Tình hình dịch bệnh COVID-19 thế giới ngày 29/7
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 29/7 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có 196.908.515 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.207.661 ca tử vong.
Số ca được điều trị khỏi là 178.275.949 ca.
Khu vực Đông Nam Á hiện đang là tâm dịch của thế giới khi số ca mắc mới và tử vong trong ngày luôn ở mức cao kỷ lục.
Từ nhiều ngày qua, Indonesia liên tục ghi nhận số ca mắc và tử vong trong ngày cao nhất thế giới. Trong vòng 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận 43.479 ca mắc và 1.893 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 3.331.206 và 90.552.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại quận Sabak Bernam, Selangor, Malaysia, ngày 21/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Malaysia tiếp tục ghi nhận số ca mắc trong ngày cao, với 17.170 ca mắc và 174 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số lên 1.078.646 ca mắc và 8.725 ca tử vong.
Tại Thái Lan, Bộ Y tế nước này thông báo số ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ đã lên tới 17.669, mức cao kỷ lục tính theo ngày và nâng tổng số ca mắc lên 561.030 ca kể từ khi đại dịch bùng phát hồi đầu năm ngoái. Trong 24 giờ, Thái Lan cũng ghi nhận thêm 165 ca tử vong, mức cao nhất từ trước tới nay. Như vậy, đến nay Thái Lan có 4.562 người không qua khỏi do dịch COVID-19.
Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia ngày 29/7 ra thông cáo xác nhận có 765 ca mắc mới và 11 ca tử vong do COVID-19 ở nước này trong 24 giờ qua, bao gồm 328 ca nhập cảnh và 337 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy, đến nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 75.917 ca mắc, trong đó 68.386 người đã khỏi bệnh và 1.350 người tử vong.
Trong bối cảnh số ca mắc mới nhập cảnh luôn ở trên ngưỡng 300 ca trong nhiều tuần trở lại đây trong khi biến thể Delta lây lan trong cộng đồng, Chính phủ Campuchia đã quyết định phong tỏa toàn bộ 8 tỉnh giáp biên giới với Thái Lan và áp dụng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm biến thể nguy hiểm này.
Video đang HOT
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại San Juan, Philippines, ngày 27/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh mở chương trình tiêm chủng cho mọi người dân muốn tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực ngăn chặn các biến thể ca virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Delta, lây lan ra diện rộng. Số ca mắc và tử vong trong 24 giờ qua tại Philippine vẫn cao với 5.735 và 178 ca, nâng tổng số lên 1.572.287 ca, trong đó có 27.577 ca tử vong.
Trong khi đó, tại châu Âu, “hộ chiếu sức khỏe” đang được tăng cường sử dụng tại các quốc gia. Theo đó, “chứng chỉ xanh” COVID-19 đã bắt đầu có hiệu lực ở Đan Mạch, Pháp và sắp tới là Italy, cho phép người sở hữu là những người đã được tiêm chủng, khỏi bệnh hoặc xét nghiệm âm tính, được quyền tới một số địa điểm công cộng.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Milan, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoài Hungary và Đan Mạch, tại Áo, người dân bắt buộc phải có “thẻ xanh sức khỏe” kể từ đầu tháng 7 để vào các nhà hàng và địa điểm văn hóa nói riêng. Còn ở Luxembourg, các cửa hàng đều yêu cầu khách hàng trình “thẻ xanh về COVID-19″.
Tại Bồ Đào Nha, du khách đến nghỉ tại khách sạn hoặc chơi thể thao đều bắt buộc phải trình giấy chứng nhận này. “Thẻ xanh” cũng được yêu cầu khi vào nhà hàng, nhưng chỉ vào dịp cuối tuần và tại các khu vực được coi là có nguy cơ cao.
Pháp là một trong những quốc gia cuối cùng tham gia phong trào trên. Tại nước này, người dân bắt buộc phải có thẻ sức khỏe kể từ ngày 21/7 tại các cơ sở giải trí và văn hóa quy tụ hơn 50 người như rạp chiếu phim, bảo tàng. Vào đầu tháng 8, thẻ sức khỏe sẽ được áp dụng cho các quán cà phê, hội chợ và triển lãm, cho việc di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa và xe khách đường dài, cũng như các cơ sở y tế.
Cùng với Pháp, từ ngày 6/8, Italy sẽ áp đặt “thẻ xanh” để vào các địa điểm khép kín như quán bar và nhà hàng, bể bơi, nhà thi đấu, sân thể thao, bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát, công viên giải trí.
