Tin thế giới 19/1: Căng thẳng Nga-Ukraine “lên đỉnh”, Mỹ không kích Đông Syria
Kiev tuyên bố phá vỡ 49 thỏa thuận với Moscow, căng thẳng Nga-Ukraine “lên đỉnh”; Mỹ không kích miền Đông Syria khiến 20 dân thường thiệt mạng; Chuyên gia Nga bình luận về kế hoạch phòng thủ tên lửa mới của Mỹ; Nga tìm thấy xác cả 2 phi công sau vụ 2 tiêm kích Su-34 rơi… là những tin nổi bật.
Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Ukraine Pốhenko.
Căng thẳng Nga-Ukraine
*Ngày 18/1, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin tuyên bố, 49 thỏa thuận giữa nước này với Liên bang Nga đã bị hủy bỏ, và nhấn mạnh còn gần 50 thỏa thuận nữa có thể bị chấm dứt hiệu lực.
Phát biểu với báo giới, ông Klimkin nêu rõ: “Chúng tôi đã hủy bỏ 49 thỏa thuận với Liên bang Nga. Chúng tôi sẽ tiếp tục đi theo hướng này. Hiện giờ có gần 50 thỏa thuận đang được xét tới. Và chúng tôi cũng đang xem xét toàn bộ cơ sở thỏa thuận pháp lý với Liên bang Nga”.
Việc Kiev lên kế hoạch phá vỡ thêm gần 50 thỏa thuận với Moscow cho thấy căng thẳng Nga-Ukraine đã lên tới đỉnh điểm, không những thế Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin còn tiết lộ thêm rằng đây sẽ là cách tiếp cận nhất quán của Kiev trong quan hệ với Nga.
*Ria Novosti dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy xác của hai phi công đã chết sau sự cố với 2 chiếc tiêm kích bom Su-34 đâm nhau trên không khi đang bay huấn luyện khu vực Viễn Đông hôm 18/1.
Theo thông tin từ phía Nga, hoạt động tìm kiếm cứu nạn vẫn đang tiếp tục, cơ quan chức năng đã huy động hàng loạt các máy bay khác cùng tham gia như Tu-142, An-12, An-30, trực thăng Mi-8. Bên cạnh đó, 6 tàu khác của Hạm đội Thái Bình Dương Nga đã được triển khai đến khu vực tìm kiếm.
*Thượng nghị sĩ Alexey Pushkov cho rằng kế hoạch phòng thủ tên lửa mới của Hoa Kỳ không khả thi, và nhấn mạnh rằng số tiền khổng lồ đầu tư vào việc thực hiện kế hoạch nói trên chỉ mang lại lợi ích cho tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ.
Trong khi đó, Phó Trưởng khoa Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Trường Đại học Kinh tế cấp cao Nga, ông Andrei Suzdaltsev nhận định, chiến lược phòng thủ tên lửa cập nhật do Tổng thống Mỹ Donald Trump trình bày đe dọa an ninh của Nga.
Video đang HOT
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas.
Đức, Ukraine, Nga
*Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 18/1, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã kêu gọi Nga phá hủy hệ thống tên lửa 9M729 mà Washington tuyên bố vi phạm Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) để cứu vãn Hiệp ước này.
Gần đây, những căng thẳng dấy lên giữa Moscow và Washington về số phận của Hiệp ước INF được ký kết vào năm 1987 giữa Tổng thống Mỹ thời đó Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.
*Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas ngày 18/1 đã lên tiếng kêu gọi Nga và Ukraine ngăn chặn sự tái diễn của vụ việc ở eo biển Kerch, nơi Moscow bắt giữ 3 tàu hải quân cùng các thủy thủ Ukraine hồi tháng 11/2018.
Ngoại trưởng Đức Maas cho biết Nga cần thường xuyên đảm bảo sự tự do đi lại của các tàu thuyền tại Eo biển Kerch ngoài khơi Bán đảo Crimea được Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014. Ông Maas nêu rõ: “Tất cả các bên cần góp phần để giảm leo thang các cuộc xung đột”.
*Ngày 18/1, Nga tuyên bố đã đồng ý cho Pháp và Đức giám sát sự đi lại của tàu thuyền tại Eo biển Kerch sau khi một cuộc đối đầu diễn ra hồi năm ngoái giữa lực lượng hải quân Nga và Ukraine.
Phát biểu tại một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã “lập tức đồng ý” yêu cầu của Berlin cử các quan sát viên tới khu vực.
Cảnh hoang tàn ở Syria.
Tình hình Syria
*Hãng thông tấn nhà nước SANA đưa tin, ngày 18/1, ít nhất 20 dân thường đã thiệt mạng sau các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu nhằm vào tỉnh Deir al-Zour ở miền Đông Syria đang được tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát.
