Tín Thành Group đặt cược vào năng lượng sạch
Các kế hoạch phát hành trái phiếu, đăng ký giao dịch tập trung của Tín Thành Group chưa thực sự chắc chắn.
Thông tin hạn chế
Công ty cổ phần Tập đoàn Tín Thành (Tín Thành Group) vừa công bố thông tin về kế hoạch phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi theo hình thức riêng lẻ. Lãi suất là 14%/năm, dự kiến thực hiện trong quý IV/2020.
Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, nhà đầu tư có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu, với mức giá chuyển đổi 10.000 đồng/cổ phiếu.
Thông thường, khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu chuyển đổi, mức lãi suất có xu hướng thấp hơn so với các khoản trái phiếu thường.
Bởi lẽ, với điều khoản chuyển đổi, nhà đầu tư không chỉ có quyền nhận được phần lãi và gốc khoản cho vay, mà còn có cơ hội hưởng lợi khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi, dự án cho hiệu quả tốt và được chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.
Tuy vậy, có thể thấy, mức lãi suất phát hành của Tín Thành Group khá cao so với mặt bằng nhiều đợt trái phiếu thông thường được các doanh nghiệp phát hành gần đây, dao động từ 10 – 12%/năm.
Bản công bố thông tin của Công ty cho biết, mục đích phát hành để đầu tư dự án điện hơi công suất 15 MW và 30 tấn hơi/giờ. Đối tác hợp tác là Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã DRC) – doanh nghiệp đầu ngành săm lốp đang niêm yết trên HOSE.
Cũng theo bản công bố thông tin, trước đây, hai công ty đã có sự hợp tác tại dự án điện mặt trời áp mái công suất 10 MW. Mối quan hệ này có phần dễ hiểu khi ông Trần Đình Quyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tín Thành Group cũng là thành viên Hội đồng quản trị Cao su Đà Nẵng.
Tuy nhiên, phương án hợp tác đầu tư cũng như chi tiết về dự án mà Tín Thành Group dự kiến phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu để triển khai chưa được công bố. Thông tin ít ỏi mà nhà đầu tư có được là phần giới thiệu về “dự án đang triển khai” trong bản công bố thông tin.
Theo đó, 1 trong 3 dự án lớn mà Công ty đang triển khai là dự án điện sinh khối tại DRC Đà Nẵng với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, lợi nhuận 60 tỷ đồng với thời gian thực hiện 18 tháng. Đối tác đầu vào là công ty Ấn Độ, công ty Việt Nam, đối tác đầu ra là Công ty Điện lực Đà Nẵng và DRC.
Chờ đợi ở tương lai
Tiền thân của Tín Thành Group là Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành, được thành lập tháng 9/2009, với vốn điều lệ 1,9 tỷ đồng. Năm 2017, Công ty được đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Tín Thành và chuyển đổi sang công ty cổ phần vào tháng 6/2018. Sau 7 lần tăng vốn, quy mô vốn điều lệ của Công ty đến nay là 350 tỷ đồng.
Tín Thành Group tự giới thiệu là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, năng lượng và nông nghiệp công nghệ cao. Công ty hiện đang cung cấp hơi bão hòa và hơi cao áp từ nguyên liệu sinh khối (mùn cưa, dăm bào, gỗ dăm) cho hơn 30 nhà máy, cơ sở công nghiệp.
Video đang HOT
Theo bản công bố thông tin phát hành trái phiếu, danh sách công ty con mà Tín Thành Group đang sở hữu cổ phần kiểm soát, chi phối gồm Công ty Năng lượng tái tạo Thuận Phát với vốn điều lệ 50 tỷ đồng do Tín Thành Group sở hữu 100%.
Ngoài ra, Công ty chỉ có hai khoản đầu tư góp vốn khác là Công ty Năng lượng Tín Thành, góp 30 tỷ đồng, giữ 30% vốn và góp 1,5 tỷ đồng, giữ 10% vốn của Công ty cổ phần Tintech ASIA.
Về kết quả kinh doanh, năm 2019, báo cáo tài chính của Tín Thành Group cho biết, doanh thu đạt 410 tỷ đồng, tăng 5,6% so với 2018. Biên lợi nhuận cải thiện giúp lợi nhuận gộp đạt 48 tỷ đồng, tăng 26,3%, nhưng lãi vay tăng mạnh cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp cao đã khiến lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 92 triệu đồng.
Gánh nặng chi phí quản lý, lãi vay thực ra không phải là vấn đề mới tại Tín Thành Group. Riêng với chi phí quản lý, nếu như trong năm 2019, Công ty ghi nhận 25,6 tỷ đồng, chiếm 53% lợi nhuận gộp thì trong năm 2018 là 27,7 tỷ đồng, chiếm tới 3/4 lợi nhuận gộp.
