Tìm việc làm sau dịch Covid-19: Lời mời hấp dẫn, nhưng…
‘Em đừng xem những tin tuyển dụng việc làm trên mạng kẻo bị lừa đảo. Đến chỗ của chị là em sẽ có việc, đảm bảo quyền lợi của người lao động, có tiền không chỉ đủ sống ở TP.HCM mà còn có dư’.
Nhiều công ty giới thiệu việc làm tại khu vực ngã tư An Sương, Q.12, TP.HCM – KHÁNH NGUYỄN
Với lời mời có thể kiếm được mức lương từ 5 – 7 triệu đồng, không cần bằng cấp của nhiều trung tâm giới thiệu việc làm tại khu vực Bến xe An Sương, các lao động trẻ từ nhiều nơi đến TP.HCM với mong muốn tìm được một công việc ổn định.
Trong vai một sinh viên vừa ra trường, lần đầu tiên đặt chân vào TP.HCM nhiều ngày tìm việc làm, tôi có mặt tại Bến xe An Sương vào một buổi chiều đông đúc. Quanh khu vực QL22 gần Bến xe An Sương, tôi bắt gặp những tấm pa nô với lời mời chào hấp dẫn: công việc có mức lương từ 5 – 7 triệu đồng, bao ăn ở, không cần bằng cấp…
Những người môi giới đon đả mời chào tôi bằng những lời hứa hẹn rằng muốn tìm việc gì cũng có, không phải mất một khoản phí nào cả. “Em đừng đi lung tung hoặc xem những tin tuyển dụng việc làm trên mạng kẻo bị lừa đảo. Đến chỗ của chị là em yên tâm chắc chắn sẽ có việc, được đảm bảo quyền lợi của người lao động, có tiền không chỉ đủ sống ở TP.HCM mà còn có dư”, nhân viên môi giới tìm cách chèo kéo tôi. Nhưng câu chuyện sau đó diễn ra không dễ dàng như vậy.
Mức phí môi giới 600.000 đồng !?
Tại Trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề Quế Nga (61/1 QL22, ấp Đông Lân, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn), người phụ nữ tên Nguyễn Thị Phi mời chào tôi vào tìm kiếm việc làm. Trong nhà chỉ có hai chiếc bàn dành cho người môi giới và vài chiếc ghế nhựa để tiếp khách cùng với những giấy tờ chứng nhận được đóng mộc đỏ dán đầy trên tường. Lấy cuốn sổ từ trong hộc bàn, bà Phi bắt đầu tìm kiếm việc làm cho tôi.
Giới thiệu là sinh viên tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa tìm được việc làm ở quê nên quyết định vào TP.HCM tìm kiếm cơ hội, tôi được bà Phi giới thiệu việc làm ở xưởng chế tạo máy. Công việc chính là đứng vận hành máy móc trong nhà xưởng. Lương trong tuần thử việc đầu tiên là 220.000 đồng/ngày, sau đó là 280.000 đồng/ngày (đã bao gồm tiền ăn, nơi ở thì được chủ nhà xưởng bố trí cho ở trọ cùng các nhân viên khác). Thời gian làm việc từ 7 – 19 giờ. Một tuần làm ca ngày và một tuần làm ca tối đan xen nhau, những tuần ca tối thì sẽ làm xuyên đêm…
Thấy tôi lưỡng lự vì công việc làm ca đêm đòi hỏi phải thức khuya cả tuần liền, bà Phi đề nghị một công việc khác nhẹ hơn là trông giữ xe. Công việc làm theo giờ học sinh đi học trong tuần, được trả mức lương 6 triệu đồng/tháng, nhưng được bao ăn ở tại nhà của chủ. Người phụ nữ này cũng cho biết chủ nơi giữ xe này yêu cầu nếu có học vấn thì đỡ phải hướng dẫn, công việc đơn giản, làm việc chăm chỉ sẽ được hỗ trợ thêm.
Sau một hồi chần chừ, đắn đo, tôi quyết định chọn công việc làm ở nhà xưởng với lý do lương cao hơn để gửi thêm về cho gia đình. Bà Phi lập tức lấy một tờ giấy cam kết với vài thông tin về việc làm và yêu cầu tôi ký vào tờ giấy xác nhận, rồi nộp 600.000 đồng tiền phí để “giữ chân” công việc.
