Tình người nơi chốn lao tù
Ở nơi tưởng như khô cứng giữa người coi tù và kẻ lầm lỗi, vẫn có những giọt nước mắt cảm động để rồi thi thoảng lại có người tìm về chốn cũ với lòng biết ơn sâu sắc.
Nguyễn Hữu Hưng ở Hòa Bình vào trại giam Nam Hà cải tạo với mức án 20 năm về tội buôn bán ma túy. Tuy nhiên mới trả án được 8 năm, người vợ ở nhà không chịu được cuộc sống đơn lẻ đã bỏ đi lấy chồng.
Ngày nhận được đơn xin ly hôn của vợ, Hưng bất mãn, lúc nào cũng vật vã một cách khổ sở, chả thiết gì tới lao động, ăn uống. Lúc đó, quản giáo trẻ Đinh Mạnh Đông đã gặp riêng Hưng để nói chuyện, khơi gợi trách nhiệm của một người cha với hai đứa con đang chờ đợi ở nhà.
Những lời động viên của quản giáo trở thành động lực giúp Hưng vượt qua khó khăn những ngày hòa nhập, sau này trở thành một ông chủ trẻ, có trong tay hàng chục lao động. Năm nào cũng thế, Hưng lại lái xe lên trại giam, thăm người quản giáo đã giúp mình vững vàng. Món quà mà anh đem đến chỉ là lẵng hoa với tấm bưu thiếp nhưng ai cũng cảm động.
Quản giáo và phạm nhân trong không khí đón Tết trong trại giam.
Không có điều kiện đến thăm “thầy” như Hưng song Nguyễn Thị Phụng, ở Kim Sơn, Ninh Bình lại thể hiện lòng biết ơn đối với người đã dìu dắt mình bằng cách vài tháng lại gọi điện hỏi thăm.
Gia cảnh khó khăn, chồng chết vì nghiện để lại cho Phụng 8 đứa con mắc bệnh thần kinh, tàn tật. Để có tiền nuôi con và thuốc thang, Phụng gia nhập đội quân bán ma túy rồi bị bắt. Những ngày Phụng trả án trong trại giam Ninh Bình, những món quà nhỏ mà quản giáo Bùi Thị Tâm đem đến khi thì cái áo, lúc thì viên thuốc, gói kẹo đã hun đúc cho Phụng một nghị lực sống.
Video đang HOT
Những lời khuyên chân tình, sự tác động của quản giáo để người thân của Phụng cưu mang bọn trẻ đã khiến người đàn bà này vững tâm cải tạo. Dịp 30/4/2011, Phụng được tha tù trước thời hạn và kể từ đó đến nay, giữa hai người phụ nữ ấy trở nên thân thiết, thường xuyên trao đổi qua điện thoại. Lần nào nói chuyện, Phụng cũng khoe về công việc của mình còn quản giáo thì mừng vì đã cứu được một người không quay lại con đường làm ăn tội lỗi.
Không chỉ cho những lời khuyên chân tình, nhiều quản giáo còn bỏ tiền túi của mình mua tặng phạm nhân những vật dụng tối thiểu như tấm áo, chiếc nạng gỗ hay thậm chí là những bát cháo cho con phạm nhân. Tình cảm đó thể hiện ở trại giam công an tỉnh Điện Biên, nơi mà các phạm nhân chủ yếu là người dân tộc, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn.
Điện Biên trời lạnh buốt. Khi giám thị trại giam Đỗ Xuân Hương đang tiếp khách, một quản giáo chạy vào lên tiếng: “Em mua cho cháu bé thêm cái áo bông nữa nhé, rét thế này, tội nghiệp”. Đứa trẻ mà quản giáo nhắc đến là con của phạm nhân Giàng Thị Dếnh (33 tuổi ở huyện Điện Điện), phạm tội mua bán ma túy.
