Tín dụng ngoại tệ tăng 10%: Cảnh báo đô la hóa trở lại
Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, tính đến ngày 12/6, dư nợ ngoại tệ tăng đến gần 10% so với cuối năm ngoái, trong khi đó, phần huy động đang giảm khoảng 4 – 5% từ đầu năm đến nay. Dù chưa đến mức nguy hiểm, nhưng có lẽ, NHNN cũng cần chú ý để đảm bảo lộ trình chống đô la hóa.
Tính đến tháng 4/2014, tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 9,1%, cho vay ngoại tệ tăng 7,2% so với đầu năm
Tăng vay USD để đầu cơ tỷ giá?
Chia sẻ với ĐTCK, Phó tổng giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một ngân hàng TMCP cho biết, tổng dư nợ của nền kinh tế khoảng 160.000 tỷ đồng, bao gồm cả USD và VND, trong đó, dư nợ ngoại tệ chiếm khoảng 16 – 17% vào thời điểm cuối năm ngoái. Đến thời điểm hiện tại, dư nợ ngoại tệ đã tăng mạnh gần 10% so với cuối năm, trong khi huy động giảm khoảng 4 – 5%.
Báo cáo Tình hình kinh tế 5 tháng và tháng 5 năm 2014 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích, đối với ngoại tệ, thanh khoản đang chịu áp lực nhất định. Trong khi tính đến tháng 4, tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 9,1%, cho vay ngoại tệ đã tăng 7,2% so với đầu năm. Do đó, tỷ lệ cho vay/tiền gửi ngoại tệ đã tăng từ 84,3% cuối năm 2013 lên 99,5% vào cuối tháng 4/2014.
Còn TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV, Hàm Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV cho biết, theo nghiên cứu của Trường, tỷ trọng cho vay ngoại tệ trong tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng chiếm khoảng 12 – 13%, nên nếu tăng 10% cũng không phải là điều quá lớn và cũng không đáng quan ngại. Tỷ trọng tăng 10% của ngoại tệ cũng chỉ bằng tăng hơn 1% nội tệ, bởi nội tệ gấp khoảng 8 lần so với ngoại tệ.
“Việc vay ngoại tệ kinh doanh, đầu cơ trong giai đoạn có những cơn sóng tỷ giá như vừa qua để kiếm lời là chuyện bình thường. Thực tế cũng đã cho thấy, bất cứ lúc nào có sự biến động về tỷ giá, trước đó sẽ có hiện tượng vay ngoại tệ nhiều”, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Về hiện tượng này, vị Phó tổng giám đốc trên cho rằng, nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ (swap) với 2 giao dịch ngoại hối được thực hiện đồng thời đã làm giảm đi rủi ro tỷ giá của DN. Ở khía cạnh tích cực, đây là cách thúc đẩy tín dụng tăng thêm, nhưng một mặt khác, rõ ràng NHNN cũng cần để ý hơn để tránh hiện tượng đi ngược lại xu thế, chống đô la hóa, dù các TCTD hiện cho vay cũng phải đúng đối tượng.
“Không ít DN trước kia để có USD trả nợ nước ngoài, đã vay bằng VND, sau đó hoán đổi sang ngoại tệ để trả nợ thay, vì vay nợ trực tiếp bằng USD sẽ đẩy nhu cầu ngoại tệ tăng lên, tuy nhiên, hiện tượng này dường như đang lặp lại”, vị Phó tổng giám đốc nhấn mạnh.
Video đang HOT
Các chuyên gia kinh tế độc lập phân tích, phần huy động ngoại tệ đang giảm khoảng 4 – 5% từ đầu năm đến giờ, trong khi đó, dư nợ tăng lên nhanh chắc chắn sẽ gây sức ép lên ngoại tệ. Bản thân các ngân hàng cũng không còn dư ngoại tệ nhiều, không thể âm trạng thái nhiều như trước, bởi muốn âm trạng thái, phải vay ngoại tệ bằng cách vay nước ngoài hay trong nước. Vay nước ngoài trước đây khá dễ dàng, dẫn đến tình trạng huy động ngoại tệ nhiều, có phần không dùng đến, bán ra thị trường lấy tiền đồng cho vay với lãi suất tốt hơn hay đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Nhưng vay nước ngoài giờ đây không dễ, trong khi phần huy động thấp hơn mà phần đầu tư lớn, nên lượng ngoại tệ cơ bản ngân hàng nắm giữ ít chắc chắn sẽ gây áp lực lên ngân hàng.
