Tín hiệu tích cực từ việc cấp “sổ đỏ” cho condotel
Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn cấp “sổ đỏ” cho condotel được các chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản đánh giá là động thái tích cực, giúp giải tỏa thị trường.
Biện pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông thanh khoản
(Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Netland)
Vấn đề chứng nhận quyền sở hữu căn hộ khách sạn hay là căn hộ condotel vẫn là vấn đề nóng trong suốt thời gian qua. Việc cấp giấy chứng nhận sở hữu cho căn hộ khách sạn là bước tiến đột phá làm cho tính pháp lý của sản phẩm condotel được hoàn thiện hơn.
Đây là pháp lý cao nhất để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng khi mua sản phẩm. Khách hàng có thể sử dụng để thế chấp ngân hàng hay các tổ chức tín dụng để thực hiện vay. Đối với doanh nghiệp thì đây là văn bản cực kì quan trọng, giúp tháo gỡ khó khăn khi đưa sản phẩm này tới khách hàng.
Hiện tại khách hàng đang lo ngại vấn đề được cấp sổ hay không cấp sổ đối với các sản phẩm condotel sau hàng loạt các vấn đề nổi cộm trong thời gian qua đối với sản phẩm này trên thị trường. Do vậy, khi văn bản được ban hành, chắc chắn khách hàng an tâm hơn và tin tưởng hơn. Đây là biện pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông thanh khoản đối với dòng sản phẩm condotel này.
Tín hiệu vui cho thị trường
(Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam)
Văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành là vấn đề đáng hoan nghênh và là sự nỗ lực của Bộ khi hoàn thành cái “nút” cuối cùng Thủ tướng giao cho 3 Bộ: Tài nguyên Môi trường, Xây dựng, Văn hóa – Thể thao và Du lịch hoàn thiện pháp lý cho các loại hình bất động sản mới, trong đó có condotel.
Video đang HOT
Mặt khác, việc ra văn bản này đúng lúc thị trường đang có bức tranh xám màu và trong năm 2019 có rất nhiều vấn đề về pháp lý làm cho thị trường sụt giảm do việc rà soát lại các quy định của pháp luật, trong đó có việc phát triển nhà ở và bất động sản du lịch thì có tính khích lệ và là tín hiệu vui, lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư và phát triển dự án.
Tuy văn bản này vẫn chưa phải là luật nhưng nó đã chỉ ra những quy định cụ thể trong luật để giúp cho các địa phương, các cơ quan quản lý có chỉ dẫn đến quy định của pháp luật để thực hiện.
Tuy nhiên, để thực hiện cụ thể quy định này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có những văn bản rõ hơn, sâu hơn và chi tiết hơn nữa thì sẽ tốt hơn. Lúc đó nó sẽ là cẩm nang không những cho nhà quản lý mà cho cả doanh nghiệp nhìn vào đó thực hiện dự án đầu tư.
Tháo gỡ về pháp lý sẽ là khởi điểm giúp củng cố thị trường tiềm năng
(Bà Nguyễn Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land)
Condotel là một loại hình sản phẩm bất động sản (BĐS) được phát triển mạnh trong những năm gần đây đi cùng với việc tăng trưởng mạnh về dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng của Việt Nam từ Bắc đến Nam, nhằm phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Loại hình bất động sản này là tài sản có giá trị cao và là nguồn tài nguyên của đất nước nhưng chưa được quản lý đầy đủ. Các văn bản pháp lý chưa theo kịp và đáp ứng quyền sở hữu hợp pháp và đảm bảo các quyền lợi đi kèm đối với nhà đầu tư.
Sau giai đoạn tăng trưởng nóng và phát triển không đồng bộ, chủ yếu tập trung ở một số tỉnh thành lớn có tỷ trọng thu hút du lịch cao như Quảng Ninh, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Phú Quốc…. thị trường cũng bọc lộ nhiều điểm yếu làm nhà đầu tư thận trọng hơn trong quyết định.
