Tin vịt cho ngành năng lượng
Một nhóm thanh niên Việt có tên “Swaggerer Team” vừa làm đơn đề nghị tổ chức Guiness World Records xác nhận kỷ lục thế giới cho khả năng đặc biệt của nhóm.
Trong đơn nói rằng họ có khả năng làm thay đổi hướng đi của các cơn gió, thậm chí họ có thể đẩy lùi cả những cơn bão về nơi xuất phát của nó dù cơn bão đó mạnh tới cấp 13, giật cấp 14, “Swaggerer Team” cũng có khả năng tạo ra các vụ nổ tầm cỡ Big Bang, nói tóm lại họ có khả năng “hô phong hoán vũ, lôi động thiên địa”, điều đặc biệt, chi phí để thực hiện những việc này rất thấp, trang thiết bị để giúp họ làm việc đó chỉ bao gồm gậy, dao, bàn tay… thậm chí là miệng… trong đó miệng là dụng cụ chủ lực. Để tiện xác nhận kỷ lục, “Swaggerer Team” đã đưa ra danh sách hàng trăm các cơn bão, cơn gió bị các sát thủ của “Swaggerer Team” tiêu diệt, hàng chục các vụ nổ lớn nhỏ được họ tạo ra. Tại Việt Nam “Swaggerer Team” được gọi theo một cái tên rất dân dã: Tập Đoàn Cưa Bom – CLB Chém Gió.
Nếu sự thực đúng như “Swaggerer Team” nói thì khả năng ứng dụng kỹ thuật của họ vào việc tạo ra thời tiết thuận lợi phục vụ mùa màng, chống úng ngập, triều cường,… năng lượng phát ra từ các vụ nổ của họ cũng sẽ được hấp thụ, tái tạo ra điện phục vụ sản xuất, thắp sáng… là rất có ý nghĩa và cực kỳ… khỉ tha (xin lỗi – khả thi).
*
* *
Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn, hình chữ gì là hợp?
Gần đây trên các báo chí người ta đề cập nhiều đến cây cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn, dù mới đưa ra ý tưởng nhưng đã có rất nhiều ý kiến, ý voi. Ý thì bàn tiến, ý thì bàn lùi, bàn ủi. Cười 24H thống kê được rằng, chỉ riêng ở hạng mục kiểu dáng thiết kế cây cầu đã thu hút hàng ngàn kiến trúc sư tự phong comment, người thì cho rằng cây cầu nên có hình chữ S, tượng trưng cho bản đồ đất nước (ý tưởng này được đông đảo các bạn trẻ trượt patin ủng hộ, bởi sự lên xuống lượn sóng của nó rất phù hợp cho trượt patin), một nhóm khác thì nói nên làm cầu hình chữ X, bởi Sài Gòn đã có cầu chữ Y, nay thêm chữ X là được một cặp, thêm nữa cầu chữ X sẽ có khả năng chống tắc đường khi lễ hội diễn ra trên sông, giao lộ cầu chữ X cũng sẽ trở thành điểm nhấn của cây cầu cũng như nơi điều hành giao thông của cảnh sát. Một nhóm bạn trẻ ở đường Đồng Khởi thì quả quyết nên xây cầu hình chữ O để chu vi cây cầu là lớn nhất, sức chứa của cầu sẽ nhiều nhất, tiện phục vụ chạy bộ buổi tối, tập thể dục buổi sáng, mặt khác với kiểu dáng hình tròn chữ O “tít mù nó lại vòng quanh” như thế, cây cầu sẽ giúp người dân Sài Gòn có cảm giác rất gần gũi với dòng sông bởi đi mãi vẫn ở trên sông. Một số cư dân của khu đô thị mới Thủ Thiêm thì đưa ra một ý tưởng khác: Cây cầu nên có hình chữ @ nhằm thể hiện sự năng động cũng như công nghệ của thành phố, với kiểu xoáy trôn ốc độc đáo này nó sẽ thu hút sự chú ý của khách du lịch, khi đó sẽ tha hồ hốt bạc, sau này không thích có thể nắn lại thành cầu chữ “q”, chữ “d” cũng rất dễ dàng…v.v và v.v…
Quả thật với hàng núi ý kiến như vậy thì coi như việc xây cầu đã đi vào… rừng. Câu châm ngôn thời hiện đại: “Cái gì không muốn làm thì nên đem ra bàn rộng rãi” có vẻ đúng trong trường hợp này.
*
* *
Cuộc chiến quảng cáo
Liên tục gần đây các hãng thực phẩm đồ uống liên tục tố nhau là quảng cáo gây hiểu lầm cho khách hàng. Bắt đầu là một hãng nước tương quảng cáo không có chất 3MCPD, rồi đến mỳ ăn liền quảng cáo là không dùng dầu chiên đi chiên lại gây ung thư, không có chất béo transfat, không dùng phụ gia nhuộm mỳ độc hại E102 (Tartrazine)… khiến cho các hãng còn lại bất bình khiếu nại. Và gần đây nhất là khiếu nại của Hiệp hội Sữa gửi Bộ Y tế, Bộ Công thương và các đơn vị trực thuộc khiếu nại việc dùng từ “sạch” trong thông điệp quảng cáo “sữa tươi sạch”.
Đại diện Hiệp hội Sữa cho rằng, việc quảng cáo như vậy vô hình trung hàm ý rằng tất cả các loại sữa khác là “không sạch”. Điều này tác động tiêu cực đến hình ảnh sữa tươi của các doanh nghiệp trong Hiệp hội Sữa Việt Nam, gây ngộ nhận cho người tiêu dùng về chất lượng sữa tươi, khiến họ có thể hiểu rằng việc uống các loại sữa tươi khác là không sạch.
Đáp lại văn bản của Hiệp hội Sữa, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm có văn bản trả lời, khẳng định quảng cáo “sữa sạch” không vi phạm quy định. Cục này cho rằng, doanh nghiệp quảng cáo có câu slogan “sữa sạch” không có nghĩa là các sản phẩm sữa khác là “bẩn”. Đại diện cơ quan này còn bổ sung thêm ví dụ, nếu một người nào đó đặt tên cho con mình là Hùng Dũng thì cũng không thể gây ngộ nhận hoặc hàm ý rằng rằng con của những người khác là hèn nhát. (Câu chuyện tương tự: Một công ty thuộc bộ Công Thương trước đây đặt tên có chữ “Công Nghệ Cao” khiến cho một số công ty khác trong bộ cho rằng tên như vậy chẳng khác nào các công ty còn lại là “công nghệ thấp”- Cười 24H).
Theo dự đoán (mò) của Cười 24H, nếu khiếu nại này của Hiệp hội Sữa không được chấp nhận thì có lẽ sắp tới nhiều công ty sữa sẽ cho quảng cáo sản phẩm sữa của họ là “cực sạch”, “siêu sạch”…
Theo Bưu Điện VN