Tình trạng “mua quan, bán chức” nên được bàn trong Đại hội Đảng
Ông Lê Truyền: Nếu “mua quan, bán chức”, buôn bán quyền lực xảy ra, nó sẽ kéo theo nhiều hậu quả làm suy yếu hệ thống công chức. Phải làm rõ việc này trong Trung ương khóa tới.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XII, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng khóa XII, dân phải được tham gia góp ý trong quá trình chuẩn bị.
Nên để dân tham gia trong quá trình chuẩn bị nhân sự Trung ương
“Theo tôi, nếu trong quá trình chuẩn bị nhân sự mà dân không được tham gia, góp ý thì như thế đã đủ chưa?. Nếu bầu xong, sắp tới giới thiệu Đại biểu Quốc hội, Mặt trận lại giới thiệu trên cơ sở kết quả Đại hội Đảng thì những người được bầu ở Đại hội Đảng tiếp tục được bầu vào Quốc hội thì việc hiệp thương dân chủ của Mặt trận không được đánh giá đúng ý nghĩa của nó”- ông Lê Truyền nói.
Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Theo ông Lê Truyền, trong dự thảo Văn kiện lần này chưa tìm thấy nhiều nội dung mới mang tính đột phá. “Những vấn mới cũng có, nhưng mang tính đột phá như những Đại hội X, XI thì ở dự thảo lần này chưa có. Trong muc tiêu nói về động lực của sự phát triển xã hội, lâu nay chúng ta vẫn nói có rất nhiều động lực nhưng kỳ này đưa động lực vào mục tiêu thì cũng chưa rõ lắm. Đại hội X, XI nói về vai trò của Mặt trận trong phát huy các động lực thì đến lần này nội dung vẫn thế, không có sự đổi mới. Nói các yếu tố mới nhưng nhận thức ở bên trong động lực là gì mới là việc cần thiết”.
Trong dự thảo Văn kiện đề cập tới vấn đề tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội và tội phạm. Ông Lê Truyền cũng nhấn mạnh rằng, việc xây dựng nhà nước pháp quyền là cực kỳ hệ trọng.
“Trong báo cáo có nhận định những hạn chế khuyết điểm có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc xây dựng Nhà nước pháp quyền là vấn đề mới, sự phân định giữa vai trò của Đảng và vai trò điều hành của Nhà nước còn những nội dung chưa rõ, phương thức và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước chưa thỏa đáng…. Xung quanh việc này, nếu xây dựng Nhà nước nếu nói là mới thì cũng đúng. Nhưng vì là mới để chưa làm được tốt thì tôi thấy không phải. Cũng đã làm nhiều năm rồi chứ không phải là mới nữa, mà quan trọng nhất là phân quyền như thế nào. Phân quyền ở đây gắn liền với việc kiểm soát quyền lực. Nếu kiểm soát quyền lực không được thì nó sẽ dẫn đến những thiếu sót, khuyết điểm và nhiều hậu quả trầm trọng hơn”- ông Lê Truyền trăn trở.
Phải đặt chống tham nhũng là một việc cực kỳ quan trọng
Theo ông Truyền, hiện tại có rất nhiều biểu hiện nhận thức không đúng về quyền lực. Nếu quyền lực hiểu sâu xa là quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân ủy quyền cho những người nắm quyền đại diện cho nhân dân. Nhưng khi đã nắm quyền, nhiều người lại biến quyền đó là của mình và gắn quyền đó với lực lượng có tiền. Quyền và tiền đã làm nhiễu loạn sức mạnh của tổ chức. Kiểm soát quyền lực phải đặt lên hàng đầu trong việc xây dựng Nhà nước và lãnh đạo Đảng đối với Nhà nước.
Video đang HOT
“Nói về hiện tượng thì có nhiều, nhưng tôi chỉ nói đến một mức gọi là “chạy chức, chạy quyền”. Nhưng giờ đây “chạy chức, chạy quyền” đã nhân thêm một bước nữa, đó là buôn bán quyền lực. Nếu buôn bán quyền lực xảy ra, nó sẽ kéo theo nhiều hậu quả làm suy yếu hệ thống công chức. Phải làm rõ việc này và phải hình sự hóa các tội phạm tham nhũng. Phải đặt việc chống tham nhũng là một việc cực kỳ quan trọng của Trung ương lần này, vì nếu không kiểm soát được quyền lực thì tất cả những khuyết điểm và mong muốn khắc phục sẽ không bao giờ làm được”- ông Lê Truyền nói.