Cảnh báo đô la hóa
Trong cuộc trả lời phỏng vấn ĐTCK khi vừa mới nhậm chức, một trong 6 mục tiêu dài hạn được Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình đề cập đến trong nhiệm kỳ của mình đó là chống đô la hóa trong nền kinh tế. Tiếp theo đó, NHNN đã thực hiện tốt các biện pháp chống đô la hóa nền kinh tế thông qua Thông tư 37 bằng việc hạn chế cho vay ngoại tệ đối với các DN không có nguồn thu ngoại tệ.
“Tuy nhiên, với việc dư nợ ngoại tệ tăng lên 10% trong 6 tháng đầu năm cũng manh nha phá vỡ mục tiêu chống đô la hóa của NHNN trong khi 2 năm qua, NHNN nỗ lực hạn chế tình trạng vay mượn và chuyển dần quan hệ mua bán ngoại tệ”, vị Phó tổng giám đốc trên nói.
Một chuyên gia kinh tế nhận định: “Cho vay ngoại tệ tăng hiện nay không phù hợp với quá trình chống đô la hóa nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn lúc này”.
Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cũng thừa nhận, chuyển hoạt động vay mượn thành mua đứt bán đoạn chắc chắn sẽ hỗ trợ tăng dự trữ ngoại hối, không tạo ra tâm lý đắn đo vay ngoại tệ hay VND, nhưng ý định này chưa thể thực hiện vì lãi suất VND và USD vẫn có chênh lệch đáng kể. Đặc biệt khi nhiều DN thấy thông điệp của NHNN cam kết chỉ điều chỉnh tỷ giá thay đổi 1 – 2% thì dù chẳng có nguồn thu ngoại tệ, DN vẫn thích vay ngoại tệ vì lãi suất ngoại tệ đang thấp hơn tiền đồng
Còn TS. Cấn Văn Lực cho rằng, dư nợ cho vay ngoại tệ trong 5 tháng qua tăng hơn nhiều so với nội tệ chưa đến mức nguy hiểm, bởi bản thân các ngân hàng cũng cần phải tự cân đối, không để trạng thái quá chênh lệch giữa huy động và vay ra nếu không phải mua ngoại tệ trên thị trường và sử dụng hạn mức của các ngân hàng nước ngoài cho vay. Dù vậy, NHNN cũng cần phải chú ý để giảm đi tình trạng mất cân đối, đồng thời đảm bảo lộ trình chống đô la hóa.
Như vậy, diễn biến của việc cho vay ngoại tệ tăng nhanh cũng khiến cơ quan quản lý cần thận trọng, nhưng để giảm đô la hóa bằng cách đẩy lãi suất tiền đồng xuống thấp hơn nữa, để khi lãi suất VND và USD tiệm cận nhau thì không còn nhu cầu vay mượn ngoại tệ rõ ràng là điều không dễ dàng.
Lộ trình chống đô la hóa sẽ kéo dài đến năm 2020, nhưng hiện Chính phủ đã thực hiện thông qua việc tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ và đưa ra danh mục không được phép cho vay ngoại tệ, giảm lãi suất huy động tiền gửi bằng ngoại tệ đối với cá nhân và DN. Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2017 – 2018 sẽ không còn tiền gửi ngoại tệ và cho vay ngoại tệ trong hệ thống NHTM.
Theo Đầu tư Chứng khoán
Việt Nam vay nợ thêm 300.000 tỷ đồng trong năm 2013
Nợ công của Việt Nam được Chính phủ thừa nhận là đang tăng nhanh qua các năm do việc huy động và sử dụng vốn vay chưa hợp lý, còn dàn trải, trong khi dự án được Chính phủ bảo lãnh cho vay lại gặp khó khăn, làm tăng nghĩa vụ nợ dự phòng...
Báo cáo về tình hình sử dụng vốn vay, quản lý nợ công của Chính phủ do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng ký để gửi đến Quốc hội nêu con số, năm 2013 tổng số vốn vay nợ công, gồm vay Chính phủ, vay được bảo lãnh Chính phủ và vay của chính quyền địa phương ước đạt 513.720 tỷ đồng, tăng 23,4% so với thực hiện năm 2012.
Tổng số dư nợ công đến ngày 31/12/2013 ở mức 1,9 triệu tỷ đồng, bằng 53,4% GDP. Trong đó dư nợ Chính phủ ở mức 1,488 triệu tỷ đồng, bằng 41,5% GDP.
Những con số này, kể cả số tuyệt đối và quy ra tỷ lệ đều vượt lên so với báo cáo kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước đưa ra về năm 2012. Cụ thể, tính ở thời điểm lùi lại 1 năm so với thống kê của Chính phủ, đến 31/12/2012, tổng dư nợ công hơn 1,6 triệu tỷ đồng, bằng 55,7% GDP (năm 2011 là 54,9% GDP). Trong đó, nợ của Chính phủ là gần 1,3 triệu tỷ đồng (chiếm 77,91% nợ công); nợ được Chính phủ bảo lãnh 340.000 tỷ đồng (chiếm 20,82%); nợ của chính quyền địa phương 20.886 tỷ đồng (chiếm 1,27%).
