Tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm ngoái
Tại họp báo sáng 15/6 về hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: Tính đến ngày 9/6, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm ngoái, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2022, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế.
Chủ trương của NHNN là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả; tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Ngay đầu năm 2022, NHNN đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro Trước đó, tính đến ngày 27/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,75% so với cuối năm 2021.
“Trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ, qua đó, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định lạm phát”, ông Đào Minh Tú cho biết.
Theo NHNN, ngày 10/6, Bộ Tài chính Hoa Kỳ (BTC Hoa kỳ) ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”. Tại Báo cáo này, BTC Hoa Kỳ cũng kết luận không có đối tác lớn nào của Hoa Kỳ thao túng tiền tệ trong năm 2021. Đồng thời, tại chuyến thăm, làm việc của BTC Hoa Kỳ với Việt Nam ngày 5/4/2022, BTC Hoa Kỳ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN thời gian qua đã thể hiện sự nghiêm túc của NHNN trong việc giải quyết các quan ngại của phía Hoa Kỳ và duy trì được ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức.
Về dư nợ cơ cấu, đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng/dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198 nghìn tỷ đồng của gần 680 nghìn khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91 nghìn tỷ đồng cho gần 490 nghìn khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữa nguyên nhóm nợ còn gần 18 nghìn tỷ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng.
Công tác tài cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai tích cực. Theo ông Đào Minh Tú, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững; quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng; năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành từng bước được củng cố, nâng cao, tiệm cận thông lệ quốc tế.
Trước sự bất ổn của nền kinh tế, chính trị trên toàn cầu, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thừa nhận: Thời gian tới Việt Nam sẽ có nhiều khó khăn phải đối mặt, trong đó là nguy cơ lạm phát. “Lạm phát đã không còn là nguy cơ mà đang hiện hữu. Các nước phát triển trên thế giới đang đối mặt với lạm phát tăng mạnh, các ngân hàng Trung ương bắt đầu lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tình hình tài chính tiền tệ toàn cầu nói chung có nhiều biến động sẽ tác động tới chúng ta vì Việt Nam có độ mở nền kinh tế khá lớn”, lãnh đạo NHNN cho biết.
Video đang HOT
Theo NHNN, hiện tại thị trường trong nước, giá cả hàng hoá, xăng dầu cũng “ nóng” từng ngày, chịu tác động từ các biến động địa chính trị trên thế giới. Những vấn đề này sẽ tác động trực tiếp đến việc điều hành tỷ giá, lãi suất, cung tiền,… Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN khẳng định, đã đánh giá những tác động này và sẵn sàng lường trước những bất lợi có thể lớn hơn nữa trong thời gian tới. Hiện tại, kinh tế vĩ mô vẫn đang ổn định, lạm phát cuối tháng 5/2022 chỉ 2,25%; giá trị đồng tiền vẫn được giữ ổn định; dòng vốn luân chuyển tích cực, vòng quay đồng tiền nhanh hơn so với trong dịch; vốn được huy động tích cực, thông qua tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán.
“Thời gian tới, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và các mục tiêu của Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội năm 2022 – 2023, NHNN theo dõi diễn biến thị trường trong và ngoài nước, diễn biến dịch bệnh để điều hành đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường”, ông Đào Minh Tú chia sẻ.
Trước đó, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về áp lực lạm phát thời gian tới, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Lạm phát trên thế giới tăng cao đã tạo áp lực lên công tác điều hành trong nước. Trong 5 tháng đầu năm, lạm phát tăng 2,25% và chưa tính đến tác động của các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ. Tín dụng đã tăng khá cao. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành qua việc kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, dựa trên diễn biến kinh tế vĩ mô và gói hỗ trợ kết hợp với chính sách tài khoá; đồng thời cần phải kiểm soát giá mặt hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, giáo dục vốn có tỷ trọng tương đối lớn trong rổ tính chỉ số hàng hóa.
Ngân hàng cạnh tranh lãi suất hút dòng tiền trở lại
Lãi suất huy động của các ngân hàng đang ngày một cạnh tranh khi liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian qua.
Tính riêng trong tháng 5/2022, đã có ngân hàng tăng lãi suất đến 2 lần. Động thái này của các ngân hàng phần nào đã hút dòng tiền nhàn rỗi quay trở lại.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN
Theo đó, trong tuần cuối tháng 5, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), từng là ngân hàng có mức lãi suất huy động thấp nhất trong hệ thống, đã điều chỉnh tăng lãi suất tại nhiều kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất dành cho tiền gửi tại quầy của Techcombank tăng 0,3%/năm lên mức 6,3%/năm với khách hàng ưu tiên khi gửi tiền kỳ hạn 36 tháng. Đối với tiền gửi online, lãi suất cao nhất cùng kỳ hạn cũng lên tới 6,5%/năm.
Với khách hàng thường, Techcombank áp dụng mức lãi suất cao nhất từ 5,85 - 5,95%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, tăng 0,45%/năm so với trước nếu gửi tại quầy. Còn gửi tiền online, lãi suất kỳ hạn 36 tháng là 6,3%/năm.