Tỷ lệ khoản mục chi phí này trên doanh thu khá cao, lên đến 6 – 7% với nguyên nhân chủ yếu nằm ở chi phí tiền lương. Riêng năm 2019, lương quản lý là 15 tỷ đồng.
Cùng với lãi vay ở mức cao, kết quả là Công ty đã chịu lỗ 7,756 tỷ đồng trong năm 2018. Lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 là 20,2 tỷ đồng và con số này gần như giữ nguyên đến cuối năm 2019.
Đáng chú ý, tại thời điểm cuối năm 2019, giá trị các khoản phải thu của Công ty lên đến 169 tỷ đồng, chiếm hơn 1/4 tổng tài sản với giá trị lớn nhất là các khoản tạm ứng 96,5 tỷ đồng. Trong số này, ông Trần Đình Quyền nhận số dư tạm ứng lớn nhất với 43,3 tỷ đồng. Số dư này tồn tại từ đầu năm 2019 và giữ nguyên cho đến hết năm.
Ngoài ra, Công ty cũng có khoản phải thu khác với ông Quyền trị giá 2,48 tỷ đồng đến cuối năm 2019, giảm đáng kể so với giá trị 28,3 tỷ đồng đầu năm.
Cùng với ông Quyền, ông Nguyễn Văn Bình, Phó tổng giám đốc cũng được tạm ứng 27,5 tỷ đồng và 3 cá nhân khác được tạm ứng tổng cộng 24 tỷ đồng cũng là các lãnh đạo doanh nghiệp như ông Hà Đức (kiểm soát viên), ông Huỳnh Minh Đăng (Phó tổng giám đốc).
Khoản phải thu lớn đã khiến Công ty bị thiếu hụt vốn và phải đẩy mạnh tài trợ bằng nợ vay. Tính đến cuối năm 2019, dư nợ vay là 245 tỷ đồng, chiếm 37% nguồn vốn, chiếm chủ yếu là các khoản nợ vay ngắn hạn.
Nợ vay cao đã khiến chi phí lãi vay trở thành gánh nặng. Năm 2019, chi phí lãi vay là 19,8 tỷ đồng, tăng 46,7% so với 2018, và tương đương 90,8% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, không bao gồm hoạt động tài chính mang lại. Gánh nặng này sẽ còn lớn hơn nếu Công ty phát hành đợt trái phiếu chuyển đổi 100 tỷ đồng với mức lãi suất lên đến 14%/năm.
Nợ vay cao đã khiến chi phí lãi vay trở thành gánh nặng. Năm 2019, chi phí lãi vay là 19,8 tỷ đồng, tương đương 90,8% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.
Báo cáo của Tín Thành Group cho biết, tính đến ngày 14/9/2020, toàn bộ phần vốn hiện được sở hữu bởi 3 cổ đông đều là các cá nhân, bao gồm ông Trần Đình Quyền (74%), bà Nguyễn Thị Bích Hoài (vợ ông Quyền), sở hữu 10% và bà Nguyễn Thị Thanh Hiền sở hữu 16%. Cả ba là cổ đông sáng lập và hiện là thành viên Hội đồng quản trị Công ty.
Như vậy, riêng vợ chồng ông Quyền đã sở hữu 84% vốn và 2/3 số ghế trong Hội đồng quản trị.
Giả định toàn bộ đợt phát hành thành công cho các nhà đầu tư không thuộc gia đình ông Quyền sau đó được chuyển đổi hoàn toàn thành cổ phiếu thì với quy mô vốn 450 tỷ đồng, vợ chồng ông Quyền vẫn sẽ sở hữu 65,3% vốn điều lệ mới, đủ tỷ lệ để giữ vị thế quyết định.
Trong buổi roadshow vừa được tổ chức ngày 19/11/2020, cùng với việc phát hành trái phiếu Tín Thành Group cũng cho biết kế hoạch đăng ký giao dịch trên UPCoM dự kiến vào quý I/2021. Để làm được điều này, Công ty được dự báo sẽ chuyển sang mô hình công ty đại chúng trong tương lai gần.
Tín Thành Group dừng kế hoạch phát hành trái phiếu và lên UPCoM
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về dự án điện sinh khối tại DRC Đà Nẵng mà Tín Thành Group dự kiến phát hành trái phiếu chuyển đổi để triển khai, ông Trần Đình Quyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cho biết, đây là dự án mà Tín Thành Group sẽ trực tiếp đầu tư để xây dựng nhà máy điện hơi sinh khối, sử dụng sinh khối (biomass) để sản xuất điện năng (bán cho EVN) và hơi công nghiệp cung cấp cho nhà máy của DRC. Tuy nhiên, do việc thu xếp lại nguồn vốn, trước mắt, Tín Thành sẽ dừng đợt phát hành trái phiếu này.