Dư nợ nước ngoài của quốc gia ở thời điểm chốt năm 2012 là 1,2 triệu tỷ đồng (tương đương 58,2 tỷ USD), bằng 41,1% GDP (năm 2011 là 44,5% GDP).
Như vậy, số nợ quốc gia của Việt Nam vẫn đang không ngừng tăng lên qua các năm.
Chính trong báo cáo này, Chính phủ nhìn nhận là dư nợ công tăng nhanh qua các năm. So với năm liền trước thì dư nợ công năm 2011 tăng 24,8%, năm 2012 tăng 17%, và năm 2013 tăng 17,4%.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tỉ mỉ hơn, trong tổng số 1,9 triệu tỷ đồng đi vay, có 104 dự án được cấp bảo lãnh vay nước ngoài trong đó có 23 dự án đã kết thúc trả nợ, còn 81 dự án vẫn đang trong giai đoạn được bảo lãnh.
Các dự án này chủ yếu thuộc các lĩnh vực điện, hàng không, xi măng, dầu khí...
Năm qua, Chính phủ tiếp tục cấp bảo lãnh cho 8 chương trình dự án vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài và phát hành trái phiếu quốc tế với tổng trị giá 3.161 triệu USD, gồm dự án mua máy bay A321 trị giá 421 triệu USD; tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng 300 triệu USD, bảo lãnh phát hành trái phiếu quốc tế cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) theo đề án tái cơ cấu Vinashin trị giá 627 triệu USD...
Tổng số vốn vay nước ngoài được bảo lãnh Chính phủ giải ngân trong năm 2013 là hơn 52.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2012. Tổng trị giá vốn vay được bảo lãnh Chính phủ đang có xu hướng tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước và đạt mức tăng bình quân gần 50%/năm.
Về việc chi trả nợ của Chính phủ, báo cáo nêu con số 103.700 tỷ đồng trong cân đối ngân sách của năm. Con số này, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, vẫn đảm bảo trong giới hạn quy định của Việt Nam là dưới 25% thu ngân sách nhà nước và nằm trong giới hạn an toàn theo thông lệ quốc tế.
Liên quan đến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ năm 2014, báo cáo cho biết con số là 208.883 tỷ đồng, bao gồm: trả nợ trong nước 159.683 tỷ đồng và trả nợ nước ngoài 49.200 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Dũng thì Việt Nam đã thực hiện vay mới để đảo một phần nghĩa vụ nợ đến hạn năm 2014, chủ yếu là đảo nợ gốc đối với các khoản trái phiếu Chính phủ trong nước để xử lý rủi ro tái cấp vốn do kỳ hạn trái phiếu ngắn.
Về việc sử dụng vốn vay, người đứng đầu ngành Tài chính báo cáo, khoản vay trong nước là 367.000 tỷ đồng, trong đó để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước là 197.000 tỷ đồng, phát hành trái phiếu cho đầu tư là 100.000 tỷ đồng và đảo nợ khoảng 70.000 tỷ đồng.
Hạn mức vay trong nước được Chính phủ bảo lãnh tối đa là 70.492 tỷ đồng, còn hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Chính phủ bảo lãnh là 2.800 triệu USD.
Nói về nguyên nhân mức nợ công vẫn không ngừng tăng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận việc huy động và sử dụng vốn vay chưa hợp lý, phân bổ sử dụng vốn vay còn dàn trải và tập trung vào việc tăng quy mô mà chưa đề cao hiệu quả. Hiện nay, vốn vay chủ yếu là để bổ sung cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 30% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, song hiệu quả đầu tư chưa cao (ICOR năm 2013 ở mức 5,62).
Mặt khác, trong thời gian gần đây, xu hướng dự án được Chính phủ bảo lãnh/cho vay lại gặp khó khăn trả nợ gia tăng, làm tăng nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, đồng thời tiếp tục tạo ra tâm lý dựa dẫm vào sự bảo đảm của ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp được bảo lãnh.
Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, nên huy động vốn vay ODA đang có xu hướng giảm dần với thời hạn ngắn hơn, lãi suất cho vay tăng lên dẫn đến nghĩa vụ trả nợ công, nợ Chính phủ có xu hướng gia tăng.
P.Thảo
Theo Dantri
Bộ Ngoại giao tặng quà lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Ngày 12/5/2014, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao cùng Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tổ chức trao quà nhằm động viên tinh thần và hỗ trợ về vật chất 2 đơn vị lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam trong những ngày qua đã tích cực tham gia bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền quốc...