Tính toán sai lầm, loạt xế hộp chịu số phận hẩm hiu
Vì những tính toán sai lầm trong thiết kế động cơ, trang bị và cả dự báo chệch về xu hướng thị trường đã khiến những mẫu xe sedan sang chảnh sau phải sớm dừng sản xuất.
Tiếp theo phần 2 về những chiếc xe “bom xịt” trong lịch sử ô tô thế giới, trang Autocar “điểm danh” 10 mẫu xe bị khai tử trong thập niên 70 của thế kỷ 20. Hầu hết, những mẫu này chịu số phận hẩm hiu vì sai lầm của chính các hãng xe trong chiến lược đầu tư.
Morris Marina (1971)
Morris Marina bị chê thậm tệ về kiểu dáng lẫn chất lượng. Ảnh: Autocar
Chiếc Marina là nỗ lực của hãng xe British Leyland nhằm đuổi kịp thành công của đối thủ Ford Cortina.
Tuy nhiên, chiếc Morris Marina bị các khách hàng đánh giá thậm tệ cả về chất lượng sản xuất cũng như thiết kế khí động học. Ngoài ra, phần động cơ xe cũng không có gì nổi trội so với đối thủ khiến cho mẫu xe này nhanh chóng bị quên lãng.
Ford Pinto (1971)
Ford Pinto được chế tạo với sứ mệnh cạnh tranh với xe Nhật. Ảnh: Autocar
Được thiết kế để cạnh tranh với các mẫu xe cỡ nhỏ của Nhật Bản đang được bán tại Mỹ, tuy nhiên chiếc Ford Pinto lại gặp vấn đề về độ an toàn. Những cú va chạm từ phía sau có thể làm thủng bình xăng của chiếc Pinto, dẫn đến nguy cơ hỏa hoạn.
Hãng Ford sau đó đã phải triệu hồi dòng xe này để sửa chữa và cơ hội của Ford Pinto cũng vì thế mà trôi đi.
Lancia Beta (1972)
Video đang HOT
Lancia Beta, nạn nhân của việc cắt giảm chi phí sản xuất. Ảnh: Autocar
Lancia Beta đã từng là một mẫu xe “đáng đồng tiền bát gạo” với thiết kế thông minh, kiểu dáng đẹp, động cơ cam đôi mạnh mẽ.
Thế nhưng hãng Fiat, chủ sở hữu thương hiệu Lancia, đã cắt giảm quá mức chi phí sản xuất bằng cách sử dụng thép chất lượng thấp khiến cho vỏ xe nhanh rỉ sét. Điều này đã phá hủy danh tiếng của Lancia trên khắp châu Âu.
Ngày nay, Lancia đã thu hẹp dây chuyền sản xuất chỉ còn bán một mẫu xe thương mại duy nhất.
Ford Mustang II (1973)
Ford Mustang II thậm chí không đạt được vận tốc 160 km/h. Ảnh: Autocar
Khi hãng Ford tung ra chiếc Mustang nguyên bản vào năm 1964, nó đã trở thành chiếc xe bán chạy nhất trong lịch sử.
Thế nhưng chỉ trong vòng chưa đầy mười năm, thương hiệu Mustang đã bị tụt hạng nghiêm trọng. Nguyên nhân một phần là do các biện pháp kiểm soát khí thải mới khiến cho động cơ của V6 của Ford Mustang II yếu đến mức chiếc xe thậm chí không thể đạt tốc độ 100mph (160 km/h).
Phải mất một thời gian dài Mustang mới gây dựng lại được danh tiếng của mình như hiện tại.
Leyland P76 (1973)
Leyland P76, Mẫu xe đầu tư tốn kém nhưng không có gì nổi bật. Ảnh: Autocar
Mẫu P76 là sản phẩm của hãng British Leyland thiết kế dành riêng cho thị trường Úc. Tuy rất được kỳ vọng nhưng thực tế P76 không có bất cứ đặc điểm gì nổi trội so với các mẫu xe khác trên thị trường.