Không riêng Techcombank, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã thông báo tăng lãi suất huy động thêm 0,3%/năm với nhiều kỳ hạn. Theo đó, với tiền gửi dưới 300 triệu đồng, lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng của VPBank tăng từ 6,1%/năm lên mức 6,4%/năm; kỳ hạn 24 tháng, tăng từ 6%/năm lên 6,3%/năm; kỳ hạn 13 tháng tăng từ 5,9%/năm lên 6,2%/năm...
Đáng lưu ý, đây là lần điều chỉnh tăng lãi suất thứ 2 của ngân hàng này kể từ đầu tháng 5 đến nay. Tại lần tăng trước đó, có kỳ hạn được điều chỉnh tăng tới 0,8%/năm.
Cũng là một trong những ngân hàng tăng lãi suất huy động gần đây, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) đã điều chỉnh lãi suất một số kỳ hạn dành cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân tăng tới 0,4%/năm so với mức cũ. Sau điều chỉnh, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của Kienlongbank có thể nhận mức lãi suất tối đa lần lượt lên đến 6,75%/năm và 6,4%/năm.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) thông báo tặng đến 1,1%/năm lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm. Hiện lãi suất cao nhất áp dụng tại SHB là 7,4%/năm dành cho chứng chỉ tiền gửi Phát lộc kỳ hạn 8 năm và 7,2%/năm cho kỳ hạn 6 năm.
Ngoại trừ nhóm "Big 4" gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã tăng lên đáng kể trong nhiều tháng qua với mức tăng dao động từ 0,1 - 0,4%/năm. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, lãi suất huy động hiện đã tăng khoảng từ 0,5 - 1%/năm.
Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, lãi suất huy động và cho vay trong năm 2022 chịu nhiều áp lực từ các yếu tố cả trong và ngoài nước. Đây là lý do lãi suất huy động đã liên tục nhích tăng trong nhiều tháng qua.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết, dù lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay trong ngắn hạn cơ bản vẫn sẽ được giữ ổn định ở mức thấp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch. Trong dài hạn, lãi suất cho vay có thể sẽ biến động phù hợp với cung cầu của nền kinh tế.
Còn theo Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong hơn 2 năm qua, lãi suất huy động đã liên tục giảm sâu để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế vượt qua dịch bệnh. Do đó, dư địa để tiếp tục hạ lãi suất huy động là không còn. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, tín dụng tăng trưởng rất mạnh. Nếu các ngân hàng không tăng lãi suất huy động thì thanh khoản sẽ rất căng và không thể đáp ứng đủ nguồn vốn cho vay phục hồi sản xuất kinh doanh.
"Việc tăng lãi suất huy động là điều tất yếu để hút dòng tiền từ các kênh đầu tư trở lại ngân hàng và dự báo thời gian tới lãi suất này sẽ vẫn tiếp tục tăng. Nhưng tôi kỳ vọng mức tăng sẽ không quá lớn, dao động từ 0,5 - 1%/năm", ông Thịnh nhận định.
Thực tế, tiền gửi vào ngân hàng đã ghi nhận dấu hiệu tăng trở lại trong vài tháng gần đây. Cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 3/2022, số dư tiền gửi của khách hàng cuối tháng 3/2022 đạt hơn 11,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 390.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 3,6%.
Dự báo về xu hướng lãi suất, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho biết lãi suất huy động sẽ tăng dần trong cả năm 2022 do các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán... vẫn khá hấp dẫn. Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì mức thấp như hiện nay và có thể tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2022.
Mới đây, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ra nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhằm góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi kinh tế. Trong đó, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang được đặc biệt quan tâm. Khách hàng vay vốn sẽ được giảm lãi suất trực tiếp từ kỳ trả lãi ngày 20/5/2022 đến cuối năm 2023 hoặc đến khi gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng hết hạn mức.
Nhu cầu vốn phục hồi sản xuất kinh doanh tăng mạnh nhưng nhiều ngân hàng đã gần cạn room tín dụng. Liên quan đến vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 14% trong năm nay. Việc triển khai hỗ trợ 2% lãi suất có thể sẽ khiến nhu cầu tín dụng tăng hơn trong thời gian tới, khối lượng tín dụng cần cung ứng thêm cho nền kinh tế theo đó sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, việc tăng dư nợ tín dụng cần phải đảm bảo chỉ tiêu lạm phát, ổn định vĩ mô.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, tính toán làm sao cho lượng tín dụng bổ sung vào nền kinh tế một cách phù hợp nhất, vừa đáp ứng yêu cầu khôi phục nền kinh tế, vừa để gói hỗ trợ 2% lãi suất có đủ dư địa để triển khai nhanh và hiệu quả nhất", Phó Thống đốc khẳng định.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 27/5, tổng tín dụng của nền kinh tế đã tăng 7,75% so với cuối năm 2021 và tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Không thể chủ quan với nợ xấu Hơn 10 năm trước, thị trường lao đao vì nợ xấu khi Ngân hàng nhà nước công bố nợ xấu bình quân toàn hệ thống lên tới 8%. Lịch sử liệu có lặp lại khi nền kinh tế vừa trải qua cuộc khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 làm cho nợ xấu tiếp tục trở thành vấn đề đang lo ngại? Số liệu...