Đối với kế hoạch IPO và đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên sàn đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) trong năm 2020, Công ty cũng chưa triển khai mà tập trung vào việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo, xử lý rác thải và công nông nghiệp khép kín đang triển khai cũng như cơ cấu lại tổ chức hoạt động, sau đó sẽ xem xét lại việc IPO và đưa cổ phiếu lên niêm yết trong những năm tiếp theo.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, nhờ việc cơ cấu lại tổ chức hoạt động cung cấp hơi công nghiệp và nguyên liệu sinh khối cho các nhà máy điện cũng như cải thiện hiệu quả kiểm soát chi phí đã giúp lợi nhuận của Công ty đạt 14,98 tỷ đồng, tăng mạnh so với kết quả thực hiện giai đoạn 2018 – 2019.
Trái phiếu năng lượng sạch đắt hàng
Năng lượng đã lọt Top nhóm ngành phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất trong nửa đầu năm 2020, với kỳ hạn bình quân tương đối dài.
Dữ liệu thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Finnpro và Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) cho thấy, trong tổng số 171.000 tỷ đồng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành thì năng lượng là lĩnh vực đóng góp 4%.
Lãi suất sơ cấp bình quân của trái phiếu nhóm năng lượng là 10,3%/năm, chỉ sau nhóm bất động sản với 10,6%/năm.
Tỷ lệ phát hành thành công đạt 92%, cao hơn mức 88% của các ngành dịch vụ tài chính khác; kỳ hạn bình quân dài nhất với 7,2 năm. Giá trị phát hành mới tăng mạnh, chủ yếu tập trung vào quý II/2020.
Đáng chú ý trong số này là hệ thống Trung Nam huy động tới 4.500 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm, với tổ chức tư vấn phát hành là MBS. Năng lượng Hồng Phong 2 huy động 1.600 tỷ đồng, kỳ hạn 6 năm, lãi suất 10%/năm cũng do MBS tư vấn. Hay Ea Súp 5 phát hành 1.140 tỷ đồng, lãi suất 11,3%/năm, kỳ hạn 18 tháng đến 9 năm, do SSI tư vấn.
Trong tháng 8 vừa qua, Điện mặt trời Mỹ Sơn 1 đã phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu, với lãi suất 10%/năm, kỳ hạn 3 năm. TVSI là đơn vị tư vấn.
Các dự án năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió) đang được Chính phủ khuyến khích đầu tư, từ giá mua điện hấp dẫn (7,09 - 9,35 cent/kWh), ưu đãi thuế (miễn thuế trong 4 năm đầu và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo) và nhiều cơ chế ưu đãi khác. Trong khi đó, suất đầu tư tính trên 1 MW điện ngày càng giảm đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển các nguồn năng lượng sạch.
Với lợi thế dòng tiền hoạt động ổn định, chi phí vận hành và bảo dưỡng thấp, hiệu quả kinh tế cao, trái phiếu của các doanh nghiệp năng lượng sạch có độ rủi ro thấp hơn hẳn những trái phiếu trong các lĩnh vực khác như bất động sản, xây dựng... trong khi vẫn có mức lãi suất (coupon) đủ hấp dẫn các nhà đầu tư.
Các trái phiếu năng lượng sạch có kỳ hạn tương đối dài, trung bình là 7,2 năm và đa số là phát hành riêng lẻ, tức không được bán cho quá 100 nhà đầu tư trong năm đầu tiên theo quy định hiện hành.
Các trái phiếu năng lượng sạch có kỳ hạn tương đối dài, trung bình là 7,2 năm và đa số là phát hành riêng lẻ
Tuy vậy, từ năm thứ hai trở đi, các trái phiếu này sẽ được mua bán quá 100 nhà đầu tư, do đó, không có sự khác biệt trong việc mua, bán, chuyển nhượng và luân chuyển tiền của các nhà đầu tư trái phiếu năng lượng sạch so với các trái phiếu khác như bất động sản (thường có kỳ hạn khoảng 2 - 3 năm).
Thậm chí, với rủi ro thấp, lãi suất hấp dẫn, tính thanh khoản của trái phiếu năng lượng sạch còn tốt hơn một số trái phiếu bất động sản, việc nhà đầu tư mua, bán trái phiếu năng lượng sạch từ năm thứ 2 trở đi sẽ dễ dàng hơn và phù hợp với hầu hết các nhà đầu tư ngắn hạn và dài hạn.
