Tìm việc làm sau dịch Covid-19: Tự chuyển nghề để thoát thất nghiệp
Nhận thấy tình hình dịch bệnh ở các nước trên thế giới rất phức tạp, ngành du lịch vẫn tiếp tục điêu đứng, nhiều bạn trẻ làm ngành này đã chọn hướng chuyển nghề, khởi nghiệp…
Sau thời gian chán nản và bế tắc vì thất nghiệp, giờ đây Chi đã lạc quan hơn với công việc bán trái cây tại chợ – ẢNH: NỮ VƯƠNG
Thất nghiệp làm khủng hoảng tinh thần…
Cũng như bao bạn trẻ khác làm trong lĩnh vực du lịch, Trần Thị Lan Chi (Công ty du lịch Thiên Niên Kỷ, TP.HCM) đã thất nghiệp từ lúc xảy ra dịch bệnh Covid-19 đến giờ. Với Chi, đây như một cú sốc tinh thần vì để đến được với công việc này là một chặng đường vô cùng gian nan của cô gái từng học lớp học tình thương. Từ nhỏ, Chi không nhận được sự quan tâm của bố mẹ, gia đình khó khăn, tự thân Chi phải mưu sinh.
“Việc gì mình cũng làm, ai thuê gì làm nấy, thân gái nhưng toàn làm những công việc nặng nhọc. Lúc đầu thì làm bốc vác ở chợ Tân Định, làm từ 5 giờ 30 – 18 giờ; trời nắng thì dang nắng, mưa thì đội mưa, ngày nào cũng vậy để kiếm tiền đi học. Học xong lớp học tình thương, mình thi đậu và lên học Trung tâm giáo dục thường xuyên, lúc đó một học kỳ (3 tháng) phải đóng 600.000 đồng mà có lúc còn không có tiền để đóng, nên mình làm đủ mọi công việc để kiếm tiền, nhiều khi không biết dòng đời sẽ đưa đẩy đi đâu về đâu”, Chi kể.
Trâm chuyển hướng về quê cùng gia đình kinh doanh cây cảnh – ẢNH: NVCC
Cũng chính vì làm quá sức và mưu sinh từ nhỏ nên năm học lớp 11, Chi đổ bệnh nặng rồi sau đó bị thêm một đợt sốt xuất huyết nữa, sức khỏe Chi yếu dần, đau ốm thường xuyên.
Thế nhưng Chi vẫn cố gắng đi học. Không có tiền học ở các trung tâm, Chi tự mày mò học tiếng Anh và cuối cùng cũng xin được làm cho công ty du lịch. Với khả năng tiếng Anh và sự nhanh nhẹn, Chi đã làm rất tốt công việc bán tour du lịch cho khách nước ngoài.
Những tưởng cuộc đời đã bù đắp cho bao tháng năm khổ cực, thế nhưng dịch bệnh ập đến và Chi phải thất nghiệp. “Suốt mấy tháng ở nhà, mình không ngủ được, trăn trở rồi lo lắng, cuộc sống dường như đi vào bế tắc và không có lối thoát. Quá khứ quá khổ cực, cố gắng biết dường nào mới có được công việc ổn định mà giờ thấy tương lai mịt mù, chẳng biết sẽ như thế nào nữa”, Chi bộc bạch.
Chi chịu áp lực rất lớn vì gia đình chỉ có cô là trụ cột chính, mẹ thì nhặt ve chai, bà ngoại đã già yếu. “Bao nhiêu năm qua, bệnh tật rồi đi học nhưng cũng tự thân vượt qua, giờ thất nghiệp rồi sợ lỡ chẳng may có cái gì ập đến thì lấy gì mà chạy chữa. Rồi chi phí sinh hoạt hằng ngày của gia đình cũng không có luôn, nên cảm giác phải nghỉ việc và xác định đến hết năm nay cũng chưa chắc được đi làm lại, thật sự khiến mình bị khủng hoảng tinh thần”, Chi kể.
Không làm việc này thì phải kiếm việc khác
Video đang HOT
Trong khoảng thời gian nghỉ việc ở nhà, Chi đã đi nộp hồ sơ ở nhiều nơi nhưng không có hồi âm, xin vào làm phục vụ rồi bán quần áo cũng không được nhận, càng khiến Chi bế tắc và cuối cùng cô đã tìm đến việc bán trái cây để kiếm sống qua ngày.
