Tinh hoa cuối đời
Người ta nói còn mẹ là một diễm phúc, là còn cả mùa xuân… Mẹ tôi đã ngoài chín mươi, đến nay đầu óc vẫn còn minh mẫn để biểu lộ những suy nghĩ, phán đoán làm con cháu vô cùng ngưỡng mộ.
ảnh minh họa
Ba tôi mất đã gần ba mươi năm. Mẹ kể, ba từng ao ước được đi trước mẹ vì ông sẽ không chịu nổi cuộc sống mà không có mẹ. Mẹ đã cho phép một trong những con gái của bà, một người chị rất tâm đầu ý hợp với ba chọn “chiếc áo cuối cùng cho ba”. Mai kia mốt nọ, đến lượt mẹ, không biết ai trong các anh chị em tôi sẽ là người được nhận vinh dự này.
Vài năm gần đây, mẹ tôi đã chuẩn bị cho ngày bà đi xa. Bà dặn nên tổ chức tang lễ đơn giản, không cần kèn trống gây kinh động xóm giềng. Bà chọn vài chiếc áo dài nói là để mang theo; còn mấy đôi bông tai, vài chiếc nhẫn thì bà chia cho mấy chị em gái chúng tôi.
Mẹ tôi thuộc hàng thượng thọ, bạn bè của bà hầu hết đã khuất bóng. Những người còn sống thì lại già yếu, không thể lui tới thăm nhau được nữa. Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn được nghe mẹ nhắc đến bạn bè của mẹ rồi cười vui hoặc chìm vào im lặng tùy vào những câu chuyện thăng trầm trong cuộc sống. Và mẹ đã có quyết định thật hợp lý trong việc sắp xếp, tạo sợi dây kết nối với những người thân, bạn bè xưa cũ. Bà ngồi hằng giờ bên những cuốn album – nơi chất chứa biết bao kỷ niệm từ thời con gái của bà – chọn lựa rồi lấy ra những tấm ảnh của các người bạn.
Bà giao cho chị em tôi với lời dặn: “Các con cố gắng liên lạc với con cháu của các bác, các dì… để gởi tặng họ hình ảnh của cha mẹ, ông bà họ. Bây giờ me còn tỉnh táo để nhận ra những ai, chứ đến một ngày nào đó đầu óc me u mê rồi thì uổng phí những hình ảnh quý giá này.” Thật vậy, đã có vài người từ phương xa về, tìm tới thăm mẹ tôi. Họ rất xúc động khi bất ngờ được mẹ tôi trao tặng những tấm ảnh xa xưa của cha mẹ, ông bà họ. Tôi cũng được giao việc liên lạc thư từ, gởi những tấm ảnh đã nhuốm màu thời gian cho một vài người là thân thích của bạn bè mẹ. Sau đó, khi tôi đưa mẹ xem những lá thư cảm ơn với lời lẽ trân trọng, gương mặt mẹ rạng ngời niềm vui.
Mỗi dịp xuân về, mẹ thường bảo chúng tôi tìm mua cho bà vài tấm thiệp để bà chúc Tết các bậc tôn đức tăng, ni. Bà nói: “Me không còn sức để đi chùa nữa, vậy nên me phải gởi thiệp để thay cho người; đồng thời cho các vị đó biết là me còn khỏe.” Mẹ tôi đề thơ chúc mừng năm mới, nét chữ còn rõ ràng, ý thơ mạch lạc…
Đối với con cháu trong nhà, mẹ vẫn quan tâm, thăm hỏi ân cần. Có lần, thấy một cháu gọi bằng Cố thể tạng ốm yếu, thường xuyên phải đi bác sĩ, mẹ nhắc đến chắt trong bữa cơm mà rưng rưng nước mắt. Mẹ luôn để dành bánh kẹo ngon chờ lũ trẻ đến thăm, “cho chúng nó vui”. Điều này làm tôi nhớ một bài học thuộc lòng thuở nhỏ, nói về tình thương của người bà: “Bà ơi cháu rất yêu bà/ Đi đâu bà cũng mua quà về cho/ Hôm qua có chiếc bánh bò/ Bà chia cho cháu phần to nhất nhà…” Đối với con cháu đã trưởng thành, mẹ tôi dành những lời thân tình nhưng cũng rất thâm thúy. Vừa rồi, vợ chồng em trai tôi từ nước ngoài về thăm. Trong câu chuyện đang rôm rả, cô em dâu muốn khoe mình biết chăm sóc chồng, đã nũng nịu hỏi: “Me thấy chồng con có đẹp trai hơn hồi trước không?” Mẹ mỉm cười, nhẹ nhàng đưa ngón tay chỉ vào mắt con dâu: “Xấu hay đẹp là tùy ở đây đây!” Em dâu tôi sau đó mách lại, lắc đầu le lưỡi.
Thời gian trôi qua, dưới cầu nước chảy, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Nhưng, với niềm hạnh phúc tuyệt vời được còn mẹ trong những tháng ngày này, tôi thầm mong mẹ tiếp tục sống vui, sống khỏe cùng con cháu. Như một ước nguyện: “Cho cây đời mãi mãi xanh tươi”…
Theo VNE