Tình hình biển Đông chiều 3/7: Hoa Kỳ chính thức yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan
Vừa qua Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chính thức tuyên bố yêu cầu TQ rút giàn khoan Hải Dương – 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của VN.
Tình hình biển Đông chiều 3/7: Hoa Kỳ chính thức yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan
Chiều 1/7/2014, tại Hà Nội, trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp thiếu tướng Gari Her, Phó tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nhân dịp thiếu tướng sang Việt Nam dự tham vấn Lục quân song phương Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 3.
Tại buổi tiếp, thiếu tướng Gari Her bày tỏ vui mừng lần đầu tiên được sang thăm và làm việc tại Việt Nam, chúc mừng Việt Nam vừa thành lập Trung tâm gìn giữ hòa bình và cử sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc. Thiếu tướng Gari Her thông báo với trung tướng Võ Văn Tuấn kết quả tham vấn Lục quân song phương Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 3 và mong muốn những đề xuất hợp tác trong tham vấn sẽ được Bộ Quốc phòng Việt Nam chấp thuận.
Thiếu tướng Gari Her bày tỏ quan ngại trước hành động Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trên vùng biển Việt Nam và thông báo, vừa qua Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chính thức tuyên bố yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương – 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hoa Kỳ tiếp tục theo dõi, ủng hộ Việt Nam đấu tranh với hành động sai trái của Trung Quốc bằng con đường hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hành vi của Trung Quốc là ‘khủng bố quốc gia’
Việc tàu Trung Quốc liên tục có hành động sử dụng vũ lực đâm va, phá hủy tàu lực lượng thực thi pháp luật, tàu cá của ngư dân Việt Nam, đánh chìm, bắt hải sản ở ngư trường truyền thống không chỉ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế mà còn là hành động vô nhân đạo.
Nhiều chuyên gia luật pháp cho rằng, đây là hành động khủng bố và chúng ta nên có hành động tiếp theo như thế nào để bảo vệ quyền lợi quốc gia.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Thanh Sơn, Văn phòng Luật sư AIC, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội về vấn đề này.
PV: Thưa ông, kể từ khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc liên tục có các hành động dùng vũ lực, đâm va, phá hủy tàu của lực lượng thực thi pháp luật và tàu cá của Việt Nam. Gần đây nhất là vụ đâm chìm tàu kiểm ngư 951 vào sáng 23/6 khiến cho tàu kiểm ngư 951 bị hư hỏng nặng. Những hành động này của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế như thế nào?
Luật sư Lê Thanh Sơn: Theo quan điểm của chúng tôi, tất cả các hành vi của Trung Quốc đã sử dụng trong thời gian qua là vô nhân đạo.
Nếu xem xét các hành vi nằm trong khuôn khổ pháp luật thì tất cả hành vi này của Trung Quốc đã vi phạm Khoản 4 Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Trong quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc, “các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc không được phép sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế”. Trung Quốc đã sử dụng các hành vi nêu trên là vi phạm quy định này.
Thứ 2, việc họ lắp đặt giàn khoan trái phép, đưa các tàu ra bảo vệ… là vi phạm Công ước của Luật Biển LHQ năm 1982, cụ thể là vi phạm các quy định tại Điều 55, 56, 57, 58, 76,77, 81 và một số điều khác nữa.
Video đang HOT
Thứ 3, trong Tuyên bố về nguyên tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC), trong đó Trung Quốc cũng là thành viên ký kết vào bản tuyên bố này, điểm 4 và điểm 5 nêu: các quốc gia không được sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp tại Biển Đông và Trung Quốc đã vi phạm chính những điều đã ký kết. Họ đã chà đạp lên luật pháp quốc tế.
ĐNa-90152 với vết thương trên thân mình.
PV: Theo ông chúng ta nên giải thích như thế nào về bản chất dùng vũ lực chà đạp lên luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc?
