Tính toán thực sự của Macron khi cởi mở với Nga, nói NATO “chết não”
Chỉ trích gay gắt NATO “chết não”, tuyên bố Nga không còn là “mối đe dọa” của châu Âu, Tổng thống Pháp đang thực sự tính toán điều gì?
Nga không còn là “mối đe dọa”
Không ai muốn bị một người bạn lâu năm của mình gọi là “chết não”, vì thế không mấy ngạc nhiên khi các đồng minh của Pháp lại không hề hài lòng vì Tổng thống Emmanuel Macron dùng cụm từ này để nói về NATO.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng phu nhân và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Không lâu sau nhận định trên của nhà lãnh đạo Pháp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều tuyên bố họ không đồng ý với quan điểm của Tổng thống Macron về liên minh quân sự 70 năm tuổi này.
“Tôi không nghĩ một nhận định như vậy là phù hợp”, Thủ tướng Đức Merkel cho biết.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thậm chí còn tuyên bố rằng Tổng thống Pháp nên xem lại “tình trạng chết não” của mình trước khi “ném đá” vào NATO.
“Ở Đức, khi bạn nói NATO chết não là bạn đã phá vỡ một điều kiêng kỵ”, Thierry de Montbrial – Chủ tịch Viện Quan hệ quốc tế Pháp nhận định.
“Từ góc nhìn về hợp tác quân sự, các chức năng của NATO được thực hiện tốt nhưng liên minh này lại không có một tầm nhìn chính trị và tầm nhìn chiến lược”, chuyên gia de Montbrial đánh giá về việc liên minh quân sự lâu đời này bị chỉ trích là thiếu một sứ mệnh rõ ràng kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt.
“Quân đội luôn phục vụ chính trị và không có chiều ngược lại, đó là điểm mấu chốt giúp lý giải về tầm nhìn của ông Macron”.
Tổng thống Pháp hiểu một thực tế rằng mối đe dọa thực sự với Tây Âu ngày nay không đến từ Moscow ở phía đông mà đến từ những kẻ khủng bố ở phía nam.
Chuyên gia phân tích de Montbrial cũng nhất trí với quan điểm này: “Chúng ta đang ở trong một thế giới hoàn toàn khác. Mối đe dọa thực sự không phải là một cuộc tấn công của Nga nhằm vào các quốc gia vùng Baltic mà là chủ nghĩa khủng bố. Đây mới thực sự là mối nguy hiểm chúng ta phải đối mặt ở phía nam trong khi NATO không có bất kỳ phản ứng nào”.
Ngày 4/12, sau lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi NATO cần phải nhìn thẳng vào những ưu tiên của mình khi nhắc lại rằng chủ nghĩa khủng bố quốc tế mới là kẻ thù chính của liên minh, trong khi Nga, ở một khía cạnh nào đó, vừa là một “mối đe dọa”, vừa là một “đối tác”.
“Ai là kẻ thù của NATO? Nga không còn là kẻ thù nữa. Quốc gia này vẫn là một mối đe dọa nhưng cũng đồng thời là đối tác của chúng ta trong những lĩnh vực nhất định. Kẻ thù ngày nay của chúng ta là: chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đặc biệt là chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan”, Tổng thống Pháp khẳng định.
Video đang HOT
Châu Âu phải trở thành một phần của “cuộc chơi”
Trong một sự dịch chuyển về địa chính trị ngày càng đa dạng, Tổng thống Pháp Macron hiểu rằng NATO không thể mãi như trước được nữa. Thế giới đang phân chia nhanh chóng theo 2 khối quyền lực là Mỹ và Trung Quốc, ở địa vị của mình, ông Macron không muốn châu Âu lựa chọn 1 trong 2 bên.
Tổng thống Pháp đã khẳng định quan điểm của mình trong một sự kiện hồi tháng 8/2019 rằng: ‘Liệu chúng ta quyết định sẽ trở thành những đồng minh dưới trướng của một bên, hay sẽ ngả về bên này một chút, bên kia một chút, hoặc chúng ta sẽ trở thành một phần của cuộc chơi và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình?”
Ông Macron cũng khẳng định một thực tế rõ ràng với châu Âu hiện nay là: Mặc dù Mỹ vẫn là một đồng minh của châu Âu song Washington không còn là một đồng minh đáng tin nữa.
Trong khi đó, Đức chưa sẵn sàng để lấp đầy khoảng trống này. Nhà lãnh đạo Pháp cũng lo ngại Tổng thống Trump sẽ “quay lưng” với châu Âu hoặc Nga sẽ rơi vào “quỹ đạo” của Trung Quốc. Dù là viễn cảnh nào thì Pháp và châu Âu cũng rơi vào thế bị động và bị bỏ lại trong hệ thống quốc tế.
Bối cảnh mới của các mối quan hệ quốc tế đã khiến Tổng thống Pháp đưa ra lựa chọn của mình, đó là cải thiện quan hệ với Nga.
