Tin tặc đánh sập website viện nghiên cứu vũ trụ Nga
Nhóm hacker thuộc Anonymous đã đánh sập website liên kết với Viện Nghiên cứu Không gian Nga, trong khi Roscosmos bị rò rỉ nhiều dữ liệu.
Trong bài đăng trên Twitter ngày 3/3 bởi tài khoản @YourAnonNews, nhóm tin tặc v0g3lSec liên kết với Anonymous tuyên bố đã đánh sập website của Viện Nghiên cứu Không gian Nga (IKI), đồng thời rò rỉ nhiều dữ liệu được cho thuộc về Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos).
Theo Vice, các hacker đã tấn công một tên miền phụ thuộc website của IKI, trong khi những tên miền khác vẫn hoạt động bình thường. Các dữ liệu bị đánh cắp liên quan đến Kính viễn vọng Không gian Tia cực tím Thế giới (WSO-UV), dự án tương tự Kính viễn vọng Không gian Hubble, được lên kế hoạch phóng vào năm 2025.
Website của IKI bị một nhánh của Anonymous tấn công.
Đến thời điểm viết bài, trang web uv.ikiweb.ru của IKI vẫn chưa thể truy cập. Phiên bản lưu trữ đến sáng ngày 3/3 hiển thị thông điệp với nội dung “hãy làm tốt website thay vì đe dọa mọi người với ISS (Trạm Vũ trụ Quốc tế)”.
Phần cuối thông điệp đề cập đến bình luận của Dmitry Rogozin, Giám đốc Roscosmos về khả năng chấm dứt hợp tác giữa Nga với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sau khi Mỹ công bố các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Theo The Verge, số phận ISS đang bị đe dọa khi Nga nằm trong các nước hợp tác vận hành trạm vũ trụ.
Video đang HOT
Tài khoản @YourAnonNews cũng chia sẻ đường dẫn tải file ZIP chứa dữ liệu của Roscosmos, gồm nhiều tài liệu viết tay, file PDF và bảng tính bằng tiếng Anh lẫn tiếng Nga, mô tả các sứ mệnh trên Mặt Trăng. Tuy nhiên, chưa thể xác nhận các dữ liệu bị rò rỉ là thật.
Vụ tấn công IKI diễn ra chỉ vài ngày sau khi NB65, một nhánh của Anonymous tuyên bố vô hiệu hóa hệ thống điều khiển vệ tinh của Nga. Trên Twitter, nhóm hacker cho biết đã xóa dữ liệu quan trọng liên quan đến hệ thống giám sát phương tiện vệ tinh của Roscosmos. Tuy nhiên, Giám đốc Rogozin phủ nhận thông tin Roscosmos bị tấn công.
Nhiều dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Nga và phương Tây trong các sứ mệnh không gian đang sụp đổ. Ngày 3/3, Roscosmos đã tạm dừng kế hoạch phóng tên lửa chứa vệ tinh Internet của OneWeb, công ty có trụ sở tại London (Anh) sau khi nhận trừng phạt từ phương Tây. Cơ quan này cũng tuyên bố không bán động cơ tên lửa cho Mỹ.
Một tài liệu rò rỉ từ nhóm hacker chứa các vị trí hạ cánh của tàu vũ trụ trên Mặt Trăng. Tuy nhiên, chưa thể xác nhận đây là tài liệu thực sự của Roscosmos.
Khi xung đột Nga – Ukraine leo thang, nhiều cuộc tấn công mạng nổ ra. Bên cạnh NB65, nhóm hacker có tên AgainstTheWest tuyên bố đã xâm nhập hệ thống máy tính thuộc tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom. Trong khi đó, nhóm hacker hoạt động dưới tên Anonymous Liberland đã rò rỉ hơn 200 GB email lấy từ công ty quốc phòng Tetraedr tại Belarus.
Anonymous cũng tấn công website của Bộ Quốc phòng Nga, đánh cắp nhiều dữ liệu gồm số điện thoại, email và mật khẩu đăng nhập tài khoản của một số quan chức. Trước đó, nhóm tin tặc này tuyên bố đánh sập website kênh truyền hình RT do Nga hậu thuẫn bằng kỹ thuật tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS). Vài giờ sau, trang web hoạt động bình thường.
Anonymous đã tuyên bố “chiến tranh mạng” chống lại chính phủ Nga sau khi ông Putin phát động tấn công Ukraine. Các bài đăng trên Twitter của nhóm tin tặc có quan điểm đứng về phía Ukraine.
Nhóm hacker Anonymous tuyên bố tấn công vệ tinh do thám của Nga
Nhóm hacker khét tiếng Anonymous tuyên bố đã tấn công và đánh sập hệ thống của Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga, khiến Nga không thể sử dụng hệ thống vệ tinh do thám của mình.
Thông tin trên được nhóm hacker Anonymous công bố thông qua tài khoản Twitter có tên @YourAnonTV, kèm theo đó là một vài hình ảnh cho thấy nhóm hacker này đã xâm nhập được vào hệ thống máy chủ của Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos).
