“Tình em 2″ – Đưa nhạc đỏ đi qua thiên kiến!
Các ca khúc nhạc đỏ thường bị gắn với một thiên kiến về sự khô cứng của tuyên truyền. Thế nhưng “Tình em 2″ của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đã đưa nhạc đỏ ra khỏi vùng trời thiên kiến ấy.
Khi thế hệ những bạn trẻ sinh lứa tuổi 9x, 2000 sinh ra và lớn lên, chiến tranh đã lùi xa, dấu ấn chiến tranh với thế hệ ấy có phần mờ nhạt. Trung thực mà nói, những tác phẩm văn học nghệ thuật, những bài hát về một thời kỳ hùng tráng cả nước “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai” có phần xa lạ với những người trẻ. Không thể trách những người trẻ bởi phía trước họ là hiện tại và tương lai. Như bất kỳ thế hệ trẻ nào, quá khứ không phải là điều để họ thực sự lưu luyến và ghi nhớ.
Những ca khúc nhạc đỏ hay và đẹp nhưng nó cần được sống trong lòng khán giả, nhất là những khán giả trẻ tuổi. Nhưng giữa bạt ngày những ca khúc “triệu view”, thậm chí “tỷ view”, nhạc đỏ phải làm sao để tồn tại trong đời sống mà không bị gắn với thiên kiến về sự khô cứng, xa lạ?
“Tình em 2″ tái hiện tình yêu thời chiến bằng hình thức nhạc kịch. Ảnh: Quốc Minh
Giữa muôn vàn khó khăn để sân khấu sáng đèn, điều tuyệt vời là Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long – một đơn vị Nhà nước – đã làm được. Trong những ngày cuối năm 2019, Nhà hát này đã dàn dựng thành công một chương trình nghệ thuật đặc sắc có tên “Tình em 2″. Điều đặc biệt là toàn bộ các ca khúc sử dụng trong chương trình đều thuộc lớp các bài hát mà chúng ta quen gọi là Nhạc Đỏ.
Dưới dạng một vở nhạc kịch, đêm nghệ thuật đã trình diễn các tác phẩm đã đi vào lòng khán giả yêu nhạc cách mạng, đó là các ca khúc: “Nhịp cầu nối những bờ vui”, “Thư tình cuối mùa thu”, “Sơn nữ ca”, “Tình ca”, “Cô gái mở đường”, “Màu hoa đỏ”… Cùng với đó là các ca khúc khá “độc” được anh chị em nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long dàn dựng đưa lên sân khấu. Có thể kể đến: “Đưa anh đi hái măng rừng”, “Chàng trai nước Việt”, “Chiều trên quê hương tôi”…
“Tình em 2″ là chương trình ca nhạc có chủ đề xuyên suốt và chặt chẽ, được trình diễn liên tiếp như một vở kịch được diễn bằng âm nhạc, những bản tình ca, những giai điệu của tình yêu sẽ được vang lên mà ở đó ta thấy cả dáng hình đất nước, dáng mẹ bóng cha và cả những lý tưởng cuộc đời. Các ca khúc được tập thể nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long với những giọng ca trẻ và tài năng như: Bảo Trâm, Đông Hùng, Hà Linh, Quang Đạt, Đức Trung… thể hiện.
Giữa tiếng rền vang dữ dội của chiến tranh, tiếng bom mìn tàn phá cuộc sống bình yên, tiếng kêu, tiếng khóc và cả những tiếng hờn căm, ta vẫn nghe được âm thanh dịu dàng nhưng da diết cháy bỏng của tình yêu. Chiến tranh dữ dội, khốc liệt là thế, nhưng vẫn ươm mầm xanh cho tình yêu của anh lính và cô nữ dân quân thêm bền chặt, khăng khít. Họ chia tay khi tình yêu vừa chớm nở. Cô gái ở lại nơi huyết mạch giao thông, chàng trai đi vào sâu trong tuyến lửa.
