Tín dụng tăng trưởng thấp nhưng đi đúng hướng
Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước ( NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng đạt 13,5%, thấp nhất từ năm 2014. Năm 2020, NHNN cũng chỉ đặt mục tiêu tín dụng tăng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Mức tăng trưởng thấp của tín dụng đặt ra lo ngại về việc ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế, nhất là khi nguồn vốn dựa nhiều vào tín dụng ngân hàng.
Hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng ngày càng được nâng cao.
Vì đâu tín dụng tăng thấp?
NHNN cho biết, đến cuối năm 2019, tín dụng đạt 13,5% so với cuối năm 2018. So với dự báo của NHNN hồi đầu năm, tăng trưởng tín dụng năm nay thấp hơn khoảng 1% và là mức thấp nhất trong 5 năm qua. Tuy nhiên, tín dụng đã tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh. Ước tính đến 31/12/2019, tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 11%, chiếm 25% tổng dư nợ nền kinh tế; với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 16%; với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 15%.
Với kết quả này, chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Cấn Văn Lực nhận xét, đây là mức tăng trưởng tương đối tích cực và đang được điều chỉnh giảm dần. Hiện tín dụng vẫn chiếm 135% GDP, mức tương đối cao so với quy mô nền kinh tế cũng như mức độ phát triển kinh tế. Vì thế, các ngân hàng đang tập trung nhiều hơn vào việc đảm bảo chất lượng tín dụng, hướng tín dụng đến các nhu cầu thiết thực của nền kinh tế. Do đó, năm 2019, chất lượng các khoản vay đang tốt lên. Kết thúc năm 2019, nợ xấu nội bảng giảm về 1,89%, gộp cả nợ xấu tiềm ẩn, nợ ở Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) là khoảng 4,6%. Theo TS. Lực, kế hoạch đưa nợ xấu về dưới 3% vào năm 2020 là tương đối khả thi.
Thực tế, ngay từ đầu năm, NHNN đã có biện pháp để “ghìm cương” tăng trưởng tín dụng. Theo đó, tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng phụ thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ đáp ứng các yêu cầu về an toàn hoạt động. Ngân hàng nào đạt chuẩn Basel II sẽ được NHNN nới lỏng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Nhưng các ngân hàng có vốn nhà nước lại khó đạt chuẩn này do chưa có phương án tăng vốn hợp lý, trong khi nhóm ngân hàng này lại chiếm tới một nửa thị phần tín dụng của cả hệ thống. Do đó, tín dụng chung toàn ngành đã thấp lại so với các năm trước.
Hơn nữa, tín dụng giảm do nhu cầu giảm ở nhiều ngành nghề như: Bất động sản, xây dựng, thép và tín dụng mảng khách hàng cá nhân. Đặc biệt, theo các chuyên gia, nhóm doanh nghiệp bất động sản thường vay vốn ngân hàng nhiều nhất, nhưng trong vài năm trở lại đây, việc NHNN liên tục cảnh báo các tổ chức tín dụng hạn chế cho vay các lĩnh vực rủi ro, trong đó có bất động sản đã khiến ngành này giảm lượng vốn vay, chuyển sang kênh trái phiếu doanh nghiệp. Vì thế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2019 đã tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, năm 2019, thị trường trái phiếu tiếp tục có một năm tăng trưởng mạnh về quy mô đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tỷ trọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh (từ 9,01% GDP lên khoảng 10,47% GDP), lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành thêm tăng hơn 20% so với 2018.
Hiệu quả sử dụng vốn
Kết quả kinh tế – xã hội cả năm 2019 đã ghi nhận mức tăng trưởng GDP lên tới 7,02%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra từ 6,6-6,8%. Kết quả này cho thấy, mức tăng trưởng thấp của tín dụng khó tác động đến tình hình tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.