Tuy nhiên, vụ tấn công này không phải do Anonymous đích thân thực hiện, mà được tiến hành bởi "Network Battalion 65" (NB65), một nhóm hacker được cho là có liên hệ với Anonymous. Nhóm tin tặc này cho biết đã tải xuống và xóa những dữ liệu bí mật liên quan đến hệ thống giám sát phương tiện và hình ảnh vệ tinh của Roscosmos.
Bên trong một trung tâm điều khiển của Roscosmos
"Nhóm hacker NB65, có liên kết với Anonymous, đã đánh sập Trung tâm điều khiển của Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos. Giờ đây, Nga không còn có thể điều khiển những vệ tinh do thám của mình", Anonymous đăng tải trên trang Twitter của mình.
Tuy nhiên, ngay sau khi Anonymous tuyên bố thông tin này, Dmitry Rogozin, Tổng giám đốc Roscosmos đã lập tức lên tiếng phủ nhận việc cơ quan này bị tin tặc tấn công.
"Thông tin của những kẻ lừa đảo nhỏ nhặt này là không là không đúng sự thật. Tất cả các trung tâm kiểm soát hoạt động không gian của chúng tôi đều đang hoạt động bình thường", Rogozin viết trên Twitter.
Dmitry Rogozin còn nhấn mạnh rằng chính quyền Nga sẽ coi bất kỳ vụ tấn công mạng nào vào hệ thống vệ tinh sẽ là một lời tuyên chiến và sẽ có hành động đáp trả thích đáng.
Trước đó, nhóm tin tặc Anonymous đã đưa ra lời "tuyên chiến" với Nga để phản đối các chiến dịch quân sự mà quân đội quốc gia này tiến hành trên lãnh thổ Ukraine. Ngay sau đó, nhóm hacker này tuyên bố đã đánh sập hơn 300 trang web của Nga, trong đó có nhiều trang web lớn như hãng tin TASS, tờ báo Kommersant, Izvestia... Một số trang web lớn, nhỏ của Nga cũng bị nhóm hacker Anonymous tấn công, thay đổi giao diện và đăng tải các thông điệp kêu gọi Tổng thống Nga Putin dừng các chiến dịch quân sự tại Ukraine và kéo quân đội về nước.
Các tin tặc của Nga sau đó cũng đã có lời "đáp trả" khi đánh sập một trong những trang web của Anonymous, đồng thời chiếm đoạt nhiều tài khoản mạng xã hội của nhóm hacker này.
Cuộc chiến trên không gian mạng giữa các nhóm tin tặc ủng hộ Nga và Ukraine hứa hẹn sẽ còn diễn ra gay cấn trong thời gian tới, không thua kém gì những cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra.
Anonymous được xem là nhóm hacker nguy hiểm và có quy mô hoạt động lớn nhất thế giới hiện nay. Nhóm hacker này thường kêu gọi cộng đồng hacker trên toàn cầu cùng tham gia thực hiện những chiến dịch tấn công nhằm vào những mục tiêu nhất định mà theo Anonymous là xứng đáng phải chịu sự tấn công. Anonymous hoạt động theo mô hình ngang hàng, nghĩa là không có thủ lĩnh thực thụ nên rất khó có thể lần ra những người cầm đầu và hạ gục nhóm hacker này.
Anonymous là nhóm hacker nổi tiếng với những vụ tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào trang web của các cơ quan chính phủ, các tổ chức hay tập đoàn lớn trên toàn cầu, từng là "nỗi khiếp sợ" của các hãng bảo mật lớn. "Nạn nhân" của nhóm hacker này có thể kể đến các cơ quan chính phủ tại Mỹ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ.... hay các công ty lớn như PayPal, MasterCard,Vista, Sony...
Mặc dù là nhóm tội phạm mạng nổi tiếng, tuy nhiên Anonymous vẫn có những hành động được xem là "nghĩa hiệp", như thực hiện vụ tấn công nhằm vào tài khoản Twitter của Đảng Ku Klux Klan (3K), hội kín nổi tiếng với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hay tuyên chiến và tấn công vào tài khoản mạng xã hội của các thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) để ngăn chặn IS tuyên truyền và lôi kéo các phần tử cực đoan. Anonymous cũng đã đánh sập nhiều trang web được IS sử dụng để tuyên truyền và tuyển thành viên trên toàn cầu.
Hacker Nga "phản công", đánh sập trang web của Anonymous Sau khi nhóm hacker Anonymous "tuyên chiến" và tấn công nhiều trang web lớn nhỏ, các tin tặc của Nga đã bắt đầu "phản công". Ngày 25/2 vừa qua, nhóm hacker khét tiếng Anonymous đã đưa ra lời "tuyên chiến" với Nga để phản đối các chiến dịch quân sự mà quân đội quốc gia này tiến hành trên lãnh thổ Ukraine. Nhóm...