Tìm sinh kế mới cho nông hộ trắng tay sau dịch tả lợn châu Phi
Ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng, bên cạnh việc đẩy nhanh tái cơ cấu đàn lợn thì chuyển sang nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ cũng là một giải pháp.
Chúng ta đang tìm sinh kế mới cho người nuôi lợn sau khi bị dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tấn công. Tuy nhiên đối tượng thiệt hại chủ yếu là những nông hộ nhỏ lẻ, với tiềm lực kinh tế có hạn, việc chuyển đổi sang chăn nuôi trâu bò đối với họ liệu có dễ dàng?
- Tôi cho rằng, việc chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi gia súc ăn cỏ, hay gia cầm là một chủ trương lớn, không phải chỉ khi xảy ra DTLCP mới tính đến mà đây cũng là giải pháp nhằm tái cấu trúc ngành chăn nuôi, góp phần làm giảm áp lực đối với chăn nuôi lợn khi ngành này đang chiếm tới 70% cơ cấu ngành.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các đại biểu thăm mô hình chăn nuôi bò tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì. Ảnh: T.L
Đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ cũng góp phần đa dạng hóa nguồn thực phẩm, giảm áp lực lên ngành hàng thịt lợn, tận dụng được đa dạng sinh thái của các vùng khí hậu, địa lý của Việt Nam và đặc biệt là tận dụng được nguồn phế phụ phẩm như rơm rạ, thân cây ngô, mía, các loại cỏ… Trước đây những phế phụ phẩm này chúng ta bỏ phí, thì nay có thể tận dụng cho trâu bò ăn để tạo ra sản phẩm thịt, sữa.
Ở vùng nông thôn hiện nay, nhất là ở những vùng vừa bị thiệt hại bởi DTLCP, nếu có khuyên người ta chăn nuôi lợn thì chúng tôi cũng chưa dám khuyên vì rõ ràng dịch đang còn diễn biến phức tạp, chưa phải là thời điểm để tái đàn, nguồn virus DTLCP vẫn còn tồn lưu trong môi trường. Vậy thì lúc này, những người có điều kiện có thể chuyển ngay sang chăn nuôi trâu bò.
Tuy nhiên nếu nuôi trâu bò, bắt buộc bà con phải có liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ trở thành hạt nhân của mối liên kết, lo những việc mà nông dân không làm được, hoặc làm yếu như nguồn vốn, con giống, quy trình chăn nuôi, công nghệ, đầu ra. Còn người chăn nuôi chỉ tổ chức chăn nuôi, phát triển đàn… Ví dụ như tỉnh Thái Bình, hay TP.Hà Nội có rất nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi bò thịt, bò sữa.
Video đang HOT
Tuy nhiên, nhiều người vừa bị DTLCP làm cho trắng tay, họ đâu còn sức, còn vốn để đầu tư nuôi trâu, bò?
- Để người dân làm được ngay, phải có chính sách, cái này tỉnh phải ban hành, hướng dẫn, xây dựng quy hoạch cụ thể. Thứ hai, chúng ta phải có ưu đãi về tín dụng để người nông dân có vốn mua bò. Hiện nay, một con bò giống sinh sản giá khoảng 30 triệu đồng, vậy thì chính sách tín dụng phải tạo điều kiện nhất định để nông dân mua bò sinh sản, từ đó dần dần phát triển đàn.
Về nguồn thức ăn, bà con nông dân có thể tận dụng nguồn phế phụ phẩm từ rơm rạ, thân cây ngô, bã mía, hoặc trồng xen thêm các loại cỏ, ngô ở những diện tích đất phù hợp để có thức ăn nuôi vỗ béo đàn bò.
DTLCP chủ yếu xảy ra ở nông hộ nhỏ, vậy làm thế nào để những hộ nuôi trâu, bò không còn là hộ nhỏ lẻ nữa, nhằm giảm rủi ro giống như đối với con lợn thời gian qua?
- Chắc chắn nuôi bò sữa, bò thịt phải làm theo chuỗi thì mới có thể phát triển bền vững, đem lại lợi nhuận. Bán con gà, con lợn thì dễ, nhưng bán con bò, con trâu khó hơn, nhất là bò sữa. Nếu không tham gia chuỗi, chăn nuôi riêng lẻ thì sẽ khó tránh được cảnh bò nuôi lớn mà không bán được. Các hộ nông dân có thể tự liên kết với nhau, hoặc thông qua HTX để liên kết với doanh nghiệp, trở thành một mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Làm được điều này thì mới bền vững về mặt kinh tế – xã hội, đặc biệt là môi trường.
Bây giờ nuôi trâu, bò, lợn hay gia cầm đều cần áp dụng đệm lót sinh học để xử lý phân, nước tiểu của vật nuôi. Đệm lót sinh học sẽ trở thành nguồn phân bón giàu dinh dưỡng dùng bón cho cỏ, cây trồng, gần như không phải bỏ đi thứ gì. Như vậy trong mô hình nông nghiệp tuần hoàn, đầu ra của cái này lại trở thành đầu vào của cái kia, góp phần giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi, tăng lợi nhuận.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Gia cầm nối đuôi nhau chờ... xuất ngoại
Những lô hàng thịt gia cầm được xuất khẩu sang Nhật Bản với số lượng ngày càng tăng trong những tháng đầu năm 2019 cho thấy, nếu được đầu tư bài bản, tổ chức sản xuất nghiêm túc, dư địa phát triển của ngành chăn nuôi gia cầm còn rộng mở.