Giữa khoảng không gian ấy là nỗi nhớ thiết tha, từ đó những khúc tình ca cũng bắt đầu được ngân vang. Đó là một trong nhiều câu chuyện tình yêu trong thời chiến tranh, về một thời kỳ hàng vạn người Việt Nam trẻ tuổi phải hy sinh xương máu và hạnh phúc cá nhân cho cuộc chiến giành tự do, bảo vệ sự sống của chính mình và đồng bào. Người ra đi, người ở lại, người trở lại, người chẳng thể quay về.
Ca sĩ, NSƯT Tấn Minh – Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long nói: “Bằng cách làm này, chúng tôi vẫn giữ được hồn cốt của ông cha ta và thổi một luồng gió mới của ngày hôm nay. Có thể nói là tham vọng cũng được, chúng tôi rất mong muốn các thế hệ 7x, 8x, thậm chí 2000 đến nghe và vẫn cảm thấy được sống trong các bài hát đó”.
Video đang HOT
Chia sẻ về ngọn nguồn của “Tình em 2″, NSƯT Tấn Minh nói: “Tôi rất tin tưởng giao dự án cho một đồng nghiệp trẻ, một người em là Dương Cầm”.
Nhạc sĩ Dương Cầm quả thật là còn rất trẻ, nhưng tên tuổi và tài năng của anh đã được khẳng định từ lâu bằng nhiều sáng tác, bằng các giải thưởng âm nhạc Cống hiến, chương trình Bài Hát Việt và là giám đốc âm nhạc của nhiều chương trình khác nhau.
Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, anh nói: “Cá nhân tôi rất có hứng thú với chủ đề của “Tình em 2″ này. Như chúng ta biết, rừng Trường Sơn là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử của đất nước. Đây cũng là nơi sinh ra nhiều câu chuyện tình. Từ những câu chuyện tình ấy mà sinh ra rất nhiều bài hát. Cá nhân tôi rất yêu thích các bài hát đó”.
Chuyện tình thì có những dở dang, chia ly, gặp nhau trong chốc lát, nhưng cũng có những chuyện tình trở về sau chiến tranh, viên mãn với hạnh phúc. Từ những câu chuyện có thật, những sự kiện có thật, những bài hát có thật, “Tình em 2″ đưa ra hình tượng về một đôi trai gái yêu nhau, cùng từ biệt làng quê yêu dấu, nơi có những “nhịp cầu nối những bờ vui” để ra trận. Họ gặp nhau nơi “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, đi qua mưa bom, bão đạn, cùng nhau chiến thắng trở về làng quê yêu dấu, đôi trai gái lại sống với nhau tới đầu bạc răng long, vẹn tròn hạnh phúc riêng tư trong niềm hạnh phúc chung của cả non sông, đất nước.
“Bằng những bài hát, tôi đã xâu chuỗi câu chuyện theo mạch không gian và thời gian, giống như tái hiện lại tình yêu của anh bộ đội và cô thanh niên xung phong trong một ngày. Khi nhắc đến những ca khúc trong “Tình em 2″, có thể có người sẽ nghĩ nó hơi nặng nề bởi chiến tranh, bom đạn, khói lửa đã lùi xa chúng ta, nhưng xem toàn bộ chương trình chúng ta sẽ chỉ thấy một câu chuyện tình yêu lãng mạn và bay bổng với những người lính, những người đã sống và chiến đấu”, Dương Cầm nói.
“Tình em 2″ cũng ghi nhận một cách thức phối khí hoàn toàn mới lạ, đưa nhạc đỏ đi ra khỏi vùng “kinh điển” khi sử dụng nhiều thể loại âm nhạc khác nhau như pop, rock, jazz, swing… NSƯT Tấn Minh cho biết: “Toàn bộ nhạc trong chương trình đều do Dương Cầm viết lại”, còn như Dương Cầm nói: “Chính những điều này làm những bài hát đến gần khán giả trẻ hơn”. Anh cho biết: “Tôi sử dụng phong cách nhạc kịch để liên kết các bài hát. Bản thân tôi cũng được khám phá rất nhiều khi thực hiện dự án này. Các bài hát tạo thành một mạch liên kết mềm mại, làm cho khán giả thấy gần gũi hơn, nhất là các khán giả trẻ sẽ không thấy xa lạ”.
