Tín đồ Cơ đốc giáo bị phiến quân Syria ‘thanh trừng sắc tộc’
Hàng ngàn người thiểu số ở Syria chạy trốn sang Libăng, không chỉ vì “bom rơi, đạn lạc” mà còn vì sợ quân nổi dậy thanh trừng sắc tộc
Những người Syria chạy nạn. Ảnh AFP
Luôn là mục tiêu tấn công của các phiến quân Hồi giáo cực đoan, những người Syria theo đạo Cơ đốc đã chạy sang lánh nạn ở Thung lũng Bekaa của Libăng. Thị trưởng thị trấn Kaa ở mạn Đông Bắc Libăng cho biết: “Họ không nói một lời. Họ đã quá sợ hãi và không dám tiếp xúc với cánh nhà báo”.
Cuối cùng, những người phụ nữ trong gia đình Churi – một gia đình người Syria theo đạo Cơ đốc – cũng đã chịu kể về những gì đang diễn ra với họ ở thị trấn Kusair. Những người đàn ông trong gia đình đã bị phiến quân Hồi giáo cực đoan sát hại chỉ vì theo đạo Cơ đốc và từng làm việc cho chính phủ. Những người còn sống sót thì không còn “đất dung thân” dưới sự cai quản của của “các chiến sĩ đấu tranh cho tự do” ở Syria.
Chiến dịch chống tín đồ Cơ đốc giáo
Kể từ khi bắt cuộc nổi dậy chống nhà độc tài Bashar al-Assad xảy ra cách đây một năm rưỡi, hàng trăm ngàn người Syria đã chạy trốn ra nước ngoài. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, hàng triệu người khác đã phải rời bỏ nhà cửa, trước tiên là do sợ “tên bay, đạn lạc” từ phía quân chính phủ.
Với việc giao tranh kéo dài, không ít người – đặc biệt là những người thuộc sắc tộc thiểu số hoặc bị coi là dị giáo – đã bị quân nổi dậy do người Hồi giáo Sunni chiếm đa số đàn áp thẳng tay. Trong những tháng gần đây, thành phần của Quân đội Syria Tự do (FSA) bao gồm đủ loại người, trong đó có cả các phần tử thánh chiến từ nước ngoài xâm nhập vào Syria.
Video đang HOT
Các chiến binh FSA: Nỗi kinh hoàng của các tín đồ Cơ đốc giáo. Ảnh AFP
Thị trấn Kusair đã trở thành chiến trường ác liệt trong những tháng gần đây và luôn phiên đổi chủ giữa quân chính phủ và phiến quân. Hiện thời, các chiến binh của FSA đang thắng thế và biến thị trấn 40.000 dân này thành “địa ngục trần gian” đối với những người thiểu số theo đạo Cơ đốc.
Bà Leila, đại diện cho gia đình Churi gồm 11 người – gồm ông bà nội, 3 cô con gái, 5 đưa cháu và một chàng rể – nói: “Người Cơ đốc giáo từ lâu đã sinh sống ở thị trấn Kusair. Trước chiến tranh, con số này lên tới 10.000 người. Mặc dù hầu hết những người đàn ông của chúng tôi đều đi làm cho nhà nước, trong những tháng đầu tiên của cuộc nổi dậy, chúng tôi sống khá yên bình”. Quân nổi dậy chưa đụng đến các tín đồ Cơ đốc giáo và về phần mình, những người theo đạo Cơ đốc cũng tỏ ra trung lập, không ngả về bên nào. Thế nhưng, tình hình đã thay đổi kể từ mùa hè năm ngoái.
Cô con gái có tên là Rim nói tiếp: “Mùa hè năm ngoái, các phần tử thánh chiến người nước ngoài đến Kusair và kích động các phiến quân địa phương chống lại chúng tôi”.
Ngay sau đó, một chiến dịch thường xuyên chống lại các tín đồ Cơ đốc giáo ở Kusair đã xảy ra. Bà Leila nói tiếp: “Các phiến quân đã cầu nguyện ở nhà thờ Hồi giáo rằng họ có nghĩa vụ thiêng liêng là xua đuổi người Cơ đốc giáo ra khỏi thị trấn. Chúng tôi liên tục bị buộc tội làm việc cho chính phủ. Chúng tôi luôn phải đút tiền cho những phần tử thánh chiến Hồi giáo để không bị hành quyết”.
Lính đánh thuê nước ngoài hiện diện ở Kusair
Tuy lời kể của những câu phụ nữ của gia đình Churi còn chưa được kiểm chứng, nhưng cái chết của Abd al-Ghani Jawhar ngày 20/4 chứng tỏ các phần tử thánh chiến nước ngoài đã hiện diện ở Kusair.
