trò chuyện cùng với anh”.
Từ giây phút ấy, cứ sau mỗi lần tan ca ở xưởng may, chị Nghĩa lại lóc cóc đạp xe vượt qua quãng đường gần 10km đến “xóm chạy thận” nấu nướng, giặt giũ quần áo giúp anh Tuấn. Hàng xóm của anh Tuấn trong “xóm” cũng như người trong bệnh viện dần quen với hình ảnh một cô gái còn mặc nguyên đồng phục của Cty may Chiến Thắng cứ sau giờ làm lại ghé phòng anh Tuấn.
Cái ngày mà anh Tuấn “cầu hôn” chị cũng thật đặc biệt. Trong một góc khuất của Bệnh viện Bạch Mai, anh vội kéo tay chị ra một góc mà nói rằng: “Hãy lấy anh nhé, anh sẽ có trách nhiệm với em”. Lời nói tưởng chừng như đơn giản nhưng chân thật đó đã làm cho chị Nghĩa xúc động mà ôm anh vào lòng và khóc nói rằng: “Vâng! Anh nhớ nhé”.
“Sống một ngày, một tháng cho tình yêu cũng mãn nguyện”
Anh Tuấn đã vượt qua được mặc cảm của con người bệnh tật, luôn luôn suy nghĩ thua kém người khác để cầu hôn với người con gái mình yêu. Những tưởng tình yêu đã nở hoa với hai người, nhưng rồi hai anh chị vấp phải một thử thách khác đến từ gia đình chị Nghĩa và bạn bè xung quanh. Theo anh Tuấn, nếu như không có sự quyết tâm của vợ mình thì có lẽ anh chị mãi không nên duyên vợ chồng với nhau được.
Ngày hai anh chị công khai mối quan hệ của mình, cả “xóm chạy thận” mừng lắm. Với họ đó không chỉ là chuyện vui mà còn làm cho họ lóe lên hy vọng về tương lai của chính bản thân mình, một người bệnh tật hiểm nghèo được một người bình thường chấp nhận yêu thương, cùng đi suốt cuộc đời này. Nhưng rồi, họ hiểu ra được cái sự vất vả mà chị Nghĩa phải gặp khi lấy một người chồng bị suy thận.
Có người thủ thỉ vào tai chị mà khuyên rằng: “Cô rất hoan nghênh tình cảm của cháu dành cho Tuấn, nhưng cô phải nói thật, bệnh thận dù vẫn có con bình thường, song như một cái án tử được báo trước, nó sẽ đến bất kỳ lúc nào. Hơn nữa bệnh này tiêu tốn rất nhiều tiền, cháu định quần quật cả ngày để chạy thận cho chồng sao? Rồi không có thì giờ chăm sóc cho bản thân đâu”. Chị Nghĩa nghe thế lắc đầu đáp lại: “Cháu hiểu và cháu chấp nhận tất cả”.
Gia đình nhà chị biết chuyện, bố chị phản đối kịch liệt. Đã nhiều lần ông gọi chị đến mà khuyên rằng: “Bạn bè chơi với nhau lúc khó khăn không nên bỏ, nhưng chỉ giúp nhau về mặt kinh tế, còn con quyết định lấy nó thì bố không đồng ý. Nếu con còn muốn đến với nó thì coi như không còn bố ở trên đời này nữa”. Rồi ông đi vận động anh em trong dòng họ can ngăn chị đến với anh Tuấn.
Chị gạt đi dòng nước mắt lăn dài trên má mà nói với bố mình rằng: “Không riêng gì anh Tuấn, sau này nếu con gặp người nào đó, kể cả là ăn mày mà con yêu thì con sẽ lấy làm chồng. Con sống với người con yêu dù chỉ một ngày, một tháng con cũng thấy mãn nguyện rồi”.
Tháng 10.2002, hai anh chị cưới nhau, chị vừa hạnh phúc vừa cảm thấy tủi thân trong lòng. Người ta về nhà chồng được bố mẹ sắm sửa cho đủ mọi thứ, đài loa linh đình, bạn bè, anh em đến chung vui, còn với chị, chị lặng lẽ từ Hà Nội về chào bố, xin phép được về làm vợ anh Tuấn.
