Tin chứng khoán 8/10: PVT lãi kỷ lục và hơn thế nữa
PVT ghi nhận mức lợi nhuận 9 tháng kỷ lục từ trước đến nay, lên đến 540 tỷ đồng. Triển vọng còn sáng hơn nữa khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ chính thức vận hành thương mại từ tháng 11, cùng với đó là động lực tăng trưởng dài hạn đến từ dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất và dự án Nhà máy lọc dầu Long Sơn.
Chỉ sau 9 tháng, PVT đã vượt 9% kế hoạch doanh thu và 23% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tin chứng khoán: Không chỉ lãi kỷ lục 9 tháng, triển vọng của PVT còn rất sáng xét về dài hạn
Theo thông tin từ Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PV Trans, HoSE: PVT), 9 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của PVT đạt 5.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 540 tỷ đồng, tăng lần lượt 28% và 42% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, chỉ sau 9 tháng, PVT đã vượt 9% kế hoạch doanh thu và 23% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Đây cũng là mức lợi nhuận 9 tháng kỷ lục từ trước đến nay của PVT.
Lãnh đạo PVT cho hay, có được kết quả kinh doanh khả quan trên là nhờ những thuận lợi thị trường trong và ngoài nước.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2018, giá dầu thô trên thị trường quốc tế tăng mạnh, lên mức 70-80 USD/thùng, nhiều nhà phân tích dự đoán giá dầu có thể tăng cao trong những tháng cuối năm 2018.
Đặc biệt, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động ổn định, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn dự kiến sẽ chính thức sản xuất thương mại vào tháng 11/2018 sẽ là những điều kiện thuận lợi tiếp theo cho PVT.
Từ đầu năm đến nay, PVT và các đơn vị thành viên đang trực tiếp tham gia vận chuyển một số lô dầu thô bằng tàu VLCC cũng như vận chuyển sản phẩm đầu ra cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn theo hình thức đấu thầu theo từng lô và đang triển khai xây dựng phương án vận chuyển dài hạn khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động ổn định.
Được biết, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có nhu cầu vận chuyển dầu 8,5 triệu tấn/năm, trong khi đó, Nhà máy Nghi Sơn có nhu cầu khoảng 10 triệu tấn dầu/năm.
Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PV Trans, HoSE: PVT) là doanh nghiệp vận tải cho ngành dầu khí với 18 tàu, trong đó 3 tàu vận chuyển dầu thô với tổng công suất là 305.000 DWT, 8 tàu vận chuyển các sản phẩm từ dầu với tổng công suất là 144.000 DWT và 7 tàu vận chuyển khí hóa lỏng và các phẩm khí khác với tổng công suất là 10.600 m3.
Theo nhận định trong báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), PVT có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối trong việc vận chuyển cho dầu, hàng hóa cho các công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với 100% thị phần vận chuyển dầu thô, 90% thị phần vận chuyển LPG, 30% thị phần vận chuyển các sản phẩm dầu khí (hàng lỏng).
PVT có 2 hoạt động chính. Thứ nhất là vận tải (dầu thô, dầu thành phẩm và khí LPG), chiếm 52% doanh thu và 64% lợi nhuận gộp.
Thứ hai là cho thuê kho nổi FSO/FPSO, chiếm 11% doanh thu và 36% lợi nhuận gộp với 2 mỏ chính là FSO mỏ Đại Hùng Queen và FPSO mỏ Chim Sáo cho thuê theo ngày với phí khoảng 56.000 USD/ngày, tổng công suất là 275.000 DTW. Ngoài ra PVT mới gia hạn 5 năm hợp đồng O&M Sông Đốc Pride.
Video đang HOT
Hoạt động thương mại có tỷ trọng doanh thu khá lớn (36%), tuy nhiên biên gộp rất thấp, chỉ chiếm 1% tổng lợi nhuận gộp.