Abd al-Ghani Jawhar – công dân Libăng và là chỉ huy nhóm khủng bố cực đoan Fatah al-Islam – vốn là một chuyên gia về bom mìn. Tên này đã chết trong một vụ nổ do sơ sẩy trong khi huấn luyện các phiến quân Syria pha chế thuốc nổ, cài bẫy bom mìn.
Abd al-Ghani Jawhar bị chính phủ Libăng truy nã với 200 tội danh giết người. Các nhà chức trách Libăng đã xác nhận Jawhar chết ở Syria. Việc quân nổi dậy Syria hợp tác với một kẻ bị truy nã như Jawhar đã khiến cho người ta lo ngại về việc các phần tử khủng bố quốc tế trà trộn vào Quân đội Syria Tự do.
Trở lại với câu chuyện của gia đình Churi. Gia đình này đã phải chạy trốn sang Libăng ngay trước Lễ Giáng sinh năm 2011, do bị các phần tử Hồi giáo cực đoan trong phiến quân đe dọa hàng ngày. Ngoài ra, chiến sự ở Kusair ngày càng trở nên ác liệt. Bà Leila cho biết: “Bom đạn đã rơi xuống khu vực mà chúng tôi sinh sống, không rõ là của phiến quân hay của quân chính phủ. Chúng tôi đã trốn chạy trên một chiếc xe và đến được Libăng sau 45 phút lái xe”
Chồng của cô con gái có tên là Rim cũng tham gia vụ đào tẩu này. Ngày 9/2, anh ta lại lái xe quay về Kusair để kiếm thức ăn cho đại gia đình đang tị nạn ở Libăng và đó là chuyến xe “một đi không trở lại”. Rim cho biết: “Anh ấy đã bị ngăn lại tại một trạm kiểm soát. Phiến quân biết anh ấy là tín đồ Cơ đốc giáo và đã bắt anh ấy đi. Sau đó 5-6 tiếng đồng hồ, chúng quẳng cái xác anh ấy ở trước cửa nhà bố mẹ đẻ”.
Không chỉ có con rể, bà Leila còn phải chứng kiến cái chết của người em trai và của hai đứa cháu. Bà kể: “Một trong hai đứa cháu xấu số của tôi là dược sĩ. Hai đứa này đã bị bắn chết ngay trong căn hộ của mình vì từng làm công ăn lương cho chính phủ”.
“Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”
Hiện có 32 gia đình người Syria theo đạo Cơ đốc đang tị nạn ở thị trấn Kaa, cách biên giới Syria 12 cây số.
Mặc dù là nơi sinh sống của những người theo đạo Cơ đốc, nhưng thị trấn Kaa cũng lại nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân. Đó là chưa kể “tên bay, đạn lạc” qua biên giới. Cách đây 4 tuần, gia đình Churi đã nhận được tin nói rằng ngôi nhà của họ ở thị trấn Kusair đã bị trúng tên lửa và bị phá hủy hoàn toàn.
Những người tị nạn Syria ở Thung lũng Bekaa. Ảnh AP
Nhưng những người Cơ đốc giáo tị nạn ở thị trấn Kaa cũng sợ hãi trước những người đồng bào Syria cùng cảnh ngộ. Thị trấn biên giới Kaa hiện là một cục nam châm thu hút hai loại người tị nạn, Thị trưởng Mansour Saad nói: “Thứ nhất là những Cơ đốc giáo chạy trốn phiến quân. Thứ hai là gia đình của các phiến quân đang chiến đấu trong hàng ngũ của FSA. Hiện có rất nhiều căng thẳng giữa hai nhóm người tị nạn này và chúng tôi buộc phải cách ly hai nhóm người này”.
Thị trưởng Mansour Saad cũng là một tín đồ Cơ đốc giáo và ủng hộ chế độ Assad. Ông nói người Cơ đốc giáo ở Trung Đông không còn có sự lựa chọn nào khác ngoài việc ủng hộ một nhà lãnh đạo mạnh bảo vệ những người thiểu số như họ. Ông nói tiếp: “Các phiến quân đã không thể thuyết phục tôi rằng họ đang đấu tranh cho dân chủ”.
Mặc dù chế độ Assad vẫn còn nhiều khuyết tật, nhưng các phiến quân ở Syria cũng chẳng hề tốt đẹp hơn. Thị trưởng Mansour Saad cho rằng mục tiêu tốt đẹp ban đầu của cuộc nổi dậy đã bị các phần tử Hồi giáo cực đoan hủy hoại. Ông nói tiếp: “Chúng tôi biết khá rõ về những phần tử Hồi giáo đang cầm đầu cuộc nổi dậy này. Đó là những kẻ muốn đẩy nhân loại lùi về thời kỳ đồ đá”.
Theo Báo Đất Việt