Tình cảm của tôi và vợ sắp cưới sứt mẻ chỉ vì chiếc nhẫn
Gần đây em lại nói lời chia tay, lý do là tôi từng để lại chiếc nhẫn em nhờ sửa ngay dưới đất, sát cửa thang máy, điều đó làm tôi như bị ám ảnh.
Tôi từng có vợ, hai con gái, giờ có bạn gái. Cách đây gần ba năm tôi và vợ ly hôn cho dù tôi không muốn vì những lý do không thể hàn gắn gia đình được và sau đó tôi yêu bạn gái hiện nay. Tôi làm việc tại một ngân hàng ở Hà Nội nhưng hay vào Sài Gòn công tác nên quen và quý mến một đồng nghiệp. Em cũng không may mắn, chồng mất trong một tai nạn giao thông để lại cậu con trai chưa được một tuổi, cho đến nay con trai em đã gần sáu tuổi. Sau một thời gian quen biết, chúng tôi đã đi đến một tình yêu và rất hạnh phúc sau đó. Vì thích em và cũng để quên đi những cảm xúc buồn sau ly hôn nên sau vài tháng chúng tôi chính thức yêu nhau. Tôi đã chuyển hẳn vào Sài Gòn làm việc và mua một căn hộ chung cư với ý định chung sống với em đàng hoàng, lâu dài.
Trong thời gian yêu, chúng tôi có những năm tháng hết sức ngọt ngào và lãng mạn, em đã ra Hà Nội vào hai dịp sau tết gặp gia đình tôi cũng như để đi chơi, tìm hiểu thêm cuộc sống ngoài Hà Nội và một số địa danh ngoài Bắc, trong đó có một lần con trai em ra cùng. Tôi rất yêu con trai em (cháu đáng yêu), thật lòng chăm sóc cháu mỗi khi gần gũi, từ việc cho đi chơi, tắm rửa cho cháu, chăm sóc cháu khi bị ốm, nấu những món ăn cháu thích, đặc biệt cháu rất thích uống nước chanh đá tôi pha (có chút bí quyết), kể những câu chuyện cháu thích trước khi đi ngủ. Thú thật trước đây có một số việc như thế này tôi không làm được cho hai con gái vì nhà luôn có người giúp việc. Giữa tôi và cháu đã có những tình cảm thân thiết và cháu gọi tôi bằng bố.
Chúng tôi yêu nhau cho đến giờ đã hơn hai năm, tuy nhiên chưa đi đến hôn nhân do em tin lời thầy bói là phải đến năm tới mới có thể cưới được. Tuy nhiên thời gian gần đây chúng tôi cũng có những vấn đề do cách ứng xử và lời nói không khéo léo của tôi đối với mẹ con em. Đối với em thì con trai là tất cả, tôi biết điều đó nhưng không phải làm mọi cách để em hài lòng, tôi không thể ngọt ngào hoặc chiều con trai em mỗi khi cháu hư hoặc vòi vĩnh.
Có lần tôi đưa cháu vào siêu thị mua đồ, cháu đòi mua đồ chơi nhưng tôi không mua vì loại đồ chơi đó cháu đã có nhiều. Về nhà cháu kể với mẹ và so sánh tôi với anh rể em, em có vẻ trách tôi (từ khi chồng em mất thì do hoàn cảnh gia đình, em để con trai đến ở nhà chị gái và anh rể. Anh rể em rất quý và chiều cháu, coi cháu như con và có ý định nhận làm con nuôi nữa). Thực ra tôi vẫn đi cùng em và cháu để mua cho cháu những đồ chơi cháu thích, có ý nghĩa khi có dịp như trung thu, Noel, sinh nhật cháu… vì tôi cũng rất yêu cháu và thấy hạnh phúc mỗi lần đi như vậy.