Pháp lý về quyền sở hữu condotel là một trong những vướng mắc hàng đầu ảnh hưởng trực tiếp đến nhà đầu tư trong lâu dài. Do đó, việc tháo gỡ “nút thắt” về pháp lý sẽ là bước đi khởi điểm giúp củng cố một thị trường tiềm năng.
Theo Vân Phong/BizLive
Bất động sản có cơ hội gạn đục khơi trong
Những doanh nghiệp bất động sản làm ăn chụp giật sẽ khó tồn tại trong bối cảnh thị trường đang khó khăn.
Sau giai đoạn "đóng băng" (2011-2013), thị trường bất động sản (BĐS) cả nước bắt đầu phục hồi và đi vào chu kỳ tăng trưởng từ cuối năm 2013. Trong sự phát triển đó, nhiều chủ đầu tư, nhà môi giới đã trưởng thành và lớn mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm tốt cho khách hàng, mang lại lợi ích lớn cho xã hội, thu hút nhà đầu tư nước ngoài đổ nguồn vốn lớn vào thị trường này, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Đổ vỡ hàng loạt
Tuy vậy, bên cạnh mặt tích cực, thị trường cũng xuất hiện hàng ngàn doanh nghiệp (DN) làm ăn kiểu "chụp giựt", "ăn xổi ở thì", đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết, đẩy rủi ro cho khách hàng và xã hội.
Từ năm 2018, khi nhà nước tiến hành rà soát, siết chặt các vấn đề thủ tục pháp lý trong cấp phép dự án, cũng như hạn chế nguồn vốn tín dụng đổ vào BĐS thì hàng loạt khó khăn bắt đầu bộc lộ.
Cụ thể trước đây, rất nhiều chủ đầu tư chỉ chăm chăm vào phân khúc căn hộ cao cấp, biệt thự, trong khi các phân khúc vừa túi tiền của người dân lại ít được chú trọng, dẫn đến sự mất cân đối cung - cầu, xuất hiện tình trạng đầu cơ, giá ảo. Chưa hết, DN chạy đua phát triển dự án, chào bán sản phẩm cho khách hàng khi chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý. Đến nay, khi hàng loạt dự án bị đình trệ vì vướng thủ tục, thiếu vốn, các chủ đầu tư như ngồi trên "đống lửa" khi không có sản phẩm để chào bán trả nợ ngân hàng.
Những công ty như địa ốc Alibaba sẽ khó "sống" trong lúc thị trường bất động sản ảm đạm
Giai đoạn 2015-2017, thị trường chứng kiến sự bùng nổ của phân khúc căn hộ nghỉ dưỡng (condotel) cùng với sự phát triển nóng của các thị trường du lịch trọng điểm như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hạ Long. Thị trường chứng kiến sự "nóng sốt" ở phân khúc này khi các chủ đầu tư ồ ạt cam kết lợi nhuận cao từ 8%-12%/năm. Và hệ lụy của nó bắt đầu bộc lộ vào nửa cuối năm 2019 vừa qua khi một loạt dự án như Cocobay Đà Nẵng, Bavico Nha Trang... không trả được lợi nhuận như cam kết ban đầu khiến nhiều người bỏ tiền vào phân khúc này đứng ngồi không yên.
Đặc biệt, ở phân khúc đất nền, sau hàng loạt cơn "sốt" đất không rõ lý do, phân lô bán nền tràn lan, dự án "ma" nở rộ gây bất ổn xã hội và nền kinh tế trong giai đoạn trước năm 2018 là những vụ đổ vỡ, những vụ lừa đảo bị phanh phui đã khiến rất nhiều người "sáng mắt".