Vì muốn có nguồn trái cây sạch, đảm bảo chất lượng, Chi bắt xe xuống các tỉnh miền Tây, lặn lội qua các cồn nhỏ vào tận vườn người dân để khảo sát, tìm mối mua trái cây mang về TP.HCM bán.
Lúc đầu Chi rao bán trên mạng, nhưng thấy bán không được nhiều, cô ra chợ Phạm Văn Hai xin nhờ khoảng trống trước nhà người dân ngồi bán.
Từ một cô nàng làm du lịch, giờ trở thành cô gái bán trái cây ngoài đường, nhưng Chi vẫn thấy vui. “Có công việc để làm và kiếm được tiền sinh sống qua ngày là mình vui rồi. Hơn nữa, mình cũng có sở thích đặc biệt với trái cây sạch, nên đi bán như thế này tuy vất vả nhưng thấy vui lắm”, nói rồi Chi hài hước, dù đang ở dưới cái nắng gay gắt của tháng 5: “Mấy ngày thất nghiệp ở nhà, ngồi trong mát thấy bức bối khó chịu, còn giờ ra dang nắng thế này mà thấy vui vô cùng, nên chắc là mình sẽ theo nghề bán trái cây này luôn”.
Từ ngày dịch bệnh, những bạn trẻ làm du lịch khóc ròng rã luôn. Bạn nào cũng chán chường và nản vô cùng. Giờ thì bạn nào cũng phải tìm và rẽ sang ngành nghề mới, vì hết năm nay cũng chưa chắc có việc làm lại. Không tìm nghề mới thì tiền đâu mà sinh sống
NGUYỄN THANH SANG
Cũng từng chán nản vì thất nghiệp, nhưng giờ Nguyễn Thanh Sang (Công ty du lịch Bông Sen Vàng) đã suy nghĩ lạc quan hơn và thấy “trong cái rủi có cái may” vì nhờ thất nghiệp mà Sang đã khám phá thêm được một nghề mới.
“Từ ngày dịch bệnh, những bạn trẻ làm du lịch khóc ròng rã luôn. Bạn nào cũng chán chường và nản vô cùng. Giờ thì bạn nào cũng phải tìm và rẽ sang ngành nghề mới, vì hết năm nay cũng chưa chắc có việc làm lại. Không tìm nghề mới thì tiền đâu mà sinh sống”, Sang nói.
Và chính Sang cũng vậy, sau thời gian về quê với gia đình, anh đã quyết định lên lại thành phố và với lợi thế về ngoại hình, anh xin vào học nghề làm PT (huấn luyện viên thể hình) cho một phòng tập gym tại TP.HCM. Sau thời gian theo học, Sang cảm thấy khá thích thú với nghề và dự định sẽ gắn bó lâu dài. Sang tính sau này nếu ngành du lịch hoạt động lại, anh vẫn sẽ tranh thủ đi làm vào những ngày cuối tuần để đỡ nhớ nghề.
Vì thất nghiệp, Võ Tiểu Trâm (hướng dẫn viên du lịch tại Công ty Huyền Thoại Việt) phải về quê với gia đình. Nhưng cũng từ đó mà Trâm đã phụ giúp và cùng gia đình phát triển nghề bán cây cảnh, sen đá.
Trâm kể lúc khách bắt đầu hủy các tour, Trâm cũng chỉ nghĩ chắc rồi sẽ nhanh hết dịch và quay lại làm sớm thôi, nhưng không ngờ tình hình dịch bệnh lại phức tạp đến thế.
“Thất nghiệp rất buồn và chán, nhưng rồi cũng nghĩ tích cực là bao nhiêu người cũng vậy chứ không phải riêng mình. Không làm việc này thì phải kiếm việc khác để làm. Ngoài phụ giúp gia đình bán sen đá, mình tính sẽ đi dạy kèm ngoại ngữ cho học sinh, vì vốn ngoại ngữ có sẵn nên mình sẽ tận dụng. Biết đâu lại tìm được nghề mới cũng liên quan đến ngoại ngữ cho đỡ nhớ nghề hướng dẫn viên”, Trâm chia sẻ. ( còn tiếp)
Tìm việc làm sau dịch Covid-19: Hồi hộp chờ từng tin nhắn, cuộc gọi...
