Tình dục học không chỉ là ‘chuyện ấy’
Khi nhắc đến tình dục, nhiều người chỉ nghĩ đó là hành vi quan hệ tình dục, những hoạt động tình dục nói chung.
Thế nhưng, tình dục học không chỉ có vậy mà còn rất nhiều yếu tố khác.
Bác sĩ Phan Chí Thành (Bệnh viện Phụ sản trung ương) – Ảnh: BSCC
Bác sĩ Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản trung ương, đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thai sản và sức khỏe tình dục.
Ông thường xuyên tham gia nghiên cứu về y học tình dục, tham gia các khóa học về tình dục học tại nhiều nước trên thế giới.
Bác sĩ Thành đã có buổi chia sẻ cởi mở về vấn đề vẫn được coi là “ nhạy cảm” này.
* Xin bác sĩ có thể chia sẻ tình dục học có nghĩa là gì?
- Khi nhắc đến tình dục, nhiều người chỉ nghĩ đến hành vi hoạt động tình dục. Thế nhưng, tình dục học rộng hơn rất nhiều. Đó không chỉ là những hoạt động tình dục về thể chất mà còn rất nhiều yếu tố bên ngoài khác. Đó có thể là hoạt động tình dục bằng tinh thần cho đến các mối quan hệ, các vấn đề tâm lý và cả các vấn đề xã hội có ảnh hưởng đến hoạt động tình dục.
Thông thường, chuyên ngành tình dục học có ba trụ cột. Đầu tiên đó là trụ cột sinh học – những vấn đề sức khỏe ảnh hưởng tới hoạt động tình dục. Thứ hai đó là tâm lý – nghiên cứu những ảnh hưởng sâu sắc của stress, sự căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày đến đời sống tình dục.
Trụ cột cuối cùng là xã hội học – bàn về các quan điểm cuộc sống, các kịch bản tình dục, các chuẩn mực cho nam và nữ trong hoạt động tình dục. Hay vấn đề gia đình, vai trò của đàn ông và phụ nữ trong gia đình, các xung đột gia đình…
Nhìn từ góc độ của người làm tình dục học, tôi cần nghiên cứu toàn diện trên cả ba trụ cột. Khi chúng ta tiếp cận chẩn đoán phải tìm trên cả ba trụ cột, từ đó mới có thể điều trị toàn diện.
Video đang HOT
Bác sĩ Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản trung ương
* Thực tế, nhiều người còn ngại chia sẻ các vấn đề liên quan đến tình dục. Làm sao để mọi người có thể cởi mở hơn trong vấn đề này?
- Thực tế không phải là người bệnh ngại mà có thể họ không chia sẻ vì không hề biết rằng mình có vấn đề về tình dục. Nhiều phụ nữ khi ở độ tuổi 40 chia sẻ không còn mặn mà với chuyện chăn gối và nghĩ rằng ai cũng như mình.
Nhưng thực tế, nhiều chị em ở độ tuổi 50 – 60 vẫn có đời sống tình dục viên mãn. Vì vậy, vấn đề ở đây không chỉ là có bệnh hay không mà bác sĩ phải giúp mọi người hiểu rằng y học không chỉ là chữa bệnh mà còn là cung cấp cho mọi người những thông tin để giúp cuộc sống trở nên tốt hơn.
Trong mảng y học tình dục, rất nhiều trường hợp nghĩ rằng không quan hệ thì không chết, nhưng không thể quan hệ được thì vợ chồng bỏ nhau. Họ không nghĩ rằng việc quan hệ tình dục trục trặc kéo dài gây nên đổ vỡ trong hôn nhân.
Đôi khi không phải là do bệnh nhân ngại không chia sẻ mà chính bác sĩ chưa thể cởi mở để bệnh nhân chia sẻ. Tôi cũng từng nói chuyện với nhiều bệnh nhân, ban đầu họ không nói, nhưng khi bác sĩ hỏi, khơi gợi thì họ lại chia sẻ rất thoải mái.
Tất cả các bác sĩ đều có thể hỏi những vấn đề liên quan đến tình dục của người bệnh, bởi các chuyên ngành y khoa đều có mối liên hệ đến hoạt động này. Ví dụ người bệnh nhồi máu cơ tim có thể quan hệ trở lại sau bao lâu? Người chấn thương cột sống hỏi mình còn quan hệ được không?