Video đang HOT
Tôi thắc mắc: “Phải nộp tiền ngay bây giờ hay sao?”. Bà Phi hướng dẫn khi nào nhận việc sẽ trừ vào lương tháng đầu tiên của người đi làm. Nếu đi làm đủ 3 ngày thì không sao, nhưng nếu làm ít hơn thì phải đóng số tiền còn thiếu hoặc ký rồi mà không đi làm thì phải đóng 600.000 đồng để lấy lại giấy tờ từ chủ, vì đây là tiền môi giới giữa trung tâm và công ty. Cũng theo bà Phi, nếu tôi vào làm ngày đầu mà thấy không hợp thì có thể tìm một công việc khác làm cho đủ ngày, hợp đồng tối thiểu 1 tháng.
Sau khi gọi điện thoại cho nơi tôi muốn nhận việc, bà Phi cho biết vì là cuối tuần nên chưa thể chở đến chỗ làm để chỉ việc và hẹn tuần sau. Lấy lý do sợ phải đợi lâu, tôi thoái thác không ký vào hợp đồng và rời khỏi trung tâm. Tuy nhiên, tôi vẫn để lại giấy tờ và nói sẽ trở lại để cân nhắc chuyện ký hợp đồng.
Thế nhưng, khi đến trễ một buổi và đòi lại giấy tờ, bà Phi đổi thái độ và nói đã đem giấy tờ của tôi cho công ty rồi, muốn lấy lại thì qua đó lấy. Tôi thắc mắc: “Tôi chưa hề ký vào bất kỳ biên bản hay hợp đồng nào mà?”. Bà Phi trả lời: “Ở đây không nói chuyện bằng giấy tờ (?!)”. Tôi lại hỏi: “Vậy muốn chuộc lại giấy tờ thì như thế nào?”. Bà này nói cộc lốc: “Đưa 300.000 đồng rồi chuộc lại giấy tờ”.
Sau một lúc đối thoại căng thẳng và dường như phát hiện tôi có ghi âm cuộc nói chuyện, bà Phi mới dịu giọng và trả lại giấy tờ cho tôi.
Khó có chỗ làm ưng ý
Tôi tiếp tục đi kiếm việc làm quanh các trung tâm khác ở khu vực An Sương. Hầu hết người đi xin việc muốn được chở đến chỗ làm đều phải ký vào giấy cam kết có mức phí môi giới 600.000 đồng và được trừ dần vào lương khi đi làm.
Tôi gặp và bắt chuyện với Trần Văn Thanh (20 tuổi, quê Khánh Hòa) đang đứng trước Trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề Quế Nga. Thanh cho biết bố mẹ đi làm thuê ở rẫy cà phê trên Đắk Lắk, bản thân học chưa hết THCS, trước đó đi làm phục vụ quán ăn. Nhưng do dịch bệnh, quán đóng cửa nên thất nghiệp. Vì muốn làm một việc gì đó ổn định và có tiền hơn nên Thanh quyết định đến TP.HCM. “Sáng sớm đến đây, ăn uống xong rồi vào hỏi han công việc ở các trung tâm giới thiệu việc làm quanh ngã tư An Sương, nhưng thấy chưa gì đã bị trừ 600.000 đồng vào lương mà chưa biết công việc thế nào nên cũng hơi lo, đang phân vân chưa dám nhận việc”, Thanh nói và tâm sự: “Cũng định tìm chỗ làm lương ít một chút nhưng có người dạy nghề cho mình như những công việc liên quan đến máy móc thì sau này có tương lai hơn, chứ làm phục vụ mãi thì không biết bao giờ mới đỡ khổ”.
Tại thời điểm này, rất nhiều thanh niên như tôi lang thang tìm việc làm để kiếm kế sinh nhai. Tuy nhiên, đâu phải ai cũng may mắn có được một chỗ làm ưng ý. Cũng có vài thanh niên mà tôi gặp trong quá trình tìm việc có ý định “về quê khởi nghiệp thay vì kiếm việc quá khó”… (còn tiếp)
Không được thu phí người lao động
Thông tư liên tịch số 95/2007/TTLT/BTC- BLĐTBXH của bộ Tài chính, LĐ-TB-XH ban hành ngày 7.8.2007 hướng dẫn về phí giới thiệu việc làm. Theo đó, trung tâm giới thiệu việc làm không được thu phí tư vấn; giới thiệu việc làm; cung ứng lao động đối với người lao động.
