Tìm vết “Bánh xe khổng lồ”
Có ai từng lên biên giới mà không xao xuyến với những bóng thướt tha của người con gái Thái gánh đôi bương nước qua cây cầu tre lắt lẻo. Có ai từng lên biên giới mà khi trở về lại không có những giây phút lắng mình nhớ về những bánh xe quay bên dòng nước, quay suốt một đời mà không để lại vết cho ai!
Ai có dịp ghé qua vùng biên giới phía Bắc, nơi có những bản làng người Thái, Mường, Tày, Nùng, Dao… Từ Thanh Hóa, Hòa Bình cho đến Cao Bằng, Lạng Sơn, đi cho hết một vòng cung biên giới, chắc hẳn sẽ được thấy rất nhiều những cọn nước quay bên bờ sông, bờ suối. Những cọn nước ấy cứ mãi xoay cùng nhịp sống của những con người nơi miền biên viễn điểm tô cho bức tranh thiên nhiên, bình dị, chan hòa.
Cọn nước, cón nước, coóng nước hay guồng nước là những cách gọi khác nhau cho chiếc bánh xe quay khổng lồ được làm từ mây, tre đặc biệt này. Những năm về trước, cọn nước còn được người dân ở đồng bằng, thậm chí ở khu vực đồng bằng Trung, Nam bộ dùng để đưa nước về đồng ruộng. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, cọn nước chỉ còn ở vùng biên giới phía Bắc, nơi có những bản làng với nếp nhà sàn nghiêng soi bên suối.
Ở Việt Nam, cọn nước đầu tiên xuất hiện ở các cộng đồng người Thái, Mường. Sau đó có thêm các dân tộc khác học cách làm cọn nước phục vụ cho công việc thủy lợi. Người Thái và người Mường khi ở đâu việc đầu tiên là chọn những địa thế có thung lũng rộng “chính là các mường”, xung quanh là núi tiện cho việc canh tác lớn, và dẫn nước từ núi về bản và từ suối vào ruộng. Để làm cọn nước, đầu tiên người ta dựng cái trục quay trên một giá đỡ bằng chạc cây và đặt vào đó một nửa khoanh vầu tròn. Người ta dùng thân tre hoặc vầu kết hai vòng lớn làm đường kính bánh xe, và những nan nối chéo từ trục sang hai vòng bánh như nan hoa xe đạp. Nơi tiếp giáp của các nan hoa bên trong guồng, người ta cài tiếp hai vòng hai bên điểm tiếp giáp để lực giữ được khỏe. Đầu cọn sẽ cài những quạt đan để nước đập vào đó và kề luôn đó là những ống bương múc nước. Một vài chi tiết khác được gia cố ở trục, điểm kết nan hoa. Tất cả cọn nước được buộc bằng một loại dây mây rừng rất bền và dẻo.
Tôi đã từng lên biên giới. Đã có những buổi chiều bên dòng suối mát. Vài thiếu nữ hết buổi lên nương giặt giũ, rửa chân bên suối. Những đứa trẻ bắt cá, nô đùa tắm mát. Những người già ra suối lấy gạo về chuẩn bị bữa cơm chiều. Bảng lảng khói sương. Tất cả hiện lên bình dị lung linh bên những “bánh xe khổng lồ” với vòng xoay không dấu vết. Chỉ có những vết tình nhung nhớ để lại trong lòng lữ khách là không thể nào quên.
Vũ Thanh
Theo ANTD
Dòng sông tiên nữ
Thấp thoáng trong nắng chiều, thiếu nữ Thái mềm mại chải tóc dưới dòng Púng Hon ở Mường Lèo khiến con suối trở nên huyền ảo, có lẽ thế nên người ta gọi đó là dòng sông tiên nữ. Những ai đã đến với sông Mã, được ngắm nhìn những đường nét kiêu kỳ đó thường bảo, đây là tiên cảnh. Dòng suối Púng Hon chắt chiu nguồn mạch của mây núi để dệt cho dòng sông Mã thêm hùng vĩ, hoang sơ.
Hình ảnh cô gái Thái chải tóc bên dòng Púng Hon, thế thôi mà cứ như mê hoặc cả núi rừng lẫn lữ khách ngang qua. Dòng suối miệt mài chảy. Cô gái e ấp, chải vuốt mái tóc mềm mại như dòng suối cho đến khi bóng chiều hạ ánh sáng xuống núi. Khói lam chiều bảng lảng đưa ta lạc vào xứ sở yên bình đến mơ màng. Cơm tối với cá bống suối Púng Hon nấu lá chua rừng. Và mâm cơm có giản dị đến mấy cũng không thể thiếu sâu chít chao lá chanh và côn trùng chiên giòn thơm nức.
Là bản du lịch sinh thái, thế nên cộng đồng bà con người Thái đã biết tiếp cận với "nhịp đập" của "dân du mục" tìm đến khám phá. Chợt nhớ ra, trên dọc hành trình đến Mường Lèo ban chiều, qua những con suối bên khe núi thường bắt gặp những cô gái Thái tắm mình trong dòng sông để chải tóc, đó là cách làm đẹp hay chỉ để khỏa những nhọc nhằn sau một ngày dài lao động? Người chủ nhà không trả lời mà lại kể, xưa người Thái đen ở Mường Lèo đi săn thấy một con tê giác có 3 sừng, phường săn đuổi mãi, qua những ngọn núi quanh năm mây phủ, qua những tán rừng nguyên sinh thì thấy một vùng đất bằng phẳng. Ở giữa vùng đất đó ở có một con suối nước trong xanh mà chiều chiều hươu, nai kéo từng đàn xuống uống nước. Biết là vùng đất tốt, tộc người ăn theo nước mới di dân đến khai khẩn dựng mường. Thời ấy, con người và muông thú cùng chung sống hòa thuận dưới cánh rừng đại ngàn năm này qua năm khác...
Có rất nhiều truyền thuyết khiến ta đặt câu hỏi mãi không thôi, như loài tê giác 3 sừng kia có nguồn gốc từ đâu... Song, những gì ta được tận "mục sở thị" gom lại trong mắt, trong trí nhớ, đã có thể cho ta câu trả lời, đó là sự yên bình và hoang sơ.
Theo ANTD
Những "bánh xe nước" độc đáo Những guồng nước như những bánh xe khổng lồ chậm rãi quay đều bên dòng suối đã trở thành nét đặc trưng của nhiều vùng miền. Được thiết kế rất khéo léo từ những vật liệu của núi rừng, những chiếc guồng nước thể hiện khả năng sáng tạo tuyệt vời của đồng bào miền núi trong công cuộc chinh phục thiên nhiên....