Tín nhiệm chỉ nên ‘có’ hoặc ‘không’
Phiếu tín nhiệm cần được lấy 2 lần/nhiệm kỳ và chỉ nên có hai mức “tín nhiệm” hoặc “không tín nhiệm”.
ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị chỉ nên duy trì hai mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” – Ảnh: Ngọc Thắng
Đây là những quan điểm chiếm đa số trong các ý kiến nêu ra tại phiên thảo luận hôm qua của QH về dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 về việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
“Cái được khen thì sửa, cái chê lại để lại”
Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), chỉ nên lấy tín nhiệm theo hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. “Tôi không thể nào thông suốt được với lời giải thích để ba mức là thể hiện tính thận trọng. Thận trọng là do mỗi chúng ta. Tại sao lại phải phụ thuộc 3 mức là thận trọng còn 2 mức là không thận trọng?”, ĐB Cương bày tỏ.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi: NQ 35 đang được thực hiện nhưng đột nhiên dừng lại mà không rõ nguyên nhân. “Gần 500 ĐBQH nhận được một bức thư của Chủ tịch QH nhưng cũng không rõ lý do của việc dừng lại này. Các ĐBQH chưa thể hiện ý chí nhưng đã có quyết định sửa là không đúng. Đề nghị cần rút kinh nghiệm qua việc này”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền nói.
Cũng theo ĐB Thuyền, dự thảo cho thấy “cái được khen thì sửa, cái chê lại để lại”. “Khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm nhân dân rất khen ngợi đây là bước tiến của QH, thể hiện quan điểm của QH để đánh giá cán bộ nhưng lại bỏ cái đó. Còn 3 mức nhân dân rất chê thì giữ lại. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, họ bảo các ông là ĐBQH sao lại dốt thế?”, ông Thuyền nói.
Theo ĐB Thuyền, nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần/nhiệm kỳ và chỉ nên lấy hai mức là “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. “Nếu mức tín nhiệm thấp trong khoảng 50% thì cũng cần cho người lấy phiếu có thời gian sửa chữa, điều chỉnh vì lấy phiếu là để thăm dò. Còn nếu tín nhiệm thấp trên 75% thì đồng ý cho họ từ chức nếu tự nguyện hoặc tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm ngay”, ĐB Thuyền nói.
Video đang HOT
“Tổng thống 100 ngày người ta đã thăm dò tín nhiệm”
Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM), thực chất việc bỏ phiếu tín nhiệm không chỉ là cảnh báo, cảnh tỉnh mà quan trọng hơn là thôi thúc người có trách nhiệm cống hiến nhiều hơn nữa. ĐB Đương cũng đề nghị chỉ nên duy trì hai mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. Sau khi có kết quả, lấy định lượng cụ thể là ai cao, ai thấp. “Nếu bỏ theo phương án 3 mức thì một người 50% cao, 50% thấp thì đánh giá cán bộ như thế nào? Như vậy là phân tán phiếu dẫn đến việc đánh giá không sát thực tế”, ĐB Đương nói.
Nếu bỏ theo phương án 3 mức thì một người 50% cao, 50% thấp thì đánh giá cán bộ như thế nào? Như vậy là phân tán phiếu dẫn đến việc đánh giá không sát thực tế
ĐB Đỗ Văn Đương
ĐB Đương cũng đề nghị QH cần phải có phiếu thăm dò về việc duy trì 3 mức tín nhiệm hay 2 mức, lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/nhiệm kỳ hay 2 lần/nhiệm kỳ và “mỗi phương án đều phải có 2 phương án để đại biểu QH bấm nút khách quan”.
Không đồng tình với thời gian lấy tín nhiệm 1 lần/nhiệm kỳ như dự thảo, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) đặt câu hỏi: Mới cách đây một năm Thường vụ QH đưa ra việc lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/năm và cho rằng đó là thời gian hợp lý. Các ĐBQH cũng biểu quyết là hợp lý. Sau một năm, đồng ý là cũng cần có xem xét điều chỉnh, nhưng với mức 1 lần/nhiệm kỳ 5 năm thì chưa thuyết phục. “Ở nước ngoài, với cương vị tổng thống 100 ngày người ta đã thăm dò tín nhiệm, đánh giá rồi”, ĐB Khanh nói.
Nên mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là giám đốc, lãnh đạo các sở, ngành ở địa phương liên quan đến quyền lợi trực tiếp của nhân dân, là quan điểm của ĐB Lê Nam (Thanh Hóa). Theo ĐB Nam, đây là góp ý của nhiều cử tri nhưng chưa được tiếp thu, chú trọng. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng các chức danh này đều thuộc nhóm đối tượng giám sát của QH, HĐND nên cần đưa vào để các cơ quan quyền lực thực hiện đầy đủ chức năng giám sát của mình.
ĐB Khanh cũng đề xuất có thể đưa thêm phương án vẫn giữ 3 mức nhưng thay là “tín nhiệm, không tín nhiệm, không có ý kiến”. Trong trường hợp nếu có ĐB chưa hiểu rõ về một bộ trưởng hoặc một chủ nhiệm ủy ban nào đó thì ĐB có thể không đánh giá.
Theo TNO
Đề xuất lấy phiếu tín nhiệm theo hai mức
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua (12/9), nhiều đại biểu nói rằng, chỉ nên quy định 2 loại phiếu "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp", thay vì 3 mức như hiện nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu rõ, dư luận cho rằng, lấy 3 mức phiếu là cách làm có tính chất dung hòa, khó đạt kết quả thực chất. Với cách chia phiếu thành 3 mức, sẽ rất ít người bị nhận số phiếu thấp tới 2/3.