Đáng kể nhất là vụ hàng loạt nhân viên và lãnh đạo của Công ty CP Địa ốc Alibaba bị bắt về các tội gây rối trật tự công cộng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép... Trước đó, hễ nhắc Alibaba là nhiều người nghĩ đến Nguyễn Thái Luyện, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Alibaba, nhiều lần "coi trời bằng vung", xem thường pháp luật, tự mua đất nông nghiệp, phân lô trái phép, rồi chào bán khi chưa có hồ sơ pháp lý. Chưa hết, Alibaba do Luyện cầm đầu còn dùng hình thức huy động vốn, trả lãi cao theo mô hình Ponzi để thu hút hàng ngàn nhân viên và hàng chục ngàn khách hàng tham gia. Đáng nói là trong số các khách hàng, nạn nhân của Luyện không phải ai cũng am hiểu pháp luật, pháp lý của một dự án BĐS hay có người am hiểu nhưng vì lòng tham đã bất chấp góp tiền để Luyện bành trướng ra nhiều tỉnh, thành như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận...
Cũng trong năm 2019, cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam bà Phạm Thị Tuyết Nhung, giám đốc của Công ty CP Tư vấn đầu tư Angel Lina (Phùng Khắc Khoan, quận 1, TP HCM), vì đã vẽ đến 9 dự án ma lừa đảo hàng trăm khách hàng với số tiền lên tới hơn 285 tỉ đồng. Thủ đoạn của bà Nhung là liên hệ chủ đất để nhận chuyển nhượng, sau đó vẽ dự án, phân lô trên giấy và rao bán với giá rẻ hơn thị trường khu vực đó để thu tiền khách. Từ hợp đồng góp vốn tay, bà Nhung tạo niềm tin cho khách bằng cách chuyển sang lập vi bằng, có dấu của văn phòng thừa phát lại. Đến hẹn giao đất, bà Nhung nhiều lần né tránh khách hàng, tìm cách kéo dài thời gian, trả mặt bằng công ty nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, dù đã cam kết sẽ bồi thường 50% số tiền nhận của khách hàng nhưng DN này vẫn cố tình không thực hiện.
Trong khi đó, vụ việc hàng trăm khách hàng đã đóng tiền mua đất dự án Hưng Thịnh Cát Tường (Long An) của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Hưng Thịnh nhưng không được giao đất, cũng không được trả lại tiền đến nay vẫn chưa được giải quyết. Dù cơ quan công an đang truy tìm 4 người từng là lãnh đạo, quản lý của công ty này nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy số tiền gần 60 tỉ đồng mua 118 nền đất của dự án này sẽ được trả lại. DN này dù chưa bị rút giấy phép nhưng không ai còn đủ lòng tin và can đảm để mua đất nền của công ty.
Thực tế, thời gian qua, rất nhiều công ty sau khi đã tổ chức lập ra các tên nghe rất kêu để bán dự án trên giấy, không đủ pháp lý và đẩy rủi ro đến khách hàng rồi mất tích khi thị trường gặp khó khăn, không dễ kiếm tiền như trước. Báo cáo của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy năm 2019, lĩnh vực BĐS có số lượng DN tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, tới gần 1.300 DN, tăng xấp xỉ 40% so với năm 2018. Và theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các DN trong số này đều nằm ở mảng môi giới và kinh doanh đất nền.
Khách hàng đã thận trọng hơn
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư (LS) Trần Đình Dũng (Đoàn LS TP HCM) cho rằng trong 2 năm vừa qua, rất nhiều người mua nhà đất trong các dự án gặp rủi ro tiền mất mà nhà đất không có. Trong đó, nổi lên một vấn đề là do khách hàng quá tin vào lời giới thiệu dự án mà quên mất sự chính danh về chủ đầu tư. Bởi, nếu người mua bình tĩnh tìm hiểu sự chính danh của chủ đầu tư khi quyết định xuất tiền và ký hợp đồng thì chắc chắn thoát khỏi phần lớn rủi ro.
