Tình dục ở tuổi “Teen”, chưa bao giờ là chuyện nhỏ!
Lâu nay, vấn đề yêu và quan hệ tình dục tiền hôn nhân trong giới trẻ được đề cập khá nhiều. Kể cả chuyện giáo dục giới tính trong học đường.
Nhưng vấn đề này thực sự “bùng nổ” trong thời gian gần đây.
Nhiều ý kiến luận bàn xung quanh vấn đề này, các nhà tâm lý học, xã hội học, văn hoá học, các bậc phụ huynh, các tầng lớp thanh thiếu niên và cả báo giới tham gia…Theo đó có nhiều quan điểm ủng hộ, phản đối, dung hoà, nửa vời…với những sắc thái khác nhau. Mỗi người đều đưa ra “cái lý” của mình để bàn về “chữ tình”, thậm chí lấy chuyện của mình để biện hộ và minh chứng…
Đọc, nghe, hiểu và ngẫm những ý kiến, những tranh luận ấy vừa thấy hấp dẫn, vừa tò mò mà vừa cảm thấy thật…đau đầu nhưng cũng không thể thờ ơ, không thể bỏ qua bởi “chữ tình” nó sinh tồn và song hành với cuộc sống, với mỗi đời ngươì. Suy cho cùng nó cũng chính là …sự sống, là nguồn sống của con người!
Bắt đầu trên diễn đàn vấn đề này đã xuất hiện sự thổ lộ, bộc bạch và thắng thắn. Nhiều người đã thừa nhận một thực tế mà lâu nay né tránh: quan hệ tình dục trước hôn nhân, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên đã trở nên…phổ biến! Những hiểu biết về kiến thức giới tính, tình dục ở tuổi “teen” – lứa tuổi nhạy cảm và nhiều dao động về tâm lý – mơ hồ và trống rỗng, lệch lạc và méo mó!
Thừa nhận rằng, đã gây ra những hệ luỵ, dẫn đến những hậu quả của việc giới trẻ thiếu kiến thức giới tính, quan hệ tình dục không an toàn (tỷ lệ nạo hút thai tuổi vị thành niên, những hôn nhân “bất khả kháng”, những vụ “ly hôn lạnh lùng”, những đứa trẻ bị bỏ rơi, bệnh tật truyền nhiễm gia tăng, hiểm hoạ HIV/AIDS…).
Tranh cãi rất nhiều, vấn đề nêu lên cũng rất xác đáng nhưng khi đưa ra những đề xuất thì chỉ là những gợi ý mà chưa xác định hoặc chỉ rõ đâu là giải pháp trọng tâm và trên hết?!
Giáo dục giới tính học đường, đó là đề xuất của đông đảo ý kiến công chúng ủng hộ đưa ra. Nhưng, áp dụng ở lứa tuổi nào, bậc học nào? Giáo án và kiến thức về tình yêu chân chính, tình dục an toàn như thế nào là phù hợp? Ngành giáo dục có nên thành lập bộ môn “giáo dục giới tính” (nhưng hàm chứa cả những vấn đề văn hoá: truyền thống, ứng xử…) tuỳ theo từng cấp độ, lứa tuổi từ các bậc phổ thông cơ sở, phổ thông đến các các trưởng cao đẳng và đại học hay không? Nên có một đề án phối hợp của liên bộ ngành về giải quyết các vấn đề trên?… những giải pháp đó thuộc về các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý nhà nước, mà nòng cốt là ngành giáo dục và y tế.
Tình dục là lĩnh vực quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần, cũng được xem là một lĩnh vực nghệ thuật! Mà đã là nghệ thuật thì ngoài “năng khiếu bẩm sinh”, là “tố chất”, “bản năng” thì rất cần được định hướng, được giáo dục, bổ sung những kiến thức cơ bản để phát huy tính “ sáng tạo”, tính nhân văn và khoa học.
Trang bị những kiến thức về tình yêu – hôn nhân – gia đình và tình dục cũng chính là “tạo vốn”, là hành trang để các bạn trẻ bước vào đời lập nghiệp, hiểu thế nào là tình yêu, thế nào là tình dục? Thế nào là ứng xử chuẩn mực? Thế nào là hành vi sai trái, là tiêu cực?…để giúp con người sống văn minh hơn, hướng tới các giá trị văn hoá bất biến: Chân – Thiện – Mỹ.
Theo tiin