Chồng chết, người thân không đoái hoài, Dếnh vào tù, bế theo đứa con dưới 3 tuổi. Theo lời chia sẻ, do nhà nghèo nên hai đứa con của Dếnh cứ đứa có quần thì thôi áo, đứa có áo thì thôi quần. Rét quá thì đốt lửa sưởi.
Hôm Dếnh được chuyển từ dưới huyện lên, nhìn đứa trẻ bấu chặt mẹ, mặt mũi tím tái vì lạnh, trên người độc một manh áo, quản giáo trại giam liền cởi chiếc áo đang mặc, quàng lên người đứa bé. Cũng kể từ hôm đó, con của phạm nhân Dếnh trở thành con của cán bộ trại, được mặc áo ấm, có nhiều thức ăn do các cán bộ đã bớt khẩu phần ăn hoặc quyên góp tiền mua thêm.
Thấy con mình được các chú công an chăm sóc, sạch sẽ, béo khỏe, Dếnh thật thà: “Em còn một đứa con lên 5 ở ngoài nữa, cán bộ cho em đón nốt vào đây cho nó được sung sướng”.
Không chỉ với trẻ nhỏ mà ngay cả những phạm nhân tật nguyền cũng được các cán bộ trại giam quan tâm. Phạm nhân Lò Thị Hải là một trong số đó. Được chuyển từ Mường Ẳng lên, do hai chân tàn tật, Hải đã được cán bộ tặng cho đôi nạng gỗ kèm theo một túi vật dụng. Lúc nhận món quà, nữ phạm nhân này xúc động không nói được gì.
Không chỉ những phạm nhân nữ mà với những nam phạm nhân, các quản giáo cũng có nhiều cách cảm hóa thấm đẫm tình người. Ấy là những lời khuyên chân tình dành cho những tử tù tìm cách quậy phá, chống đối vì bất cần; là những việc làm khiến những phạm nhân hay vi phạm kỷ luật nhận ra lẽ phải, chuyển biến trong tư tưởng, xác định được lập trường, yên tâm cải tạo. Điển hình như trường hợp phạm nhân Phạm Thế Quang (23 tuổi ở Hải Phòng).
Từ nhỏ đã bị bố mẹ bỏ rơi nên Quang sống rất hoang dã, lúc nào cũng chỉ có ý nghĩ dùng sức mạnh để trấn áp người khác. Vào trại giam vì tội cướp khi còn đang tuổi vị thành niên, Quang cũng quậy phá, thậm chí còn đánh chết một phạm nhân cùng buồng.
Về trại giam Vĩnh Quang, dưới sự quản lý của quản giáo Tạ Huy Bằng, Quang tỏ ra cứng đầu cứng cổ nhưng rồi nước mắt cũng đã rơi trên khuôn mặt bất cần trước cử chỉ ân cần của quản giáo. Trò chuyện, Quang bẽn lẽn bảo không ngờ vào đây, được quản giáo coi như con, trước khi giao việc gì cũng hỏi xem có làm được không, vướng mắc ở đâu thì giải tỏa…
Dẫu ở trong hoàn cảnh nào, phạm nhân và quản giáo vẫn có nhiều câu chuyện cảm động, thấm đẫm tình người khi Tết đến xuân về. Có không ít người đã trở về nơi mình từng cải tạo để cảm ơn những người đã giúp mình. Trong hành trang của mỗi người, tình người mà các quản giáo đã gieo luôn là bài học giúp họ vững bước, nhìn ra con đường sống chính đáng, lương thiện.
Theo VNE
Quản giáo kể chuyện "hậu trường" vụ án My "sói"
Sống "bầy đàn" và trông đợi ở những món tiền cướp được, My "sói" cùng đám đàn anh khiến bao người "giật mình" vì lối sống tàn nhẫn. Nhưng từ sâu thẳm những "con sói hoang" ấy, các cán bộ quản giáo lại nhìn thấy một bộ mặt khác...