Đẩy mạnh xuất khẩu
Chia sẻ với báo chí bên lề hội nghị bàn giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm tổ chức mới đây tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Ngành chăn nuôi gia cầm đang có dư địa rất lớn để phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, có thể nguồn cung chưa thể đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường trong một thời điểm nhất định. Đó là chưa kể, nhu cầu của thị trường thế giới về thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm cũng ngày càng tăng.
Chăn nuôi gia cầm còn nhiều dư địa để phát triển. Ảnh: I.T
Theo ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), trong năm 2018, Cục Thú y đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm gia cầm xuất khẩu, gửi hồ sơ đăng ký xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang các nước theo yêu cầu của cơ quan thú y theo thẩm quyền của nước nhập khẩu.
Theo đó, Nhật Bản đã chính thức cho phép 2 công ty của Việt Nam là Koyu&Unitek và Công ty CP Hà Nội được xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến vào thị trường này. Tính đến cuối năm 2018, Koyu&Unitek đã xuất khẩu được 171 lô thịt gà chế biến sang Nhật Bản với tổng khối lượng 1.500 tấn, trị giá 6 triệu USD.
Từ đầu năm 2019 đến nay, số lượng xuất khẩu sang Nhật của công ty này đạt 150 tấn thịt gà chế biến/tháng. Công ty CP Hà Nội dự kiến đưa chuyến hàng đầu tiên sang Nhật vào quý II/2019.
Tổng sản lượng thịt gia cầm và sản phẩm gia cầm xuất khẩu năm 2018 của cả nước đạt 25.762 tấn, tăng tới 124% so với năm 2017.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, ngành thịt gia cầm có thể xác định các thị trường mục tiêu là: Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines; thị trường tiềm năng là: Ả rập Saudi, Nam Phi, UAE... Xuất khẩu gia cầm toàn cầu năm 2019 được dự báo sẽ tăng 3%, đạt mức 11,6 triệu tấn, trong đó, nhu cầu của Trung Quốc sẽ gia tăng vượt trội so với sản xuất trong nước. Dự báo nhập khẩu gia cầm của Trung Quốc sẽ tăng trưởng vượt mức 70% trong năm 2019.
Tiếp tục cải thiện năng lực sản xuất
Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đạt được thành quả đó là do Việt Nam đang sở hữu một bộ giống gia cầm rất phong phú, đa dạng, có năng suất và chất lượng cao, gồm các giống gia cầm siêu thịt, các giống gia cầm siêu trứng, kiêm dụng, các giống gia cầm từ nguồn nhập ngoại, nguồn gen quý trong nước và chọn tạo ra các dòng giống mới.
Đồng thời, chăn nuôi gia cầm đã tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến cả về con giống và trang thiết bị, đã coi khoa học công nghệ là động lực phát triển, là lực lượng sản xuất quan trọng, đã có được những bước đột phá trong khoa học công nghệ để cho ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị cao có tính cạnh tranh trên thị trường.
"Đã có nhiều thay đổi về phương thức nuôi, chất lượng con giống và sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp một cách hợp lý hơn, có nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất có hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này một cách bài bản và đã có những sản phẩm gia cầm có lợi thế, xuất khẩu đi một số nước" - ông Trọng nói.
Dù vậy, ông Trọng cũng thừa nhận, ngành chăn nuôi gia cầm vẫn còn nhiều tồn tại như chưa có hệ thống đồng bộ quản lý nhà nước về giống vật nuôi từ Trung ương đến địa phương; đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về giống vật nuôi còn thiếu, yếu, chưa được giao trách nhiệm cụ thể; hệ thống văn bản phục vụ cho quản lý nhà nước về giống vật nuôi còn thiếu hoặc không còn phù hợp.
Vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh giống được xây dựng tự phát, không đăng ký, nhân giống và sản xuất giống không theo hệ thống giống, không được kiểm tra, kiểm soát.
Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa, chiếm lĩnh được những thị trường khó tính, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần phát triển các chuỗi sản xuất khép kín, hướng đến các mô hình trang trại thay vì nông hộ như hiện nay; phát triển các sản phẩm chế biến nhằm tránh các rào cản đối với các quốc gia có hàng rào kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm cao; tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng nhận chất lượng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã có sản phẩm gia cầm đi các thị trường thế giới mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm...
Theo Danviet
Cục Chăn nuôi: "Làm theo chuỗi không phải là bỏ rơi nông dân" Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, nhất là chăn nuôi lợn và không để nông dân, nông hộ bị bỏ lại phía sau, trong thời gian tới chúng ta cần tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết, trong đó các doanh nghiệp (DN) phải là đầu tàu... Đó là quan điểm của ông Nguyễn Xuân Dương (ảnh) - quyền...