Tôi có một nhược điểm là mỗi lần vội vã về mặt thời gian thì mất bình tĩnh và không làm chủ bản thân nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng vào dịp trước tết vừa rồi. Lúc đó tôi đang ra thang máy để đi ra sân bay về Hà Nội, khi cổng thang máy mở, tôi vừa cho hành lý vào thang máy thì em từ cửa nhà gọi lại (cửa nhà gần như đối diện thang máy) và đưa tôi chiếc nhẫn tôi tặng em hồi mới yêu. Em nói tôi ra Hà Nội đổi chiếc khác cho em vì chiếc này không thích lắm, tôi thì không muốn đổi và cũng vì mua lâu rồi không còn giữ hóa đơn. Lúc này trong thang máy còn có nhiều người và họ có vẻ không hài lòng vì phải chờ, do mất bình tĩnh vì vội và cũng không muốn gây sự không hài lòng cho những người trong thang máy nên tôi đặt chiếc nhẫn xuống đất đẩy về phía em và nói là không đổi được. Hành động đó của tôi đã làm tổn thương em nặng nề, em đã vào nhà khóc và sau đó nhắn tin nói lời chia tay.
Tôi vô cùng ân hận và oán trách bản thân sao lại có hành động như vậy. Ra Hà Nội những ngày tết mà tôi thấy trong lòng nặng trĩu, tôi đã nhắn tin xin lỗi em kèm theo vài lời giải thích và có vẻ em đã tha thứ. Sau tết tôi trở vào Nam và vô cùng sung sướng khi thấy vài món quà Valentine nhỏ (tôi từ Hà Nội vào đúng ngày Valentine) em để ở nhà, lúc đó em đi vắng và còn gọi điện hỏi tôi có thấy gì không? Tôi trả lời trong niềm hạnh phúc và thầm biết ơn em đã rộng lòng tha thứ, cho tôi cơ hội để sửa chữa lỗi lầm, tôi tự hứa sẽ yêu em nhiều hơn để đáp lại tấm lòng của em.
Niềm tin về sự tha thứ cho tôi càng được khẳng định những ngày sau đó bằng những lần đi chơi, những cuộc liên hoan nho nhỏ với em và gia đình em. Khoảng hơn một tháng sau từ ngày tôi vào Nam thì em và con trai đi nước ngoài chơi với chị gái em sinh sống bên đó. Khi tôi tiễn em ra sân bay, tình cảm giữa em và tôi cũng rất tốt đẹp. Tuy nhiên gần đây em lại nói lời chia tay vì hành động của tôi với chiếc nhẫn khiến tôi như bị ám ảnh về hành động này.
Trong thời gian xa nhau do em đi nước ngoài tôi đã suy nghĩ rất nhiều, không chỉ ân hận về chuyện chiếc nhẫn mà còn nhận ra được nhiều điều không đúng của mình trong thời gian gần đây đã làm em không hạnh phúc. Khi đã nhận ra được những điều này thì tôi như bừng tỉnh và thấy yêu em rất nhiều, yêu hơn mình tưởng trước đây nhiều lắm, càng mong muốn đi đến hôn nhân khi ngày theo lời thầy bói trên đang đến gần. Tôi mong các bạn, nhất là các bạn nữ hãy cho mấy câu trả lời: Hành động của tôi về việc chiếc nhẫn với nỗi ân hận sau này có thể tha thứ được không? Tôi phải làm gì để có thể được tha thứ? Phải chăng tôi đã chủ quan khi yêu nhau lâu lâu rồi mà không biết nuôi dưỡng tình yêu? Xin chân thành cảm ơn tất cả các bạn đã đọc lời tâm sự của tôi.
Video đang HOT
Theo VNE
Tổ ấm sứt mẻ chỉ vì vợ thành "trụ cột"
Khoảng cách vợ chồng ngày càng xa từ khi vợ thành trụ cột kinh tế trong gia đình.
Anh Tiến vốn là chủ một phòng tranh lớn ở TP HCM. Khi mới quen chị Thảo, anh phong độ với túi tiền rủng rỉnh, còn chị là sinh viên mới tốt nghiệp, chưa có việc làm. Anh tuyên bố: "Đám cưới em cứ để anh lo. Nhà cửa cũng vậy, còn việc làm của em, anh sẽ tìm cho".
