Tin sáng 2-11: Vì sao Hà Nội nâng cấp độ dịch?; TP.HCM phủ vắc xin tăng nhưng ca vào viện tăng nhẹ
Hà Nội vừa cập nhật cấp độ dịch mới ở quy mô toàn thành phố, chuyển từ vùng xanh thành vùng vàng.
Trong khi số ca mắc mới trong những ngày qua ở Hà Nội có tăng, việc chuyển màu bản đồ dịch ở Hà Nội đang gây sự chú ý lớn.
Phở 10 Lý Quốc Sư – Ảnh: NAM TRẦN
Theo kế hoạch thích ứng an toàn với dịch do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký, trong 3 tiêu chí để đánh giá mức độ thích ứng an toàn với dịch, Hà Nội có số ca mắc mới trong cộng đồng 2 tuần qua ở tỉ lệ 0,38/100.000 dân, đủ điều kiện xếp ở mức vùng xanh như cũ (mức tiêu chuẩn là dưới 20/100.000 dân).
Tiêu chí 2: tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ngừa từ 1 mũi vắc xin Hà Nội đạt 92%, đạt tiêu chuẩn vùng xanh.
Tuy nhiên ở tiêu chí 3, trong tháng 10 đạt 80% người từ 65 tuổi trở lên tiêm đủ liều vắc xin COVID-19, nếu không đạt thì nâng 1 mức nguy cơ. Tiêu chí này Hà Nội mới đạt 47% và nâng 1 mức nguy cơ dịch lên vùng vàng.
Kèm theo việc nâng 1 mức nguy cơ, Hà Nội đã phải thay đổi trong một số hoạt động và dịch vụ công cộng, như hạn chế số người dự đám cưới, đám tang, hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời…
Điều đáng chú ý, ở giai đoạn đầu triển khai tiêm chủng vắc xin, Hà Nội hạn chế tiêm ngừa cho nhóm 65 tuổi trở lên, điều này dẫn đến tỉ lệ tiêm chủng toàn Hà Nội hiện rất cao nhưng riêng nhóm tuổi từ 65 trở lên lại chưa đạt. Chủ tịch Hà Nội đã yêu cầu đẩy nhanh tiêm chủng cho nhóm từ 50 tuổi trở lên.
“Vùng vàng” TP.HCM: 32 phường, xã tăng cấp độ dịch
Tính đến chiều 31-10, TP.HCM đang ở cấp độ 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình), trong đó có 13/22 quận huyện đạt cấp độ 1 (vùng xanh, nguy cơ thấp), còn lại thuộc cấp độ 2, không còn địa phương nào thuộc cấp độ 3.
Tuy nhiên vẫn còn một số phường là cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao) gồm: phường 4, quận Phú Nhuận; xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè; xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh và thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn.
So với tuần trước, TP có 53 phường, xã giảm cấp độ dịch và 32 phường, xã tăng cấp độ dịch.
Những ngày gần đây, số ca COVID-19 nhập viện tại TP.HCM tăng nhẹ trong khi độ bao phủ vắc xin dần tăng. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM – phân tích nguyên nhân: nguyên nhân đầu tiên là các cơ sở thu dung tại địa bàn quận, huyện thu gọn lại, bệnh nhân điều trị tại đây sẽ được chuyển vào các bệnh viện.
Các công ty, xí nghiệp, nhà máy tại TP bắt đầu hoạt động và triển khai xét nghiệm nhanh định kỳ, phát hiện thêm nhiều người dương tính là lực lượng lao động từ các tỉnh thành trở về. Nhưng xí nghiệp, nhà máy không đủ điều kiện cách ly nên phần lớn người lao động sẽ được đưa vào bệnh viện để đảm bảo an toàn.
Những người lao động nghèo mắc COVID-19, sống tại khu nhà trọ, khu lưu trú không đủ điều kiện cách ly tại nhà cũng được đưa vào bệnh viện để điều trị chăm sóc tốt hơn.
Người dân ở các tỉnh, thành khác trở về TP.HCM, Sở Y tế TP cho biết bên cạnh xét nghiệm, cách ly y tế đúng quy định thì sẽ tiêm vắc xin ngay cho người chưa được tiêm đầy đủ.
Học sinh Trường THCS Lam Sơn (Q.Bình Thạnh) được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 – Ảnh: DUYÊN PHAN
TP.HCM đề xuất tiêm vắc xin cho trẻ từ 3-12 tuổi
Sở Y tế TP.HCM cho biết đang lập kế hoạch chi tiết đề xuất Bộ Y tế tiêm vắc xin cho trẻ từ 3-12 tuổi trong thời gian tới, mốc thời gian dự kiến để tiêm cho trẻ từ 3 tuổi trở lên là vào năm 2022.
