Tình yêu, cái nghèo và ‘cạp đất mà ăn’
Em chỉ nghĩ trong bước đường đời không có chí thì chẳng cạp gì nên nổi… Trong tình yêu chẳng tình, chẳng ý thì cạp gì cũng sẽ buông lơi…
Em tự hỏi vì sao tình yêu chúng mình có thể tồn tại – một cô gái thị thành với chàng trai quê xa ví mỏng? Và em nhận ra vì nghèo, em yêu anh hơn!
Ừ, anh nghèo em tủi. Người yêu của bạn không xe ga thì bốn bánh, thế nên em chẳng mấy khi dẫn anh đi tụ tập, sợ lũ bạn cười chê. Nhưng anh biết không, thỉnh thoảng trong giấc mơ, em vẫn mơ thấy anh và em – trên con Wave chiến cũ mèm cùng anh vi vu khắp chốn. Hình như hạnh phúc em mới mơ…
Hạnh phúc với em là được cùng anh vi vu khắp mọi nơi (Ảnh minh họa)
Ừ, em tủi thân. Nhiều lúc thèm cùng anh đi ăn KFC rồi đành ngậm ngùi, chắc anh chẳng đủ tiền đâu… Nhưng thay vào đó, em thích cùng tụi bạn anh lê la mấy quán trà đá, quán ăn vỉa hè khắp thành phố này, điều mà trước kia em không biết nó có nét thú vị riêng đến vậy.
Ừ thì em cũng tủi thân khi chẳng được bạn trai mua quần nọ, áo kia, cũng chẳng dám diện đồ đẹp nhất khi đi với anh. Nhưng tốt thôi, em chẳng cần shopping tối ngày để vừa mắt người yêu, chẳng cần ra ngắm vào vuốt, học mấy lối trang điểm đậm đà này nọ. Anh nói, em thế này là đẹp lắm rồi, đẹp thêm anh sợ mất lắm!
Ừ, em đã rất tủi khi đưa anh về nhà, bố mẹ nghĩ anh lợi dụng con gái họ để đào mỏ. Nhìn anh kiên nhẫn chuyện trò, em thương lắm biết bao. Giây phút ấy em cầu mong anh kìm chế và đừng bỏ cuộc, nhé anh…
Bạn bè hỏi vì sao em yêu anh, trong khi đại gia thì không nhưng chẳng ít thiếu gia vây quanh săn đón. Em nhớ chứ, lần sinh nhật năm ngoái có gã nhà giàu tặng em chiếc điện thoại xa xỉ, rủ đến nhà hàng mở tiệc cho em. Còn trước đó anh vội vã chạy đến đặt vào tay em món quà nhỏ, hôn vội lên trán em và nói tối ấy anh phải trực. Em chỉ biết nín thinh.
Xin lỗi anh, em đã không nhận món quà của H nhưng trong lúc thất vọng đã nhận lời đi chơi cùng anh ấy. Ngồi trên chiếc ô tô sang trọng, ăn những món ăn ngon, bỗng nhiên em thấy mình lạc lõng, cổ họng nghẹn ứ, em thương anh biết mấy… Lúc về, em đã khóc cả đêm vì thương anh đấy, ngốc à!
Trong suy nghĩ, em vẫn luôn mong anh chớ bao giờ bỏ cuộc (Ảnh minh họa)
Nếu anh không nghèo, hẳn em chẳng yêu anh đến thế này. Anh giàu cũng sẽ mua quà đắt tiền như người ta chứ chẳng phải chạy khắp thành phố để tìm quà và hì hục chế chiếc thiệp handmade cho em.
Video đang HOT
Nếu anh giàu, nhưng tối ngày đàn đúm như thiếu gia kia, hẳn em sẽ chẳng có nơi để dựa vào mỗi khi mệt mỏi, sau này em sẽ chơi vơi…
Anh giàu, hẳn em sẽ không nhìn thấy giọt nước mắt quay vội khi anh bước ra khỏi ngõ nhà em, dù vừa đặt tay lên vai em mà rằng “Rồi bố mẹ sẽ quý anh, cưng à!”
Anh giàu, hẳn sẽ chẳng bao giờ ôm em thật chặt mà nói “Xin lỗi em, anh làm em thiệt thòi lắm phải không?” Em biết mình có thiệt thòi một thì anh cũng suy nghĩ mười.