Tìm việc làm sau dịch Covid-19: Tự chuyển nghề để thoát thất nghiệp
Nhận thấy tình hình dịch bệnh ở các nước trên thế giới rất phức tạp, ngành du lịch vẫn tiếp tục điêu đứng, nhiều bạn trẻ làm ngành này đã chọn hướng chuyển nghề, khởi nghiệp...
Sau thời gian chán nản và bế tắc vì thất nghiệp, giờ đây Chi đã lạc quan hơn với công việc bán trái cây tại chợ - ẢNH: NỮ VƯƠNG
Thất nghiệp làm khủng hoảng tinh thần...
Cũng như bao bạn trẻ khác làm trong lĩnh vực du lịch, Trần Thị Lan Chi (Công ty du lịch Thiên Niên Kỷ, TP.HCM) đã thất nghiệp từ lúc xảy ra dịch bệnh Covid-19 đến giờ. Với Chi, đây như một cú sốc tinh thần vì để đến được với công việc này là một chặng đường vô cùng gian nan của cô gái từng học lớp học tình thương. Từ nhỏ, Chi không nhận được sự quan tâm của bố mẹ, gia đình khó khăn, tự thân Chi phải mưu sinh.
"Việc gì mình cũng làm, ai thuê gì làm nấy, thân gái nhưng toàn làm những công việc nặng nhọc. Lúc đầu thì làm bốc vác ở chợ Tân Định, làm từ 5 giờ 30 - 18 giờ; trời nắng thì dang nắng, mưa thì đội mưa, ngày nào cũng vậy để kiếm tiền đi học. Học xong lớp học tình thương, mình thi đậu và lên học Trung tâm giáo dục thường xuyên, lúc đó một học kỳ (3 tháng) phải đóng 600.000 đồng mà có lúc còn không có tiền để đóng, nên mình làm đủ mọi công việc để kiếm tiền, nhiều khi không biết dòng đời sẽ đưa đẩy đi đâu về đâu", Chi kể.
Trâm chuyển hướng về quê cùng gia đình kinh doanh cây cảnh - ẢNH: NVCC
Cũng chính vì làm quá sức và mưu sinh từ nhỏ nên năm học lớp 11, Chi đổ bệnh nặng rồi sau đó bị thêm một đợt sốt xuất huyết nữa, sức khỏe Chi yếu dần, đau ốm thường xuyên.
Thế nhưng Chi vẫn cố gắng đi học. Không có tiền học ở các trung tâm, Chi tự mày mò học tiếng Anh và cuối cùng cũng xin được làm cho công ty du lịch. Với khả năng tiếng Anh và sự nhanh nhẹn, Chi đã làm rất tốt công việc bán tour du lịch cho khách nước ngoài.
Những tưởng cuộc đời đã bù đắp cho bao tháng năm khổ cực, thế nhưng dịch bệnh ập đến và Chi phải thất nghiệp. "Suốt mấy tháng ở nhà, mình không ngủ được, trăn trở rồi lo lắng, cuộc sống dường như đi vào bế tắc và không có lối thoát. Quá khứ quá khổ cực, cố gắng biết dường nào mới có được công việc ổn định mà giờ thấy tương lai mịt mù, chẳng biết sẽ như thế nào nữa", Chi bộc bạch.
Chi chịu áp lực rất lớn vì gia đình chỉ có cô là trụ cột chính, mẹ thì nhặt ve chai, bà ngoại đã già yếu. "Bao nhiêu năm qua, bệnh tật rồi đi học nhưng cũng tự thân vượt qua, giờ thất nghiệp rồi sợ lỡ chẳng may có cái gì ập đến thì lấy gì mà chạy chữa. Rồi chi phí sinh hoạt hằng ngày của gia đình cũng không có luôn, nên cảm giác phải nghỉ việc và xác định đến hết năm nay cũng chưa chắc được đi làm lại, thật sự khiến mình bị khủng hoảng tinh thần", Chi kể.
Không làm việc này thì phải kiếm việc khác
Trong khoảng thời gian nghỉ việc ở nhà, Chi đã đi nộp hồ sơ ở nhiều nơi nhưng không có hồi âm, xin vào làm phục vụ rồi bán quần áo cũng không được nhận, càng khiến Chi bế tắc và cuối cùng cô đã tìm đến việc bán trái cây để kiếm sống qua ngày.
Vì muốn có nguồn trái cây sạch, đảm bảo chất lượng, Chi bắt xe xuống các tỉnh miền Tây, lặn lội qua các cồn nhỏ vào tận vườn người dân để khảo sát, tìm mối mua trái cây mang về TP.HCM bán.