Hai lần "phá" ý định tự sát của My "sói"
Nhắc tới cái tên Đào Thu Hương, (tức My "sói"), SN 1996, trú tại số 260 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Trung tá Nguyễn Thị Liên, quản giáo Trại tạm giam số 1, CA TP Hà Nội, không giấu được tiếng thở dài. Giờ thì "học trò" đang thụ án 12 năm tù ở trại khác nhưng "u" Liên vẫn dõi theo từng bước của "đứa con" cứng đầu. My "nổi tiếng" ở trại tạm giam vì là thủ lĩnh "teen máu lạnh". Ngày nhập trại, bản tính ngổ ngáo, bất trị hiện rõ trên khuôn mặt bất cần đời của My "sói". Trung tá Liên cho hay, nữ "học trò" như cái cây bị bẻ cong từ bé, rất khó uốn nắn. Bao phen, My khiến "u" Liên và "kíp" trực giật mình thon thót.
Chị Liên kể, một lần, chờ khi cả phòng đánh giấc say nồng, My xuống khu vệ sinh pha xà phòng rồi "nốc". May mà cán bộ phát hiện kịp thời nên My "sói" không mất mạng. Chưa từ bỏ ý định, lần khác, nhân lúc đi nhận quà của bố, "học trò" cá biệt bất thình lình nhảy bổ xuống bể nước trong cái lạnh căm căm. Hai lần tự sát bất thành, My như con sói hoang càng thêm hậm hực, khó bảo. Trung tá Liên không lấy cương để răn dạy "học trò", chị bảo, lạt mềm buộc chặt. "U" Liên đã gần gũi thủ thỉ, lựa lời khuyên giải My. Nghe "u" chỉ cái đúng, cái sai và sự khoan hồng của pháp luật đối với vị thành niên, My im lặng. Bị "đánh" trúng đòn tâm lý, "con sói hoang" này đã ôm rịt lấy "u" , khóc nức nở. "Học trò" lì lợm là vậy lại tỏ ra yếu đuối, cô đơn, "cô" Liên càng thương. My kể với "u", đời mình đầy sóng gió khi bố mẹ sớm chia tay. Mẹ mải miết bươn chải với cuộc mưu sinh quên cả nghĩa vụ săn sóc đứa con gái bé nhỏ. Nhà lúc nào cũng vắng hoe, chỉ có My với bà ngoại. Trong lúc chống chếnh, My tìm niềm vui từ những đứa bạn "chát" rồi ăn ngủ luôn tại quán "nét". Đây cũng là khởi đầu cho cuộc sống dặt dẹo, lang bạt của nữ "teen".
My "sói"cùng "bầy đàn" trước vành móng ngựa.
Tâm sự với "u" Liên, My nói, nếu không gặp Trịnh Thăng Long, SN 1992, trú tại xã Công Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, chắc đời My đã không rẽ sang ngả tăm tối ấy. Cũng vì "cặp kè" với gã mới lớn lêu lổng mà My can đảm dựng "đại bản doanh". Long và My thường "đóng đô" ở 1 quán "nét" trên phố Trương Định, Hà Nội.
Từ đây, cả 2 làm quen với các cô gái qua mạng rồi lừa tình họ. Khi "con mồi" sập bẫy, My "điều" đám đàn anh (gồm" Nguyễn Xuân Thắng, SN 1993 và Lê Quang Vinh, SN 1991, đều trú tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội Nguyễn Đức Hoàng, SN 1992, và Âu Thế Đoàn, SN 1992 cùng trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội Hoàng Trọng Đạt, SN 1992, trú tại phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội Trần Hoàng Nam, SN 1992, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội), đón "hàng" rồi ép các nạn nhân vào nhà nghỉ, tổ chức hiếp dâm tập thể, cướp tài sản hoặc "biến" họ làm gái. My tỏ ra đáng sợ, "máu lạnh" khi lớn tiếng dọa nạt các bị hại rồi bỏ mặc họ cho người yêu và "bầy đàn" thả sức cướp tình các cô gái. Thậm chí, vừa cưỡng hiếp, nhóm này còn dùng ĐTDĐ quay clip để đe dọa, bắt họ "đi khách". Những lời than khóc, van xin của bị hại đồng lứa không khiến My thương cảm.