Luật sư Lê Thanh Sơn: Từ những phân tích trên, chúng tôi thấy rằng, hành động của Trung Quốc là hành vi xâm lược (cách gọi chính xác hơn là “Hành vi xâm lược về chủ quyền quốc gia”, tức là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông).
Việc họ liên tục sử dụng vũ lực, dùng các tàu đâm va, đặc biệt là đâm va tàu cá của Việt Nam, làm 10 ngư dân Việt Nam bị rơi xuống biển mà vẫn thản nhiên bỏ đi, đấy là một hành vi hết sức vô nhân đạo.
Pháp luật quốc tế chỉ rõ: Bất kỳ trường hợp nào trong các hành trình trên biển, khi có người bị nạn thì bắt buộc phải cứu. Ở đây, tôi chưa nói về khía cạnh luật pháp mà chỉ nói về vấn đề đạo đức, là hành vi vô nhân đạo.
Khi xem xét lại cả tiến trình, chúng tôi thấy rằng, các hành vi đó không phải là tự phát mà có sự chỉ đạo rất rõ ràng. Có nghĩa Nhà nước Trung Quốc đã có sự chỉ đạo chính trị cho các lực lượng này nên họ mới có các hành vi đó.
Phía Trung Quốc thấy người bị nạn mà không ứng cứu, theo chúng tôi, ngoài hành vi xâm lược như đã nêu ở trên, có lẽ chúng ta cũng phải xem xét một khía cạnh nữa là “Hành vi khủng bố”.
LHQ đã từng có Nghị quyết nói về chống khủng bố và Nghị quyết này đã được các nước thành viên LHQ ủng hộ, đặc biệt là Hoa Kỳ. Từ trước đến nay, chúng ta mới chỉ nói đến khủng bố của các cá nhân hay các tổ chức mà chưa bao giờ nói về khủng bố quốc gia. Ở đây, chúng tôi muốn nói rằng, hành vi của Trung Quốc xứng đáng được gọi là khủng bố quốc gia.
Vậy thế nào là khủng bố quốc gia và trong các trường hợp khủng bố quốc gia thì pháp luật quốc tế đối xử với nó như thế nào?
Chúng ta có thể hiểu: Các nước lớn sử dụng hành vi như: dùng sức ép, đe dọa rồi sử dụng vũ lực để gây chiến đối với các nước nhỏ. Hành vi đó tạm gọi là hành vi khủng bố. Và chúng ta phải có một quy định nào đó để ngăn cản các hành vi của các quốc gia lớn bắt nạt các quốc gia nhỏ.
PV: Về vấn đề này, theo ông chúng ta nên đưa ra những đề xuất như thế nào với LHQ để tránh tình trạng nước lớn ép nước nhỏ?
Luật sư Lê Thanh Sơn: Theo tôi, chúng ta cần đề xuất với LHQ về vấn đề xem xét các hành vi nào thì được gọi là “Hành vi khủng bố quốc gia” và trách nhiệm của các nước trong LHQ như thế nào với hành vi gọi là “Khủng bố quốc gia”.
Chúng tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta đưa khái niệm này cùng các đề xuất ra quốc tế, chắc chắn rất nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ.
Bởi lẽ, trước đây, LHQ đã nói về hành vi khủng bố rồi nhưng cũng chưa phân định rõ về vấn đề khủng bố quốc gia và coi khủng bố quốc gia là như thế nào thì nay đã có chế tài áp dụng với nó và trách nhiệm cho thế giới biết điều đó. Và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cần thiết phải có chế tài để áp dụng đối với nó.
PV: Vâng xin cảm ơn ông!
Theo Xahoi
Chủ tịch nước thăm tàu cá bị Trung Quốc đâm chìm
Chiều 2/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn cán bộ Trung ương, địa phương đã có chuyến thăm tàu cá ĐNa 90152 bị Trung Quốc đâm chìm tại Đà Nẵng.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trò chuyện, hỏi thăm, động viên đối với chủ tàu cá ĐNa 90152 ngay tại xưởng sửa chữa tàu Bắc Mỹ An (âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà Đà Nẵng).