Video đang HOT
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, điểm khác biệt của tăng trưởng tín dụng trong năm nay là trải đều qua các tháng, thay vì “dồn toa” vào cuối năm như trước đây. Quan trọng hơn, hiệu quả tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng cải thiện. Tính toán cho thấy, tốc độ tăng tín dụng cần thiết cho 1% tăng trưởng kinh tế đã giảm xuống nhanh chóng từ trên 2,2% năm 2017 xuống mức bình quân 1,4% năm 2019. Do đó, ngày càng nhiều ngân hàng và doanh nghiệp mở rộng huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh từ việc huy động vốn trên thị trường tài chính – tiền tệ. Theo báo cáo về môi trường kinh doanh 2020 của nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào cuối tháng 10, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam xếp 25/190 nền kinh tế, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN.
Năm 2020, Thống đốc NHNN đã ra chỉ thị nêu rõ, mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng theo phương châm mở rộng tín dụng đi đối với an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đây được xem là con số hợp lý với năm 2020, bởi các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục phải chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng để đáp ứng chuẩn Basel II. Ngoài ra, các dòng vốn, mô hình kinh doanh mới như Fintech, cho vay ngang hàng, tổ chức tài chính vi mô, thị trường cổ phiếu, trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp… sẽ tiếp tục tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế, giúp giảm gánh nặng cho ngành ngân hàng.
Hơn nữa, về tác động của tăng trưởng tín dụng thấp với nền kinh tế, các chuyên gia cũng cho rằng, điều này không đáng lo ngại, bởi dù tình hình kinh tế thế giới năm 2020 còn nhiều biến động tiêu cực, nhưng nền kinh tế trong nước đã tăng trưởng nhờ vào chiều sâu chất lượng, dịch chuyển vào những ngành có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, nhìn lại năm 2019, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức cao dù tăng trưởng tín dụng không đạt mục tiêu đề ra. Do đó, các quan điểm về tăng trưởng kinh tế dựa vào tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam có lẽ đã không phù hợp, nên phải có những chiến lược để phát triển thị trường vốn đa dạng hơn, tạo thành nhiều kênh dẫn vốn cho các chủ thể của nền kinh tế, dẫn tới sự phát triển hài hòa và bền vững.
Hương Dịu
Theo Haiquanonline.vn
'Tăng trưởng tín dụng sẽ ngày càng sát tăng trưởng GDP danh nghĩa'
Theo MBS, tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 sẽ giảm so với năm 2019 và ngày càng sát hơn với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa. Cùng với đó, tín dụng sẽ tăng trưởng yếu hơn ở các ngân hàng quốc doanh và cạnh tranh tín dụng bán lẻ sẽ ngày càng khốc liệt.
'Tăng trưởng tín dụng sẽ ngày càng sát tăng trưởng GDP danh nghĩa'
Trong Báo cáo chiến lược năm 2020 vừa công bố, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đã chỉ ra nhiều xu hướng chi phối ngành ngân hàng năm 2020.
Theo MBS, tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 sẽ giảm xuống so với năm 2019 và ngày càng sát hơn với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa.
MBS nhận định chính sách thận trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và lãi suất đang có khuynh hướng tăng là hai yếu tố làm tín dụng tăng thận trọng hơn trong năm 2019.
Cùng với đó, cạnh tranh từ các kênh dẫn vốn khác cũng là một xu hướng khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng phát triển (quy mô đã đạt trên 9% GDP), phần nào tác động dẫn tới tăng trưởng tín dụng khiêm tốn hơn các năm trước.
Thêm vào đó, tỷ lệ tín dụng/GDP đạt trên 130% cũng là một yếu tố làm NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng chậm lại. Ngoài ra, thông tư 22 đang siết dần cho vay lĩnh vực bất động sản do giảm tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Tỷ lệ tín dụng/GDP giữ xu hướng tăng trong suốt vài chục năm qua
Vẫn theo MBS, năm 2020, tín dụng sẽ tăng trưởng yếu ở các ngân hàng quốc doanh và mạnh hơn ở các ngân hàng tư nhân, do sự đồng nhất quy định tỷ lệ LDR về mức 85% thay vì 90% đối với ngân hàng quốc doanh và 80% đối với ngân hàng tư nhân như trước đây.
Đi sâu hơn vào cơ cấu tín dụng, MBS cho rằng tín dụng bán lẻ đang dần giảm tốc.