Hay các bệnh như tiểu đường, tuyến giáp đều ảnh hưởng tới đời sống tình dục nhưng chúng ta thường bỏ qua.
Nhu cầu của bệnh nhân là có thật nhưng không được quan tâm nên hầu hết tự tìm hiểu trên mạng xã hội. Trong khi đó, khoảng 50% kiến thức trên mạng là không chính xác.
* Bác sĩ nói tình dục học không chỉ là quan hệ tình dục, vậy tình dục học còn có ý nghĩa như thế nào?
- Bản thân tôi là một bác sĩ nghiên cứu về tình dục học, trong suốt thời gian học tập những kiến thức, kỹ năng tôi áp dụng đầu tiên là chính bản thân mình. Tình dục học không chỉ có mỗi câu chuyện làm tình, mà còn về vận hành gia đình ra sao, vận hành mối quan hệ thế nào, đối xử với con cái và bạn đời ra sao…
Có thể nói tình dục học vừa cải thiện đời sống tình dục, vừa giúp ta chuẩn bị cho mối quan hệ. Tình dục vốn có quan hệ với hầu hết tất cả những yếu tố trong cuộc sống. Nếu một cá nhân không hạnh phúc trong quan hệ tình dục thì khó có thể sáng tạo trong công việc.
Hay nếu hai vợ chồng quan hệ với nhau nhưng không thấy hòa hợp thì cuộc sống lâu dài sẽ không hạnh phúc, dễ dàng đổ vỡ. Tình dục với sức khỏe cũng có ý nghĩa rất nhiều. Khi quan hệ tình dục thăng hoa sẽ tiết ra oxytocin và các hormone khiến ta gắn kết với nhau.
Bác sĩ Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản trung ương
* Nhiều người vẫn cho rằng việc giáo dục tình dục sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”, bác sĩ nghĩ sao về điều này?
- Quan ngại này là đúng. Nhiều người lo lắng rằng giáo dục tình dục có phải là dạy làm tình, kỹ năng quan hệ tình dục không? Điều này không hoàn toàn đúng.
Giáo dục tình dục là dạy kỹ năng vận hành mối quan hệ xã hội, kinh tế, tình dục…
Chúng ta dạy con về tình dục không chỉ giúp các con biết được những mặt xấu của tình dục như mang thai ngoài ý muốn, các bệnh xã hội, lừa đảo tiền bạc, tấn công tình dục… mà chúng ta còn phải dạy con những ưu điểm của tình dục, hiểu đúng về tình dục.
Chúng ta ủng hộ việc nên quan hệ tình dục sau khi kết hôn, nhưng chúng ta cần tìm hiểu hoạt động tình dục như thế nào và học hỏi điều ấy. Câu hỏi đặt ra là sau đêm tân hôn chúng ta phải làm gì để có thể hoạt động tình dục ngay được.
Thực tế có nhiều người không thể quan hệ tình dục được sau khi kết hôn, thậm chí có trường hợp 5 năm, 7 năm sau vẫn không quan hệ tình dục được. Nếu chúng ta không tìm hiểu nghiêm túc, không có sự chuẩn bị thì sau đêm tân hôn không thể hoạt động tình dục như mong muốn.
Một điểm quan trọng nữa là chúng ta phải giáo dục việc quan hệ tình dục phải dựa trên tự nguyện, không lợi dụng và dựa trên tình yêu. Tình dục trong tình yêu có thể đem lại những thành quả lớn lao hơn rất nhiều so với tình dục đơn thuần.
Những hệ luỵ nguy hiểm khi quan hệ tình dục quá sớm
Quan hệ tình dục quá sớm khi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và sự chuẩn bị về tinh thần sẽ gây ra nhiều hệ lụy.
ThS.BS Phạm Minh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Y học giới tính Hà Nội cho biết, theo Luật Trẻ em năm 2016, người dưới 16 tuổi được xem là trẻ em và bất cứ hành vi quan hệ trong độ tuổi này đều vi phạm pháp luật. Do đó, các bạn trẻ dưới 16 tuổi nên tập trung vào học tập, các mối quan hệ bạn bè hơn quan hệ giới tính.