Mấy năm sau, anh Tiến không may bị lừa đến sập tiệm. Lúc này, chị Thảo đã vững một chân ở công ty dầu khí, tự tin an ủi chồng: "Thôi, anh cứ ở nhà trông con, kinh tế em lo. Mẹ con em chỉ cần anh có mặt ở nhà là đủ".
Thế nhưng thực tế, việc anh chỉ cần có mặt ở nhà đã chẳng thể nào "đủ". Anh đưa đón con đi nhà trẻ, lo cơm nước, lau dọn nhà cửa. Lúc đầu, anh cảm thấy đàn ông làm nội trợ cũng thú vị. Nhưng bất ổn dần lộ diện.
Chị Thảo đi làm về, tắm rửa xong là ngồi vào bàn ăn và bắt đầu bình luận món này ngon, món kia chưa được. Có hôm, anh vứt đũa, bỏ ngang bữa cơm. Hành động đó lại bị chị Thảo kết luận với con gái rằng: "Bố mày dạo này hâm hâm, không hiểu nổi".
Sự bất ổn còn nằm ở chỗ, mỗi tối, anh lo đọc truyện cổ tích cho con thì vợ ngồi đồng bên laptop, hoặc gọi điện thoại trao đổi việc làm ăn. Khoảng cách vợ chồng vì thế ngày càng xa.
Ảnh minh họa.
Chị viện lý do "ra ngoài nhiều, quen biết rộng" nên tự chọn trường và lo cho con vào học. Chị bảo "đàn ông không tinh tế bằng phụ nữ về mặt mỹ thuật" nên tự chọn bộ salon theo ý mình.
Anh muốn đổi xe máy, chị cũng chọn rồi mua về cho anh, mặc dù anh đã tỏ ý thích kiểu xe khác. Nhiều lần, anh bị bạn bè "khích": Lo mà đi làm đi, đàn ông phải ngửa tay xin tiền vợ, chịu sao nổi!
Điều khiến Tiến thất vọng tràn trề là mỗi lần đối thoại, tranh luận, vợ anh không còn biết lắng nghe, chia sẻ. Trước mắt anh như có một người đàn ông đầy quyền uy và ngang bướng.
"Mạnh vì gạo, bạo vì tiền", anh không phải chủ lực về kinh tế nên lời nói kém trọng lượng. Buồn bã, anh sinh tật nhậu nhẹt.
Anh Quang Hải (quận 9, TP HCM) cũng có nỗi khổ tương tự. Anh Hải vốn là con nhà giàu, từ nhỏ không phải đụng tay đến việc gì. Ngược lại, chị Lương - vợ anh lại phải tự lập từ nhỏ nên rất tháo vát.
Những việc đáng lý thuộc về đàn ông như sửa điện, sửa nước, thay bóng đèn, leo mái nhà chống dột... chị giục anh vài lần không được, đều tự tay làm. Giấy tờ nhà đất, chị cũng tự đi làm vì anh không đủ kiên nhẫn chờ cả buổi ở phường để xin một chữ ký.
Lâu ngày, anh Hải dần đánh mất vai trò đàn ông của mình trong gia đình. Và cũng vì vậy, nhiều khi chị Lương thiếu tôn trọng chồng khiến các con có cái nhìn không "tròn" về bố.
Thực tế, ngày càng có nhiều phụ nữ giỏi giang, thành đạt. Chuyện người vợ làm chủ lực kinh tế gia đình cũng không còn hiếm. Tuy nhiên, vô hình trung, người vợ thành đạt đó tự thấy mình là trụ cột, còn người chồng cảm thấy mình bị lép vế.
Thực chất, có phải là trụ cột hay không, được quyết định ở giá trị tinh thần. Một người đàn ông không kiếm được nhiều tiền hoàn toàn có thể là trụ cột nếu chứng tỏ được khả năng trở thành chỗ dựa vững chắc cho gia đình.
