Tính lại GDP, doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược
Việc tính toán lại GDP có thể sẽ làm thay đổi tư duy chiến lược của doanh nghiệp từ phương án sản xuất kinh doanh đến định hướng phát triển.
Đây là đánh giá của ĐBQH TRẦN ANH TUẤN (Đoàn TP HCM) với DĐDN bên hành lang Quốc hội.
Theo ĐBQH Trần Anh Tuấn, Quốc hội chuẩn bị thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Việc tính toán lại GDP có thể sẽ tạo thêm những cơ hội mới cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
- Theo ông, việc điều chỉnh cách tính lại quy mô GDP có thực sự cần thiết?
Thực tế thời gian gần đây, hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại quy mô GDP thường xuyên và định kỳ. Từ năm 2010 đến nay, nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Đức, Nga, Italia, Croatia, Inđônêxia, Zambia… đã tiến hành đánh giá lại và công bố lại quy mô GDP và các chỉ tiêu vĩ mô có liên quan.
Tăng trưởng GDP theo giá so sánh và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Nguồn: World bank
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:
Việc đánh giá lại quy mô nền kinh tế sẽ tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, việc này không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch, do sự thay đổi về tăng trưởng qua các năm rất nhỏ. Trong lần đánh giá lại, cơ quan thống kê chỉ ra 5 nhóm nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi, trong đó có 4 nhóm nguyên nhân tăng và 1 nhóm nguyên nhân làm giảm GDP. Về nhóm tăng, việc bổ sung thông tin từ tổng điều tra và thông tin từ hồ sơ hành chính đóng góp 90% trong tổng mức điều chỉnh tăng quy mô nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính:
Việc thay đổi GDP là thống kê, hạch toán chưa đầy đủ nền kinh tế thời gian qua. GDP tăng lên sẽ khiến cho một loạt cân đối vĩ mô của nền kinh tế thay đổi. GDP Việt Nam lớn lên có thể khiến lạm phát, thâm hụt ngân sách nhà nước, thâm hụt cán cân thương mại…thay đổi.
Xuất nhập khẩu, lạm phát, vay nợ công đều tính trên GDP. Tỷ lệ lạm phát, nợ công phải trả trên tổng GDP sẽ nhỏ đi. GDP lớn lên, nợ công nhỏ đi có thể xảy ra tình trạng “ru ngủ nhà quản lý”. Thậm chí có thể khiến cơ quan quản lý vay nợ thêm. Điều này cần cẩn trọng.
Video đang HOT
Theo kết quả rà soát được Tổng cục Thống kê đưa ra vừa qua, quy mô GDP đánh giá lại bình quân giai đoạn 2010-2017 tăng thêm 25,4%/năm so với số liệu đã công bố. Việc quy mô GDP thay đổi dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có liên quan tới chỉ tiêu GDP cũng thay đổi. Sự thay đổi của các chỉ tiêu có liên quan bao gồm: Tích lũy tài sản; Tiêu dùng cuối cùng; Tổng thu nhập quốc gia (GNI); Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người; Tỷ lệ vốn đầu tư so với tổng sản phẩm trong nước; Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR); Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP; Tỷ lệ thuế trừ trợ cấp sản phẩm so với GDP; Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; Tỷ lệ dư nợ công so với GDP; Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP).
- Việc tính lại GDP khiến nhiều chỉ số thay đổi, điều này sẽ có tác động đến một số khu vực doanh nghiệp, thưa ông?
Theo tính toán lại, trước đây chúng ta chưa tính hết toàn bộ tổng sản phẩm quốc nội để tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế ở những khu vực không quan sát được, mặc dù có ước lượng nhưng chưa đầy đủ. Mặc dù hoạt động kinh tế vẫn diễn ra bình thường, tuy nhiên chỉ số về giá trị gia tăng sau khi tính lại sẽ có sự thay đổi, làm tăng lên khoảng 24 -25%. Đặc biệt, cách tính mới của Tổng cục Thống kê đã bổ sung hơn 76.000 doanh nghiệp vào hệ thống đánh giá.
Tính cả tốc độ tăng trưởng năm 2018 và nửa đầu năm 2019, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã vượt con số 300 tỷ USD. GDP bình quân đầu người của Việt Nam nhờ đó tăng lên ngưỡng 3.000 USD.