Trong số những người thiệt mạng có cả phụ nữ và trẻ em. Các cuộc không kích này nhằm vào thị trấn Baghus, một trong 2 thị trấn cuối cùng vẫn nằm dưới sự kiểm soát của IS tại vùng nông thôn miền Đông tỉnh Deir al-Zour.
*Hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) ngày 18/1 đưa tin, sự hiện diện “bất hợp pháp” của quân đội Mỹ tại nước này đang cản trở hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ cho 50.000 người tị nạn tại trại Rukban ở miền Nam Syria.
Theo SANA, các điều kiện của người tị nạn Syria tại trại Rukban đang trở nên khó khăn hơn do sự hiện diện bất hợp pháp của Mỹ tại khu vực al-Tanf ở miền Nam Syria. Chính phủ Syria đã nỗ lực mở các hành lang an toàn để người tị nạn có thể rời trại này tới các khu vực do Chính phủ kiểm soát.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Châu Á-Thái Bình Dương
*Phát biểu trước báo giới hôm 18/1, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch cho cuộc gặp thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng 2 năm nay, địa điểm cuộc gặp sẽ được công bố sau.
Chính phủ Nhật Bản ngày 19/1 bày tỏ hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 dự kiến, đồng thời bày tỏ hy vọng cuộc gặp sẽ có những kết quả cụ thể nhằm đạt được phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
*Cùng ngày, Hàn Quốc cũng đã hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai dự kiến diễn ra trong thời gian sắp tới, bày tỏ hy vọng cuộc gặp này sẽ là một bước ngoặt hướng tới hòa bình lâu dài tại Bán đảo Triều Tiên.
*Ông Orita Kunio, Giáo sư kiêm cựu tướng không quân Nhật Bản nhận định Trung Quốc có thể sáp nhập Đài Loan vào năm 2025 và giành toàn quyền kiểm soát Biển Đông trước năm 2040.
Theo Taiwan News, đây là nhận định được ông Kunio đưa ra trong một cuộc hội thảo vào cuối tháng 12/2018 về tương lai của Biển Đông trong thời kỳ lãnh đạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các học giả tham gia sự kiện này cũng cho rằng, xung đột giữa Mỹ – Trung trong khu vực sẽ là điểm nhấn chính trị mang tính toàn cầu trong năm 2019.
Trí Đức (Lược dịch)
Theo Infornet
Thêm 'nốt trầm' trong quan hệ Ukraine - Nga
Ngày 18/1, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin thông báo 49 thỏa thuận giữa nước này với Liên bang Nga đã bị hủy bỏ, đồng thời lưu ý khoảng 50 thỏa thuận nữa giữa hai bên sẽ có thể chung số phận.
Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Klimkin cho biết Ukraine đã hủy bỏ 49 thỏa thuận với và cho biết Kiev vẫn đang tiếp tục cân nhắc hủy thêm các thỏa thuận với Moskva. Cụ thể, Ngoại trưởng Ukraine cho biết phía này đang xem xét chấm dứt thêm khoảng 50 thỏa thuận với Nga và xem xét toàn bộ cơ sở thỏa thuận pháp lý với Nga.
Trước đó, ngày 10/12, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký luật chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa Nga và Ukraine. Văn kiện này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4/2019. Hiệp ước trên có thời hạn hiệu lực 10 năm kể từ ngày 1/4/1999 và được tự động gia hạn nếu hai bên không phản đối.
Sau khi được gia hạn tự động vào năm 2009, hiệp ước này đang có hiệu lực đến năm 2019. Hiệp ước quy định nguyên tắc đối tác, công nhận biên giới hiện có không thể bị phá vỡ, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và nghĩa vụ song phương không sử dụng lãnh thổ của mình chống lại nhau.
Quan hệ Nga và Ukraine căng thẳng kể từ năm 2014 khi Moskva sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea và tình hình đã bị đẩy lên nấc thang nghiêm trọng mới sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine cùng thủy thủ đoàn tại khu vực Biển Đen gần Eo biển Kerch với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải hồi tháng 11/2018.
Ukraine gọi đây là "hành động có chủ định" của phía Nga, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng đây là một "sự cố biên giới" và việc Tổng thống Ukraine ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày tại 10 vùng giáp biên giới với Nga là "một phản ứng thái quá". Hai bên cũng đã có những biện pháp trừng phạt lẫn nhau sau vụ việc này.
Lê Ánh (TTXVN)
Theo Tintuc
Ukraine kêu gọi phương Tây tăng trừng phạt Nga Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin trong cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu ngày 6.12 hối thúc tăng trừng phạt áp đặt với Nga, đồng thời cáo buộc Moscow gia tăng nhiều hoạt động khiêu khích nhằm vào Kiev, cũng như "gieo rắc bất ổn" khắp phương Tây. Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin - Ảnh: Reuters Ông Klimkin...