Dưới con mắt của Tổng thống Pháp, sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Nga đang đẩy Moscow về phía Bắc Kinh và điều này rõ ràng là đi ngược với các lợi ích của châu Âu. Vì thế, châu Âu cần một trật tự mới, và sẽ phù hợp hơn khi bao gồm cả Nga nếu châu Âu không muốn đánh mất lợi thế của mình trước cả Trung Quốc và Mỹ.
Không phải ngẫu nhiên, Nga là lựa chọn của Tổng thống Pháp. Moscow đã thành công trong việc đối phó với tình trạng cô lập mà phương Tây thực hiện năm 2014. Bốn năm sau khi can thiệp vào cuộc chiến ở Syria, Nga vẫn là một trong những nhân tố quan trọng nhất ở Trung Đông. Mối quan hệ về kinh tế và chính trị với Trung Quốc cũng là trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của Moscow.
Cố vấn đặc biệt của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Francois Heisbourg nhận định trên CNN rằng không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Pháp đưa ra quyết định này. Pháp sẽ chờ xem Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới diễn ra vào ngày 9/12 để quyết định có thân thiết hơn với Tổng thống Putin trong tương lai hay không. Tại cuộc gặp theo “định dạng Normandy” này, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraine sẽ ngồi lại với nhau đề tìm cách chấm dứt cuộc chiến kéo dài 5 năm qua ở miền đông Ukraine.
Tổng thống Pháp muốn châu Âu phải thúc đẩy khả năng và trạng thái sẵn sàng hành động bởi châu Âu không thể mãi phụ thuộc vào một nước Mỹ khó đoán định và bởi NATO đang ngày càng bị bó buộc về khả năng phản ứng trước những hành động đơn phương, giống như động thái của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
Điều này đã khiến Tổng thống Pháp đi đến kết luận rằng: Châu Âu sẽ phải tăng cường khả năng quốc phòng và củng cố về chủ quyền để cân bằng hiệu quả hơn trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, cũng như xem xét lại các quan hệ đối tác chiến lược của mình, trong đó có quan hệ với Nga.
“Châu Âu phải tự chủ về chiến lược và khả năng quân sự. Chúng ta cần mở lại một cuộc đối thoại chiến lược với Nga. Tất cả những điều đã chỉ ra ở trên cho thấy rằng chúng ta cần đánh giá lại chính sách khu vực. Chúng ta không thể bị điều khiển với những bên thứ 3 không cùng lợi ích với mình”, Tổng thống Pháp nhận định.
Sự thay đổi tầm nhìn của Tổng thống Pháp Macron đã phản ánh thực tế mới về quan hệ bạn – thù trong quan hệ quốc tế. Thay vì lựa chọn dứt khoát bên bạn, bên thù, việc lựa chọn lợi ích quốc gia sẽ là chiến lược được ưu tiên và quan trọng hơn cả, bởi suy cho cùng chúng ta có quyền không trở thành kẻ thù với kẻ thù của bạn chúng ta./.
Theo Kiều Anh/VOV.VN
Tổng hợp
Câu giờ với NATO "cứu" S-400, "tuần trăng mật" giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga còn bao lâu?
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có thể duy trì hành động cân bằng giữa phương Tây với Nga trong bao lâu? Câu trả lời phụ thuộc rất nhiều vào người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020.
Kỳ vọng của Tổng thống Erdogan tại NATO dường như không mấy lạc quan.
Chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ đã tới dự hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm của NATO tại London với một phái đoàn đông đảo và mang đến đây những nỗ lực ngoại giao lớn chưa từng có.
Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hy vọng sẽ tìm cách nhận được sự ủng hộ liên quan đến vụ mua bán tranh cãi với hệ thống phòng không S-400 của Nga, chiến dịch quân sự đang diễn ra ở đông bắc Syria và kế hoạch tái định cư người tị nạn Syria.
Một mục tiêu lớn khác của Ankara là thuyết phục NATO công nhận Các đơn vị bảo vệ người Kurd Syria (YPG) là một nhóm khủng bố; xoa dịu căng thẳng ở phía đông Địa Trung Hải và những nỗ lực nhằm dẫn độ giáo sĩ Gulen.
Để củng cố đòn bẩy của mình trong việc thúc đẩy các mục tiêu đó, Ankara đã đơn phương ngăn chặn việc thông qua kế hoạch quân sự bảo vệ Ba Lan và các nước Baltic trong trường hợp Nga tấn công của NATO.
Đây là kế hoạch mà hầu như tất cả các nước thành viên đều chấp nhận, nhưng thiếu lá phiếu của Ankara, nó sẽ không được thông qua.
Nói tóm lại, Thổ Nhĩ Kỳ đến hội nghị thượng đỉnh với những kỳ vọng tối đa sẽ nhận được sự ủng hộ từ các thành viên liên minh, đảm bảo vị thế lớn để buộc liên minh phải quan tâm đến các mối quan ngại về an ninh của chính mình. Nếu NATO muốn thông qua kế hoạch phòng thủ cho Ba Lan và Baltic, họ phải đáp ứng yêu cầu của Ankara.