Chia sẻ khó khăn với Chủ tịch nước, bà Huỳnh Thị Như Hoa (SN 1977, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), chủ tàu cá ĐNa 90152 nói: "Ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống xưa nay của ngư dân Đà Nẵng, nên hành động đâm chìm, tấn công tàu cá là hành vi vô nhân đạo.
Việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 đã gây rất nhiều khó khăn cho ngư dân trong thời gian qua. Rất mong Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa để ngư dân tiếp tục yên tâm bám biển, giữ ngư trường".
Chiều 2/7, tại Đà Nẵng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm tàu cá ĐNa 90152 bị Trung Quốc đâm chìm
Sau khi lắng nghe tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của chủ tàu cá ĐNa 90152, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã động viên chủ tàu cá ĐNa 90152 cùng các ngư dân yên tâm bám biển, giữ ngư trường và cho rằng, Đảng và Nhà nước luôn đồng hành, ủng hộ, chia sẻ khó khăn với ngư dân, chủ tàu cá ĐNa 90152 và ngư dân nói chung hãy yên tâm giữ biển, giữ chủ quyền.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã có buổi thăm hỏi bà con ngư dân tại Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Sau khi xuống tận chân cầu cảng cá để hỏi thăm ngư dân, Chủ tịch nước đã có buổi trò chuyện và tặng quà đối với 25 chủ tàu cá đã vươn khơi, bám biển Hoàng Sa giữ chủ quyền trong thời gian qua.
Tại đây, ngư dân Lê Văn Chiến, thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90351 cùng nhiều ngư dân khác bày tỏ sự cảm ơn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi đã đích thân đến thăm hỏi, động viên ngư dân Đà Nẵng cũng như sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngư dân trong thời gian qua.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lắng nghe tâm tư tình cảm của bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cá ĐNa 90152 bị Trung Quốc đâm chìm
"Thời gian vừa qua, hầu như ngư dân vươn khơi đều bị tàu Trung Quốc xua đuổi, tấn công. Ngư trường bị thu hẹp, nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt nên hoạt động đánh bắt của ngư dân ngày càng khó khăn. Không chỉ vậy, cá về bờ thì bị tư thương ép giá khiến hoạt động của ngư dân càng bị thu hẹp.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có đến 80% tàu cá ngư dân Thanh Khê nằm bờ do vươn khơi không đảm bảo phí tổn, đời sống của ngư dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vì sinh kế và nhiệm vụ giữ ngư trường, ngư dân vẫn cố gắng vươn khơi bám biển. Rất mong Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa để ngư dân yên tâm bám biển, giữ ngư trường", ngư dân Lê Văn Chiến nói.
Sau khi lắng nghe ý kiến tâm huyết của ngư dân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: "Tôi đánh giá cao tinh thần bám biển của ngư dân. Hành động của tàu cá ĐNa 90152 và nhiều tàu cá nữa là rất dũng cảm khi nỗ lực bám biển, bám ngư trường, giữ chủ quyền. Hoan nghênh bà con và hy vọng bà con sẽ tiếp tục phát huy tinh thần này".
"Về hỗ trợ ngư dân, Trung ương đang lo, sẽ tăng thêm lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư để hỗ trợ ngư dân. Thời gian qua, Quốc hội dành một khoản tiền để hỗ trợ, cải thiện đời sống ngư dân và bảo vệ chủ quyền tổ quốc", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ.
Một số hình ảnh về chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Đà Nẵng:
Chủ tịch nước trò chuyện cùng vợ chồng chủ tàu cá ĐNa 90152
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện cùng ngư dân
Bửu Lân
Theo_VTC
Chủ tịch nước: 'Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam là hành động tàn bạo' Sáng 3/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm và nói chuyện các chiến sỹ Cảnh sát biển vùng 2 tại Đà Nẵng. Tại đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm hỏi, động viên các chiến sĩ trên tàu CSB 2013, CSB 2015, nói chuyện và chia sẻ những khó khăn với các chiến sỹ trên tàu....