Đáng chú ý, nhiên liệu chỉ chiếm khoảng 15,7% trong cơ cấu chi phí, vì vậy, mô hình kinh doanh của PVT ít chịu ảnh hưởng của giá dầu do mảng vận tải dầu thô, khách thuê tàu tự chịu chi phí nhiên liệu. Với mảng vận tải dầu thành phẩm, PVT có thể chuyển một phần chi phí tăng thêm vào giá cước.
Theo HSC, trong năm 2018, triển vọng của PVT sẽ đến từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn mới đi vào hoạt động từ tháng 5/2018. Dự kiến sản lượng vận chuyện của PVT tới nhà máy này là khoảng 2,5 triệu tấn dầu thô.
Cùng với đó là 3 triệu tấn sản phẩm Nhà máy lọc dầu Dung Quất không còn phải bảo dưỡng (năm 2017, Dung Quất nghỉ 40 ngày để bảo dưỡng nhà máy).
Ngoài ra, giá thuê ngày dịch vụ kho FSO cũng tăng thêm 10% lên 56.000USD/ngày, mang đến lợi nhuận từ cả giá tăng và tỷ giá tăng. Mảng vận chuyển khí, hàng rời (than) cũng rất tốt với việc đi vào hoạt động ổn định của các nhà máy khí GPP Cà Mau, Nhiệt điện Thái Bình 2 Long Phú, Sông Hậu…
Về dài hạn, HSC cho rằng tiềm năng tăng trưởng của PVT đến từ các dự án đầu tư của PVN.
Có thể kể đến như vận chuyển dầu cho các dự án nhà máy lọc dầu gồm: mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, xây dựng nhà máy Long Sơn; vận chuyển hàng rời (than, LNG, LPG) cho 8 nhà máy điện than và trạm LNG như Long Phú 1, Sông Hậu 1, Vĩnh Tân 1,… (đặc biệt là các dự án điện than của PVN).
PVT cũng sẽ phải mua thêm tàu để phục vụ cho nhu cầu vận tải tăng thêm, thường được chi trả bằng 70% nợ USD và 30% vốn chủ sở hữu, dẫn tới rủi ro về chi phí khấu hao, lãi vay tăng và tỷ giá tăng.
PVT có đòn bẩy nợ tương đối lớn với tổng nợ vay là 2.690 tỷ, do đó rất nhạy cảm với thay đổi lãi suất và tỷ giá. Tuy nhiên, PVT còn có số dư tiền và tương đương tiền lên tới 2.920 tỷ đồng nên không gặp rủi ro về mặt tài chính.
VN-Index sẽ kiểm định lại mốc 1.000 điểm?
Phiên cuối tuần trước, VN-Index giảm 15,23 điểm (-1,49%) về 1.008,39 điểm, trong khi VN30-Index giảm 12,86 điểm (-1,3%) xuống còn 980,75 điểm.
Nhiều mã vốn hóa trụ cột giảm sâu đã tác động mạnh đến chỉ số như GAS, BID, VIC, MSN, VCB, PLX, VNM, CTG…
Các nhà đầu tư chốt lời mạnh nhóm Dầu khí khi giá dầu Brent giảm 1,98% trước số liệu dự trữ dầu của Hoa Kỳ tăng 8 triệu thùng trong tuần qua, là mức cao nhất kể từ tháng 3/2017. GAS giảm 3,2%, trong khi PVS, PVB và BSR giảm lần lượt 4,9%, 6,2% và 3,4%. PVD giảm sàn, không còn dư mua trước áp lực bán từ khối ngoại.
Ngoài ra, áp lực từ nhóm ngân hàng cũng đè nặng lên thị trường khi hầu hết các cổ phiếu trong nhóm đều xuất hiện cung giá thấp.
Mặc dù vậy, diễn biến tích cực vẫn được duy trì ở hai nhóm ngành là Dệt may và Cảng biển. VGT, VGG, TCM và STK đều duy trì sắc xanh trong toàn bộ thời gian giao dịch, mặc dù đà tăng bị hạn chế do áp lực bán vào cuối phiên.
