Tin tốt lành dành cho Tổng thống Putin sau cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ
Sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nỗ lực gây sức ép để các khách hàng mua năng lượng của Nga không chuyển sang thanh toán bằng đồng ruble nhằm hạn chế khả năng chống chịu của Moskva trước các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thanh toán một phần tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble. Ảnh: TASS
Tuy nhiên, sau hơn 4 giờ đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Sochi (Nga), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã xác nhận rằng nước này sẽ bắt đầu thanh toán một phần khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng đồng ruble. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo còn nhất trí mở rộng hợp tác kinh tế trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngân hàng và công nghiệp.
Phát biểu với báo giới Thổ Nhĩ Kỳ trên chuyến bay từ Sochi về nước, ông Erdogan cho biết: “Một tin tốt lành về chuyến thăm Sochi lần này là chúng tôi đã nhất trí về đồng ruble với ông Putin”.
Tuy nhiên, cả ông Erdogan và giới chức Moskva đều không nêu rõ tỷ lệ khí đốt sẽ được thanh toán bằng đồng ruble.
Việc không thanh toán tiền khí đốt bằng đồng USD sẽ giúp Thổ Nhĩ kỳ bảo đảm dự trữ ngoại tệ đang ngày càng hạn hẹp của mình. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã chi 10 tỷ USD trong năm 2021 nhằm tăng giá trị của đồng lira nội địa. Tuy nhiên, đồng lira vẫn mất 55% giá trị so với USD và giá tiêu dùng đã tăng 80% trong 12 tháng qua.
Video đang HOT
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách gây sức ép để các khách hàng mua năng lượng của Nga không chuyển sang thanh toán bằng đồng ruble nhằm hạn chế khả năng chống chịu của Moskva trước các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt. Việc thanh toán bằng đồng ruble có thể giúp Nga tránh các quy định về hạn chế giao dịch bằng USD mà Mỹ đang tìm cách áp đặt với các ngân hàng toàn cầu. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối thực hiện các trừng phạt chống Nga, thay vào đó thúc đẩy các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine.
3 trọng tâm mà Tổng thống Putin - Erdogan đã nhất trí ở Sochi
Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua một tuyên bố chung bao gồm các vấn đề từ xuất khẩu ngũ cốc đến chống khủng bố và các tiến trình chính trị ở Syria, Libya.
Tổng thống Nga Putin tiếp đón người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan ở thành phố nghỉ dưỡng Sochi, Nga, ngày 5/8/2022. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chào đón nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, đến thành phố Sochi, miền nam Nga trong ngày 5/8. Hai nhà lãnh đạo đã dành hơn 4 giờ đồng hồ để thảo luận về nhiều vấn đề, từ xuất khẩu ngũ cốc đến thương mại song phương và các nỗ lực chống khủng bố.
Dưới đây là 3 trọng tâm của cuộc hội đàm, theo đài RT:
Thỏa thuận ngũ cốc Istanbul cần được tuân thủ đầy đủ
Cả ông Putin và Erdogan đều ca ngợi vai trò của nhau trong việc đạt được thỏa thuận xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp Ukraine qua Biển Đen vào tháng 7. Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc (LHQ) đã giúp Moskva và Kiev đàm phán một thỏa thuận cho phép nối lại giao thông hàng hải từ các cảng Biển Đen sau khi hoạt động này do chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Tuyên bố chung do ông Putin và Erdogan thông qua khẳng định rằng thỏa thuận cần được "thực hiện đầy đủ" trên cả "tinh thần và văn bản". Việc xuất khẩu ngũ cốc của Nga cũng như phân bón và nguyên liệu thô để sản xuất chúng cũng cần được tạo điều kiện thuận lợi.
LHQ đã đưa cam kết đặc biệt nỗ lực tháo gỡ những trở ngại đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. Ngày 5/8, Moskva nói rằng các hạn chế do Mỹ và các đồng minh áp đặt vẫn đang làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của nước này và có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Thúc đẩy hợp tác thương mại và năng lượng
Hai vị Tổng thống đã thảo luận về một chương trình nghị sự song phương rộng lớn và cam kết hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực thương mại, vận tải, nông nghiệp, tài chính, du lịch và xây dựng. Moskva và Ankara đã nhất trí thoả hiệp khi xét đến nhu cầu của mỗi bên trong lĩnh vực thương mại và năng lượng.
Ông Putin cho rằng khối lượng thương mại giữa hai quốc gia đã tăng 57% trong năm ngoái và tăng gấp đôi trong 5 tháng đầu năm 2022. Ông lưu ý rằng Nga cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ tất cả các loại tài nguyên năng lượng, bao gồm dầu, khí đốt và than đá theo cách thức ổn định và "không bị gián đoạn."
Sau cuộc gặp thượng đỉnh, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak nói với các nhà báo rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhất trí về một cơ chế thanh toán mới yêu cầu Ankara thanh toán một phần khí đốt mua của Nga bằng đồng rúp. "Đây là một giai đoạn thực sự mới", ông Novak nói.
Trong khi đó, Tổng thống Erdogan hoan nghênh vai trò của Nga trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, Akkuyu, đồng thời nói thêm rằng dự án này "rất quan trọng" đối với nền kinh tế quốc gia và dự kiến sẽ đáp ứng 10% nhu cầu năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà máy đang được xây dựng theo thiết kế của Nga, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2023.
Ổn định khu vực và cuộc chiến chống khủng bố
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói rằng Nga đóng một "vai trò đặc biệt" trên trường quốc tế và đặc biệt là trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông cho rằng "sự đoàn kết" giữa Moskva và Ankara là chìa khóa để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Trung Đông.
Trong tuyên bố chung, ông Putin và Erdogan tái khẳng định cam kết của họ đối với tiến trình chính trị ở Syria. Hai bên nhất trí rằng điều quan trọng là phải duy trì "sự thống nhất chính trị và toàn vẹn lãnh thổ" của quốc gia Trung Đông này. Moskva và Ankara khẳng định sẵn sàng "hành động cùng nhau với sự phối hợp đầy đủ" để chống lại bất kỳ tổ chức khủng bố nào.
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về tình hình ở Libya, nhất trí rằng bản thân người dân Libya nên đóng vai trò then chốt trong các diễn biến chính trị của đất nước họ. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ "chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất chính trị" của Libya.
Tổng thống Nga và đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí phát triển hơn nữa quan hệ song phương trên cơ sở "tôn trọng lẫn nhau" và tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế của nhau bất chấp "những thách thức khu vực và toàn cầu hiện nay".
Thêm 3 tàu chở ngũ cốc rời Ukraine, hi vọng Nga - Ukraine đàm phán ngừng bắn dấy lên Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết 3 tàu chở ngũ cốc tiếp theo sẽ rời Ukraine trong ngày 5/8 theo thỏa thuận do Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ đồng bảo lãnh. Tàu Razoni chở ngũ cốc của Ukraine di chuyển trên vùng biển phía Tây Bắc Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN Theo...