Tiến sĩ tâm lý Võ Văn Nam (Đại học Sư phạm TP HCM) khẳng định: Người phụ nữ dù tài giỏi đến đâu, khi ở nhà, cũng nên lui về đúng vị trí của mình: một người vợ đảm đang, hiền lành, nết na và có một chút vâng phục chồng.
Nếu người vợ ấy cậy mình "bạo vì tiền", đưa ra quyết sách cho cả nhà, lấn quyền chồng thì vô tình "cực âm" bị biến thành "cực dương", mà hai "cực dương" đẩy nhau là điều tất yếu.
Ảnh minh họa.
Với truyền thống và tâm lý Á Đông, vai trò trụ cột vẫn cần thiết thuộc về người chồng. Người phụ nữ dù tài giỏi đến đâu, cũng thực sự cảm thấy hạnh phúc và yên ổn khi nép vào chồng. Bởi không chỗ dựa nào tốt hơn vai chồng mình.
Vì vậy, với những quyết định lớn trong gia đình như xây nhà, mua sắm vật dụng đắt tiền, định hướng cho con cái học hành... người vợ chỉ nên đưa ra ý kiến để chồng tham khảo, trao quyền quyết định lại cho chồng. Thực tế cho thấy, một người chồng yêu vợ, thường quyết định theo... ý vợ, vậy là đẹp cả đôi đường.
Nếu người đàn ông phải lui về hậu phương để lo chuyện bếp núc, thì điều đó cũng chẳng có gì đáng buồn. Theo tiến sĩ Nam, công việc nào cũng có giá trị riêng. Quan niệm làm việc nhà không "oách" bằng việc ngoài xã hội thật sai lầm.
Một nghiên cứu gần đây cho biết, đàn ông ở Mỹ ngày nay thích làm việc nhà hơn làm việc ngoài. Và người chồng không kiếm được nhiều tiền bằng vợ nhưng vẫn làm tốt công việc của mình là tấm gương tốt cho con cái, thì vẫn có quyền tự tin với vai trò trụ cột của mình. Chất "đàn ông" không bao giờ bị hao mòn khi anh ta làm việc nội trợ.
Ở một khía cạnh khác, người đàn ông bị "cướp" vai trò khi vợ quá tháo vát trong các việc vốn dành cho nam giới cũng phổ biến.
Trong trường hợp đó, người vợ có thể viện lý do: "Tại giục mãi mà anh ấy không làm, mà có làm cũng chẳng nên hồn" nhưng người chồng lại có lý riêng: "Tại cô ấy cứ giành làm hết chứ ai ép".
Vậy là không chỉ tại "anh" hay tại "ả", mà là "tại cả đôi bên". Tóm lại, quy luật "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" vẫn nguyên giá trị.
Có một số công việc thuộc về đàn ông, nhất thiết phải để đàn ông làm như sửa điện, sửa nước, xây dựng nhà cửa. Nếu người chồng chưa làm được hoặc chưa làm tốt, sự khuyến khích, động viên và hỗ trợ của người vợ luôn cần thiết, hơn là trực tiếp nhảy vào làm cho đỡ mất thời gian.
Tiến sĩ Nam kết luận: Đàn ông luôn cần nam tính và phụ nữ luôn cần nữ tính. Chính công việc của đàn ông giúp họ nam tính hơn, vậy thì không lý gì phụ nữ cứ phải cố ôm thêm cái chất thuộc về phái nam ấy vào mình. Bởi điều đó chỉ là "lợi bất cập hại", người vợ "nặng bụng" vì "ôm rơm" quá nhiều, còn người chồng thì tự ái và cảm thấy bị tổn thương.
Theo Pháp Luật Xã Hội
Uẩn khúc sau việc bạn trai nghèo tặng nhẫn kim cương Hồng hỏi anh chiếc nhẫn bao nhiêu tiền, Bình nói bằng một tháng lương của anh. Hồng nghe xong thì sững cả người, đó là phí sinh hoạt cả tháng của họ Bình và Hồng sau khi tốt nghiệp ra trường thì dọn về sống chung, cuộc sống của cả hai thiếu thốn với vài đồng lương ít ỏi. Hồng vừa nấu ăn...