Các cổ phiếu cảng biến tăng mạnh trong 2 phiên gần đây nhờ Dự thảo Thông tư điều chỉnh khung giá dịch vụ cảng biển từ Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu tại một số cảng biến thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định dự kiến sẽ tăng thêm 10%. GMD, VSC tăng lần lượt 2,3% và 1,2%, trong khi TMS và HAH đóng cửa tăng trần.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), VN-Index đã điều chỉnh mạnh hơn dự kiến khi chỉ số tiến sát ngưỡng cản ngắn hạn quan trọng là 1025-1030, do lượng tích lũy chưa đủ để sức cầu có thể vượt qua được trong lần thử thách ngắn hạn đầu tiên. Vì vậy, VN-Index có khả năng tiếp tục điều chỉnh trong phiên kế tiếp với ngưỡng hỗ trợ tại mức 1000.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì cho rằng VN-Index đang gặp phải lực cản mạnh tại vùng kháng cự 1024-1027 điểm. Trong các phiên đầu tuần tới, chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định vùng hỗ trợ 996-1003 điểm trước khi hồi phục trở lạ.
Thanh Long
Theo vietnamfinance.vn
Tin chứng khoán 24/9: Thế lưỡng nan của BSR
Công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất của BSR hiện ở mức 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, chỉ bằng 2/3 công suất của đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Dù vậy, BSR vẫn phải cử người sang giúp đối thủ.
Công suất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sau khi mở rộng cũng chỉ lên được 8,5 triệu tấn dầu thô/năm, nghĩa là vẫn thấp hơn đáng kể công suất giai đoạn I của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
Tin chứng khoán: BSR cử người sang giúp "đối thủ"
Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đã có buổi làm việc với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) về chiến lược phát triển của BSR đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Tại buổi làm việc, ông Lê Xuân Huyên - Chủ tịch HĐQT BSR đã trình bày định hướng phát triển của BSR đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, theo đó BSR phải thực hiện thành công Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ông Huyên nhấn mạnh, đây là nhiệm cốt lõi cho sự phát triển bền vững của BSR.
Cũng theo ông Huyên, hiện nay, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã đi vào hoạt động thương mại.
"BSR đã xác định Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với BSR và cũng là đối tác để cùng BSR phát triển. Vậy nên BSR cũng đã có những bước chuẩn bị dài hơi cho sự cạnh tranh và hợp tác này. BSR cũng đã cử nhân sự có trình độ chuyên môn cao ra hỗ trợ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn trong công tác vận hành, chạy thử giai đoạn đầu", Chủ tịch BSR cho hay.
Chưa rõ BSR sẽ hợp tác với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thế nào để đem lại lợi ích cho cả 2 phía nhưng trước mắt, rõ ràng Nghi Sơn là đối thủ cạnh tranh rất lớn của BSR.
Công suất giai đoạn I của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn lên đến 10 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng tới 40% nhu cầu xăng dầu trong nước. Trong khi đó, công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất của BSR hiện ở mức 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, nghĩa là chỉ bằng 2/3 công suất của Nghi Sơn.
Nếu không nhanh chóng mở rộng nhà máy để tăng công suất, BSR sẽ khó lòng chiếm thế thượng phong so với Nghi Sơn, bởi công suất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sau khi mở rộng cũng chỉ lên được 8,5 triệu tấn dầu thô/năm, nghĩa là vẫn thấp hơn đáng kể Nghi Sơn.
Giai đoạn II của dự án lọc dầu Nghi Sơn nếu hoàn thành sẽ tăng công suất lên tới 20 triệu dầu thô/năm, bỏ xa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Tuy nhiên, như đã đề cập phía trên, BSR thậm chí còn phải cử nhân sự có trình độ chuyên môn cao sang... hỗ trợ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Nguyên nhân là bởi PVN vừa là chủ của BSR, vừa là chủ của dự án lọc dầu Nghi Sơn.