Về việc tiêm vắc xin mũi 3 cho người có nguy cơ cao, lực lượng chống dịch, TP cũng đã đề xuất với Bộ Y tế. Theo các chuyên gia, hiệu quả vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian, việc tiêm mũi 3 giúp tăng thêm kháng thể.
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước đề nghị tiêm vắc xin cho nhóm 3-12 tuổi. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện chưa có vắc xin nào có chỉ định cho nhóm tuổi này. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, năm 2022 Việt Nam cũng có kế hoạch nhập khẩu vắc xin cho nhóm trẻ 3-12 tuổi.
Thẻ xanh tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 – Ảnh: TỰ TRUNG
Trước 5-11 có mẫu “hộ chiếu vắc xin”
Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, ban hành thống nhất mẫu “hộ chiếu vắc xin” của Việt Nam ở dạng giấy và điện tử (có cơ chế xác thực điện tử) trước ngày 5-11, phối hợp với Bộ Ngoại giao có phương án thuyết phục các nước công nhận những vắc xin Việt Nam đang sử dụng. Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa có ý kiến cho biết.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Ngoại giao khẩn trương trao đổi với các đối tác để đẩy nhanh việc công nhận “hộ chiếu vắc xin”. Các bộ Thông tin và truyền thông, Công an, Y tế thực hiện việc xây dựng ứng dụng, cấp mã QR.
Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh đúng đối tượng đã được cho phép, những người tới Việt Nam để tìm hiểu thị trường, dự hội nghị, hội thảo, thăm thân và người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng thân nhân (theo nhóm thị thực tương ứng DN2, HN, VR) và có giấy chứng nhận tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hoặc giấy chứng nhận đã khỏi bệnh.
Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tiếp tục thực hiện theo thủ tục quy định tại nghị định số 82/2015 ngày 24-9-2015 của Chính phủ về việc miễn thị thực.
Thế giới có hơn 224 triệu người khỏi bệnh
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 2-11 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận hơn 247 triệu ca COVID-19, trong đó có 5,02 triệu ca không qua khỏi. Số ca đang phải điều trị hiện là hơn 18,2 triệu ca, trong đó có hơn 73.350 ca trong tình trạng nguy kịch.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 79,41 triệu ca, tiếp đến là châu Âu với 64,63 triệu ca. Bắc Mỹ ghi nhận 56,24 triệu ca, Nam Mỹ gần 38,42 triệu ca, tiếp đến là châu Phi (8,57 triệu ca) và châu Đại Dương (312.267 ca).
Ảnh chụp ngày 2-7-2021 cho thấy một phụ nữ suy sụp khi cầu nguyện trước lễ hỏa táng một người thân đã mất vì COVID-19 ở Gauhati, Ấn Độ – Ảnh: AP
Châu Á mở cửa lại ở nhiều nước
Ngày 1-11 đánh dấu một loạt nước châu Á mở cửa trở lại và tiếp tục thực hiện nới lỏng các hạn chế sau khi đã đạt được những tiến bộ nhất định trong chương trình tiêm vắc xin COVID-19, cùng quy trình chuẩn bị và những điều kiện đi kèm để giảm thiểu nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh.
Từ ngày 1-11, Thái Lan cho phép du khách quốc tế đã tiêm vắc xin COVID-19 từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập cảnh mà không cần cách ly.
Campuchia mở cửa trở lại hoàn toàn trong mọi lĩnh vực từ ngày 1-11, áp dụng mô hình thử nghiệm mở cửa du lịch “cơ chế hộp cát” – cho phép du khách đến thành phố Sihanoukville, đảo Koh Rong (tỉnh Sihanoukville) và Dara Sakor (tỉnh Koh Kong) – kể từ ngày 30-11 mà không cần cách ly.
Hàn Quốc lấy thời điểm ngày 1-11 để bắt đầu thực hiện kế hoạch 3 giai đoạn nhằm khôi phục hoàn toàn cuộc sống thường nhật.
