Tình hình biển Đông tối 26/6: TQ thay đổi chiến thuật tại khu vực giàn khoan Hải Dương-981?
Tàu hải cảnh, hải giám và 1 tàu đầu kéo của Trung Quốc chia thành 2 lớp lao ra truy cản các tàu của Việt Nam với vận tốc cao.
Tình hình biển Đông tối 26/6: Nhiều tàu của Trung Quốc tiến sát tàu Cảnh sát biển Việt Nam
Phóng viên có mặt tại vùng biển Hoàng Sa thông tin, hôm nay (26/6), lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tiếp tục triển khai đội hình, chủ động tiếp cận giàn khoan Hải Dương- 981 từ hướng Tây để tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan.
Nếu những ngày trước, khi tàu của Việt Nam tiến vào, cách giàn khoan khoảng 13 hải lý, ngay lập tức bị các tàu của Trung Quốc lao ra truy cản từ xa. Tuy nhiên, lúc 7h30 phút sáng nay, khi lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tiến vào khu vực cách giàn khoan khoảng 10 hải lý, vẫn không thấy các tàu của Trung Quốc lao ra truy cản. Xác định đây là điều không bình thường nên các tàu Cảnh sát biển và tàu Kiểm ngư đã chia đội hình thành 2 mũi tiến vào tuyên truyền và chủ động sẵn sàng cho mọi tình huống nếu bị bao vây.
Lúc 8h, tàu Cảnh sát biển 4033 và các tàu kiểm ngư tiến vào khu vực cách giàn khoan khoảng 9,5 hải lý thì từ 2 phía xuất hiện 10 tàu Hải cảnh, Hải giám và 1 tàu đầu kéo của Trung Quốc chia thành 2 lớp lao ra truy cản các tàu của Việt Nam với vận tốc cao.
Các tàu của Trung Quốc luôn theo sát các tàu của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam ở khoảng cách 100 đến 300 m. Riêng tàu cảnh sát biển 4033, hôm nay luôn bị 5 tàu hải cảnh, hải giám mang số hiệu 1401, 31101, 32, 02 liên tục tăng tốc và bám sát ở cự ly lúc gần nhất khoảng 200m và dùng vòi công suất lớn để uy hiếp.
Cùng lúc, Trung Quốc đã sử dụng 4 tàu Hải cảnh và 1 tàu đầu kéo để truy cản các tàu của Kiểm ngư, trong đó, riêng tàu Kiểm ngư 951 luôn có 2 tàu, gồm tàu Hải cảnh mang số hiệu 12101 và tàu đầu kéo mang số hiệu 284 liên tục theo sát với vận tốc cao.
Trước sự truy cản quyết liệt của các tàu Trung Quốc, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ tại hiện trường, tiếp tục tổ chức tuyên truyền khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống.
Tại thực địa, xung quanh khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981, hôm nay, Trung Quốc vẫn duy trì hơn 100 tàu các loại để bảo vệ giàn khoan.
Yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho tàu Kiểm ngư 951
Từ 15h chiều nay (26-6), tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức buổi họp báo thường kỳ tháng 6-2014. Một trong những nội dung quan trọng được thông tin là diễn biến mới nhất về tình hình Biển Đông.
Mở đầu cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, trong khi giàn khoan Hải Dương 981 cùng một số lượng lớn tàu hộ tống và máy bay Trung Quốc vẫn đang hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, phía Trung Quốc lại có thêm một loạt các hành động khiến cho tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến căng thẳng và phức tạp hơn.
Video đang HOT
Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tại cuộc họp báo
Cụ thể, chiều ngày 18-6, Cục Hải sự Trung Quốc ra thông báo hàng hải số 14047 thông báo giàn khoan Nam Hải -09 dịch chuyển từ vị trí và vào lúc 13h ngày 21-6, cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện giàn khoan Nam Hải -09 đã được di chuyển đến khu vực như phía Trung Quốc thông báo.
Ngày 24-6, Cục Hải sự Trung Quốc tiếp tục ra thông báo tàu khảo sát thăm dò vật lý địa cầu Hai Yang Shi You sẽ hoạt động ở Biển Đông từ ngày 23-6 đến 20-8-2014.
Khu vực giàn khoan Nam Hải – 09 và tàu khảo sát thăm dò vật lý địa cầu 719 hoạt động thuộc vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo luật pháp và thực tiễn quốc tế, không bên nào được đơn phương hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng biển chồng lấn chưa được phân định.