Ngoài ra, các chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản khuyến cáo tốt nhất không nên quan hệ tình dục trước tuổi 20 đối với nam và trước 18 tuổi đối với nữ.
Quan hệ tình dục quá sớm khi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và sự chuẩn bị về tinh thần sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Thống kê của Hội Kế hoạch hoá gia đình Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 nghìn ca nạo hút thai ở tuổi 15 - 19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên.
Theo Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên có dấu hiệu gia tăng, chiếm 20% các trường hợp nạo phá thai.
Đây là con số đáng báo động. Nạo phá thai ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý tinh thần, gây lo lắng, trầm cảm, mất niềm tin, bối rối, suy sụy, ngoài ra còn có thể gây viêm tắc vòi trứng, dính tử cung, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm khoảng 250 triệu trường hợp bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trong số này nhóm tuổi từ 15-19 chiếm tỷ lệ cao, đứng thứ 2 trong các nhóm tuổi.
Nhiều công trình nghiên cứu thấy rằng việc không sử dụng bao cao su hoặc có nhiều bạn tình dẫn đến nguy cơ nhiễm các bệnh lây truyền đường tình dục, tỷ lệ phụ nữ bị nhiễm HIV cao hơn nam giới 2-4 lần.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tiểu khung, có thai ngoài tử cung, sẩy thai, thai lưu, đẻ non và có thể dẫn đến các hậu quả mãn tính như vô sinh, ung thư cơ quan sinh dục, HIV/AIDS, lậu, giang mai, viêm gan virus.
ThS.BS Phạm Minh Ngọc tư vấn cho người bệnh.
Một số quốc gia áp đặt độ tuổi tối thiểu cho việc quan hệ tình dục lần đầu, thường là từ 16 đến 18 tuổi nếu có sự đồng thuận của đôi bên.
Thông thường, theo khoa học hình sự, người độ tuổi này đa phần có thể nhận thức đầy đủ về tâm sinh lý nên có thể chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Trên thực tế, làm "chuyện ấy" lần đầu năm bao nhiêu phụ thuộc vào sự chuẩn bị về mặt tâm lý, văn hóa, y tế và đặc biệt là sự sẵn sàng cá nhân.
Giáo dục về sức khỏe sinh sản và tình dục đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ em và thanh thiếu niên hiểu rõ hơn về cơ thể của mình, quyền lợi và trách nhiệm của mình khi bắt đầu quan hệ tình dục. Hiểu biết về bảo vệ, tránh thai, và nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục cũng là điều cần thiết.
Một khía cạnh quan trọng khác là mức độ sẵn sàng tinh thần của mỗi người. Quan hệ tình dục lần đầu có thể tạo ra nhiều cảm xúc phức tạp, từ hạnh phúc đến lo lắng hay hoang mang. Việc có đối tác đồng cảm và hỗ trợ có thể giúp làm giảm áp lực và tạo điều kiện tốt nhất cho một trải nghiệm tích cực.
Các giá trị gia đình và văn hóa xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định này. Trong một số nền văn hóa, việc giữ trinh tiết được coi là quan trọng, trong khi ở những nền văn hóa khác, sự tự do và sự lựa chọn cá nhân được đánh giá cao hơn. Quan điểm của gia đình và cộng đồng cũng ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của mỗi người.
Quyết định về thời điểm quan hệ tình dục lần đầu là quyết định cá nhân, tốt nhất phải dựa trên sự sẵn sàng về mặt tâm lý, kiến thức và trách nhiệm cá nhân. Hy vọng các bạn trẻ sẽ trang bị đầy đủ hành trang thông tin về sức khỏe sinh sản, sinh lý tuổi vị thành niên, để luôn có sức khỏe tình dục tốt nhất.
4 nguyên nhân chính khiến phụ nữ giảm ham muốn tình dục Một số phụ nữ trẻ đã cảm thấy không còn mặn mà với 'chuyện ấy' nhưng cũng không hiểu nguyên nhân. Vậy, tại sao phụ nữ suy giảm ham muốn tình dục và có cách nào để cải thiện không? 1. Ham muốn tình dục là gì? Ham muốn tình dục hay mong muốn tình dục là trạng thái thúc đẩy và cảm...