Hãng hàng không Qantas chuẩn bị sẵn sàng cho các máy bay để thực hiện các chuyến bay quốc tế trở lại tại sân bay Sydney ở Sydney, Úc ngày 21-10 – Ảnh: REUTERS
Người Úc cũng trải qua những cảm xúc đặc biệt khi nước này mở lại biên giới quốc tế sau gần 600 ngày đóng cửa. Sau hơn 18 tháng, hàng triệu người dân Úc hiện có thể tự do đi lại mà không cần giấy phép hay cần phải cách ly khi đến nước này.
Nhật Bản ngày 1-11 công bố quyết định nới lỏng quy định về hạn chế số người tham gia các sự kiện quy mô lớn như các giải đấu thể thao chuyên nghiệp, các buổi hòa nhạc đã được áp dụng tại 27/47 tỉnh.
Indonesia ngày 1-11 quyết định nới lỏng các điều kiện đi lại bằng máy bay, theo đó hủy bỏ yêu cầu trình kết quả xét nghiệm PCR đối với các hành khách.
Ở Trung Đông, Israel, một trong những quốc gia tiêm phòng sớm và nhanh nhất trên thế giới, từ ngày 1-11 cũng mở cửa trở lại biên giới cho khách du lịch đã tiêm vắc xin.
Những diễn biến trên là một phần trong nỗ lực của các nước nhằm khôi phục kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành gần 2 năm qua đã đẩy ngành du lịch toàn cầu rơi vào khủng hoảng.
Bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Nga – Ảnh: AFP
Nga đánh dấu 3 ngày liên tiếp số ca mới trên 40.000
Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp tại châu Âu. Ngày 1-11, Nga cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 40.402 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên hơn 8,5 triệu ca, 1.155 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 239.693 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới tại Nga vượt trên 40.000.
Tại Pháp, số lượng bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 đã tăng 48 người trong 24 giờ qua lên 6.572 người. Đây là mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ ngày 6-9.
Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 6.329 ca, tăng 26,5% so với một tuần trước, nâng tổng số ca lên 7,17 triệu ca. Cũng theo ghi nhận, số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày qua tại Pháp ở mức 5.858 ca và là mức cao ghi nhận trong 5 tuần gần đây, số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực tăng 7 trường hợp trong 24 giờ qua lên 1.046 người. Thêm 12 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Pháp hiện tăng lên thành 117.755 ca.
Phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết tình hình dịch bệnh hiện tại “rất đáng lo ngại” và cần phải nhanh chóng hành động. Bà nhấn mạnh chính phủ liên bang và chính quyền các bang sẽ phải cùng nhau thảo luận về các biện pháp tiếp theo để ngăn chặn đại dịch cũng như tình trạng quá tải của hệ thống y tế.
Gánh nặng hậu Covid-19: Bệnh nhân Covid-19, nhắm mắt cứ thấy người khác tới gọi đi
Nhiều bệnh nhân dù đã khỏi bệnh Covid-19 nhưng sau đó vẫn phải nhập viện để điều trị do tinh thần lo sợ, sa sút bởi ám ảnh về những cái chết xảy ra trước mắt...
Trưa 5.10, bà N.T.Ch (68 tuổi) được điều dưỡng Khoa Hồi sức và phục hồi chức năng (HS-PHCN) cho bệnh nhân (BN) sau điều trị Covid-19, Bệnh viện (BV) Thống Nhất TP.HCM thông báo chiều cùng ngày sẽ được xuất viện vì đã hồi phục. Bà Ch. tươi cười cảm ơn điều dưỡng và nói mẹ con bà thuê xe đi một mạch về Đồng Tháp, không ghé bất cứ đâu ở TP.HCM vì đã quá sợ. Bà Ch. là một trong những BN đầu tiên của Khoa HS-PHCN cho BN sau điều trị Covid-19 ở BV này.
Covid-19 sáng 13.10: Cả nước 846.230 ca nhiễm, 786.095 ca khỏi | Đường sắt mở bán vé tàu Tết
Cứ nhắm mắt là thấy người chết
Bà Ch. nhớ lại, đầu năm 2021 bà từ Đồng Tháp lên TP.HCM nuôi con gái sinh. Đến ngày 5.8, bà được phát hiện nhiễm Covid-19 và 5 ngày sau thì được chuyển vào BV Q.Gò Vấp.
Biết mẹ nhập viện, anh L.S.C (28 tuổi, con trai bà Ch.) đang làm việc ở TP.HCM đến BV xin vào chăm sóc mẹ và rồi anh cũng nhiễm Covid-19, nhưng triệu chứng rất nhẹ. Theo lời anh C., khi mẹ anh chuyển nặng thì được đưa lên khu hồi sức thở ô xy cao tầng BV Gò Vấp. Anh hướng dẫn mẹ gắng hít sâu để thở. "Vừa động viên mẹ gắng thở, tôi vừa vuốt lưng năn nỉ mẹ cố lên để sống, vừa quạt để tiếp sức, khi SpO 2 lên 93%, tôi nhẹ người", anh C. nói.