“Đáng chú ý là hành động này của Trung Quốc diễn ra ngay sau khi Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì sang Việt Nam, khiến dư luận quốc tế và Việt Nam hết sức lo ngại. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, tạo không khí thuận lợi cho tiến trình đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ giữa hai nước” – ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong thời gian quan, Trung Quốc còn tiến hành một loạt các hoạt động như phát hành “Bản đồ địa hình Trung Quốc” và “Bản đồ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa” khổ dọc, trong đó thể hiện “đường lưỡi bò” bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông; đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất mới của Trung Quốc; khởi công xây dựng dự án trường học và hoàn thiện dự án nhà ở công cộng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; tiếp tục mở rộng, xây dựng và thay đổi nguyên trạng trái phép trên một số điểm tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép tháng 3-1988.
Đặc biệt nghiêm trọng, vào lúc 9h20 ngày 23-6, tàu Kiểm ngư 951 của Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã bị một số tàu Trung Quốc vây ép và đâm húc gây thiệt hại nặng. Vị trí vụ vây ép cách giàn khoan Hải Dương – 981 của Trung Quốc rất xa, tới 11,5 hải lý.
“Việt Nam mạnh mẽ lên án hành động nguy hiểm này của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động cản trở tàu công vụ của Việt Nam, bồi thường thiệt hại cho tàu Kiểm ngư 951 và các tàu khác của Việt Nam bị Trung Quốc gây thiệt hại trong thời gian vừa qua” – ông Lê Hải Bình bày tỏ quan điểm.
Ông Hà Lê , Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư làm rõ hơn những thông tin về tình hình thực địa
Chuyển sang phần hỏi đáp, cùng trả lời với ông Lê Hải Bình có ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam và ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư.
Trả lời các câu hỏi của báo giới, ông Ngô Ngọc Thu thông báo về tình hình thực địa trong 10 ngày qua, từ ngày 16 dến 25-6. Trong thời gian này, Trung Quốc thường xuyên sử dụng từ 109 đến 125 tàu thuyền các loại bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981, đặc biệt trong số này có khoảng 4-6 tàu chiến hoạt động.
“Mặc dù các tàu bảo vệ Trung Quốc tiếp tục có những hành động ngăn chặn, cản phá quyết liệt, tổ chức đâm va, phun nước, song lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên quyết, kiên trì, thực hiện nghiêm chính sách, kiềm chế, không mắc mưu khiêu khích, chủ động cơ động, vòng tránh trước hành động khiêu khích đâm va của các tàu Trung Quốc. Trong quá trình ở hiện trường, chúng tôi tiếp tục theo dõi chặt chẽ, tiếp tục đấu tranh khẳng định chủ quyền, bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình” -ông Thu nhấn mạnh.
Bày tỏ quan điểm của Bộ Ngoại giao trước việc Trung Quốc phát hành bản đồ khổ dọc về “đường lưỡi bò”, ông Lê Hải Bình cho biết đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Yêu sách về “đường lưỡi bò” đã bị các nước trong khu vực và trên thế giới phản đối. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động sai trái này của Trung Quốc
Trả lời câu hỏi của phóng viên đến từ một hãng thông tấn Đức về quan điểm của Việt Nam trước việc Trung Quốc đưa ra Biển Đông một giàn khoan mới, ông Lê Hải Bình cho rằng vị trí hiện tại của Nam Hải – 09 đang nằm ở vùng chồng lấn, đang được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo luật pháp và thực tiễn quốc tế, không bên nào được đơn phương hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng biển chồng lấn chưa được phân định.
“Không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực đều quan ngại sâu sắc nếu như hoạt động của các giàn khoan này vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước liên quan” – ông Bình nói.
Theo Xahoi
Tàu kiểm ngư 951 bị đâm tơi tả, Trung Quốc vẫn tiếp tục uy hiếp
Dù đã bị tàu Trung Quốc đâm tơi tả ngày hôm trước, nhưng ngày 24/6, tàu kiểm ngư 951 vẫn tiếp tục bị tàu kéo số 32 và tàu 284 của Trung Quốc áp sát, ngăn cản...
Tàu kiểm ngư 951 bị đâm tơi tả, Trung Quốc vẫn tiếp tục uy hiếp
Tàu cá Trung Quốc ép, hăm dọa tàu cá Việt Nam
Trong ngày 24/6, tàu kiểm ngư 951 đã khắc phục được các thiệt hại ban đầu sau khi bị hai tàu Trung Quốc đâm ngày 23/6.
Hệ thống thông tin liên lạc trên tàu đã hoạt động bình thường. Các lỗ thủng ở mạn trái của tàu kiểm ngư 951 đã được khắc phục xong.