Công ty chứng khoán này cho hay tín dụng bán lẻ đang được các ngân hàng khai thác triệt để nhờ cấu trúc dân số vàng. Tuy nhiên, cạnh tranh trong tín dụng bán lẻ đang ngày càng khốc liệt do tốc độ tăng trưởng thời gian qua đã ở mức cao, đồng thời nền kinh tế vĩ mô phát triển bớt nóng hơn cũng như chính sách siết dần của NHNN đối với lĩnh vực tai chính tiêu dùng.
Bên cạnh xu hướng tăng trưởng tín dụng giảm và cạnh tranh tín dụng bán lẻ ngày càng khốc liệt, MBS cũng dự báo nhu cầu vốn năm 2020 sẽ thiếu hụt ở từng nhóm ngân hàng.
MBS dẫn đánh giá của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, chuẩn mực Basel II (áp dụng từ ngày 1/1/2020) sẽ tăng các tài sản rủi ro các các ngân hàng Việt Nam thêm khoảng 60% so với năm 2017, tổng cộng 463 nghìn tỷ đồng cho toàn hệ thống. Hệ thống ngân hàng theo đó sẽ thiếu hụt vốn cấp 1, diễn ra chủ yếu tại các ngân hàng chưa niêm yết.
Thống kê cho thấy, lợi nhuận liền kề 4 quý gần đây của cả hệ thống đạt kỷ lục 79.000 tỷ đồng (tăng 22,3%) cũng như huy động vốn từ các đối tác chiến lược làm cải thiện vốn cấp 1 khá tích cực. Tuy nhiên, MBS cho rằng việc áp dụng hệ số rủi ro tín dụng cao hơn vào các khoản cho vay với doanh nghiệp và cho vay bán lẻ là yếu tố cơ bản làm tăng các tài sản có rủi ro (Risk-weighted asset).
Trong khi đó, 18 ngân hàng đã đạt tiêu chuẩn Basel II phần lớn là các ngân hàng thương mại niêm yết. BIDV sau khi bán vốn cho KEB Hana Bank cũng đã được áp dụng Basel II. VietinBank là ngân hàng quốc doanh dự kiến sẽ không kịp áp dụng Basel II do phải tái cấu trúc danh mục các khoản vay cũng như do tỷ lệ LDR cao.
Thời điểm chính thức áp dụng Basel II (1/1/2020), hệ thống ngân hàng Việt Nam ước tính thiếu gần 150.000 tỷ đồng vốn cấp 1 và cấp 2
Một xu hướng đáng chú ý khác được MBS dự báo sẽ diễn ra trong năm 2020 là tăng trưởng NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) sẽ kém khả quan hơn năm ngoái.
4 lý do dẫn đến xu hướng này gồm: mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng; cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn trong cho vay tiêu dùng; lãi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm và các ngân hàng sẽ định hướng cho vay an toàn hơn (lãi suất thấp hơn) để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.
Ngoài ra, MBS cũng dự phóng thanh khoản hệ thống sẽ tiếp tục dồi dào và không gây áp lực từ bên ngoài cho lãi suất, nhờ nguồn vốn FDI và xuất khẩu mạnh tạo ra thặng dư thương mại.
MBS kỳ vọng năm 2020, định giá ngân hàng trên thị trường chứng khoán sẽ được nâng cao hơn. Công ty chứng khoán này ưa thích các ngân hàng có hệ sinh thái khách hàng lớn và bền vững cho phép việc huy động vốn có chi phí cạnh tranh, khả năng tăng trưởng lợi nhuận cao, được định giá hợp lý và có các yếu tố thúc đẩy giá cổ phiếu như các thương vụ bán vốn hay hợp tác Bancassurance.
Minh Tâm
Theo vietnamfinance.vn
Kinh tế 2020 và những điểm lưu ý Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành chia sẻ những góc nhìn đáng chú ý về kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2020. Rủi ro bất định tăng cao Có thể nói, diễn biến nền kinh tế thế giới đang được gói gọn trong cụm từ: giảm tốc, tăng trưởng chậm lại và rủi ro bất định. Trước hết là...