Tình báo Mỹ nhận định về khả năng Nga dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine
Bất chấp lo lắng của Ukraine, Giám đốc CIA William Burns cho biết không có bằng chứng thực tế nào cho thấy Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Một máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga bắn tên lửa hành trình vào các mục tiêu thử nghiệm trong cuộc tập trận quân sự ở Nga ngày 9/12/2020. Ảnh: AP
Theo đài RT, ngày 7/5, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns cho biết các cơ quan tình báo của Mỹ chưa thấy bằng chứng thực tế nào cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine.
Tại hội nghị của Financial Times ở Washington DC, ông Burns cũng nói thêm rằng theo quan điểm của ông, dù vậy, Mỹ vẫn cần tập trung cao độ vào mối đe dọa hạt nhân tiềm ẩn.
Trước đó, Điện Kremlin đã khẳng định rằng Nga sẽ không triển khai vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine. Ngày 6/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexei Zaitsev tuyên bố: “Nga kiên quyết tuân thủ nguyên tắc không thể có người chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân và không được tung vũ khí hạt nhân”.
Tuy nhiên, hồi tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng ông tin Nga có thể sử dụng vũ khí hóa học hoặc hạt nhân để giành chiến thắng ở Ukraine, đồng thời kêu gọi thế giới sẵn sàng cho khả năng này. Các phương tiện truyền thông phương Tây cũng đã suy đoán về khả năng xảy ra cuộc tấn công hạt nhân như vậy, xét việc Nga đặt lực lượng răn đe hạt nhân trong tình trạng báo động cao ngay từ đầu cuộc xung đột Ukraine và cảnh báo của Tổng thống Putin rằng các cường quốc bên ngoài can thiệp vào mục đích chiến tranh của Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử.
Video đang HOT
Phát biểu với tờ Newsweek ngày 5/5, Đại sứ Nga tại Washington, Anatoly Antonov, nói rằng chính Nga trong những năm gần đây đã kiên trì đề xuất với Mỹ khẳng định rằng không thể có người chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân, vì vậy chiến tranh hạt nhân không bao giờ nên xảy ra.
Khác với loại đầu đạn gắn trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, vũ khí hạt nhân chiến thuật là thiết bị nhỏ hơn, đương lượng nổ thấp, có thể được thả từ máy bay, lắp vào tên lửa tầm ngắn hoặc bắn từ pháo. Đương lượng nổ của vũ khí hạt nhân chiến thuật thường từ dưới 1 kiloton đến 100 kiloton.
Quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima trong Chiến tranh Thế giới thứ hai có đương lượng 15 kiloton.
Nga, quốc gia sở hữu nhiều hơn 700 đầu đạn hạt nhân so với Mỹ, khẳng định rằng họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có cuộc tấn công hạt nhân trước vào lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng của mình, hoặc nếu sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường.
Trong khi đó, Mỹ nói rằng vũ khí hạt nhân của họ nhằm mục đích ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân vào Mỹ và các đồng minh, nhưng cũng có thể xem xét sử dụng trong những trường hợp cực đoan để bảo vệ sự sống còn lợi ích của Mỹ, các đồng minh và đối tác của mình.
Trước đó, ngày 4/5, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng đã diễn tập mô phỏng các vụ tấn công bằng tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở khu vực phía tây Kaliningrad.
Cuộc diễn tập diễn ra tại vùng biển Baltic, vị trí nằm giữa các thành viên của Liên minh châu Âu là Ba Lan và Litva. Trong đợt huấn luyện, Nga đã thực hiện các vụ phóng điện tử, mô phỏng đầy đủ quy trình khai quả hệ thống tên lửa đạn đạo di động Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Cụ thể, các lực lượng của Nga đã thực hành các cuộc tấn công đơn lẻ và nhiều cuộc tấn công vào các mục tiêu mô phỏng gồm bệ phóng tên lửa, sân bay, cơ sở hạ tầng được bảo vệ, thiết bị quân sự và sở chỉ huy của đối thủ giả định.
Bộ Quốc phòng cho biết thêm sau khi mô phỏng vụ phóng, lực lượng Nga đã nhanh chóng đổi vị trí để tránh cuộc tấn công trả đũa có thể xảy ra. Các đơn vị chiến đấu cũng thực hành tác chiến trong điều kiện bị nhiễm phóng xạ, nhiễm hóa chất. Buổi diễn tập có sự tham gia của hơn 100 binh sĩ.
Nga khẳng định sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine
Theo hãng tin TASS, Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine vì điều này không phù hợp với nhiệm vụ của chiến dịch quân sự đặc biệt. Đây là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexei Zaisev trong cuộc họp báo ngày 6/5.
Khói bốc lên từ thành phố Severodonetsk, vùng Donbass, trong xung đột Nga-Ukraine ngày 6/4/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Zaisev nêu rõ trường hợp sử dụng vũ khí hạt nhân được ghi rõ trong học thuyết quân sự của Nga và vũ khí hạt nhân sẽ không được sử dụng trong việc thực hiện nhiệm vụ đặt ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ông Zaisev khẳng định Nga giữ vững nguyên tắc, theo đó trong chiến tranh hạt nhân sẽ không có bên chiến thắng vì vậy không được phép khơi mào chiến tranh hạt nhân.
Tuy nhiên, ông Zaisev nhấn mạnh Nga cần phải sẵn sàng với mọi diễn biến tình hình trong không gian truyền thông cũng như trên thực địa.
Cũng trong cuộc họp báo, trả lời câu hỏi liệu Anh có nên lo ngại về phát biểu trên truyền hình Nga về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân đối với Anh, ông Zaisev cho biết Nga xem câu hỏi này là mưu toan vụng về chuyển sự tập trung của dư luận từ tình hình Ukraine sang thảo luận các vấn đề phi lý.
Ông cho biết Bộ Ngoại giao Nga không biết rõ phóng viên hỏi về phát biểu nào trên truyền hình Nga nhưng chắc chắn đây không phải phát biểu chính thức của chính quyền Nga.
Ông Zaisev cho rằng nguy cơ an ninh không do truyền hình Nga tạo ra mà do hành động không xây dựng của chính quyền các nước phương Tây, trong đó có Anh
Ông nhấn mạnh đại diện Nga nhiều lần đưa ra bình luận đầy đủ về vấn đề vũ khí hạt nhân. Trong đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng nhấn mạnh cần tuân thủ chặt chẽ sự nhất trí đã đạt được giữa các nước về việc không được phép để xảy ra chiến tranh hạt nhân, cũng như xung đột vũ trang giữa các cường quốc hạt nhân để tránh nguy cơ leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
Điều khủng khiếp không ai mong muốn nếu kho vũ khí hạt nhân trên thế giới cùng phát nổ Vũ khí hạt nhân là loại vũ khí có sức hủy diệt cực lớn. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân, vũ khí này có khả năng san bằng toàn bộ các thành phố và kết thúc nền văn minh nhân loại. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả vũ khí hạt nhân trên thế giới cùng lúc được...