Tinh thần hợp tác quốc tế vì mục tiêu toàn cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu
“Trái Đất là ngôi nhà chung của con người. Những nguồn tài nguyên của Trái Đất là quà tặng thiên nhiên dành cho chúng ta và những “căn bệnh” mà hành tinh này đang gánh chịu là vấn đề mà tất cả đều quan tâm, những thách thức mà con người phải cùng nhau đối mặt và ứng phó”.
Đây là khẳng định được ông Ali Obaid Al Dhaheri, Đại sứ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tại Bắc Kinh (Trung Quốc), đưa ra trong bài viết mới đây, trong đó phân tích các nỗ lực và kỳ vọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Một cánh đồng ngô bị khô hạn gần Beelitz, Đức ngày 18/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo bài viết, các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra khắp nơi trên thế giới như những đợt nắng nóng bất thường ở Ấn Độ, những trận mưa lớn trong mùa mưa gây thiệt hại nặng nề ở Pakistan. Trong khi đó, Trung Quốc trải qua đợt hạn hán mùa Hè lâu nhất kể từ khi các số liệu chính thức bắt đầu được ghi nhận, song đồng thời có cả các cảnh báo lượng mưa cao kỷ lục. Châu Âu cũng chứng kiến đợt hạn hán tồi tệ nhất ở lục địa này trong 500 năm.
Video đang HOT
Do vậy, biến đổi khí hậu là một vấn đề liên quan đến tất cả và thế giới cần có hành động phù hợp. Có lẽ không lĩnh vực nào chứng kiến nhu cầu mạnh mẽ về chủ nghĩa đa phương hơn cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đây cũng là quan điểm được Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ( COP27) diễn ra tại Ai Cập.
Tổng thống Al Nahyan nêu rõ: “Sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả mọi người và không có ngoại lệ, tương lai của các thế hệ sau này phụ thuộc vào những gì chúng ta làm bây giờ”. UAE là nước đăng cai COP28 vào năm 2023.
Bài viết của Đại sứ UAE cho rằng không phải ngẫu nhiên mà cả COP27 và COP28 sắp tới đều diễn ra ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi – vùng địa lý khô cằn của thế giới từ lâu nằm ở tuyến đầu đối mặt với biến đổi khí hậu và luôn phải tìm cách thích ứng với tình trạng sa mạc hóa và khan hiếm nước.
Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo hạn hán bất thường đã đẩy khoảng 22 triệu người ở vùng Sừng châu Phi vào nguy cơ chết đói. Tại COP27, Ai Cập được đánh giá đã làm tròn vai trò chủ nhà khi hội nghị đạt được bước đột phá chưa từng có, nhất trí thành lập quỹ “tổn thất và thiệt hại” để giúp các quốc gia nghèo hơn đối mặt với rủi ro từ biến đổi khí hậu.
UAE nhiệt tình ủng hộ cam kết của Ai Cập trong việc giải quyết những áp lực mà phía Nam bán cầu phải đối mặt. Nước này cũng hiểu rõ vai trò không thể thiếu của các sáng kiến đa phương trong việc thúc đẩy phát triển và kết nối, giải tỏa phần nào những khó khăn của đói nghèo với nguy cơ khiến tác động của biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn.
Đại sứ Dhaheri nhấn mạnh trong giai đoạn chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch COP vào năm tới, UAE cần coi COP28 là cơ hội hoàn tất đánh giá toàn diện đầu tiên về tất cả những tiến bộ đã đạt được theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cũng như xác định một hướng đi mới. Bên cạnh đó, COP28 cũng sẽ đặt ra “Mục tiêu toàn cầu về thích ứng” để đánh giá hiệu quả của những nỗ lực toàn cầu đang được triển khai nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bài viết kết luận con đường dẫn đến tháng 11/2023 và xa hơn nữa sẽ đầy thách thức, song tinh thần hợp tác quốc tế mà các hội nghị COP giúp làm nổi bật rất mạnh mẽ và đây chính là nền tảng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu này.
COP27: Thông qua thỏa thuận thành lập quỹ bồi thường tổn thất do biến đổi khí hậu
Ngày 20/11, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), được tổ chức tại Ai Cập, đã thông qua việc thành lập quỹ đặc biệt để chi trả cho những tổn thất mà các nước dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của biến đổi khí hậu.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (trái) và Ngoại trưởng Ai Cập, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) trong cuộc họp báo tại Sharm el-Sheikh (Ai Cập), ngày 17/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Các phái đoàn tham dự COP27 đã bày tỏ sự ủng hộ sau khi quỹ bồi thường "tổn thất và thiệt hại" được nhất trí thông qua sau 2 tuần đàm phán căng thẳng, liên quan tới yêu cầu của các nước đang phát triển, theo đó các nước giàu có lượng phát thải lớn phải bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà các đang phát triển phải gánh chịu do các hình thái thời tiết cực đoan.
Nội dung này không nằm trong chương trình nghị sự chính thức ban đầu, tuy nhiên nỗ lực của các nước đang phát triển đã biến đây thành chủ đề được quan tâm nhất tại hội nghị, và việc Hội nghị thông qua thỏa thuận thành lập quỹ bồi thường được các nhà chuyên môn đánh giá là bước tiến lịch sử. Bước đột phá này mang lại hy vọng cho các cuộc đàm phán tại COP27 nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng của hội nghị.
Quỹ bồi thường sẽ bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, từ nhà cửa và cầu bị cuốn trôi do lũ quét tới nguy cơ biến mất các nền văn hóa và các hòn đảo do mực nước biển dâng cao. Các nước phát triển được yêu cầu đóng góp vào quỹ đền bù, cùng với các nguồn kinh phí tư nhân và quỹ công khác như các thể chế tài chính quốc tế.
Trước đó, Ai Cập thông báo các cuộc đàm phán tại COP27 kéo dài thêm một ngày, đến ngày 19/11. Ngoại trưởng Ai Cập đồng thời là Chủ tịch COP27 - ông Sameh Shoukry - nêu rõ chương trình nghị sự của COP27 có sự thay đổi đột ngột do cần thêm thời gian để các bên tiếp tục đàm phán nhằm thống nhất những nội dung quan trọng của một thỏa thuận cuối cùng, trong đó có nội dung về quỹ bồi thường cho những nước nghèo chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Trong năm nay, các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra như lũ lụt tại Pakistan, hạn hán nghiêm trọng đe dọa gây ra nạn đói ở Somalia... đã thu hút sự tập trung vào các nước gánh chịu thảm họa thiên tai, vốn đã chật vật đối phó với lạm phát leo thang và các khoản nợ ngày càng tăng.
COP27: Các nhà đàm phán đạt được thỏa thuận về quỹ khí hậu Ngày 19/11, các nhà đàm phán tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), được tổ chức tại Ai Cập, đã đạt được một thỏa thuận có thể mang tính đột phá về vấn đề gai góc nhất, theo đó lập một quỹ đền bù...