Vì anh nghèo thế nên em phục anh lắm. Vì anh biết cách tiêu tiền hợp lý, anh tôn trọng đồng tiền mà bố mẹ anh cực khổ kiếm ra không hoang phí như em… Anh nghèo nên anh biết chăm chỉ làm việc để tích cóp, để cưới em, để mua nhà cho em nữa…
Bằng sự trải nghiệm của mình, em tin rằng tình yêu dành cho anh là đúng (Ảnh minh họa)
Người ta nói đã yêu thật lòng thì tiền bạc không quan trọng. Nhưng anh ơi, tình yêu thôi chưa đủ… Dù anh có một lòng một dạ với em… nếu anh đã nghèo lại vô tâm nữa, hẳn em sẽ “đá” anh ngay… Nếu anh nghèo lại tự ti, dễ dàng chùn bước hẳn em sẽ chán mà bỏ đi rồi…
Em biết anh nghĩ ngợi lắm khi nhiều những cô gái rỉa rói vì bạn trai ít tiền, những cô gái “không tiền thì cạp đất mà ăn”… Còn em, em chỉ nghĩ trong bước đường đời không có chí thì chẳng cạp gì nên nổi… Trong tình yêu chẳng tình, chẳng ý thì cạp gì cũng sẽ buông lơi…
Những cô gái kia có thể cho rằng em ngốc nghếch, em đang giả vờ trong sạch. Nhưng bằng sự trải nghiệm của mình, em tin mình đúng! Anh thấy không, chàng thiếu gia kia nhà có tiền tỷ rồi cũng đã lao đao vì kiện tụng. Anh thấy không, bố mẹ cũng nở nụ cười khi anh đến chơi rồi… Anh mải mê kiếm tiền nhưng vẫn chẳng bỏ rơi em, vì thế trái tim em vẫn nằm ngoan ở đây – cạnh anh nè!
Nghèo, em cũng sợ lắm chứ anh! Nhưng chỉ sợ tâm hồn nghèo nàn, đầu óc nghèo nàn… thì dù có vác vàng tấn đến nhà, em cũng sẽ bỏ vàng mà chạy lấy người mất thôi!
Theo Bưu Điện Việt Nam
Lên lịch vi vu, để chồng con biết nhớ
Sáng chàng đương nhiên đi làm trước, con vợ đưa đi học, chiều chàng đương nhiên đi uống bia, con vợ đón, cơm vợ nấu...
Hai năm qua, hết con nhỏ vào lớp 1 lại đến con lớn cuối cấp 2 mà tôi không thể ra khỏi nhà.
Trách nhiệm làm mẹ, mà lại là cô giáo buộc tôi phải thu xếp công việc để ở bên con trong những mốc quan trọng này. Những chuyến tập huấn trong nước ngắn hạn, khóa Tiến sĩ 3 năm ở Úc hay các chương trình tham quan - giao lưu vài tháng ở nước ngoài tôi đành gác lại.
Đôi lúc, tôi chợt thấy mình giống như một người đàn bà xoay vòng vòng như chong chóng, ăn nhanh đến mức không còn biết vị, đi nhanh đến nỗi không còn biết có người bên cạnh.
Tôi bắt đầu thấy bản thân mình nhạt nhẽo và cuộc sống gia đình là gánh nặng.
Tôi cảm thấy mình chỉ còn là một cái "1 - 1" - cái tôi bạc phếch, xộc xệch và mệt mỏi. Cho đến khi tôi quyết tâm thay cái "1 - 1" xốc xếch, xộc xệch, bu lông ốc vít long xòng xọc kia bằng cái "1 1" mới toanh là chính tôi.
Cấp độ 1: Một chút chểnh mảng
1. Thi thoảng lượn phố, mua sách, chọn đĩa nhạc thay vì đâm nháo đâm nhào về nhà sau giờ tan sở, để bố con nhà kia phải tự quấn lấy nhau.
2. Thi thoảng cả nhà đi ăn ngoài một bữa thay vì hì hục nấu cơm rửa bát. Tôi cũng làm mọi việc chậm hơn và chịu nhìn mình nhiều hơn trước gương mỗi ngày. Tất nhiên, tôi cũng chẳng dại gì thanh lý tủ quần áo bằng những đồ mới tỉnh tình tinh, nhưng nghĩ kỹ hơn mỗi khi chọn đồ để mặc.
