Tìm thấy nạn nhân mất tích trong lũ ở Kỳ Sơn
Sau hơn 30 giờ đồng hồ nỗ lực tìm kiếm, nạn nhân mất tích trong đợt lũ lịch sử ở xã vùng cao Nghệ An được tìm thấy cách đó hơn 5 km.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn xã Chiêu Lưu ( huyện Kỳ Sơn) cho biết: Sau hơn 30 giờ đồng hồ tìm kiếm, đến 17 giờ 15 phút chiều nay (18/8) thi thể chị Moong Thị Tuyết (hay còn gọi là Moong Mẹ Tân, 36 tuổi) ở bản Lưu Thắng đã được tìm thấy.
Nhiều người được huy động tìm kiếm thi thể chị Moong Thị Tuyết. Ảnh: Thọ Tuân
“Chúng tôi phát hiện thi thể chị Tuyết cách nơi bị lũ cuốn chừng hơn 5 km tại ngã ba khe Thù và sông Nậm Mộ” – ông La Thanh Huế – Xã đội trưởng xã Chiêu Lưu cho biết.
Trước đó, vào khoảng 12 giờ trưa ngày 17/8, khi đi qua cầu tràn giữa bản Xiêng Thù và La Ngan thì chị Moong Thị Tuyết cùng 4 người gồm: anh Moong Văn Lợi (chồng), cháu Moong Văn Cường (con) cùng chị Chích Thị Quang, em Cụt Văn Thôn bị nước lũ cuốn trôi.
Người dân tìm kiếm khắp các khe suối, bụi cây với hy vọng tìm được nạn nhân. Ảnh: Thọ Tuân
Tuy nhiên, khi trôi được một quãng thì anh Moong Văn Lợi bám được vào gốc cây và cứu được con mình là Moong Văn Cường. Chị Chích Thị Quang cũng thoát ra được khỏi dòng lũ. Còn chị Tuyết và cháu Thôn bị cuốn trôi tử vong. Cháu Cụt Văn Thôn ngay sau đó được lực lượng tìm kiếm vớt lên. Còn chị Tuyết, sau hơn 30 giờ huy động hàng trăm người mò mẫm khắp các khe suối mới tìm thấy thi thể.
Đến 17 giờ 15 phút chiều nay (18/8) đã tìm thấy thi thể chị Tuyết. Ảnh: Thọ Tuân
Đến thời điểm này, ở huyện Kỳ Sơn đã có 6 người chết trong đợt mưa lũ.
Thọ – Tuân
Theo VTC
Toàn cảnh mưa lũ càn quét sau bão số 4 tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ
Do ảnh hưởng của hoàn lưu của bão số 4, nhiều tỉnh ở phía Bắc và Bắc Trung Bộ có mưa lớn gây ngập lụt và sạt lở đất và dự kiến thiệt hại là rất lớn.
Ngày 18/8 theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của 7 tỉnh bị thiệt hại do mưa bão, tính đến cuối ngày 17/8 có 8 người chết và mất tích; 21 ngôi nhà bị sập, nhiều tuyến đường bị sạt lở khiến giao thông ách tắc.
Theo thống kê, có 6 người chết (Sơn La: 1 người do lũ cuốn trôi; Thanh Hóa: 1 người do sạt lở đất đá; Nghệ An: 4 người do lũ cuốn trôi) và 2 người bị mất tích do lũ cuốn trôi (Sơn La: 1 người, Nghệ An: 1 người).
Thiệt hại về nhà cửa, có 21 ngôi nhà bị sập, 1199 nhà bị ngập, 199 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Về chăn nuôi, thủy sản, mưa lũ làm 7394 con gia súc bị chết, cuốn trôi; 723 ha diện tích thủy sản bị ảnh hưởng.
Thanh Hoá phải di dân do ngập lụt
Tại Thanh Hoá, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, ông Lê Anh Xuân cho biết, do nước sông Mã dâng cao đột ngột vào sáng 18/8, Ban Chỉ huy quân sự TP Thanh Hóa điều động 3 trung đội dân quân tự vệ tăng cường về xã Thiệu Dương, Thiệu Khánh và phường Đông Hải để thực hiện công tác di dân vùng bị ngập lụt.
Nhiều điểm ở TP Thanh Hoá bị ngập sâu trong nước. (Ảnh: Báo Thanh Hoá)
Theo ông Xuân, tính đến 4h sáng 18/8, TP đã di dời 1.708 hộ với 6.354 nhân khẩu ở các xã Thiệu Dương, Thiệu Khánh, Hoằng Lý, Hoằng Anh... Phần lớn các hộ di dời vào nhà người thân phía trong đê, số còn lại được di dời về vị trí an toàn theo phương án sơ tán đã được phê duyệt. UBND các phường, xã đã chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết đảm bảo sinh hoạt cho các hộ sơ tán. Trong đó, đa số tài sản của các hộ dân như ô tô, xe máy, gia súc, gia cầm...cũng được di chuyển về địa điểm an toàn.