Ông Lê Truyền cho rằng, trong dự thảo báo cáo có nêu nhận định, Đảng ta đã chậm đổi mới tư duy về công tác xây dựng Đảng trong điều kiện mới. Nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc, có mặt chưa rõ, chưa thống nhất một số vấn đề quan trọng ở tầm quan điểm, chủ trương. Tuy nhiên đây mới chỉ là nêu ra vấn đề chứ chưa có lời giải đáp.
“Cũng phải thừa nhận hiện nay có quá nhiều vấn đề, nếu đi vào giải đáp được những quan điểm, chủ trương của Đảng thì cũng rất khó. Nói như thế để thấy rằng nhận định này là đúng, nhưng nhận định này là gì? Theo tôi, ở Đại hội Đảng lần này phải làm rõ được vấn đề này. Phải thống nhất được các vấn đề về quan điểm và chủ trương của Đảng”- ông Truyền nói.
Ông Truyền cũng quan tâm về vấn đề Đảng đối với dân được nêu trong dự thảo văn kiện. “Chúng ta nói chưa gần dân và đã kiểm điểm rất nhiều lần nhưng vẫn chưa làm tốt. Tôi nghĩ bây giờ phải lắng nghe và phải thật lòng với dân, nói đi đôi với làm, không lãng phí và phải trung thực. Những đòi hỏi bản chất đó phải bằng sự gương mẫu của chính đội ngũ cán bộ Đảng viên khi tiếp xúc với dân. Tự Đảng phải kiểm điểm, đánh giá và đề cao vai trò gương mẫu của mình trước nhân dân là những yếu tố cần thiết để dân tin và dân lắng nghe”.
Theo Minh Hòa
VOV
"Cử tri còn băn khoăn về nhân sự nào... hãy gửi thư cho chúng tôi"
"Cử tri còn băn khoăn về nhân sự nào trong Đại hội Đảng sắp tới thì hãy gửi thư cho chúng tôi. Phải minh bạch khi quyết định phương án nhân sự. Tất cả vì dân, vì nước nên phải làm thôi", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.
Chiều 16/5, tại Hội trường Thành ủy TPHCM, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM, đơn vị số 1 gồm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM cùng các đại biểu Quốc hội thành phố đã có buổi tiếp xúc với bà con cử tri Quận 3 trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13.
Tại buổi tiếp xúc, đa phần các ý kiến của cử tri Quận 3 dành sự quan tâm đến các dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp tới và vấn đề nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt tay thăm hỏi bà con cử tri
Cử tri Trần Phát Lạt cho rằng, trong Bộ luật Hình sự cũ có những điểm có thể đưa người dân vào vòng lao lý, phạm tội. Ông Lạt dẫn chứng, ở Hà Tĩnh, kẻ trộm chó bị dân bắt được giao công an xử nhưng công an thả ra vì giá trị tài sản nhỏ. Trong khi đó, ở Củ Chi có 3 người chết vì bọn trộm chó chống trả. "Đây là nhóm tội phạm có tổ chức, giá trị tài sản trộm nhỏ nhưng diễn ra nhiều nơi, nhiều lần. Dân bắt, chính quyền không xử lý nên người dân bức xúc, đánh chết kẻ trộm chó. Chính lỗ hỗng pháp lý này đã đưa người dân vướng lao lý", ông Lạt nói.
Ông Lạt cũng tiếp tục viện dẫn việc Nhà máy điện Vĩnh Tân ở Ninh Thuận bị người dân đâm đơn thưa khắp nơi, không ai xử lý. Bức xúc, dân kéo ra chặn đường. Sau khi giải quyết xong, công an lại truy trách nhiệm người dân. Thêm nữa, việc nhóm đối tượng rải đinh, có thể gây ra chết người, phá hoại tài sản của nhiều người. Vậy mà công an chỉ xử lý hành chính...
Từ những dẫn chứng trên, ông Lạt yêu cầu, trong Bộ luật Hình sự sửa đổi cần xem xét những tình huống pháp lý này để tránh bức xúc trong nhân dân dẫn đến nhiều người vi phạm pháp luật.
Cử tri này cũng đề nghị cần siết lại việc cấp phép lái xe. Cần bắt buộc người lái xe dưới 50 phân khối, xe điện cũng phải có bằng lái xe để tránh những vụ tai nạn thương tâm xảy ra như thời gian qua.
Cử tri Phan Minh Sâm kiến nghị, trong Điều 40 Bộ luật Tố tụng Hình sự nên đưa vào phương án cho người bị bắt có quyền im lặng, không nhận lời khai chống lại chính mình.