Bà Ch. sau 20 ngày điều trị hậu Covid-19, sức khỏe đã hồi phục, tinh thần phấn chấn hơn
Còn bà Ch. nhớ như in: "Không biết vì sao lúc đó đang bệnh nhẹ bỗng trở nặng, liệt hết nửa thân người dưới, 3 đêm liền tôi không ngủ được, tôi bỏ ăn và suy sụp luôn. Cứ nhắm mắt thì thấy vật gì đó màu đen và thấy toàn người chết. Tôi cũng nghĩ là chết rồi, chỉ còn 1% sống, phải giành giật hơi thở từng chút, từng chút, ráng hít sâu để thở, đau lắm. Nó như đu sợi dây chỉ 3 ngày. Tôi vái trời phật, nếu cho tôi đi theo ông bà thì xin được chết nhẹ nhàng. Khi tưởng như không qua khỏi, tôi nói lời trăn trối với người con trai: Ráng sống và ở lại nghe, mẹ đi trước, mẹ hết cầm cự nổi rồi".
Anh L.S.C tiếp lời mẹ: "Chỗ mẹ nằm chung nhiều người lớn tuổi lại bị bệnh nền, nhiễm Covid-19 nặng và nhiều người lần lượt ra đi trước mặt mẹ. Tâm lý mẹ lại càng thêm suy sụp, ngày càng kiệt quệ. Tôi điện thoại cho dì, anh em nói mẹ khó qua khỏi vì SpO 2 có lúc xuống còn 50%, ai cũng khóc". Thấy mẹ mình trong tình cảnh như hết hy vọng, anh khóc năn nỉ: "Mẹ ơi, mẹ cố vượt qua và khỏe lại để về với gia đình, với cháu và cưới vợ cho con". Nhìn đứa con trai như thế, bà Ch. tự nhủ lòng ráng cố gắng để sống.
Tôi nghĩ, nếu mắc Covid-19 mà không có người thân bên cạnh thì cơ hội sống sẽ rất thấp. Anh L.S.C
Bà Ch. vừa nói, vừa cười hiền: "Tôi coi trong sách số, tôi chết người ta đưa tiễn đông lắm, còn bây giờ chết một mình buồn thiu, sợ lắm". Bà chỉ tay về hướng người con trai đang ngồi, bảo: "Không có nó tôi chết rồi!".
Còn con trai bà Ch. tâm sự: "Cái chính là mẹ cố gắng, còn tôi chỉ là người níu kéo mẹ ở lại. Tôi nghĩ, nếu mắc Covid-19 mà không có người thân bên cạnh thì cơ hội sống sẽ rất thấp, vì ngày tôi vào viện, mẹ nằm ngay đơ, ốm nhom, nói chuyện không nghe được, còn nay thì nhà báo thấy đó, da dẻ bà hồng hào trở lại".
Ông H. mong khỏi bệnh để về với con cháu. Ảnh DUY TÍNH
Ngày 12.10: Thông báo 93 ca Covid-19 tử vong tại 11 tỉnh thành
"Tới đây là hết chết, yên tâm"
Được sự động viên của bác sĩ và con trai, nên bà Ch. ngủ được, sức khỏe dần hồi phục, vượt cửa tử. 35 ngày nằm ở BV Q.Gò Vấp, dù xét nghiệm Covid-19 âm tính nhưng khi xuất viện bà Ch. không thể đi lại bình thường, vẫn ám ảnh cảnh nhiều người ra đi trước mắt nên chưa thể ổn định để về nhà. Người con trai đưa mẹ đến Khoa HS-PHCN cho BN sau điều trị Covid-19, BV Thống Nhất. Khi bà Ch. vừa bước vào cửa phòng bệnh, một BN động viên: "Tới đây là hết chết rồi, yên tâm". Nghe được câu này, bà Ch. như được tiếp thêm động lực.
Sau 20 ngày nằm ở BV Thống Nhất, bà Ch. tâm sự với chúng tôi: "Ở đây được chăm sóc rất kỹ, được chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm tại giường; được tập thở, châm cứu tại giường, lại thêm nhiều thuốc men, nhân viên y tế dễ thương. Tôi thấy mỗi ngày một khỏe lên, tôi hồi phục 60 - 70% so với ban đầu và đã cai được ô xy mấy ngày, tôi vui lắm".