Ngoài phần nhạc là một thể thống nhất, chương trình còn gây ấn tượng với công chúng bằng cách sử dụng các thủ pháp về ánh sáng khiến cho sân khấu có một sự mạch lạc về nội dung và cảm xúc. Anh Trường Anh, một khán giả thuộc lứa tuổi 7x thì nói: “Thật sự rất bất ngờ, tôi cảm thấy như đang được xem một vở kịch trên sân khấu Broadway”.
Thận trọng hơn trong chuyên môn, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Minh sau khi xem chương trình đã nhận xét: “ Trong bối cảnh khó khăn của các nhà hát, tôi thấy chương trình này rất thành công. Nếu có sự đầu tư, chau chuốt hơn nữa về phần kịch dẫn chuyện, tôi tin rằng nó không thua kém bất kỳ một vở nhạc kịch nào mà chúng ta đã từng xem“.
Nhạc sĩ Dương Cầm cho biết, “Tình em 2″ là sự tiếp nối của những chương trình nghệ thuật “ Hà Nội xưa và nay”, “Tình em”, “Hà Nội ngày… tháng… năm…”, “Những thanh xuân rực rỡ”. Đây là một thể nghiệm nhỏ cho một dự án nhạc kịch lớn hơn của Nhà hát Ca Múa nhạc Thăng Long trong năm 2020. Chúng ta hãy cùng chờ xem.
Tử Hưng
Theo congluan.vn
`Dấu ấn lễ hội âm nhạc quốc tế "Hò dô"
"Đẳng cấp" là đánh giá của công chúng và giới chuyên môn về sân khấu, âm nhạc, nghệ sĩ biểu diễn tại lễ hội âm nhạc quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại TP HCM với tên gọi "Hò dô"
Bức tranh âm nhạc tổng hòa được các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế vẽ lên ấn tượng tại Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP HCM lần thứ 1 - "Hò dô 2019", diễn ra từ ngày 13 đến 15-12 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP HCM). Các nghệ sĩ và ban nhạc đến từ Pháp, Bỉ, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Hy Lạp, Tây Ban Nha (gốc Cuba), Ấn Độ, Mông Cổ... đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm đa dạng về các thể loại âm nhạc như: World Music, Jazz, Pop, nhạc truyền thống được chọn lọc và có tính nghệ thuật cao.
"Hàn lâm" xuống phố
Trong lễ hội, những ban nhạc nước ngoài đều tạo nên dấu ấn trước hàng ngàn khán giả. Như Esse-Quintet đến từ Nga, một nhóm hòa tấu hiện đại giàu tiềm năng, chơi các nhạc cụ dân tộc, kiểm soát tốt các tác phẩm được viết theo những phong cách khác nhau: từ nhạc cổ điển và dân gian, nhạc hiện đại đậm sắc rock, các tác phẩm sáng tạo theo phong cách rất phổ biến hiện nay là "classical crossover". Nhóm Japanese Drum Team Sai với các thành viên là sinh viên Trường Đại học Tokyo có chung đam mê với trống Taiko - một loại nhạc cụ được lưu truyền từ thời xa xưa, giữ vai trò quan trọng trong các nghi lễ, đã trở thành nhạc cụ không thể thiếu trong nền âm nhạc Nhật Bản. Với phương châm tạo ra "âm thanh vui vẻ", họ đã mang đến lễ hội những tiết mục sôi động và thực sự phấn khích.