Sau dịch bệnh Covid-19, nhiều bạn trẻ mất việc đến các trung tâm việc làm tìm kiếm công việc mới, mong ổn định cuộc sống.
Các bạn trẻ đến trung tâm xin việc để được tư vấn về ngành nghề mà mình lựa chọn - TẤN ĐẠT
Tuy nhiên, cũng có những bạn trẻ không đi theo "lối mòn xin việc" ở các trung tâm việc làm, mà tự nghĩ cách chuyển hướng công việc, hoặc tự khởi nghiệp để tránh... thất nghiệp.
Nhiều bạn trẻ hồi hộp chờ từng tin nhắn, cuộc gọi của các doanh nghiệp khi đi xin việc vào thời điểm hết cách ly xã hội.
"Để xem xét lại"
Bước ra từ một trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm trên đường Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM, Nguyễn Việt Khánh (22 tuổi), quê ở Bình Thuận vẫn còn đau đáu nỗi lo lắng về 2 chữ "việc làm".
Việt Khánh vừa tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, vào cuối năm 2019, tuy nhiên lại đi xin việc làm văn phòng khi ra trường. "Em thấy nghề em học ít tuyển nhân lực, nơi làm việc thì xa trung tâm TP.HCM, nếu có làm thì tăng ca liên tục", Việt Khánh chia sẻ.
Khánh tâm sự trước tết có đi nộp hồ sơ nhưng không thấy công ty nào hồi âm. Lúc ấy cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nên mình về quê "lánh nạn", đến khi hết cách ly xã hội mới trở lại TP.HCM để xin việc.
"Hơn 3 tuần nay mình đến trực tiếp các công ty, ngân hàng để nộp hồ sơ và phỏng vấn nhưng đa số đều nói xem xét lại hoặc khi nào được thì họ báo, nhưng tới giờ vẫn không thấy một tin nhắn hay cuộc gọi nào. Chưa có công việc nên rất khó chịu trong người, vì sau hơn 2 tháng "ăn bám" gia đình, nay lại phải nhờ sự hỗ trợ từ tiền trợ cấp của bố mẹ. Bây giờ chỉ mong có được việc làm sớm để lo cho cuộc sống hằng ngày", Việt Khánh chia sẻ.
Cũng phải "cầu cứu" từ các trung tâm xin việc làm vì hơn 1 tháng nay Nguyễn Nam Khang (20 tuổi), ngụ tại hẻm 152 Lạc Long Quân, P.3, Q.11, TP.HCM, vẫn chưa tìm lại được công việc mong muốn.
Khang trầm ngâm: "Lúc trước em nghỉ học sớm nên làm công nhân ở một công ty người Trung Quốc tại Đồng Nai thu nhập rất ổn định, nhưng vì dịch bệnh Covid-19 nên họ đã cho em nghỉ". Tưởng chừng sẽ kiếm được công việc khi hết cách ly xã hội, nhưng đến nay Khang phải chắt chiu từng đồng trong sinh hoạt để đi xin việc.
Chờ... mức lương phù hợp
Sau vài ngày chờ đợi thông báo kết quả, cuối cùng Phạm Trần Quang Huy (20 tuổi), sinh viên Trường ĐH Văn Lang, TP.HCM, cũng được đi phỏng vấn ở một bar ngay Q.1, TP.HCM, với vị trí nhân viên pha chế. Tuy nhiên, vì sự ảnh hưởng của dịch bệnh, quán trả lương thấp nên Huy từ chối, mặc dù biết trong những ngày tháng này khó đi xin việc trở lại.
Quang Huy chia sẻ: "Em đã hủy 3 nơi vì lương họ trả không phù hợp với năng lực của mình sẽ bỏ ra. Làm việc đúng đam mê thì tốt, nhưng với cuộc sống hiện nay, không đủ chi tiêu là một việc đáng lo lắng hơn. Thật ra, khi từ chối công việc cũng hơi buồn một chút, nhưng với TP.HCM thì không bao giờ thiếu việc được đâu, trừ khi mình không tìm kiếm. Không có cánh cửa này sẽ có cánh cửa khác mở ra".