Hai mẹ con bà Ch. tự tin thả tim làm dáng trước ống kính của PV với niềm vui vì đã vượt qua cửa tử, được trở về nhà. Buổi chiều của ngày thứ 57 kể từ lúc nhập viện, bà Ch. xuất viện, bà đi một mạch về quê mà không ghé thăm con cháu, bà bảo: "Sợ quá rồi!".
Vi rút như kẻ thù vô hình
Ở đối diện phòng bà Ch., trên giường bệnh ông N.K.H (78 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) ngủ sâu và tiếng thở nặng nề, kéo dài nghe rõ mồn một. Con gái ông H. cho biết từ lúc hết nhiễm Covid-19 đến nay, ông không ngủ về đêm mà cứ đi loanh quanh trong phòng, ban ngày ngủ được vài tiếng.
Con gái ông H. kể ba mình mắc Covid-19 từ cuối tháng 8, nhưng điều trị ở nhà và khỏi bệnh vào giữa tháng 9. Ông còn có bệnh lý cao huyết áp, suy thận, tai biến nên việc ông khỏi Covid-19 là kỳ tích. Nhưng khi khỏi bệnh thì ông khác hẳn so với trước, yếu dần, bỏ ăn uống, rơi vào mê sảng, nên gia đình đưa đến BV Thống Nhất.
"Ông ngủ hay nói mớ và mơ về những điều tồi tệ xảy ra với mình, nghĩ có người ra đi, xong họ tới đưa ông đi. Thế là ông hoảng loạn, chân tay bứt rứt nhưng không biết đau ở đâu, người uể oải, bụng thì khó chịu", con gái ông H. kể lại. Sau 8 ngày tập vật lý trị liệu, uống thuốc, ông H. ngủ được hơn một chút, nhưng ban đêm vẫn thức suốt.
Ngủ được mươi phút, ông H. thức dậy, con gái dìu đi vệ sinh, với dáng vẻ uể oải. Chúng tôi hỏi nguyên nhân vì sao ông lại bỏ ăn, bỏ uống và mất ngủ như vậy? Ông trả lời: "Cái bệnh quái ác quá!".
Rồi ông kể lịch sử cuộc đời đã đi chiến đấu trên nhiều chiến trường từ bắc tới nam. Ông bảo trên chiến trường mỗi người một cây súng, ông thấy địch để bắn, còn con vi rút như sốt rét, Covid-19 mà ông từng trải qua, nó giống như kẻ thù vô hình, nó loanh quanh trong người khó chữa, nó khiến ông đau đầu, đau mình, ăn uống không được. Ngồi chừng 3 phút thì ông mệt nên kêu con gái đỡ nằm xuống giường. Cô con gái khuyên ba cố lên để mau được về nhà. Ông bảo mong hết bệnh để về gặp con, cháu.
Ông H. lại nằm lơ mơ không ngủ được, mệt mỏi. Con gái ông cho biết: "Trước khi nhiễm Covid-19, ông cũng hơi yếu, nhưng bây giờ thì yếu quá. Nhà báo hỏi chuyện này thì ông lại nói vu vơ chuyện khác...". (còn tiếp)
Giống như khoa điều trị bệnh nhân Covid-19
Ở Khoa HS-PHCN cho BN sau điều trị Covid-19 BV Thống Nhất, quy trình phòng chống nhiễm khuẩn giống y như một khoa điều trị BN Covid-19. PV muốn vào phòng BN, điều dưỡng trưởng đích thân hướng dẫn mặc đồ bảo hộ và loại đồ cấp 4, mang 2 lớp găng tay. Điều dưỡng trưởng dặn dò PV cách thay bảo hộ an toàn và đi ra phòng thay đồ theo quy trình một chiều. Sau gần 3 giờ mặc bảo hộ, PV chảy mồ hôi ướt như tắm, ngứa. Thế nhưng, các y bác sĩ phải mặc bảo hộ cả buổi, thậm chí cả ngày!
Nghệ An: Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đầu tiên "trắng" bệnh nhân Chưa đầy một tháng được kích hoạt, Bệnh viện dã chiến số 4 là đơn vị đầu tiên ở Nghệ An "sạch bóng" Covid-19 và đã tạm dừng hoạt động. Ngày 22/9, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 4 Nghệ An cho biết, bệnh viện này đã tạm dừng hoạt động được một...