Luật sư Trần Giáng Hương thì đề nghị trong Điều 97 Luật Tố tụng Hình sự nên chỉ áp dụng biện pháp tạm giam, tạm giữ với những người bị khởi tố điều tra tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nghiêm trọng. Không nên mở rộng phạm vi đối tượng tạm giam, tạm giữ bởi các nhà tạm giam, tạm giữ không đủ điều kiện. "Nhiều bị can, bị cáo nói với tôi là rất ám ảnh về nhà tạm giam, tạm giữ. Một phòng có 35-40 người, phòng giam không đủ ánh sáng...", cử tri Giáng Hương nói.
Nhiều cử tri băn khoăn về vấn đề nhân sự trước Đại hội Đảng toàn quốc
Đại diện Hội Cựu Chiến binh quận 3, Cử tri Hồ Quang Chín cho rằng, nên sửa đổi Luật giáo dục nghề nghiệp. "Nên tách Tổng cục dạy nghề hiện nay ra thành cơ quan trực thuộc Chính phủ hoặc trả về cho Bộ Giáo dục đào tạo để thống nhất, quản lý. Trước đây đã có cách quản lý như thế và rất hiệu quả nhưng nay chuyển cho Bộ LĐTB-XH là bước lùi. Nhiều nghề ra quốc tế không ai nhận, không có chất...", cử tri Chín nói.
Cử tri Đỗ Văn Minh cho rằng, trong tình hình này nên cho thành lập chuyên trang chống tham nhũng, nhóm lợi ích ở tất cả các báo. Nên đưa vào luật vấn đề trừng trị đối tượng sử dụng hệ thống viễn thông để mạt sát, nói xấu tổ chức, cá nhân các cấp, các lãnh đạo. "Để họ ra rả hàng ngày thì rất có hại. Nên tính toán để có những điều luật cần thiết trị cái này", cử tri Minh nói.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã lần lượt giải thích từng vấn đề mà các cử tri quan tâm. Chủ tịch nước cho rằng, những vấn đề mà bà con không hài lòng trong thời gian qua là do hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh. Chính vì vậy, Quốc hội đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để Việt Nam là một nhà nước Pháp quyền XHCN.
Các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy của Chính phủ, Chủ tịch nước thừa nhận: "Bộ máy mình to lắm".
"Ngày xưa có bốn mươi mấy Bộ và cơ quan ngang bộ. Nước ta mở rộng hội nhập thế giới về mọi mặt không có nghĩa là bộ máy cũng tăng lên... Phải làm gọn và bộ máy không thể không cải cách. Sẽ siết chặt tăng biên chế", Chủ tịch nước nói.
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri tại Quận 3
Đối với vấn đề nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thống nhất với ý kiến của các cử tri là không đưa vào Trung ương những cán bộ có vi phạm. Với những nhân sự nào mà cử tri không an tâm thì có thể gửi thư đến Chủ tịch nước. Với trách nhiệm của mình, Chủ tịch nước luôn lắng nghe ý kiến cử tri, kể cả những thư, đơn tố cáo không ký tên.
"Phải minh bạch khi quyết định phương án nhân sự. Tất cả vì dân, vì nước nên phải làm thôi. Đại hội Đảng là dịp cử con người ra vì dân vì nước, họ phải vì lợi ích đồng chí, đồng bào. Đóng một vai bình thường mà nhân dân xem trọng hơn là đóng vai to mà nhân dân xem thường. Nể nang, ngại ngùng thì đất nước sẽ đi về đâu. Người công dân tốt vẫn là người yêu nước, còn chức tước chỉ là phân công của xã hội", Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đồng ý với đề xuất của cử tri Đỗ Văn Minh khi cho rằng chuyện về an ninh mạng rất quan trọng nên trước sau gì cũng phải làm trên cơ sở tham khảo nhiều luật của thế giới.
Về đề xuất lập trang mạng chống tham nhũng của cử tri Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định vai trò của báo chí rất quan trọng trong cuộc chiến này. Chủ tịch nước đề nghị cử tri phải cộng tác với báo chí để phản ánh những trường hợp tham nhũng trên cơ sở không đăng sai mà vì động cơ xây dựng, trong sáng...
Công Quang
Theo Dantri
Không để người tham nhũng "lọt" vào Trung ương Sáng 4/10, tiếp tục góp ý vào Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng, các thành viên trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cho rằng, muốn ngăn chặn và đẩy lùi được "một bộ phận không nhỏ" thì phải phát huy quyền làm chủ của người dân, xây dựng cơ chế bảo vệ...