Cụ thể, hiện PVN đang nắm trên 92% vốn điều lệ BSR. Trong khi đó, tập đoàn này đang góp 25,1% vốn tại dự án lọc dầu Nghi Sơn (còn lại là Kuwait Petroleum Europe.B.V với 35,1%, công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản với 35,1% và công ty Mitsui Chemicals Inc Nhật Bản với 4,7%).
VN-Index hướng tới ngưỡng 1020 điểm
Phiên 21/9, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch giằng co theo chiều hướng tích cực. VN-Index giảm nhẹ, đóng cửa giảm 1,77 điểm (-0,18%) về mức 1.002,97 điểm do tác động chính từ VHM. Trong khi đó, VN30-Index tăng 3,25 điểm ( 0,3%) lên 974,43 điểm nhờ các cổ phiếu MWG, VPB, VNM và HPG.
Như thường lệ, tâm điểm thị trường hướng về phiên ATC khi các quỹ ETF tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu. VHM được FTSE Vietnam Index và MVIS Vietnam Index thêm vào danh mục với tổng khối lượng ước tính khoảng 16,6 triệu cổ phiếu, tuy nhiên VHM lại lấy mất 2,95 điểm của VN-Index khi giá cổ phiếu giảm mạnh 3,3% do lượng cung dồi dào trực tiếp trên thị trường cũng từ khối ngoại.
Giá cổ phiếu của MSN và NVL cũng chịu áp lực từ khối ngoại với mức giảm 1,6% và 6,98%. Cũng nằm trong danh sách hạ tỷ trọng của ETFs tuy nhiên SSI ( 0,9%), HPG ( 1%), VRE ( 0,8%), VNM ( 1,32%) vẫn tăng điểm nhờ cầu tốt từ các nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước .
Phần còn lại của thị trường cho thấy giao dịch khả quan. Ở nhóm Bán lẻ, MWG tăng 3,7% và PNJ tăng 2,2% nhờ triển vọng tăng trưởng quý III rõ ràng. Nhóm cổ phiếu tài chính bao gồm Ngân hàng và Chứng khoán có số mã tăng điểm áp đảo với nhiều cổ phiếu giúp thị trường hạn chế áp lực từ bên bán như CTG ( 2,4%), VPB ( 1,9%), ACB ( 1,8%), MBB ( 1,5%), TCB ( 1,1%)...
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), phiên 21/9, VN-Index giảm điểm nhẹ với cây nến ngày là nến giảm thân ngắn, diễn biến chính trong phiên là chỉ số dao động quanh ngưỡng cản 1000-1010. Thanh khoản tăng đột biến so với phiên liền trước và so với nền khối lượng giao dịch tuần.
"VN-Index có khả năng sẽ giằng co thêm quanh ngưỡng kháng cự hiện tại 1000-1010 và sẽ tiếp tục hướng về ngưỡng 1020 trong một hai phiên tiếp theo", SSI nêu quan điểm.
Còn theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tính từ đầu năm 2015 đến nay, sau 14 phiên tái cơ cấu danh mục của hai quỹ VNM ETF và FTSE ETF, có 11 lần chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục duy trì xu hướng ngắn hạn.
Do đó, sau phiên tái cơ cấu quý III, BVSC cho rằng nhiều khả năng chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm trong ngắn hạn
Thanh Long
Theo vietnamfinance.vn
Tin chứng khoán 21/9: Hòa Phát gặp khó Việc tổ hợp Dung Quất giai đoạn 1 đi vào hoạt động có thể sẽ khiến biên lợi nhuận của Hòa Phát co hẹp do chi phí khấu hao ban đầu lớn, cùng việc chưa hoạt động hết công suất dự kiến. Tổ hợp thép Dung Quất của Hòa Phát đang được gấp rút xây dựng để đi vào hoạt động từ đầu...