Cuộc gặp bốn bên giữa các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Đức và Pháp vào ngày 3/12 cho thấy, Ankara coi hội nghị thượng đỉnh cũng là cơ hội để hàn gắn liên lạc và xây dựng lại niềm tin với các đồng minh lớn ở châu Âu.
Tuy nhiên, trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Ankara đã thực hiện hai động thái khiến khối an ninh phương Tây phải phiền lòng.
Trong một động thái thay đổi cục diện ở phía đông Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận phân định các vùng kinh tế biển trong khu vực với Chính phủ Libya ở Tripoli - nơi đang căng thẳng về các vấn đề thăm dò dầu khí.
Cùng với đó, vào ngày 25-26/11, Ankara đã tiến hành thử nghiệm radar và hệ thống nhận dạng của S-400 cũng như các bài tập huấn luyện cho các quân nhân vận hành, khiến cho Mỹ tiếp tục đưa ra cảnh báo trừng phạt.
Theo Al-Monitor, chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh NATO thực sự khá đơn giản - đảm bảo có được sự ủng hộ của các thành viên trong các mục tiêu an ninh của riêng mình, trong khi nỗ lực cân bằng với Nga.
Để tránh các lệnh trừng phạt đối với thỏa thuận S-400, đặc biệt là bởi Quốc hội Mỹ, Tổng thống Erdogan đang cố gắng chuyển vấn đề S-400 và thúc đẩy sự ủng hộ chiến dịch Syria tới bàn thảo luận NATO, nơi Thổ Nhĩ Kỳ có thể tận dụng lợi thế thành viên để có thêm nhiều tiếng nói.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, phần quan trọng nhất của hội nghị thượng đỉnh là cuộc gặp gỡ tứ tấu giữa Tổng thống Erdogan và các nhà lãnh đạo của Anh, Đức và Pháp.
Ông Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ở lại Syria vô thời hạn, vì vậy các đối tác châu Âu của ông muốn biết kế hoạch của Ankara là gì, bao gồm cả khung thời gian rút lui, dự định hình thành mối quan hệ với người Kurd Syria, cũng như chiến lược chống IS sắp tới.
Việc cuộc họp kết thúc sớm hơn dự định và không có cuộc họp báo nào là một dấu hiệu cho thấy nó không diễn ra tốt đẹp.
Cân bằng được bao lâu
Thổ Nhĩ Kỳ còn cân bằng được bao lâu sẽ còn phụ thuộc vào cuộc bầu cử Mỹ vào năm sau.
Triển vọng của Ankara về khả năng thu hái lợi ích đến từ mối quan hệ an ninh với NATO có vẻ không hề lạc quan. Tổng thống Erdogan có thể nhận được sự ủng hộ của ông Trump, nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel - nhà lãnh đạo có tiếng nói của liên minh - thì lại không được nhiều, theo Al-Monitor.
Hơn nữa, bằng cách ngăn chặn kế hoạch phòng thủ của NATO để làm điều kiện nhận được sự ủng hộ của liên minh trong các chương trình nghị sự riêng, Ankara dường như đã làm mất lòng các thành viên Đông Âu và Baltic của NATO, những quốc gia ít khi chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ và trong một chừng mực nào đó thường ủng hộ Ankara trong liên minh. Vì vậy, chiến lược mới có thể sẽ làm tăng sự cô lập của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO.
Hơn nữa, nhiều người trong liên minh tỏ ra lo lắng rằng chiến lược của Ankara có thể làm suy yếu sự gắn kết của NATO đối với một số vấn đề chính trị quan trọng như vấn đề người Kurd và một số vấn đề rủi ro cao như kích hoạt hệ thống S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ, điều càng củng cố sức mạnh của Nga trước NATO.
Có thể nói, chính vì Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng phụ thuộc vào Nga đã khiến cho nước này rất coi trọng hội nghị thượng đỉnh NATO ở London. Bằng cách thể hiện mối quan hệ chiến lược của mình với khối an ninh phương Tây, Ankara hy vọng sẽ cân bằng Nga ở phía đông bắc và tây bắc của Syria, đặc biệt là Idlib.
Nhưng Tổng thống Erdogan dường như đã không nhận được tất cả những gì ông muốn từ hội nghị thượng đỉnh.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có thể duy trì hành động cân bằng trong bao lâu? Câu trả lời phụ thuộc rất nhiều vào người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020.
Nếu như một nhà lãnh đạo mới cứng rắn hơn thay ông Trump lên nắm quyền, những ngày tháng vượt lằn ranh đỏ của Ankara dường như sẽ không còn.
Theo nguoiduatin.vn
Tổng thống Pháp nói Nga không còn là kẻ thù của NATO Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây kêu gọi NATO xác định rõ ràng lại ưu tiên, nhấn mạnh rằng Nga không còn là kẻ thù của khối. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin Sau khi hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc, Tổng thống Macron đã chia sẻ trên mạng xã hội Twitter: "Ai là kẻ...