Người em của chị Nghĩa biết chuyện đi từ trong TPHCM ra, nhưng bố chị cũng không cho gặp, ông “cấm” tất cả anh em trong nhà không ai được đi cùng chị ngày cưới. Rồi chị lủi thủi đi bộ một mình suốt quãng đường 7km để đến nhà anh, vừa đi chị vừa khóc, khóc cho số phận, khóc cho tình yêu của mình. Cũng vì lẽ đó mà bên gia đình nhà anh Tuấn cũng chẳng “mở rộng” làm gì, chỉ vỏn vẹn vài ba mâm cơm cúng gia tiên, mời một vài người anh em thân thiết đến chứng kiến, thế là anh chị nên vợ nên chồng từ đó.
Hạnh phúc trọn vẹn
Sau ngày lấy nhau ở quê nhà, anh chị đã phải chuyển ngay lên căn phòng tại “xóm chạy thận” để thuận tiện cho việc chữa bệnh của anh Tuấn. Chung sống với nhau được 10 năm, hai anh chị đã có với nhau được đứa con trai là cháu Mai Chiến Thắng (10 tuổi). Cháu Thắng chính là minh chứng cho tình yêu, hạnh phúc của gia đình chị cũng như là niềm hy vọng của cả “xóm chạy thận” này. Từ ngày sinh cháu Thắng ra, bố chị Nghĩa cũng vì thế mà nguôi lòng đón nhận người con rể và đứa cháu ngoại. Ông đã coi anh Tuấn, cháu Thắng như con cháu trong nhà.
Chị sẽ còn nhớ mãi cái đêm cậu con trai ra đời. Hôm ấy anh Tuấn sốt cao phải vào Bệnh viện Nhiệt đới. Chị vừa trở về phòng nằm, gần 3h sáng, chị vỡ ối. Ngày hôm sau, chờ mãi không thấy vợ mang cơm vào như thường lệ, anh về nhà và nhận tin từ bà chủ nhà: “Vợ cậu nhập viện sinh con tối qua”. Mọi mệt mỏi tiêu tan, anh lao vào viện. Nhìn hai mẹ con nằm trên giường, lúc ấy anh thấy “mình đúng là người hạnh phúc nhất”. Giờ đây, cậu con trai Mai Chiến Thắng đang bước vào lớp 3. Mỗi năm học kết thúc, nhìn giấy khen của con, chị nở bừng nụ cười hạnh phúc.
Căn bệnh suy thận của anh Tuấn đã “thổi bay” hầu hết những thứ có giá trị trong gia đình. Một tuần anh Tuấn phải vào bệnh viện chạy thận 3 lần, mỗi lần như thế chi phí cũng hết gần 1 triệu đồng. Để có tiền cho anh chữa bệnh, chị Nghĩa phải xoay ra làm đủ thứ nghề. Thấy làm công nhân may thu nhập chẳng bao nhiêu, chị bỏ việc vào bệnh viện bán hàng nước.
Thấy vợ vất vả, anh Tuấn xin bệnh viện cho mình được chạy thận vào ban đêm, ban ngày anh tranh thủ thời gian làm xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Mỗi lần anh Tuấn đi lọc máu, người ta lại thấy hình ảnh hai anh chị cầm tay nhau, vui vẻ cười đùa bước qua cánh cổng bệnh viện.
Theo laodong
Người vợ liệt sĩ mòn mỏi sau 13 năm chạy thận
"Bà ấy có lương vợ liệt sĩ được hơn 1 triệu nhưng phải chạy thận gấp đôi số ấy. Vì không được hưởng bảo hiểm y tế của người nghèo nên 70 tuổi, đau yếu mà vẫn phải lao động kiếm tiền đấy" - ông Nguyễn Văn Tấn, trưởng xóm chạy thận kể.
Người mà ông Tấn nói tới là bà Mai Thị Hạnh (70 tuổi ở thôn Xuân Điềm, xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên). Bà Hạnh là bệnh nhân chạy thận trong bệnh viện Bạch Mai đã được 13 năm, hiện thuê trọ trong xóm nghèo trên phố Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Bà Hạnh buồn rầu ngồi dậy tiếp chuyện chúng tôi trong căn phòng chừng 5m2, tối hun hút. Bà bảo chỉ bật điện vài tiếng một ngày vào lúc ăn cơm, dọn dẹp tí chút, còn không thì phải tắt đi cho đỡ tốn tiền. "Tôi đang bị ốm, cô thông cảm. Khổ quá rồi cô ạ, giá tôi đi theo ông ấy ngay được thì tốt" - bà Hạnh tỏ vẻ bi quan.