Ban nhạc đến từ đất nước Nga xinh đẹp Esse Quintet
Ban nhạc đến từ Tây Ban Nha Vocal Tempo
Ban nhạc đến từ Nhật Bản Japanese Drum Team Sai với thanh âm vui vẻ Ảnh: Đại Ngô
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang biểu diễn cùng ban nhạc Tây Ban Nha Vocal Tempo
Hầu như phần biểu diễn của các nghệ sĩ đều được khán giả đón nhận đến mức cuồng nhiệt, không ít khán giả say sưa nhảy theo nhịp điệu âm nhạc mà mình đang thưởng thức. Như phần biểu diễn của nghệ sĩ âm nhạc đương đại Ngô Hồng Quang cùng ban nhạc Tây Ban Nha Vocal Tempo. Họ đã tạo nên không gian âm nhạc đặc quánh chất acapella đỉnh cao. Những bản hit (ăn khách) thời thượng, những bản tình ca ngọt lịm hay những giai điệu đặc sắc của Việt Nam dễ dàng thu phục người nghe bằng những thanh âm độc đáo được tạo ra từ các nghệ sĩ. Không có ban nhạc, không cần tới các phần đệm thu sẵn, chỉ với tài năng và giọng hát cùng khả năng beat box, nhóm đã mang đến những hiệu ứng âm thanh ngoài sức tưởng tượng của người nghe. Đặc biệt những bản phối bè đậm chất Latin, các tiết mục của nhóm luôn là sự bùng nổ của cảm xúc. Ca sĩ Nam Khánh (cựu thành viên của nhóm hát acapella AC&M đình đám một thời) nhận xét ngắn gọn: "Đỉnh cao". Điều đó đủ chứng minh những tiết mục trình diễn trên sân khấu của "Hò dô 2019" đều thuyết phục người nghe dù "thời gian tập luyện không nhiều. Nếu có thời gian tập, chắc chắn, những gì mang đến còn xuất sắc hơn" - nhạc trưởng Trần Nhật Minh nói.
Dấu ấn nhạc Việt
Ghi dấu ấn đậm nhất tại "Hò dô 2019" là sự xuất hiện của âm nhạc Việt Nam. Saigòn pop orchestra - dàn nhạc lãnh sứ mệnh mở màn cho Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP HCM - "Hò dô 2019" khiến khán giả "điên đảo" bởi âm nhạc mà họ mang đến. Có lẽ, đây là lần hiếm hoi, khán giả được thưởng thức những tiết mục trình diễn thú vị đến như thế bằng sự kết hợp của dàn nhạc dân tộc, dàn nhạc giao hưởng và dàn nhạc điện tử. Nhà sản xuất âm nhạc Lê Thanh Tâm đã chứng minh với khán giả qua những tiết mục biểu diễn rằng âm nhạc Việt Nam sánh ngang với âm nhạc thế giới. Những ca khúc "Đất phương Nam", "Chiếc áo bà ba" hay liên khúc các bài lý,... không lạ lẫm với người nghe nhưng khi được khoác "chiếc áo mới" của hòa âm phối khí, những tác phẩm âm nhạc này trở nên tràn ngập xúc cảm đối với người nghe. Ca sĩ Đức Tuấn chuyển tải "Chiếc áo bà ba" không thể tình cảm hơn, Hạ Trâm chứng tỏ đẳng cấp trong giọng hát khi thể hiện "Đất phương Nam" còn ban nhạc Oplus tài tình và tinh tế trong phần chia bè. Mọi lời hoa mỹ dành cho dàn nhạc dân tộc, giao hưởng hay nhạc trẻ đều sẽ dư thừa bởi họ đã chiếm trọn trái tim người yêu nhạc.
Trong khi đó, All star với các nhà sản xuất, nhạc sĩ quen thuộc cùng 2 giọng ca Thu Minh và Hồ Ngọc Hà là những đại diện tiêu biểu của dòng nhạc trẻ Việt Nam; Nguyên Lê và Trần Thu Hà là những biểu tượng âm nhạc dân gian đương đại với chất "liêu trai" sẵn có trong giọng hát và âm nhạc của họ đã tạo nên một vị thế nhạc Việt không thua kém bất kỳ âm nhạc của nơi nào trên thế giới. Với những gì đang diễn ra, nhạc Việt dư sức khẳng định vị trí của mình trên bản đồ âm nhạc thế giới, với điều kiện tất cả người giỏi cùng chung tay và đặt tâm huyết của mình vào sản phẩm như cách mà họ làm tại Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP HCM - "Hò dô 2019".
Sẽ đi đường dài, nếu....
"Hò dô 2019" được tổ chức với tham vọng tạo nên lễ hội âm nhạc quốc tế thường niên mang thương hiệu của TP HCM.