Thiết kế của P76 có nhiều ý kiến khen chế khác nhau, trong khi chất lượng sản xuất của phiên bản này lại có phần lạc hậu, không theo kịp mặt bằng chung khiến người tiêu dùng bỏ rơi.
Mặc dù đầu tư đáng kể vào nghiên cứu chế tạo chiếc P76, hãng British Leyland đành ngậm ngùi đóng cửa dây chuyền sản xuất sau 2 năm.
Bricklin SV-1 (1974)
Bricklin SV-1, xe thể thao sản xuất với tiêu chí đề cao tính “an toàn”. Ảnh: Autocar
Vào đầu những năm 70, độ an toàn của xe hơi dần trở thành một yếu tố quan trọng được các nhà chức trách và người tiêu dùng chú ý. Vì vậy, nhà sản xuất Malcolm Bricklin đã đưa ra ý tưởng chế tạo một chiếc xe thể thao có độ an toàn vượt trội so với các đối thủ trên thị trường.
Mặc dù ý tưởng rất đúng đắn nhưng quá trình thực hiện lại vô cùng khó khăn, chiếc Bricklin SV-1 do Malcolm Bricklin chế tạo gặp vô số lỗi khiến việc sản xuất bị đình chỉ sau một năm. Lúc đó, mới chỉ có 3000 chiếc Bricklin SV-1 được xuất xưởng, bằng 1/10 kế hoạch đề ra.
AMC Pacer (1975)
AMC Pacer, mẫu xe lạc lõng trong thời kỳ khan hiếm xăng dầu. Ảnh: Autocar
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 đã khiến tất cả các nhà sản xuất ô tô lớn của Mỹ chú trọng vào phát triển các mẫu xe nhỏ hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Trong khi đó, hãng AMC đã một mình một kiểu khi tung ra mẫu Pacer với kích thước tầm trung, phiên bản động cơ nhỏ nhất cũng có dung tích tới 3,8 lít. Không có gì khó hiểu khi mẫu xe này bị thất bại khi bán ra.
Leyland Princess(1975)
Leyland Princess chịu cảnh ế ẩm vì phải nhường đàn anh. Ảnh: Autocar
Không một hãng xe nào trên thế giới lại có kế hoạch phát triển sản phẩm lộn xộn và chồng chéo như British Leyland của Anh.
Sau khi tung ra mẫu xe hatchback Maxi vào năm 1969, hãng này đã cho ra mắt chiếc Princess vào năm 1975 dưới sạng sedan. Mặc dù xu hướng thịnh hành lúc đó đang là xe hatchback nhưng British Leyland lại sợ rằng nếu chiếc Princess cũng là xe hatchback thì sẽ làm giảm doanh số bán hàng của Maxi.
Thay vì dừng sản xuất mẫu Maxi cũ, hãng xe Anh đã quyết định bán cả 2 cùng lúc và dĩ nhiên cả 2 mẫu xe đều ế chỏng chơ.
Rover SD1(1976)
Rover SD1 thất bại vì sai lầm về mặt quản lý chiến lược. Ảnh: Autocar
Với kiểu dáng đẹp và sang trọng, chiếc hatchback Rover SD1 từng đoạt danh hiệu “Xe của năm” ở châu Âu vào năm 1977.
Thế nhưng khi ấy Rover vẫn thuộc sở hữu của British Leyland, và giống như các sản phẩm khác của Leyland, mẫu xe này đành chịu số phận hẩm hiu bởi vì những sai lầm về quản lý chiến lược của công ty mẹ.
Renault 14 (1976)
Renault 14 có thiết kế mở nhạt. Ảnh: Autocar
Được kỳ vọng sẽ nối tiếp thành công của chiếc Renault 16, thế nhưng cuối cùng Renault 14 lại là một trong những mẫu xe gây thất vọng nhất của hãng xe Pháp.
Theo đánh giá, kiểu dáng của chiếc Renault 14 rất mờ nhạt, không hề tạo ra điểm nhấn, trong khi chất lượng hoàn thiện chỉ ở mức kém, đi kèm với thiết kế bất hợp lý, hai trục cơ sở không dài bằng nhau là nguyên nhân làm các khách hàng bỏ rơi mẫu xe này.