Nhờ "u" Liên mát tay mà My bớt thói cay nghiệt. Nữ quản giáo nhận ra, trong sâu thẳm, My vẫn chỉ là một đứa trẻ khát tình thương. Dần dà, My tìm được chỗ dựa từ "cô giáo" của mình. "U" Liên thật sự phấn khởi khi My gọi chị là mùa xuân của mình. Cho đến giờ, Trung tá Liên còn giữ nguyên cảm giác ấm áp mỗi khi My ôm chầm lấy chị. Lúc My đổ bệnh, "u" Liên xót xa nhất. Ngày xét xử tới gần mà My gầy rộc, ăn uống kém khiến chị Liên luôn phải để mắt.
Bệnh My nặng, nhiều loại thuốc phải mua bên ngoài nhưng cán bộ không nề hà. Hai tháng tích cực điều trị, tinh thần thoải mái, sức khỏe của My được cải thiện. Lúc hầu tòa, My nói, đã sẵn sàng đón đợi kết cục dành cho lỗi lầm của mình, "u" Liên chỉ mong con bé được tòa "giơ cao đánh khẽ". Sau đó, người ta thấy một hình ảnh My "sói" hoàn toàn khác. Trình bày với HĐXX, nữ "teen" tỏ ra ngoan ngoãn, thường cúi mặt vì xấu hổ. Nói lời sau cùng, My xin tòa cho cơ hội hoàn lương bởi đã quá nông nổi. "Học trò" biến chuyển trong suy nghĩ, "u" Liên mừng thầm. Với bản án đã định, My phải chuyển trại. Chia tay với "u" Liên, My bịn rịn và không quên tặng "mùa xuân của mình" hình trái tim do chính tay My kết bằng ống hút nhựa. Món quà nhỏ ấy làm Trung tá Liên cảm động.
Trung tá Nguyễn Thị Liên có một cách nhìn khác về My "sói".
Chàng "công tử" trượt dốc
My "nổi tiếng" trong vai trò thủ lĩnh và khiến "u" Liên vất vả nhiều phen. Đại úy Đỗ Anh Cường cũng cùng cảnh ngộ khi được giao quản lý, giáo dục "học trò" Nguyễn Đức Hoàng. Cùng với cặp đôi My - Long, Hoàng được tòa xác định là chủ mưu và bị tuyên án 18 năm tù khi dính đến vụ án này.
Nghe Hoàng kể lại chuỗi ngày sống "bầy đàn" mà "thầy" Cường giật mình. Bao "học trò" nhí qua tay nhưng Đại úy Cường chưa thấy ai ngông cuồng, tàn nhẫn như My "sói" và đồng bọn. Khác với những đứa trong "bầy", Hoàng là con nhà giàu có. Sinh ra ở đất Hà Nội, bố mẹ kinh doanh "xuôi chèo mát mái" nên cuộc sống của Hoàng sung túc. Nhà có điều kiện, Hoàng được bố mẹ đầu tư học hành và cậu từng là niềm tự hào của gia đình. Đứa con được cưng chiều sớm hư hỏng khi Hoàng bước vào năm học đầu cấp III. Chàng trai mới lớn tò mò, thích khám phá mà kết thân với đám bạn xấu lúc nào không hay.