Hệ thống khoang máy và thân vỏ đã kín nước. Sức khỏe hai kiểm ngư viên bị thương đã ổn định. Dù bị bẹp dúm phần đuôi tàu, tàu kiểm ngư 951 vẫn tiếp tục bám trụ thực địa, tiến vào gần giàn khoan thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.
Đặc biệt trong ngày 24/6, tàu kiểm ngư 951 tiếp tục bị các tàu Trung Quốc dùng tốc độ cao uy hiếp, ngăn cản.
Theo Cục Kiểm ngư, dù đã bị các tàu Trung Quốc đâm tơi tả ngày hôm trước, nhưng sang ngày 24/6, tàu kiểm ngư 951 vẫn tiếp tục bị tàu kéo số 32 và tàu 284 của Trung Quốc áp sát, ngăn cản ở khoảng cách 100m và 10m.
Tuy nhiên tàu kiểm ngư của ta vẫn kiên trì bám trụ, cơ động vòng tránh để tiếp tục đấu tranh tuyên truyền, thực thi pháp luật, đảm bảo an toàn.
Báo cáo của Cục Kiểm ngư chiều qua cũng cho biết trong ngày 24/6, số tàu của Trung Quốc quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981 đã giảm chỉ còn 102-108 chiếc các loại, với 37-39 tàu hải cảnh, 12-14 tàu vận tải, 17-19 tàu kéo, 6 tàu quân sự (tăng 1 chiếc so với ngày 23/6) và 30 tàu cá vỏ sắt.
Các tàu Trung Quốc hôm qua đã tổ chức thành các nhóm 5-10 tàu và bố trí thành đội hình vòng cung cách giàn khoan 10-11 hải lý.
Đặc biệt từ 13h10-14h25, lực lượng kiểm ngư đã phát hiện một máy bay số hiệu CMS-B3586 của Trung Quốc hoạt động ở phía nam đông nam, cách giàn khoan 12 hải lý và bay ở độ cao 500-700m. Sau khi bay bốn vòng, máy bay này rời khỏi khu vực theo hướng đông bắc.
Theo Cục Kiểm ngư, lúc 8g khi các tàu kiểm ngư hoạt động cách giàn khoan 10,5 hải lý thì có 5 tàu kéo, 6 tàu quân sự và tàu hải tuần 11 của Trung Quốc chặn hướng, áp sát không cho các tàu của ta tiến vào gần khu vực giàn khoan.
Các tàu Trung Quốc tổ chức dàn hàng ngang, ngăn cản quyết liệt, sử dụng tàu tốc độ cao để áp sát các tàu của ta (chỉ cách 10-120m).
Các tàu Trung Quốc đều có biểu hiện rất hung hăng, manh động và có ý đồ vây ép để đâm va, phun nước khi các tàu của ta tiến vào khu vực giàn khoan.
Trong khi đó chiều 23/6, thông qua hệ thống Icom cộng đồng, ngư dân Lê Khởi, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá QNg 96697 (xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) đang tham gia khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa liên lạc về cho biết những ngày qua, việc làm ăn của ông và nhiều tàu cá khác của ngư dân miền Trung tại vùng biển Hoàng Sa gặp không ít khó khăn.
Theo ông Khởi, sáng 23/6 khi tàu của ông và nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam - Đà Nẵng đang thả lưới cách đảo Tri Tôn (Hoàng Sa, Việt Nam) khoảng 60 hải lý về phía đông nam thì bất ngờ trên 20 tàu cá vỏ thép cùng 1 tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện ngăn cản, uy hiếp không cho tàu cá Việt Nam đánh bắt.
"Mình vừa thả lưới thì họ cho tàu tiếp cận sát mạn, liên tục chèn ép hoặc cắt ngang mũi tàu cá khiến mình phải lo vòng tránh. Không dừng lại ở đó, họ còn sử dụng chiêu bài cứ 3-4 tàu cá vỏ thép của họ theo kèm sát một tàu cá của mình, họ kẹp đầu, kẹp đuôi như muốn nhấn chìm tàu mình".
Theo Xahoi
ĐNa-90152, tàu bị Trung Quốc đâm chìm trong mắt học giả nước ngoài "Khi nhìn thấy con tàu đắm, tôi cảm thấy buồn hơn, bởi mỗi lần đến Việt Nam tôi đều được đưa lên một con tàu", khi là tàu bị đâm, khi là tàu có ngư dân bị cướp, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, chia sẻ khi tận mắt chứng kiến những vết thương nham nhở trên thân tàu ĐNa-90152...