Thế giới vượt 196,2 triệu ca mắc COVID-19; dịch lập đỉnh mới ở nhiều nước
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 28/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 196.200.313 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.197.159 ca tử vong.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 177.831.557 người.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bhopal, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN
Biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ có tốc độ lây nhiễm cao gấp nhiều lần chủng gốc đang là một trong những nguyên nhân phá hỏng những nỗ lực của thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Nhiều nước tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới, trong đó chủ yếu do biến thể Delta.
Tại khu vực châu Á, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại các nước Đông Nam Á. Ngày 28/7, Thái Lan đã ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục, với 16.533 ca nhiễm, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 543.361 ca, trong đó có 4.397 ca tử vong. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, Cục trưởng Cục Dịch vụ y tế Thái Lan (MSD) Somsak Akksilp cho biết tình trạng thiếu oxy điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở nước này đang trở thành một vấn đề ngày càng trầm trọng hơn do tình trạng buôn lậu bình oxy sang nước láng giềng Myanmar.
Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết nước này có 280 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, trong đó đa phần là ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đặc biệt, tỉnh Savannakhet đang gặp nhiều khó khăn khi mỗi ngày có trên 300 ca nhập cảnh, trong đó có khoảng 30-45% mắc COVID-19. Trước tình hình quá tải bệnh nhân, tỉnh này đang gấp rút mở thêm một trung tâm cách ly với sức chứa 10.000 người. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 5.434 ca mắc COVID-19, trong đó 6 ca tử vong.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN
Malaysia cũng ghi nhận 17.405 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Đến nay, Malaysia có tổng cộng 1.061.476 ca mắc COVID-19. Malaysia đang trong giai đoạn 2 của làn sóng dịch thứ 3 bắt đầu từ tháng 9/2020. Ngày 27/7, Malaysia đã đạt được cột mốc mới về tiêm chủng khi thực hiện được 553.871 mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong một ngày, mức cao nhất từ trước tới nay và là lần thứ 3 vượt mốc 500.000 mũi tiêm/ngày. Hai lần trước là vào ngày 23/7 với 507.050 mũi tiêm và ngày 26/7 với 521.923 mũi tiêm. Tới ngày 27/7, Malaysia đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 1 cho 12.487.441 người, tương đương 38,2% dân số và hoàn thành tiêm 2 mũi cho 5.905 người.
Campuchia có thêm một ngày nữa số ca mắc mới ở mức thấp so với nhiều tuần trở lại đây. Tuy nhiên, số ca nhập cảnh vẫn tăng cùng với đó là nỗi lo đã trở nên hiện hữu về biến thể Delta và cuộc chiến chống dịch chưa biết đến bao giờ mới thấy điểm dừng. Bộ Y tế Campuchia xác nhận 766 ca mắc mới, bao gồm 307 ca nhập cảnh và 459 ca lây nhiễm cộng đồng. Bộ trên cũng thông báo có thêm 15 ca tử vong vì đại dịch. Như vậy tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 75.152 ca mắc, trong đó 1.339 người tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa ra khuyến cáo rằng Campuchia cần quan tâm, theo dõi và thận trọng với các ca nhiễm biến thể Delta không triệu chứng vì những trường hợp giấu bệnh này có thể làm người bị lây nhiễm phát triển triệu chứng rất nhanh.
Ngày 28/7, Bộ Y tế Philippines công bố thêm 4.478 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 1.566.667 ca. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng 84 ca, lên 27.401 ca. Bộ trưởng Y tế Francisco Duque nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống y tế địa phương và tăng các nguồn lực cần thiết trong bối cảnh số ca nhiễm mới gia tăng. Trong khi đó, Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cảnh báo vùng đô thị Manila có thể chứng kiến số ca mắc mới lên tới 11.000 ca/ngày vào cuối tháng 9 tới. Philippines đã áp dụng nhiều đợt phong tỏa và các biện pháp hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt kể từ tháng 3 năm ngoái.
Tại Nhật Bản, số ca mắc mới tăng cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp với hơn 8.000 ca. Riêng tại thủ đô Tokyo, nơi đăng cai Olympic 2020, có thêm 3.177 ca mắc mới, mức cao nhất trong ngày thứ hai liên tiếp trong bối cảnh hệ thống y tế đang trở nên quá tải. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết chính phủ nước này sẽ nhanh chóng xem xét ban bố trình trạng khẩn cấp ở 3 tỉnh giáp thủ đô Tokyo nếu nhận được yêu cầu từ các tỉnh này. Hiện Nhật Bản đang áp dụng tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở Tokyo và Okinawa.
Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 1.896 ca nhiễm mới, trong đó 1.823 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch đến nay lên 191.531 ca. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 4 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi do đại dịch tại nước này lên 2.083 người. Với xu hướng như hiện nay, giới chức Hàn Quốc cảnh báo số ca nhiễm trong ngày ở nước này có thể lên đến 2.000 ca.
Trung Quốc đại lục ghi nhận 86 ca mắc mới trong ngày 27/7, trong đó có 55 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số các ca lây nhiễm trong nước mới được ghi nhận có 48 ca ở tỉnh Giang Tô, 3 ca ở Tứ Xuyên, trong khi Vân Nam và Liêu Ninh mỗi nơi có 2 ca mắc mới. Tính tới ngày 27/7, tổng số bệnh nhân ghi nhận tại Trung Quốc đại lục là 92.762 người, trong đó 4.636 người đã tử vong. Trong khi đó, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng lên 31.484.605, sau khi có thêm 43.654 ca mắc mới. Số ca tử vong cũng tăng lên 422.022 người sau khi có thêm 640 bệnh nhân không qua khỏi.
Tại Australia, chính quyền bang New South Wales thông báo sẽ kéo dài lệnh phong tỏa khu vực Sydney thêm ít nhất 4 tuần trong bối cảnh các ca mắc mới mỗi ngày vẫn ở mức cao sau hơn một tháng áp đặt phong tỏa. Quyết định gia hạn lệnh phong tỏa được đưa ra khi chính quyền bang xác nhận đã có thêm 177 ca nhiễm mới, trong đó có 46 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận số ca mắc mới tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 5, với 19.761 ca và 51 ca tử vong trong ngày 27/7. Bộ Y tế cho biết số ca tăng mạnh trở lại trong những tuần qua sau khi chính quyền dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế để chống dịch. Tại Ukraine, Bộ trưởng Y tế Viktor Lyashko đã công bố những quy định phòng ngừa dịch bệnh mới, theo đó những hành khách nước ngoài đến Ukraine cần phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 bổ sung trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh nếu họ chưa được tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19. Hành khách là công dân Ukraine cũng phải thực hiện xét nghiệm nếu họ chưa tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Iran ngày 22/7/2021. Ảnh minh họa: IRNA/TTXVN
Ở khu vực Trung Đông, số ca nhiễm tại Iran tiếp tục lên đỉnh mới, với gần 35.000 ca mắc, nâng tổng số ca ghi nhận tại nước này lên 3.758.197 ca. Đây là lần thứ hai trong một tuần qua, quốc gia vùng Vịnh này ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục.
Chính quyền Saudi Arabia cảnh báo những người cố tình đi tới các địa điểm trong danh sách cấm do liên quan đến dịch bệnh COVID-19, sau khi về nước sẽ phải đối mặt với án phạt cấm xuất cảnh 3 năm. Do diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay và sự lây lan của các biến thể mới, Bộ Nội vụ Saudi Arabia cảnh báo người dân không tới các nước nằm trong danh sách cấm, cho dù là trực tiếp hay từ nước thứ 3. Công dân Saudi Arabia hiện bị cấm tới 16 quốc gia, trong đó có cả nước láng giềng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Quyết định của Saudi Arabia được đưa ra trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ chóng mặt. Đến nay, nước này đã có hơn 520.000 ca nhiễm, trong đó có gần 8.200 ca tử vong.
Tại châu Phi, Maroc cũng ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay, với 6.971 ca, nâng số người nhiễm tại quốc gia Bắc Phi này lên 588.448, trong đó có 9.638 ca tử vong.
Tại châu Mỹ, Mỹ khuyến cáo người dân ở những khu vực đang có số ca nhiễm tăng mạnh nên đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng có không gian kín, ngay cả khi đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky nhấn mạnh các số liệu cho thấy nguy cơ biến thể Delta lây lan mạnh đang ngày càng tăng. Các nghiên cứu của CDC Mỹ cho thấy những người đã tiêm vaccine, một khi mắc bệnh thì khả năng làm lây lan virus cũng giống như người chưa tiêm chủng. Hiện Mỹ vẫn là quốc gia có số ca bệnh và tử vong cao nhất thế giới với 35.353.923 ca bệnh, trong đó 627.351 ca tử vong.
Malaysia sẽ áp dụng đặc quyền cho người tiêm đủ vaccine COVID-19 Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin ngày 24/7 tuyên bố chính phủ đang cân nhắc áp dụng các đặc quyền đối với người dân đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia ngày 15/7. Ảnh: THX/TTXVN Tờ The Star dẫn lời Thủ tướng Yassin phát biểu tại họp báo cho...