Do vậy, chỉ nên lấy tín nhiệm các chức danh ở 2 mức phiếu. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện kiến nghị, "nên quy định 2 mức phiếu tín nhiệm, còn để 3 loại phiếu như hiện nay, người dân thấy rất khó hiểu...".
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, nếu ĐBQH chú ý sâu hơn tới từng lĩnh vực bỏ phiếu, chắc chắn kết quả bỏ phiếu sẽ sát thực hơn. Vừa qua, có ngành bị kêu nhiều, nhưng phiếu vẫn cao, có lẽ ĐB mới chỉ tập trung lĩnh vực kinh tế, nên chưa thấy hết trách nhiệm của một số bộ, ngành khác. Ở các địa phương, có lĩnh vực tình hình rất phức tạp, thậm chí diễn biến xấu, nhưng phiếu tín nhiệm vẫn cao. Cho nên, để đánh giá kết quả lấy phiếu đã sát thực chưa, phải mổ xẻ từng lĩnh vực, từng nhóm đối tượng cụ thể.
"Nên quy định chỉ lấy 2 mức phiếu "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp", không nên quy định 3 mức như hiện nay, vì vừa hình thức vừa tốn kém. Chúng ta cứ bàn đi bàn lại, cứ nghĩ đây là công trình vĩ đại, nhưng xong rồi thấy cũng bình thường. Việc lấy phiếu cần phải đơn giản hơn, đơn giản như cách nghĩ của chính người dân vậy. Cử tri, người dân họ chú ý đến số phiếu thấp chứ còn phiếu tín nhiệm cao hay tín nhiệm, đến tôi cũng không thể nhớ hết", ông Phước phát biểu.
Sáng 12/9, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 21 để cho ý kiến về báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND các cấp và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Trong ảnh: Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.
Nên lấy phiếu giám đốc sở - ngành
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói rằng cử tri, dư luận đặt câu hỏi có nên lấy phiếu đối với các ĐB dân cử hay không? Đây là vấn đề Thường vụ đã nêu ra trước khi có nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm. "Trên thế giới, người ta cũng chỉ bỏ phiếu đối với các vị trí thuộc cơ quan hành pháp, chứ không bỏ phiếu đại biểu dân cử", ông Hiển nói.
Ông Phước cho rằng "lấy phiếu đối với ĐB dân cử không cần thiết". Vừa qua, lấy phiếu các chức danh ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND đều có số phiếu cao, nhưng bên Chính phủ, UBND thì số phiếu cao không nhiều. "Khi chấm điểm thì anh không va chạm thường có phiếu cao hơn. Vì vậy, nên thôi không lấy phiếu đối ĐB dân cử. Còn khi ĐB dân cử vi phạm, có thể lấy phiếu bất tín nhiệm luôn. Sát sườn với dân là ĐB cơ quan hành pháp cho nên cần bổ sung lấy phiếu đối với các trưởng ngành, giám đốc các sở - ngành", ông Phước đề xuất.
"Vừa qua có những giám đốc sở là đại biểu HĐND đi bỏ phiếu các ĐB dân cử khác, nhưng chính bản thân họ là một chức danh quan trọng lại không được đưa ra lấy phiếu", ông Hiển băn khoăn.
Trên cao, dưới thấp
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, bên cạnh việc đánh giá trách nhiệm người bỏ phiếu, cần phân tích kết quả xem phiếu cao hay thấp là do đâu. Kết quả vừa qua cho thấy, càng xuống dưới cơ sở, số người bị phiếu thấp càng nhiều: Cấp tỉnh có 2 người, huyện có 12 người, còn xã thì mấy trăm người phiếu tín nhiệm thấp trên 50%. Phải chăng do cán bộ cấp xã yếu kém hơn, dễ thấy, càng lên cao vì càng xa nên khó đánh giá? "Cần đánh giá cả những mặt khác như xem họ có liên quan đến tham nhũng không, phẩm chất ra sao, nguyên nhân do đâu mà phiếu thấp", ông Hiện nói.
Về thời gian lấy phiếu, ông Phùng Quốc Hiển đề xuất: "Cần tạo điều kiện cho cán bộ dám nghĩ dám làm, dám đưa ra những quyết định quyết liệt, hoặc có thời gian để khắc phục sai sót, nên tổ chức lấy phiếu 2 năm một lần".
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chốt lại, cần khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua thực hiện rất nghiêm túc, khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, kết quả lấy phiếu cũng được công khai. Kết quả lấy phiếu đã tác động, khích lệ, động viên cán bộ, đồng thời cũng là dịp nhắc nhở, răn đe để cán bộ làm hết trách nhiệm của mình.
Theo báo cáo của Ban công tác ĐB, kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua đối với 47 người ở trung ương, không người nào có số phiếu thấp trên 50%. Số người có phiếu tín nhiệm thấp trên 50% ở cấp tỉnh: 2 người (0,3%); cấp huyện: 12 người (0,2%), cấp xã: 396 người (0,8%).
Theo Nguyễn Tuấn (Tiền Phong)
Trung Quốc không lường hết giá phải trả Đây là nhận định của TS Nguyễn Nam Dương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao (Học viện Ngoại giao) trong cuộc trao đổi với Thanh Niên về tình hình biển Đông. Tàu TrungQuốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam (ảnh chụp ngày 4.5) - Ảnh: Mai Thanh Hải Cái giá về chính trị - ngoại giao cao hơn...