Tình trạng chống người thi hành công vụ gia tăng: “Nhờn” vì phạt nhẹ?
Lý giải tình trạng chống NTHCV gia tăng với tính chất, hành vi ngày càng nguy hiểm, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Phòng CSGT, CA TP Hà Nội cho biết, một trong những nguyên nhân quan trọng là chế tài xử lý hành vi này quá nhẹ, nên không đủ sức răn đe.
Chuyện “thường ngày”…
Thời gian gần đây, tình trạng chống người thi hành công vụ (NTHCV) xảy ra ngày càng nhiều, tính chất nghiêm trọng hơn, bất chấp cả sức khỏe, tính mạng của NTHCV. Đặc biệt, không chỉ dân “anh chị”, người có trình độ văn hóa thấp, mà ngay cả SV, cán bộ, công chức cũng có hành vi chống NTHCV cho thấy tình trạng coi thường pháp luật, coi thường NTHCV đã ở mức báo động. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, từ đầu tháng 5 đến nay, đã xảy ra 3 vụ “nổi cộm”, bức xúc dư luận.
Rạng sáng 7-5, tại nút ngã ba Trương Định – Giải Phóng, hai SV đèo nhau trên xe máy không đội mũ bảo hiểm đã cố tình bỏ chạy khi có hiệu lệnh dừng xe của lực lượng CSGT. Thay vì chấp hành, Nguyễn Thị Thanh Huyền, SN 1990, SV trường ĐH Thăng Long, đã thẳng tay đấm vào mặt Trung sĩ cảnh sát khiến vùng miệng Trung sĩ này bị chảy máu…
Rạng sáng 9-5, khi làm nhiệm vụ tại ngã năm Hàng Đào (gần đài phun nước), CA quận Hoàn Kiếm đã phát hiện khoảng 10 thanh niên đuổi đánh nhau ở ngã 3 Đinh Liệt – Cầu Gỗ. Khi cảnh sát tiếp cận, dùng loa yêu cầu bỏ vũ khí, một đối tượng ngang nhiên chĩa súng về phía lực lượng công vụ, bóp cò rồi bỏ chạy. Rất may, phát súng chỉ làm vỡ kính và thủng cánh cửa bên trái xe ôtô, không có ai bị thương. Ngày 13-5, CA TP Hà Nội đã khởi tố ba đối tượng: Trần Thế Dũng, SN 1976, ở phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng; Trịnh Minh Quý, SN 1984, ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa và Phạm Anh Tuấn, SN 1975, ở phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm với 5 tội danh: Giết người, Tàng trữ vũ khí quân dụng, Gây rối trật tự công cộng, Không tố giác tội phạm và Chống NTHCV.
Video đang HOT
Ngày 18-5, tại ngã ba Lò Đúc – Cảm Hội, anh Nguyễn Thành Tùng – Phòng CSGT CA TP Hà Nội khi ra tín hiệu dừng xe ô-tô BKS 30V-6472 do Đỗ Đức Trọng, SN 1974, ở xã Thái Học, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình điều khiển thì Trọng không chấp hành mà đâm thẳng xe về phía anh Tùng, buộc anh phải rút súng (đạn cao su) bắn chỉ thiên 2 phát. Phải tới khi CA phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng có mặt, Trọng mới chịu dừng xe. Trước đó, sau khi gây tai nạn khiến một phụ nữ ngã ra đường tại ngã tư Trương Định – Minh Khai, Trọng đã lái xe bỏ chạy. Hiện, CA quận Hai Bà Trưng đang lập hồ sơ xử lý Đỗ Đức Trọng về hành vi chống NTHCV.
Trung úy Nguyễn Mạnh Phan đã thoát chết nhờ may mắn.
“Chống NTHCV” hay “Giết người”?