Điều đó chắc chắn thực hiện được theo sự nhìn nhận của giới chuyên môn. Nhạc sĩ Thanh Tâm khẳng định: "Những người làm nghề như chúng tôi thật sự được truyền cảm hứng trong việc sáng tạo qua những hoạt động âm nhạc như vậy. Tôi xem việc này là một sứ mạng, trách nhiệm trong việc mang đến cho khán giả những gì xuất sắc nhất. Làm nhạc cho một lễ hội với tham vọng giới thiệu đến công chúng những khúc hòa tấu giao hưởng hay những bản nhạc dân tộc được hòa âm, phối khí mới trên nền âm nhạc hiện đại kết hợp với kỹ thuật âm thanh, ánh sáng theo tiêu chuẩn quốc tế không phải dễ. Nhưng càng khó, người làm nghề càng thêm động lực. Vì đây không chỉ là công việc mà còn là niềm tự hào trong hành trình chinh phục những cái khó của người nghệ sĩ".
Nhạc trưởng Trần Nhật Minh cho rằng Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP HCM lần thứ 1 - "Hò dô 2019" chuyển tải khát vọng giới thiệu đến bè bạn quốc tế nét đẹp ngôn ngữ âm nhạc truyền thống Việt Nam, đồng thời là dịp để các nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhạc công và nhà sản xuất âm nhạc trong và ngoài nước giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực âm nhạc. Đây còn là dịp để giới thiệu đến các nhà đầu tư, nhà sản xuất âm nhạc trong và ngoài nước về thị trường âm nhạc sôi động và đầy tiềm năng của TP HCM nên "chắc chắn những người làm nghề như chúng tôi và các cơ quan quản lý sẽ làm mọi cách để lễ hội được tồn tại và diễn ra hằng năm" - nhạc trưởng Trần Nhật Minh tin tưởng.
Dù lần đầu tiên thực hiện, "Hò dô 2019" đã thu hút nghệ sĩ trong và ngoài nước tham gia, đông đảo khán giả đến thưởng thức. Chỉ tiếc là công tác truyền thông, quảng bá chưa đủ tầm để tạo nên sự háo hức của công chúng tìm đến với lễ hội và tạo sức lan tỏa lớn trên mạng (internet). Công tác tuyên truyền, quảng bá lễ hội gần như tỉ lệ nghịch với chất lượng âm nhạc và tâm huyết của nghệ sĩ. Vì vậy, tham vọng bán vé từ đầu của ban tổ chức bị phá sản. Khi thấy tình hình bán vé không mấy khả thi, ban tổ chức buộc khán giả phải đăng ký nhận vé miễn phí trên website của lễ hội. Điều này cản trở khá nhiều khán giả đến với lễ hội bởi ở lần đầu tiên tổ chức, không thể kéo được khán giả khi họ còn chưa biết đó là gì.
Thành công từ xã hội hóa tổ chức
Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP HCM - "Hò dô 2019" là sự kiện khởi đầu cho sáng kiến tổ chức Lễ hội Âm nhạc quốc tế thường niên của Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM. Lễ hội được thiết kế theo quy mô và hình thức của một lễ hội âm nhạc quốc tế, với mục tiêu trở thành điểm đến mới của nghệ sĩ và công chúng. Nhạc sĩ Huy Tuấn là tổng chỉ huy của lễ hội. Thành công này phần nào khẳng định phương thức xã hội hóa tổ chức lễ hội là khả thi tại TP HCM. Bởi lẽ, việc nắm bắt thị trường cũng vô cùng quan trọng, lễ hội càng cần phải đến gần với công chúng. Nhạc sĩ Huy Tuấn kỳ vọng mình sẽ tiếp tục là tổng đạo diễn cho những lễ hội tới.
Theo Người Lao Động
Lại một lần nữa, Isaac ra mắt MV nhưng không có ai ngó ngàng vì nhạc dở và ca từ quá... nhảm! MV mới của Isaac dù ra mắt đã 20 tiếng, nhưng lượt view vô cùng ít ỏi. Isaac vừa chính thức ra mắt ca khúc "Anh em ta là cái gì nào?" với giai điệu vui tươi, hình ảnh rực rỡ sắc màu. Ca khúc Không theo xu hướng ballad thất tình, đam mỹ hay bách hợp, Isaac chọn con đường khác biệt....