Theo LS Dũng, khách hàng cần lưu ý các yếu tố "lừa gạt" người mua phổ biến hiện nay gồm: dự án không được triển khai, đã bị thu hồi; dự án ảo trên giấy; dự án mới chỉ có hồ sơ xin chấp thuận hoặc mới được chấp thuận chủ trương của nhà đầu tư không có năng lực tài chính; dự án đã thế chấp toàn bộ cho ngân hàng. Khi lần ra việc chính danh ai là chủ đầu tư và liên hệ với chính quyền địa phương, người mua sẽ dễ dàng biết dự án đó có thực hiện hay không.
Tuy vậy, LS Trần Đình Dũng cũng cho rằng nhờ việc nhiều chủ đầu tư, nhà môi giới bị cơ quan nhà nước xử lý, đặc biệt là Alibaba, mà nhiều người mua hiện nay đã thận trọng hơn rất nhiều trong việc tìm mua các sản phẩm BĐS. "Sau hàng loạt vụ việc mà báo chí lên tiếng về những DN lừa đảo trong lĩnh vực BĐS năm qua, tôi tin rằng những người tham gia thị trường đã có nhiều bài học, có kinh nghiệm, kiến thức hơn để nhận ra chủ đầu tư nào, đơn vị môi giới và dự án nào có uy tín. Riêng các đơn vị môi giới, là cầu nối rất quan trọng giữa chủ đầu tư và khách hàng nhưng thời gian qua, chính những nhà môi giới "lôm côm" đã tạo ra một bộ mặt xấu xí cho thị trường BĐS. Bởi có rất nhiều đơn vị môi giới làm ăn chụp giật, tạo ra thông tin không có thật để "tròng cổ" người mua bằng việc bắt họ xuống tiền đặt cọc. Đã xảy ra nhiều trường hợp các nhân viên môi giới lập DN này, kia để làm điều mờ ám, sau đó không thành thì giải thể, lập công ty khác" - LS Dũng phân tích.
TS-LS Bùi Quang Tín cũng khẳng định chính những DN làm ăn chụp giật, cố tình lừa đảo khách hàng đã tự đạp đổ chén cơm và tự giết mình. Bởi, dù kinh doanh trong bất cứ lĩnh vực gì, khách hàng là người cần được bảo vệ. Họ cần thông tin minh bạch, rõ ràng để bảo đảm quyền lợi. Còn chủ đầu tư, nếu chỉ vì cái lợi trước mắt mà bất chấp, quên đi quyền lợi khách hàng sẽ để lại tiếng xấu.
Còn với các đơn vị môi giới, dù không "lôm côm" nhưng nếu không thay đổi, không tự nâng cao năng lực thì khi thị trường khó khăn, họ cũng sẽ tự thụt lùi hoặc bị đào thải.
Doanh nghiệp phải thượng tôn pháp luật
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), cho rằng về khách quan, tình hình thế giới năm 2020 tiếp tục có những diễn biến khó lường, tác động trực tiếp đến nền kinh tế và thị trường BĐS của Việt Nam. Theo dự báo của ông Châu, dù có được tháo gỡ khó khăn thì ít nhất phải đến quý III/2020 trở đi, thị trường mới phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, công bằng, lành mạnh hơn trước đây. "Do đó, DN phải đặt mục tiêu phát triển bền vững, thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng và có trách nhiệm xã hội. Người tiêu dùng và nhà đầu tư BĐS thứ cấp thông minh, có kiến thức, có kỹ năng, có bản lĩnh là nhân tố quyết định sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường" - Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.
Theo Sơn Nhung/Người lao động
Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu "cuộc chơi" trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng dè dặt Hơn một nửa tổng lương TPDN phát hành tháng vừa qua thuộc về các doanh nghiệp bất động sản. Theo thông tin cập nhật của Trung tâm phân tích và tư vấn SSI Research, tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 1/2020 là 13.374 tỷ đồng trong đó nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành 7.364 tỷ...