Tình hình Covid-19 hôm nay 11.8: TP.HCM chờ hợp đồng mua 5 triệu liều vắc xin Moderna
Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: TP.HCM đang chờ đại diện Moderna chuyển dự thảo hợp đồng mua 5 triệu liều vắc xin Moderna, Bộ Y tế khẳng định 1 triệu liều vắc xin Vero Cell ở TP.HCM đủ điều kiện sử dụng.
Tiêm vắc xin cho người dân ở TP.HCM. ẢNH: ĐỘC LẬP
Thông tin về tình hình Covid-19 đáng chú ý hôm nay, Bộ Y tế khẳng định 1 triệu liều vắc xin Vero Cell ở TP.HCM đủ điều kiện sử dụng . Theo đó, ngày 31.7, Công ty Sapharco làm thủ tục nhập khẩu thông quan tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và tiếp nhận 4 lô vắc xin Vero Cell với tổng số lượng 1 triệu liều, bảo quản tại kho của công ty. Ngày 4.8, các lô vắc xin này đã được Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế kiểm định chất lượng và cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng vắc xin, sinh phẩm y tế. Ngày 10.8, Bộ Y tế khẳng định các lô vắc xin nhập khẩu này đủ điều kiện để đưa ra sử dụng; đồng thời thông báo tới UBND TP.HCM để triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
TP.HCM trả lời Bộ Y tế về tiến độ thực hiện mua 5 triệu liều vắc xin Moderna . Ngày 11.8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký văn bản báo cáo Bộ Y tế về việc mua, nhập khẩu vắc xin Moderna. Theo đó, TP.HCM đã phát hành thư giới thiệu Công ty Sapharco và Tập đoàn VinaCapital đàm phán với Công ty Zuellig Pharma là đại diện nhà sản xuất vắc xin Moderna. Công ty Sapharco đã ký bản điều khoản cơ bản cho việc cung cấp vắc xin Moderna, đang chờ đại diện Moderna chuyển dự thảo hợp đồng. Nếu hợp đồng được ký kết, lịch giao vắc xin dự kiến vào quý 4/2021 hoặc quý 1/2022. UBND TP.HCM cho hay VinaCapital và Sapharco đang tiếp tục thương lượng và yêu cầu Moderna, Zuellig Pharma đảm bảo số lượng cung ứng tối thiểu 2 triệu liều giao trong tháng 10.2021.
TP.HCM đang vận hành công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 theo mô hình tháp 5 tầng . Theo đó, tầng 1 có 197 cơ sở cách ly tập trung F0 với 42.807 giường, hiện quản lý 13.554 trường hợp. Tầng 2 có 10 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 với công suất theo kế hoạch là 24.900 giường, đang cách ly, điều trị 9.848 trường hợp. Tầng 3 gồm 26 bệnh viện được chuyển đổi công năng, công suất theo kế hoạch là 26.950 giường, đang cách ly, điều trị 14.687 trường hợp. Tầng 4 gồm 15 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hạng I được chuyển đổi công năng một phần hoặc toàn bộ, công suất theo kế hoạch là 4.924 giường, đang cách ly, điều trị 4.499 trường hợp. Tầng 5 gồm 2 bệnh viện tuyến thành phố, 5 bệnh viện tuyến T.Ư với công suất 3.450 giường, đang điều trị 1.667 trường hợp.
Việt Nam sắp có thuốc điều trị Covid-19 từ thảo dược . Ngày 10.8, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc điều trị Covid-19 có tên VIPDERVIR. Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy sản phẩm an toàn và có tác dụng ức chế sự phát triển của SARS-CoV-2, tăng cường miễn dịch trên các mô hình nghiên cứu thực nghiệm. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thuốc được bào chế từ nhiều loại thảo dược Việt Nam có tác dụng: ngăn chặn sự tiếp xúc và xâm nhập của vi rút vào tế bào; ức chế các enzyme liên quan tới quá trình nhân lên của SARS-CoV-2; kích hoạt các tế bào miễn dịch của người bệnh. Các cơ chế này sẽ cộng hưởng tác động để giúp phòng và điều trị Covid-19. Nếu chứng minh được tác dụng của thuốc và các đánh giá kiểm định của cơ quan kiểm định, dự kiến từ nay đến cuối năm có thể xem xét cấp phép lưu hành sản phẩm này.