Lúc đầu Chi rao bán trên mạng, nhưng thấy bán không được nhiều, cô ra chợ Phạm Văn Hai xin nhờ khoảng trống trước nhà người dân ngồi bán.
Từ một cô nàng làm du lịch, giờ trở thành cô gái bán trái cây ngoài đường, nhưng Chi vẫn thấy vui. "Có công việc để làm và kiếm được tiền sinh sống qua ngày là mình vui rồi. Hơn nữa, mình cũng có sở thích đặc biệt với trái cây sạch, nên đi bán như thế này tuy vất vả nhưng thấy vui lắm", nói rồi Chi hài hước, dù đang ở dưới cái nắng gay gắt của tháng 5: "Mấy ngày thất nghiệp ở nhà, ngồi trong mát thấy bức bối khó chịu, còn giờ ra dang nắng thế này mà thấy vui vô cùng, nên chắc là mình sẽ theo nghề bán trái cây này luôn".
Từ ngày dịch bệnh, những bạn trẻ làm du lịch khóc ròng rã luôn. Bạn nào cũng chán chường và nản vô cùng. Giờ thì bạn nào cũng phải tìm và rẽ sang ngành nghề mới, vì hết năm nay cũng chưa chắc có việc làm lại. Không tìm nghề mới thì tiền đâu mà sinh sống
NGUYỄN THANH SANG
Cũng từng chán nản vì thất nghiệp, nhưng giờ Nguyễn Thanh Sang (Công ty du lịch Bông Sen Vàng) đã suy nghĩ lạc quan hơn và thấy "trong cái rủi có cái may" vì nhờ thất nghiệp mà Sang đã khám phá thêm được một nghề mới.
"Từ ngày dịch bệnh, những bạn trẻ làm du lịch khóc ròng rã luôn. Bạn nào cũng chán chường và nản vô cùng. Giờ thì bạn nào cũng phải tìm và rẽ sang ngành nghề mới, vì hết năm nay cũng chưa chắc có việc làm lại. Không tìm nghề mới thì tiền đâu mà sinh sống", Sang nói.
Và chính Sang cũng vậy, sau thời gian về quê với gia đình, anh đã quyết định lên lại thành phố và với lợi thế về ngoại hình, anh xin vào học nghề làm PT (huấn luyện viên thể hình) cho một phòng tập gym tại TP.HCM. Sau thời gian theo học, Sang cảm thấy khá thích thú với nghề và dự định sẽ gắn bó lâu dài. Sang tính sau này nếu ngành du lịch hoạt động lại, anh vẫn sẽ tranh thủ đi làm vào những ngày cuối tuần để đỡ nhớ nghề.
Vì thất nghiệp, Võ Tiểu Trâm (hướng dẫn viên du lịch tại Công ty Huyền Thoại Việt) phải về quê với gia đình. Nhưng cũng từ đó mà Trâm đã phụ giúp và cùng gia đình phát triển nghề bán cây cảnh, sen đá.
Trâm kể lúc khách bắt đầu hủy các tour, Trâm cũng chỉ nghĩ chắc rồi sẽ nhanh hết dịch và quay lại làm sớm thôi, nhưng không ngờ tình hình dịch bệnh lại phức tạp đến thế.
"Thất nghiệp rất buồn và chán, nhưng rồi cũng nghĩ tích cực là bao nhiêu người cũng vậy chứ không phải riêng mình. Không làm việc này thì phải kiếm việc khác để làm. Ngoài phụ giúp gia đình bán sen đá, mình tính sẽ đi dạy kèm ngoại ngữ cho học sinh, vì vốn ngoại ngữ có sẵn nên mình sẽ tận dụng. Biết đâu lại tìm được nghề mới cũng liên quan đến ngoại ngữ cho đỡ nhớ nghề hướng dẫn viên", Trâm chia sẻ. ( còn tiếp)
Tìm việc làm sau dịch Covid-19: Hồi hộp chờ từng tin nhắn, cuộc gọi... Sau dịch bệnh Covid-19, nhiều bạn trẻ mất việc đến các trung tâm việc làm tìm kiếm công việc mới, mong ổn định cuộc sống. Các bạn trẻ đến trung tâm xin việc để được tư vấn về ngành nghề mà mình lựa chọn - TẤN ĐẠT Tuy nhiên, cũng có những bạn trẻ không đi theo "lối mòn xin việc" ở các...