Những chỉ tiêu này cũng tác động lên doanh nghiệp một cách gián tiếp. Điều này được thể hiện qua con số như làm cho quy mô nền kinh tế tăng lên, khi đó các doanh nghiệp sẽ xem xét lại quy mô sản xuất của doanh nghiệp đối với nền kinh tế, điều kiện thị trường để có chiến lược kinh doanh trong thời gian ngắn và dài hạn. Như vậy sẽ có tác động vào hoạt động kinh doanh trong việc định hướng quy mô của doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, chiến lược thị trường, chiến lược sản phẩm, chiến lược marketing…
- Ông có thể lý giải tại sao cách tính cũ lại bỏ sót một số lượng tới hơn 76.000 doanh nghiệp?
Không phải bị bỏ sót một số lượng lớn doanh nghiệp, mà có một số lĩnh vực phi chính thức trước đây chúng ta không có cơ sở dữ liệu, không có căn cứ để đưa vào một cách chính thống, vì khi đưa vào làm dữ liệu thống kê là phải có đủ căn cứ. Trong khi đó, với kinh tế phi chính thức như kinh tế hộ thường rất khó tính toán, bởi hiệu quả kinh doanh lên xuống theo từng năm nên rất khó thu thập được thông tin chính xác…
Do không có số liệu chính thức nên không thể đưa khu vực kinh tế phi chính thức vào tính toán của GDP. Bây giờ khi tính toán lại ở tầm vĩ mô, cơ quan thống kế có cái nhìn tổng thể hơn bằng phương pháp thống kê dựa trên cơ sở cân đối các số liệu lớn của nền kinh tế để ước tính ra quy mô đó để cộng thêm vào nền kinh tế. Nhưng việc tính toán lại cũng chỉ để làm rõ hơn bức tranh kinh tế của đất nước, khuyết đáp những chính sách vĩ mô lớn, còn đi vào cụ thể quản lý thì cũng không có tác động gì nhiều đến lĩnh vực quản lý.
- Bức tranh kinh tế đất nước sẽ thay đổi ra sao sau khi đánh giá lại quy mô GDP, thưa ông?
Dù có tính lại thì hiện tại nền kinh tế vẫn như vậy, việc tính đúng, tính đủ chỉ thể hiện rõ thêm cho một nền kinh tế với quy mô lớn hơn. Từ đây sẽ làm thay đổi về mặt nhận thức, tư duy chiến lược là chủ yếu. Ví dụ, chiến lược sản xuất kinh doanh, phương án sản xuất kinh doanh, chiến lược định hướng sản phẩm trong thời gian tới của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nếu chúng ta sử dụng số liệu này để điều hành vĩ mô thì sẽ thay đổi cơ cấu nợ công. Vì nợ công trước đây của Việt Nam tính trên GDP bằng số liệu chính thức cũ thì vào khoảng 58%, còn bây giờ cộng thêm phần kinh tế phi chính thức thì tỉ lệ nợ công sẽ giảm xuống, nợ Chính phủ giảm, các hệ số an toàn nợ tăng lên, lúc này sẽ cho phép nhà điều hành vĩ mô có thể tăng quy mô vay nợ. Ví dụ, theo số liệu cũ, với số nợ công 58% thì chỉ còn được đi vay 2%. Nhưng nếu tính quy mô nền kinh tế lớn hơn thì có thể được tăng quy mô vay nợ, tăng phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng vay ODA để tăng huy động các nguồn lực mà vẫn đảm bảo trong khung nợ công do Quốc hội cho phép.
Theo quan điểm riêng của tôi, ý nghĩa lớn nhất của việc tính lại GDP là nhằm phục vụ cho yêu cầu quản lý vĩ mô. Nếu đánh giá được đúng kinh tế không chính thức, mặc dù số liệu có thể tạm tính hay ước tính nhưng sát với thực tiễn thì có thể điều hành vĩ mô sát hơn, trong quy mô kinh tế như hiện nay. Nhưng nếu không tính phần kinh tế phi chính thức thì sẽ không được phép đi vay nợ lớn hơn, không được phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, khi đó nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng nền kinh tế sẽ bé hơn vì không được tính đúng, tính đủ.
Còn khi tính chính xác hơn toàn bộ nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo được quy mô nợ công dưới 60%, thì chúng ta sẽ được vay với phạm vi rộng lớn hơn, huy động nguồn lực đầu tư qua nhiều kênh sẽ tăng lên, như vậy sẽ tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Cùng với đó, áp lực huy động nguồn lực từ thuế đối với doanh nghiệp cũng được giảm xuống.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Việt thực hiện
Theo enternews.vn
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn giá rẻ
Dù nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý 3 khả quan hơn nhiều so với dự báo, nhưng không phải ngân hàng nào cũng có thể tung ra các gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp.
Đến nay đã có hơn 10 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý 3, đều tăng mạnh về cả thu nhập lãi thuần lẫn lợi nhuận trước thuế...
Lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 13 tháng của các ngân hàng (Nguồn SSI)
Ngân hàng "lội ngược" dự báo
Lợi nhuận hợp nhất 9 tháng đầu năm 2019 của Vietcombank đạt 17.592 tỷ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ, đạt 85,8% kế hoạch năm 2019. Với kết quả này, không có lý do gì để nghi ngờ Vietcombank sẽ vượt mục tiêu lợi nhuận 20.000 tỷ đồng của cả năm 2019.
Một ngân hàng khác cũng báo đột phá lợi nhuận quý 3 tăng trưởng khủng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2018 là HDBank. Theo đó, lũy kế 9 tháng 2019, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 3.400 tỷ đồng- mức cao nhất từ trước đến nay. Với kết quả này, dự kiến các hệ số sinh lời trên tài sản (ROA) và sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của HDBank sẽ ở mức lần lượt đạt tới 1,7% và 20,2%.
Trong khi đó, các ngân hàng như Sacombank, LienVietPostBank... cũng đã rôm rả thông báo kết quả lợi nhuận và các chỉ số lạc quan.
Điều này được cho là khá trái ngược so với dự báo của một số tổ chức, định chế trước đây khi căn cứ trên tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu chững lại trong quý 3 và room tín dụng của nhiều nhà băng gần chạm trần.
Dù các Ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước đã 2 lần giảm lãi suất cho vay, nhưng đến nay chỉ một vài Ngân hàng TMCP tư nhân đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi đối với một số lĩnh vực ưu tiên.
Trước đó, trong một báo cáo thị trường tài chính, tiền tệ quý 3, Công ty Chứng khoán SSI cho biết lãi suất thực dương đang tăng. Cụ thể, CPI 9 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, là mức thấp hơn khá nhiều so với các năm trước, trong khi lãi suất huy động bình quân cao hơn, theo đó lãi suất thực dương tăng mạnh từ khoảng 3,4%/năm năm 2018 lên 4,8% trong 9 tháng 2019, giúp kênh tiền gửi trở nên hấp dẫn hơn. Điều đó có nghĩa ngân hàng đang phải trả lãi suất huy động cao hơn, trong khi lãi vay không có tín hiệu điều chỉnh tăng. Vì vậy, việc các tổ chức công bố báo cáo lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn trong quý 3 được cho là sự lội ngược dòng và cho thấy định hướng tăng thu từ phí dịch vụ của các nhà băng theo mô hình bán lẻ hiện đại đa năng, giảm phụ thuộc vào nghiệp vụ truyền thống, đã phát huy hiệu quả.
Vốn ưu đãi vẫn xa tầm với
Chuyên gia tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn cho rằng, về tín dụng, tính đến 4/10/2019, tăng trưởng tín dụng đã đạt 8,64%- ngành ngân hàng vẫn còn dư địa hơn 5% trong 3 tháng cuối năm nay, chưa kể sẽ có nhiều tổ chức tín dụng có khả năng được "nới" room hoặc ưu tiên. "Với dư địa có thể xem là rộng rãi như vậy, về cơ bản, tín dụng sẽ được các nhà băng sẵn sàng đẩy mạnh hơn cho doanh nghiệp vào cuối năm nay và tạo đà cho kế hoạch năm sau", ông Hoàn nhận định.
Tuy nhiên, ông Hoàn cho rằng, với tăng trưởng huy động đang khá tốt, lãi suất cho vay đang lại gần sát với trần lãi suất huy động, đặc biệt nhiều tổ chức tín dụng đã phát hành trái phiếu quy mô lớn, lãi suất cũng rất hấp dẫn... thì không phải ngân hàng nào cũng có thể cung ứng vốn tín dụng giá rẻ trong những tháng cuối năm nay đối với nhiều ngân hàng. Và không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được gói tín dụng ưu đãi của một số ngân hàng, vì các gói tín dụng này chỉ dành cho một số lĩnh vực ưu tiên.
Đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngoại tệ trong nhóm được ưu tiên, ông Hoàn cũng lưu ý với các rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị sẵn kịch bản để đáo hạn hợp đồng vay, và việc tiếp cận vốn mới cũng không dễ dàng.
Lê Mỹ
Theo enternews.vn
Nokia quyết tâm đầu tư cho cuộc đua 5G, dừng trả cổ tức Với động thái không trả cổ tức để tập trung nguồn tiền bù đắp vào chi phí vào mạng 5G đã khiến cổ phiếu của Nokia Corp sụt giảm hơn 20%. CEO của Nokia ông Rajeev Suri. Chi phí 5G còn cao Theo Nokia, biên lợi nhuận của họ bị thu hẹp do hoạt động yếu kém tại thị trường Trung Quốc, đặc...