Hơn 200.000 người dân Vĩnh Long đã được tiêm vắc xin Covid-19 . Ngày 11.8, ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, cho biết đến hết ngày hôm qua, tỉnh đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 206.541 người, trong đó có 28.315 người được tiêm đủ liều. “Tỉnh đã huy động toàn bộ nguồn lực để thực hiện tiêm phòng Covid-19 cho người dân, hiện tại đã tiêm hết số vắc xin được phân bổ. Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm chuyển thêm vắc cho tỉnh để tiếp tục tiêm theo kế hoạch nhằm sớm hoàn thành mục tiêu miễn dịch cộng đồng”, ông Minh cho biết.
Bình Định đặt mục tiêu đến cuối năm 2021, tối thiểu 92% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin Covid-19 . Ngày 11.8, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã ban hành kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 – 2022. Theo đó, chiến dịch được triển khai từ tháng 7.2021 đến tháng 4.2022 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu có tối thiểu 92% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng Covid-19 đến cuối năm 2021 và trong quý 1 năm 2022. Dự kiến, vắc xin phòng Covid-19 do Bộ Y tế cung ứng, phân bổ cho tỉnh Bình Định để triển khai chiến dịch là 2.076.296 liều, trong đó 2.057.078 liều để tiêm chủng cho người chưa được tiêm, 19.218 liều cho người đã tiêm được 1 mũi. Dự kiến, lượng vắc xin được phân bổ trong năm 2021 của tỉnh Bình Định là 1.966.752 liều.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, sau khi bị Bộ Y tế đánh giá tiêm vắc xin Covid-19 chậm, Tây Ninh đã tiêm 55,7% số vắc xin được phân bổ . Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tây Ninh, Sở Y tế tỉnh này đã phối hợp với các đơn vị chức năng, địa phương, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho các đối tượng ưu tiên. Tính đến hết ngày 11.8, tiến độ tiêm vắc xin ở tỉnh Tây Ninh đã cải thiện, đạt 55,7% số vắc xin được phân bổ. Như vậy, tổng cộng từ đợt 4 đến nay, Tây Ninh đã tiêm được trên 44.304 người trên tổng số 79.510 liều vắc xin được phân bổ. Tính đến sáng 11.8, Tây Ninh đã nhận thêm 47.834 liều vắc xin, nâng tổng số vắc xin đã nhận được tính đến thời điểm hiện tại là 127.344 liều.
TP.HCM đề xuất cơ chế hợp tác công tư mua vắc xin Moderna
UBND TP.HCM đề nghị cần có chủ trương chính thức cho phép Công ty VinaCapital thực hiện hợp tác công tư, tổ chức thu phí tiêm vắc xin theo cơ chế mua 5 liều vắc xin sẽ tặng xã hội 1 liều.
UBND TP.HCM đề xuất có chủ trương về hợp tác công tư khi triển khai mua và tiêm chủng vắc xin Covid-19. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Ngày 11.8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký văn bản báo cáo Bộ Y tế về việc mua, nhập khẩu vắc xin Moderna của thành phố.
TP.HCM cho biết luôn nỗ lực tìm kiếm mọi cơ hội để mang vắc xin đảm bảo chất lượng về cho người dân thành phố nói riêng và người dân cả nước nói chung với sự hỗ trợ giúp đỡ của Chính phủ, Bộ Y tế và cộng đồng doanh nghiệp.
TP.HCM đề xuất cơ chế hợp tác công tư mua vắc xin Moderna ngừa Covid-19
Về tiến độ đàm phán và mua vắc xin Moderna, ông Đức cho biết sau khi được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chấp thuận, TP.HCM đã phát hành thư giới thiệu Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Công ty Sapharco, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) và Tập đoàn VinaCapital tiến hành đàm phán với Công ty TNHH Zuellig Pharma là đại diện nhà sản xuất vắc xin Moderna để mua 5 triệu liều vắc xin.