Trong thời gian này, tìm việc làm đúng là khó khăn thật, nhưng không vì thế mà mình cứ chọn đại một việc nào đó để làm. Tiêu chí của mình là công việc phải gắn liền với chuyên môn và sở thích, vì như thế mới có thể phát huy được năng lực và sở trường, giúp bản thân hứng thú hơn trong công việc
Nguyễn Thị Thảo Trang
Từng là nhân viên tổ chức sự kiện, nhưng cũng phải "dứt áo ra đi" khi công việc của chị Nguyễn Thị Thảo Trang, 25 tuổi, ngụ tại hẻm 451/11 Tô Hiến Thành, P.14, Q.10, TP.HCM, bị "đóng băng" vì dịch bệnh Covid-19. Hiện tại, sau nhiều lần phỏng vấn tại các công ty mới, chị Thảo Trang đã chọn được công việc phù hợp với mức lương tương xứng với năng lực của mình.
Chị Thảo Trang cho biết khi hết cách ly xã hội đã phải nộp đơn đến 3 công ty truyền thông và may mắn được đi phỏng vấn nhưng chỉ có một nơi trả lương khởi điểm đúng như mình mong muốn.
"Trong thời gian này, tìm việc làm đúng là khó khăn thật, nhưng không vì thế mà mình cứ chọn đại việc nào đó để làm. Tiêu chí của mình là công việc phải gắn liền với chuyên môn và sở thích, vì như thế mới có thể phát huy được năng lực và sở trường, giúp bản thân hứng thú hơn trong công việc. Còn đúng với công việc yêu thích mà lương quá thấp, mình cũng sẽ suy nghĩ lại chứ làm việc để kiếm tiền mà việc không tương xứng với đồng lương thì thật bất công", chị Thảo Trang chia sẻ.
Hàng ngàn việc làm cho lao động trẻ
Anh Lê Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, cho biết hiện hết cách ly xã hội, trung tâm nhận được gần 2.000 đầu việc đến từ các doanh nghiệp như: phục vụ ở nhà hàng, quán ăn... với mức thu nhập dao động 20.000 - 40.000 đồng/giờ làm.
Còn chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Dịch vụ việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM, chia sẻ hiện tại bên mình tiếp nhận khoảng 1.000 công việc cho người trẻ như: nhân viên bán hàng, nhân viên marketing, các ngành nghề quản lý, nhân viên kinh doanh... với mức lương trung bình 5,5 - 15 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, các công ty tuyển dụng việc làm tư nhân có hàng ngàn đầu việc cho lao động trẻ khi hết cách ly xã hội, và được miễn phí khi tạo hồ sơ xin việc.
Chị Vương Bảo Ngọc, Trưởng phòng Tư vấn tuyển dụng - Công ty cổ phần Việc Làm 24h, cho biết sau khi hết cách ly xã hội, tình hình đi tìm việc đã sôi động hơn trước. Hiện có khoảng hơn 1,5 triệu hồ sơ sẵn sàng tìm việc, hơn 15.000 hồ sơ cho doanh nghiệp tuyển dụng truy cập miễn phí với các ngành nghề...
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành của Navigos Search, thuộc Tập đoàn Navigos Group, cho biết hiện đang có hàng ngàn công việc tuyển dụng trực tuyến trên trang tuyển dụng VietnamWorks.com khi hết cách ly xã hội như: tài chính, đầu tư, bán hàng, IT - phần mềm, marketing, kế toán, điện - điện tử, ngân hàng, dây chuyền - sản xuất, thư ký, cơ khí. (còn tiếp)
Cẩn thận khi đi xin việc
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Dịch vụ việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM, cho biết các bạn trẻ hãy cẩn thận với các công ty "ma", công ty ngoài công lập khi tuyển dụng bắt người lao động đóng tiền với mức giá 100.000, 200.000, 300.000 đồng sau đó mới có việc làm, hoặc giữ lấy giấy chứng minh nhân dân của mình.
"Các cơ quan giới thiệu việc làm chính thống không thu bất cứ khoản phí nào, và hoàn toàn miễn phí cho người lao động khi đăng ký tìm việc. Các doanh nghiệp đăng ký tại đây là những đơn vị đã được kiểm chứng và an toàn", chị Thanh Thảo chia sẻ.
Tìm việc trong mùa dịch Covid-19 Dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh, kéo theo hàng trăm nghìn lao động mất việc làm. Tuy nhiên, cơ hội vẫn mở ra ở một chiều hướng khác. Trong thời gian dịch bệnh, người lao động tìm việc qua sàn giao dịch việc làm online - Ảnh: T.Hằng Thay vì phải đến...