Hành vi chống NTHCV ngày càng “đa dạng”, “nhẹ” là dùng “võ mồm”, chửi bới, lăng mạ, nguy hiểm hơn là tông thẳng xe vào NTHCV. Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã có ba vụ việc đe dọa trực tiếp đến tính mạng NTHCV. Ngày 9-4, Đội CSGT CA huyện Ba Vì khi phát hiện xe khách do Phùng Hồng Phương, 37 tuổi, trú tại huyện Ba Vì điều khiển vi phạm Luật Giao thông nên ra hiệu lệnh dừng xe. Phương đã lớn tiếng thách thức rồi nhảy lên buồng lái, lao thẳng vào lực lượng CSGT, khiến Trung úy Nguyễn Mạnh Phan buộc phải bám vào cần gạt nước để tránh cú tông trực diện. Mặc Trung úy Phan vẫn bám trên cần gạt nước, Phương cho xe tăng tốc chạy thêm hơn 1km mới dừng lại khi bị truy đuổi ráo riết… Trước đó, Phùng Hồng Phương từng gây tai nạn chết người tại tỉnh Đồng Nai, năm 2010, Phương mới được ra tù.
Ngày 17-4, trên Quốc lộ 1B thuộc huyện Thường Tín, Lê Văn Đông, 19 tuổi, trú tại thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam phóng xe máy với tốc độ cao vào đường cấm và không đội mũ bảo hiểm, khi nhận tín hiệu dừng xe để kiểm tra thì Đông đã tông thẳng vào người một cảnh sát… Một “cán bộ Nhà nước” đã trở nên “nổi tiếng” là Vũ Lê Hoàng, SN 1983, nhân viên hợp đồng của Bộ Ngoại giao. Ngày 7-3, tại ngã tư Vọng, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, Vũ Lê Hoàng điều khiển xe máy chạy tốc độ cao và không đội mũ bảo hiểm. Khi Tổ Công tác đặc biệt Y1/141 ra tín hiệu dừng xe thì Hoàng rú ga bỏ chạy. Trung tá Nguyễn Đức Chung ra ngăn lại đã bị Hoàng lao thẳng xe vào người gây trọng thương.
Luật sư Nguyễn Thủy Nguyên, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trong hai vụ chống người thi hành công vụ trên, hành vi của Phùng Hồng Phương và Vũ Lê Hoàng có dấu hiệu cấu thành tội “Giết người” theo Điều 93 BLHS. Bởi việc tông xe thẳng vào lực lượng cảnh sát là hành vi hết sức nguy hiểm, hoàn toàn có thể gây ra hậu quả chết người, và điều này pháp luật buộc các đối tượng phải biết. Tuy nhiên, đến nay, cả hai đối tượng Vũ Lê Hoàng và Phùng Hồng Phương đều bị khởi tố về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Chế tài và ý thức…
Lý giải tình trạng chống NTHCV gia tăng với tính chất, hành vi ngày càng nguy hiểm, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Phòng CSGT, CA TP Hà Nội cho biết, một trong những nguyên nhân quan trọng là chế tài xử lý hành vi này quá nhẹ, nên không đủ sức răn đe.
Điều 257 BLHS quy định khung hình phạt của tội “Chống người thi hành công vụ” từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm; phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; hoặc từ 2 năm đến 7 năm tù nếu là phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm nguy hiểm.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyên cũng cho hay, với khung hình phạt khởi điểm là cải tạo không giam giữ, so với thực trạng của hành vi chống NTHCV hiện nay quả là không “tương xứng”. Để hình phạt đủ sức răn đe, luật sư Nguyên cho rằng cần sửa đổi khung hình phạt tại khoản 1 Điều 257 theo hướng bỏ hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, mà áp dụng ngay hình phạt tù giam, với mức án khởi điểm từ 1 đến 3 năm tù giam.
Bên cạnh việc tăng nặng hình phạt để răn đe, tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhiều ý kiến cũng cho biết, việc chống đối NTHCV diễn ra cũng có phần lỗi của chính những NTHCV. Đó là cách xử lý gây căng thẳng, ức chế cho người vi phạm.
Điều quan trọng nữa là thực tế có không ít người dân đã bị nhũng nhiễu, được “nhân nhượng” nếu quen biết, hoặc “nộp phạt không lấy hóa đơn”… khiến họ mất niềm tin và thái độ tôn trọng với NTHCV.
Bởi vậy, bên cạnh các biện pháp pháp lý thì những NTHCV thường xuyên phải tiếp xúc với “nguy cơ phạm luật” của người dân cần có thái độ điềm tĩnh, đúng mực, kỹ năng giao tiếp, xử lý vi phạm không quá cứng nhắc, phải coi trọng sự an toàn của bản thân. Đặc biệt, hạn chế tối đa các hành vi nhũng nhiễu để người vi phạm phải tôn trọng và “khuất phục” khi bị xử lý!
Theo PLXH