Biết Hoàng nhiều tiền, chúng "bu" lại, lôi kéo để Hoàng chi tiền cho những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Từ đó, cậu bê trễ học hành, thích lêu lổng. "Dạt" ở các quán "nét", Hoàng bị cuốn vào những trò game bạo lực. Đốt sạch tiền của Hoàng, đám bạn còn xúi cậu "vòi" tiền bố mẹ, cứu "nét". Chàng công tử này viện đủ cớ để moi tiền của bậc phụ huynh. Ban đầu, Hoàng trốn học đi chơi ban ngày, sau Hoàng bỏ nhà, vùi mình trong những quán "nét". Bố mẹ nói nặng nhẹ, dùng biện pháp mạnh chẳng được đành bất lực. Họ cắt "viện trợ" hòng mong con ngoái đầu nhìn lại. Nhưng Hoàng chẳng vừa, không được bố mẹ chu cấp, cậu quyết bỏ nhà, nhập "bầy" của My "sói". Với vẻ bảnh bao của Hoàng, My giao cho đàn anh nhiệm vụ "săn hàng", cưa cẩm rồi lừa. Đến nước này thì Hoàng không chỉ nghiện game mà còn nghiện đủ thứ: Sex, ma túy đá. "Cháu nghĩ, lấy tiền của bọn cùng lứa thì chẳng phạm tội. Có tiền là nhóm mua "kẹo đá" về nhà nghỉ bay cùng nhạc" - Hoàng cất lời lạnh tanh nói với "thầy". Sau những cuộc "bay" tơi tả, đáp "bến" là nhóm ngủ chung, "quan hệ" kiểu "bầy đàn".
Cách nghĩ, nếp sống của Hoàng khiến Đại úy Cường "sởn da gà". Nhưng đằng sau sự vô cảm, tàn nhẫn của "học trò", "thầy" Cường còn thấy một bộ mặt khác của Hoàng. Đó là sự non nớt, nông cạn và thiếu hiểu biết của một đứa trẻ không được định hướng. Chỉ đến khi được "thầy" giảng giải, Hoàng mới biết tội mình nặng thế nào, hành vi đáng lên án ra sao. Với Hoàng, "thầy" Cường nhiều công phu khi từng bước giúp "học trò" thoát khỏi sự dày vò của cơn nghiện ma túy. Khi Hoàng đã tỉnh táo, tinh thần thoải mái, "thầy" mới phân tích để Hoàng ngộ ra sai lầm. "Mưa dầm thấm lâu", Hoàng đỡ phá phách và tích cực hợp tác với CQCA.
Vậy là "học trò" phải nhận 18 năm tù, mức án nghiêm khắc này xứng với những sai lầm của Hoàng. Ngày Hoàng chuyển đến Trại giam Phú Sơn, tỉnh Thái Nguyên, "thầy" căn dặn "học trò" đủ điều. Ân tình ấy khiến Hoàng không kìm được nước mắt, hứa như đinh đóng cột, rằng sẽ cải tạo tốt. "Thầy" Cường yên tâm phần nào về Hoàng. Dù gì, cậu cũng đã thay đổi và như thế là có hy vọng.
Theo các cơ quan tố tụng, từ ngày 16 đến 20-7-2010, Long, Hương (tức My "sói"), Hoàng cùng đồng bọn đã gây ra 2 vụ hiếp dâm, 1 vụ hiếp dâm trẻ em và 5 vụ cướp tài sản (hơn 30 triệu đồng). TAND TP Hà Nội tuyên: Hương12 năm tù Long 3 năm tù Thắng, Hoàng, Đoàn - mỗi bị cáo 18 năm tù Nam 4 năm tù, Đạt 30 năm tù về tội "Hiếp dâm", "Hiếp dâm trẻ em", "Cướp tài sản".
Theo Dantri
Thuần phục 'sói hoang' trong buồng giam Tuổi mới lớn đầy "ẩm ương", khi vào trại tạm giam sau những tội lỗi đã gây ra, những can phạm tuổi teen đã khiến các cán bộ quản giáo phải đau đầu để giáo dục. Khi "sói" bị cầm tù Nhắc đến phòng giam của những can phạm tuổi teen, trung tá Nguyễn Thị Liên, quản giáo trại tạm giam số 1...