Bà Hạnh với cánh tay phồng lên vì chạy thận.
"Tôi và nhà tôi có con gái được 1 tháng tuổi thì ông ấy đi bộ đội rồi từ đó bặt tin. 5 năm sau ngày chồng đi B, cũng là khi đất nước được giải phóng. Tôi đi khắp huyện, tỉnh, gặp những người đi B cùng thời gian với chồng để hỏi tin tức. Ai cũng nói ông ấy hy sinh, tôi vẫn không tin cho tới khi nhận được giấy báo tử" bà Hạnh kể về cuộc đời mình.
Người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi này cho hay, khi còn thanh niên, bà cũng làm việc ở Công ty thương nghiệp, chuyên đi thu mua nông phẩm về cho cơ quan. Nhưng sau đó, chồng đi vắng, mẹ chồng bị tật ở chân nên bà phải xin nghỉ về nhà. Khi đất nước còn khó khăn, một mình nuôi con thơ, mẹ già tàn tật khiến bà Hạnh chịu nhiều vất vả. Thế nhưng tới khi con gái trưởng thành thì bà lại mắc bệnh trọng.
"Cô con gái lấy chồng làm ruộng nên cũng chẳng có điều kiện nhiều. Con tôi đã phải dốc hết sức mình để chăm mẹ suốt hơn chục năm, tới nay, tôi phải tự thân vận động là chính. Tiền lương có gần 1,2 triệu, tôi được hưởng bảo hiểm diện chính sách nên không được miễn hoàn toàn viện phí. Hằng tháng, tôi phải lo có khoảng 2 triệu mới đủ tiền thuốc và tiền nhà. Bà bạn ở giường bên đã về với tổ tiên rồi, nay còn mình tôi trong căn phòng này. Không biết bao giờ những vết phồng ven này mới xẹp xuống" bà Hạnh rầu rĩ.
Sở dĩ bà Hạnh không thuộc diện hộ nghèo vì một mình bà đã có lương gần 1,2 triệu. Chẳng ai muốn là người nghèo nhưng bà Hạnh lại mong muốn điều đó vì nếu có bảo hiểm của người nghèo, bà sẽ được miễn tới 95% tiền viện phí, thuốc men. Nếu là diện chính sách, bà chỉ được thanh toán 80% chi phí. "Bà ấy hiện giờ không đủ sức làm gì. Tiền lương chưa đủ tiền thuốc, còn tiền nhà, tiền ăn nữa. May mắn có 1 bệnh nhân trong xóm này nhờ bà ấy giúp việc trông máy chạy thận. Một tuần bà ấy đi chạy thận 3 lần, 3 buổi còn lại đi trông máy giúp bệnh nhân khác. Vì chạy thận đã lâu nên bà ấy biết điều khiển máy móc, ngồi trông, nâng đỡ cho bệnh nhân, nếu có việc gì thì đi gọi ngay bác sĩ. Tiền thu nhập khoảng 700/tháng cũng giúp bà ấy trang trải phần nào. Bà ấy đau yếu mà ăn uống kham khổ lắm, chỉ có bát cơm nước mắm" ông Tấn kể.
"Mười mấy năm ở xóm chạy thận, tôi hiểu được sự khó khăn của những người láng giềng cùng cảnh ngộ. Chỉ mong sao bệnh viện Bạch Mai nhận được nhiều tấm lòng từ thiện và giúp đỡ người bệnh nghèo. Tôi tuổi đã cao, chỉ mong sớm về với đất để không phải chịu đau đớn nhưng còn các cháu trẻ tuổi, xin hãy giúp đỡ chúng được khỏi bệnh" - bà Hạnh mong mỏi điều tốt lành tới cho những người bệnh khác chứ không phải với mình.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về bà Mai Thị Hạnh (70 tuổi ở thôn Xuân Điềm, xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên). ĐT 0166 230 5353.
Theo vietbao
Những phận đời mưu sinh để... chạy thận Mang căn bệnh hiểm nghèo, chấp nhận sống chung thân với bệnh tật từ số phận, cuộc sống trăm bề khó khăn nhưng họ không đầu hàng hoàn cảnh. Vừa đấu tranh chống lại nỗi đớn đau của thân xác, vừa cặm cụi lao động mưu sinh bằng chút sức tàn còn lại, với những người bệnh này, Bệnh viện Nhân dân 115...