Video đang HOT
Theo ghi nhận, sáng 18/8, tại 7 thôn của xã (Thiệu Dương, TP. Thanh Hóa) diễn ra tình trạng ngập nặng, có những hộ ngập sâu đến 2m.
Lực lượng chức năng lập chốt chặn, hướng dẫn người dân tránh đi vào những đoạn đường ngập lụt.
Nước lũ dâng cao nhấn chìm nhiều nhà cửa, hoa màu của người dân Thanh Hoá.
Nước ngập sâu đến ngang ngực người lớn ở xã Thiệu Dương, TP Thanh Hoá. (Ảnh: Báo Giao thông)
Lực lượng bộ đội giúp người dân di chuyển đồ đạc khỏi vùng ngập lụt.
Hiện tại, ngoài TP Thanh Hóa, một số địa phương như Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Yên Định, Bá Thước, Cẩm Thủy... cũng xảy ra tình trạng ngập úng do mưa và thủy điện xả lũ. Ở một số huyện miền núi như Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn... nhiều điểm giao thông bị ách tắc do sạt lở đất.
Báo Thanh Hoá đưa tin, tại huyện Mường Lát (Thanh Hoá), sáng 18/8, lượng mưa trên huyện Mường Lát đã giảm, vì vậy huyện tập trung triển khai công tác khắc phục hậu quả, trong đó quan trọng nhất là giải tỏa các điểm sạt lở, gây chia cắt, ách tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 15C và các tuyến đường khác.
Nhiều tuyến đường Thanh Hóa bị sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc giao thông qua khu vực.
Sạt lở đất do mưa lũ ở huyện Mường Lát, Thanh Hoá. (Ảnh: Báo Thanh Hoá)
Theo báo cáo của UBND huyện Mường Lát, tính đến sáng 18/8, huyện có trên 50 điểm sạt lở chủ yếu nằm dọc tuyến quốc lộ 15C từ Trung Lý đi thị trấn Mường Lát, quốc lộ 16C và tỉnh lộ 521E. Trong đó, nặng nhất là các xã Mường Lý (16 điểm), Nhi Sơn (15 điểm), Trung Lý (14 điểm), Pù Nhi (3 điểm), Quang Chiểu (3 điểm). Các điểm sạt lở đã gây chia cắt giao thông hoàn toàn, cô lập huyện Mường Lát với các huyện khác.
Nghệ An: Trắng đêm đưa dân khỏi vùng lũ
Theo phản ánh của Báo điện tử VOV, mưa lớn nhiều ngày khiến nước sống dân cao, lũ từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều huyện miền tây xứ Nghệ bị nhấn chìm trong nước lũ. Lực lượng công an huyện Quỳ Hợp không quản hiểm nguy vượt nước lũ tiếp cận các hộ dân bị ngập sâu.
Lực lượng công an dầm mình trong dòng nước lũ để giúp người dân sơ tán đến nơi an toàn.
Nhiều địa phương ở Nghệ An ngập sâu do mưa lũ. (Ảnh: VOV)
Tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, nước lũ nhấn chìm quốc lộ 48 khiến giao thông bị chia cắt. Lực lượng công an nỗ lực tiếp cận các hộ để giúp dân thoát khỏi vùng nguy hiểm di dời tài sản đến nơi an toàn.
Tại huyện Con Cuông, mưa lớn, thủy điện xả lũ khiến nước sông Lam dâng cao khiến nhiều hộ dân vào vùng nguy hiểm. Ngay sau đó, các chiến sĩ công an, quân đội, PCCC... tại huyện Con Cuông được huy động ngay trong đêm giúp dân di dời đến vùng an toàn.
Các chiến sĩ ngâm mình trong nước lũ trắng đêm đưa dân thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, ngập sâu.
Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An trắng đêm đưa người dân cùng đồ đạc của họ ra khỏi vùng nguy hiểm. (Ảnh: VOV)
Ông Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Huyện ủy Con Cuông trực tiếp có mặt chỉ đạo công tác di dời tài sản và người dân đến nơi an toàn. Trong quá trình làm nhiệm vụ, 2 chiến sĩ bị thương và được chuyển đến bệnh viện cấp cứu ngay sau đó. Chủ tịch UBND huyện Con Cuông sau đó đã đến thăm động viên các chiến sĩ bị thương.
Báo Nghệ An đưa tin, tại huyện Quỳ Hợp, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, mưa lớn kéo dài từ đêm 16 đến hết ngày 17/8 khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư bị nước làm ngập nặng ở tất cả các địa phương.