Nếu như trước đây, các ngân hàng đóng vai trò bên mua trái phiếu doanh nghiệp, tập trung lớn ở nhóm doanh nghiệp bất động sản, thì nay, khi có thêm các tổ chức phát hành là doanh nghiệp năng lượng, thị trường trái phiếu đã thu hút nhiều tổ chức tài chính ngoài ngân hàng tham gia.
Dù các trái phiếu năng lượng sạch thường có độ rủi ro thấp, nhưng theo giám đốc dịch vụ ngân hàng đầu tư của một số công ty chứng khoán lớn, không phải mọi trái phiếu đều tốt như nhau. Ngoài yếu tố lãi suất, nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu kỹ một số điều kiện, điều khoản để tránh rủi ro:
Thứ nhất, kiểm tra quy mô, công suất, doanh thu, dòng tiền dự kiến của dự án có đủ đảm bảo các nghĩa vụ nợ của dự án (bao gồm cả các trái phiếu của tổ chức phát hành dựa trên dự án). Để tránh trường hợp tổ chức phát hành vay nợ quá khả năng chi trả.
Thứ hai, trong trường hợp dự án chưa đi vào hoạt động và vận hành thương mại, cần lưu ý tình trạng pháp lý của dự án, như dự án đã có giấy phép chấp thuận đầu tư, giấy phép hoạt động điện lực, quyết định giao đất chưa? Doanh nghiệp có đạt thỏa thuận thiết kế cơ sở, thỏa thuận đấu nối, hợp đồng mua bán điện với EVN hay chưa?
Thứ ba, quy hoạch lưới điện của dự án có rủi ro nào không? Đường dây đấu nối, truyền tải có bị hạn chế hay quá tải không?
Thứ tư, rủi ro hoạt động của dự án có cao không? Dự án nằm trong vùng khí hậu thuận lợi hay bất lợi? Phương án kinh doanh của tổ chức phát hành có hợp lý với điều kiện thực tế không?
Thứ tư, tổ chức tư vấn phát hành có uy tín không? Hoạt động công bố thông tin có minh bạch không?
Để tránh rủi ro, nhà đầu tư cũng nên tham khảo thông tin từ các chuyên gia tư vấn, chuyên gia tài chính và chọn những tổ chức tư vấn uy tín.
Thị trường năng lượng sạch sôi động từ đầu năm 2020
Từ năm 2018 đến tháng 6/2019, đã có hơn 330 dự án điện mặt trời trình Chính phủ phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch điện. Trong đó có 121 dự án đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh, với tổng công suất phát điện đến năm 2020 là 6.100 MW và năm 2030 là 7.200 MW. Ngoài ra, còn 221 dự án đang chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 14.330 MW.
Các nhà máy điện mặt trời lớn tập trung ở 6 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ gồm Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai và An Giang, trong đó trung tâm điện mặt trời lớn nhất cả nước là Ninh Thuận. Toàn tỉnh có 31 dự án đã được cấp phép đầu tư với tổng công suất 1.816 MW, tổng vốn đăng ký trên 5.000 tỷ đồng. Có 7 dự án với tổng công suất 852 MW đã chính thức vận hành thương mại.
Các con số nói trên cho thấy công suất điện mặt trời đã xây dựng vượt xa các mục tiêu của Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, trong đó định hướng tới 2020 công suất điện mặt trời cả nước đạt 850 MW và tăng lên 4.000 MW vào năm 2025.
Suất đầu tư trung bình đối với điện mặt trời hiện nay ở Việt Nam chỉ là 1.038 USD/kWp (tương đương trên 23 triệu đồng/1 kWp, thấp hơn bất cứ suất đầu tư nguồn điện nào.
Suất đầu tư trên thế giới hiện nay đối với các công nghệ phát điện như sau: nhiệt điện than khoảng 1.600 USD/kW; điện gió trên bờ 1.765 USD/kW; điện gió ngoài khơi 4.480 USD/kW; thủy điện 1.764 USD/kW; điện sinh khối 2.200 USD/kW; điện địa nhiệt 3.734 USD/kW.
Đề xuất mở mới 10 tuyến xe buýt sử dụng năng lượng sạch UBND thành phố Hà Nội vừa giao Sở Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Sở Giao thông Vận tải báo cáo thành phố trong tháng 9/2020, về Đề án đầu tư phương tiện, tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch (xe điện) có trợ giá trên địa bàn. Đề án đầu...