Cấp độ 2: Những chuyến đi xa
1. Công tác ở nhà quê. Tôi nhảy xe khách về Hải Dương dạy học. Cơm bụi ở trường nghề và xe khách 45 chỗ lèn 70 khách nồng nặc mùi mồ hôi và nước ói, làm tôi thấm cái vất vả của những người ngược xuôi kiếm cho đủ sống hàng ngày.
Dạy cho những đứa trẻ đạp xe 15 cây số đến lớp rồi lại đạp xe về nhà, cặp sách tòng teng cặp lồng nhựa đỏ lèn chặt cơm và đu đủ xanh xào mỡ lợn, tôi thấy mình sao tham lam khi đi làm xe đưa người đón, cơm trưa 50 nghìn một suất vẫn còn chê.
2. Đi học thêm dăm khóa tập huấn xa nhà. Lúc này, tôi mới thấy mình tự tin hơn vì không quá già nua cũ kỹ, thấy đời vui hơn vì học thêm được điều gì đó mới, phát hiện thêm một sai lầm.
Mà học là phụ, lượn lờ mới là phần chính. Tôi lượn quanh những nơi tôi đến, trò chuyện với những người mới tinh, ăn những món ăn lạ lùng bản địa, và gạt phắt những mối lo cơm nước, dầu đèn, con cái ra khỏi cái đầu trong vài ngày ngắn ngủi.
3. Thi thoảng vác ba lô lên rừng xuống biển. Đơn giản là được ngắm trời, ngắm đất, ngắm mây, lãng đãng thấy mình giữa lưng trời hay ngay trước biển vỡ ào vào biển, thấy mình gần với mình hơn, thân mình hơn, thật thà, ngớ ngẩn, hồn nhiên.
Đơn giản là thấy mình đang được làm điều mình muốn, chỉ riêng mình với mình, nằm đọc sách bên khung cửa rộng nhìn xuống ruộng lúa non.
Đơn giản là được trải nghiệm điều gì đó khác.
Và điều kỳ diệu đã xảy ra!
Sau mỗi chuyến đi, bọn trẻ như đã lớn hẳn. Chúng nhớ mẹ - đã đành, nhưng chúng cũng ngoan hơn.
Chúng biết quý hơn những lúc mẹ hối hả lạch cạch mở cửa đón con. Chúng thèm bữa cơm nóng có canh cá chua mẹ nấu. Chúng nhớ mùi tóc mẹ, áo mẹ và vòng tay mẹ ôm ngang.
Chúng giống như người đã quen no quen đủ, giờ biết thế nào là đói khát, nên biết quý những lúc no đủ hơn nhiều. Thằng anh biết đón em ở trường về hộ mẹ, và ông chồng vốn vô tư bóng bánh mỗi chiều, bỗng đảm đang tháo vát chăm con.
Sau mỗi lần đi xa, thấy chồng thương vợ hơn những lúc sớm chiều bận bịu cơm nước, nhà cửa con cái. Chỉ lúc phải làm việc vợ, chồng mới biết việc ấy cần rất nhiều yêu thương và cần rất nhiều kiên nhẫn.
Mỗi lần đi xa, ta bỗng biết nhớ nhau những lúc trời lảng bảng, chồng bỗng thấy cái giường sao trống trải và bếp sao lạnh hơi người. Hắn mới phát hiện ra rằng vợ mình vốn như một phần cơ thể, ngày thường không thấy thừa cũng không thấy thiếu, nhưng vắng đi rồi sao nhớ quắt nhớ quay.
Thế nên, thi thoảng hãy đi xa bạn nhé, khi thấy mình bắt đầu thành "1 - 1", để trút đi phần bon chen, ngột ngạt của những mưu sinh, để khi lại trở về lại là "1 1": mới tinh khôi và biết ơn cuộc sống tuyệt đẹp này.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Tâm sự của cô gái nghèo Nhà nó nghèo, hoàn cảnh lại đáng thương nên cuộc sống vật chất của nó cũng rất hạn chế.Cuộc sống của nó ra trường đầy vất vả. Nổi trội hơn bạn bè trang lứa nhưng sự nghiệp lại lao đao. Nó đã cố gắng hơn bạn bè chỉ vì muốn khẳng định "nhan sắc không tỉ lệ nghịch với trí óc". Nó mạnh...