Bí Thư huyện uỷ Con Cuông trực tiếp xuống chỉ đạo lực lượng đưa tài sản và người dân ra khỏi vùng ngập lụt. (Ảnh: VOV)
Chủ tịch UBND huyện Con Cuông đến thăm hỏi những người bị thương khi tham gia cứu hộ trong mưa lũ. (Ảnh: VOV)
Trong lúc các lực lượng đang giúp dân tại xã Nghĩa Xuân di dân thì nhận được tin báo có 6 người mắc kẹt trong mưa lũ. Lúc này, chính quyền 2 xã Châu Đình, Tam Hợp phân bố lực lượng cứu hộ, cứu nạn tới hiện trường triển khai công tác cứu hộ ban đầu.
Ngay sau đó, lãnh đạo huyện Quỳ Hợp chỉ đạo lực lượng quân sự, công an điều động hàng trăm chiến sỹ và xuồng chuyên dụng, tiến vào khu vực nước sâu bị cô lập, giải cứu 6 nạn nhân bị mắc kẹt.
Trong 6 người bị mắc kẹt không thể ra ngoài có 4 người dân ở bản Thịnh, xã Châu Đình và 2 người ở xóm Vặc, xã Tam Hợp.
Ngay trong buổi chiều 17/8, lực lượng chức năng đưa được cả 6 người ra khỏi vùng bị cô lập an toàn. Các nạn nhân trên cho biết, khi đi làm về qua khu vực này gặp phải mưa lớn nên vào quán để trú, tuy nhiên, càng lúc nước ngập càng sâu, lại chảy xiết nên họ lo lắng gọi điện cầu cứu. Cùng ngày, lực lượng phòng chống lụt bão huyện Quỳ Hợp đã sơ tán 130 hộ đến nơi an toàn.
Sáng 18/8, tranh thủ tạnh mưa, nước rút, lực lượng dân quân, công an ở các địa phương ở Quỳ Hợp tiếp tục giúp đỡ bà con khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống.
3 người ở Sơn La chết do mưa lũ
Ngày 18/8, trả lời trên Báo Xây dựng, ông Phạm Đức Chính - Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu (Sơn La) cho biết, năm nay, thời tiết khắc nghiệt khiến mưa lũ kéo dài, gây thiệt hại cho người dân tại huyện Mộc Châu khá nặng nề. Liên tiếp các trận mưa lũ kéo về làm hàng trăm ngôi nhà của người dân bị ảnh hưởng.
Chiều 17/8, tại tiểu khu 66, thị trấn nông trường Mộc Châu, cháu Trần Đức H, (con anh Trần Đức K) khi đi xe đạp điện theo QL6 qua đoạn nước ngập thì bất chợt lũ tràn tới khiến cháu ngã xuống cống nước và bị nước lũ cuốn trôi thiệt mạng.
Sạt lở đất do mưa lũ ở tỉnh Sơn La. (Ảnh: Báo Xây dựng)
Sau khi nghe tin người dân gặp nạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu xuống thăm hỏi và chia buồn cùng với gia đình, hỗ trợ cho gia đình nạn nhân số tiền là 5 triệu đồng. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể cũng như chính quyền cấp cơ sở đã đến chia buồn và giúp đỡ gia đình trong lúc khốn khó.
Cũng theo ông Chính, mưa bão kéo về làm gãy cột điện khiến toàn bộ 2 thị trấn tại huyện Mộc Châu bị mất điện kéo dài. Ngành Điện lực đang cố gắng khắc phục 1 cách nhanh nhất nhằm giúp bà con ổn định cuộc sống.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện, mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất tại nhiều điểm trên QL6 đoạn qua xã Chiềng Hắc và QL43 đoạn qua các xã Nà Mường, Quy Hướng.
Quốc lộ 43 đoạn qua xã Nà Mường - Quy Hướng và từ xã Quy Hướng đến bến phà Vạn Yên đang có nhiều điểm sạt lở đất lớn làm ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người dân.
Hiện, huyện Mộc Châu đang chỉ đạo các xã nhanh chóng di dời người dân trong diện có nguy cơ sạt lở và chỉ đạo các cấp, các ngành của huyện thống kê thiệt hại, huy động các phương tiện và lực lượng theo phương châm "4 tại chỗ" khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Sơn La thống kê, mưa lũ đã cuốn trôi chị Mùi Thị Uyên (SN 1989, bản Tây Tà Lào, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, đã chết) và anh Vì Văn An (SN 1976, ở bản Nà Din, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, mất tích).