TP.HCM cũng họp nhiều lần với Tập đoàn VinaCapital và các bên có liên quan, thông qua các nội dung dự thảo Biên bản ghi nhớ giữa UBND TP.HCM, Công ty Sapharco, Công ty TNHH Zuellig Pharma, Tập đoàn VinaCapital về việc mua vắc xin Moderna.
TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin để sớm đạt miễn dịch cộng đồng. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Ngày 7.7, UBND TP.HCM giao Công ty Sapharco thực hiện nhiệm vụ đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng mua vắc xin phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, Công ty Sapharco đã ký bản điều khoản cơ bản cho việc cung cấp vắc xin phòng Covid-19 Moderna MRNA-1273.
Đến nay, Công ty Sapharco đang chờ đại diện Moderna chuyển dự thảo hợp đồng để mua 5 triệu liều vắc xin Moderna, các quy định về bảo mật nội dung hợp đồng cho Công ty TNHH Zuellig Pharma, Tập đoàn VinaCapital và Công ty Sapharco để thương thảo và ký hợp đồng chính thức. Nếu hợp đồng được ký kết thì lịch giao vắc xin dự kiến vào quý 4/2021 hoặc quý 1/2022.
1 triệu liều vắc xin Vero Cell ngừa Covid-19 ở TP.HCM đủ điều kiện sử dụng
Kỳ vọng giao 2 triệu liều trong tháng 10.2021
UBND TP.HCM cho hay Tập đoàn VinaCapital và Công ty Sapharco đang tiếp tục thương lượng và yêu cầu Moderna, Công ty TNHH Zuellig Pharma đảm bảo số lượng cung ứng tối thiểu 2 triệu liều giao trong tháng 10.2021. Bên cạnh đó, Tập đoàn VinaCapital và Công ty Sapharco cũng đang tiến hành đàm phán với đối tác để mua ít nhất 10 triệu liều vắc xin mũi tăng cường và giao trong đầu quý 2.2022. Mũi thứ hai rất quan trọng và hiện nay các nước đã đặt hàng nhiều.
Trong văn bản gửi Bộ Y tế sáng nay (11.8), UBND TP.HCM cũng đề xuất một số nội dung quan trọng nhằm bảo đảm việc tiếp cận vắc xin và tăng khả năng huy động nguồn lực của xã hội.
Cụ thể, về phương án hợp tác công tư, UBND TP.HCM đề nghị cần có chủ trương chính thức cho phép Công ty VinaCapital thực hiện hợp tác công tư, tổ chức thu phí tiêm vắc xin theo cơ chế "mua 5 liều vắc xin sẽ tặng xã hội 1 liều". Hiện Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức tiêm cho các đối tượng có nhu cầu và tự chi trả chi phí tiêm chủng.
TP.HCM kỳ vọng sẽ nhận được 2 triệu liều vắc xin Moderna trong tháng 10.2021. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành quy định cụ thể giá dịch vụ tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016 của Chính phủ về hoạt động tiêm chủng.
Ngoài ra, Bộ Y tế có thể tổng hợp nhu cầu vắc xin Moderna của các địa phương khác nhằm tăng số lượng đặt hàng vắc xin gồm 5 triệu liều chính và 10 triệu liều tăng cường để thúc đẩy giao hàng sớm và có thể giảm giá mua vắc xin. Mặt khác, UBND TP.HCM cũng đề nghị Bộ Y tế xem xét, ký bản cam kết miễn trừ trách nhiệm khi có yêu cầu từ nhà sản xuất, nhà cung ứng vắc xin.
Nhóm luật sư ở Mỹ và TP.HCM đề xuất tặng 50.000 lọ vắc xin Moderna cho TP.HCM Ngày 9-8, ông Phùng Công Dũng - chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM - đã ký văn bản khẩn gửi đến Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong về việc đề xuất tặng 50.000 lọ vắc xin Moderna cho thành phố. Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đề xuất được tặng 50.000 lọ...