Mưa lũ làm sập đổ hoàn toàn 1 nhà và 2 nhà bị ảnh hưởng ở huyện Thuận Châu; gây ngập úng, vùi lấp, cuốn trôi gần 10.000m2 ruộng lúa mùa và 400m2 ao cá ở bản Tây Tà Lào, xã Tân Xuân (Vân Hồ) và gần 130ha lúa mùa ở huyện Thuận Châu bị gập úng, cuốn trôi; làm nghiêng trụ cầu treo ở bản Liềng, xã Púng Bánh (Sốp Cộp).
Mưa lớn còn gây sạt lở, ngập lụt và ách tắc giao thông 28 điểm trên các tuyến QL37, 43, 4G và các tuyến đường tỉnh gồm: 114, 112, 108, 109, 110, 112.
Ngay khi xảy ra thiên tai, Thường trực UBND, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã kiểm tra thực tế và thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn; chỉ đạo công tác tìm kiếm người mất tích; huy động động máy móc khắc phục bước I các tuyến đường; tăng cường giữ gìn an ninh trật tự vùng thiên tai và tiếp tục thống kê thiệt hại.
Cũng theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Sơn La, tại huyện Bắc Yên, mưa to kéo dài gây sạt lở hàng nghìn m đất, đá tại Km 406 680 (QL37) thuộc xã Phiêng Ban làm tắc đường nhiều lần. Đơn vị thi công Hạt 2-37 thuộc Cty CP quản lý sửa chữa và xây dựng công trình giao thông 2 Sơn La đã cử công nhân trực 2 đầu đường phân luồng giao thông và huy động máy móc san gạt đất, đá để thông đường.
Tại Km 8 300 tuyến đường Tà Xùa - Háng Đồng, thuộc bản Háng Bla, xã Háng Đồng cũng sạt lở đất đá, gây ách tắc giao thông, Cty TNHH MTV xây dựng Minh Sùng (Bắc Yên) đã huy động máy móc khẩn trương khắc phục, tuy nhiên mới chỉ thông tuyến tạm thời cho xe máy qua lại. UBND huyện Bắc Yên cũng như Sở Giao thông Vận tải khuyến cáo người dân nên hạn chế đi lại bằng ô tô lên khu vực dãy núi Tà Xùa để tránh rủi ro, tai nạn...
Yên Bái: Ngập úng và sạt lở nhiều nơi
Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4, trong hai ngày qua, một số địa phương tại tỉnh có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to gây ngập úng nhiều nơi.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ có 18 hộ dân ở xã Nghĩa Lợi bị ngập, phải di dời người và tài sản, hơn 4ha lúa bị ngập lụt. Mưa lũ cũng gây sạt lở hơn 250m kè suối Thia, một số tuyến đường và khu dân cư tại huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ cũng bị ngập úng.
Ngoài ra, trên tỉnh lộ 174 đi từ thị xã Nghĩa Lộ đến huyện Trạm Tấu, mưa lớn làm sạt lở đất đá, gây ách tắc đường tại nhiều điểm, đặc biệt là từ km21 đến km 27, các phương tiện di chuyển qua đây rất khó khăn và nguy hiểm.
Hiện nay, trời ngớt mưa, các địa phương đang tích cực giúp đỡ nhân dân ổn định lại cuộc sống, tập trung nhân lực và phương tiện thông tuyến tỉnh lộ 174.
Đường phố Thái Nguyên ngập cục bộ
Trận mưa lớn kéo dài vào sáng 17/8 khiến nhiều tuyến đường của TP Thái Nguyên bị ngập úng nghiêm trọng, có nơi mực nước lên tới 40 - 50cm, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân cũng như các phương tiện.
Theo tìm hiểu và quan sát, tuyến đường bị ngập sâu nhất sau trận mưa là đường Lê Qúy Đôn, có chỗ ngập tới 50cm khiến nhiều phương tiện qua lại bị chết máy và không thể di chuyển tiếp được. Khu vực ngã tư Hoàng Văn Thụ - Minh Cầu và khu vực cổng bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cũng bị ngập úng nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông cục bộ.
Nhiều tuyến đường ở TP Thái Nguyên bị ngập cục bộ do mưa lớn. (Ảnh: Báo Công lý và Xã hội)
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4 và ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão có thể xảy ra, ngay trong ngày 17/8 Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên có buổi họp khẩn cấp dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh về việc chủ động phòng tránh và ứng phó với diễn biến của mưa lũ, lũ quét, sạt lở cũng như các tình huống bất thường nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản.
(tổng hợp)
Theo VTC
Thanh Hóa: Hàng nghìn hộ dân phải di dời do nước lũ lên cao Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có mưa lớn, thủy điện xã lũ khiến hàng nghìn hộ dân phải di dời do nước lũ lên cao. Theo ghi nhận của PV, trưa ngày 18/08 tại xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) có hơn 2200 hộ với trên 7.100 nhân khẩu phải di dời...