Tìm niềm tin nơi doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục đỏ sàn vào phiên cuối tuần, mặc cho những dự báo tích cực về nền kinh tế 2018 liên tục được đưa ra bởi các cơ quan chức năng.
So với thời điểm cuối năm 2017, VN-Index đang có mức tăng trưởng âm 3,5% (984 điểm so với 950 điểm hiện tại).
Trong khi đó, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm nay, theo thông báo của Tổng cục Thống kê, đạt 6,98% và cả năm có thể cao hơn mức tăng trưởng năm ngoái (6,81%) theo nhiều dự báo.
Sự chuyển động ngược dòng giữa nền kinh tế và TTCK một lần nữa cho thấy, TTCK không có quy luật. Các chuyên gia đã đưa ra nhiều kiến giải lý do TTCK giảm sâu.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong báo cáo mới đây về tình hình TTCK gửi Bộ Tài chính và Chính phủ đã phân tích 6 nguyên nhân dẫn đến việc TTCK chìm trong sắc đỏ, trong đó chủ yếu đến từ các yếu tố khách quan, như căng thẳng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao, khả năng giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, hay xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của một số ngân hàng trung ương trên thế giới…
Cũng vì những mối lo này mà TTCK toàn cầu suy giảm, trong đó TTCK Việt Nam phản ứng cùng xu hướng với toàn cầu.
Nhưng ở một góc nhìn khác, nếu tạm để sang một bên các nguyên nhân khách quan, liệu có lý do chủ quan nào khiến TTCK Việt Nam lệch nhịp với tăng trưởng của nền kinh tế?
Về điểm này, một số ý kiến cho rằng, điểm yếu và thiếu nhất của TTCK Việt Nam là niềm tin đầu tư.
Sân chơi chứng khoán đến thời điểm này vẫn chủ yếu là của các nhà đầu tư cá nhân với phong cách lướt sóng kiếm tìm lợi nhuận ngắn hạn.
Có những giai đoạn, TTCK bùng phát tăng quá nhanh so với đà tăng trưởng của nền kinh tế, cũng có những giai đoạn TTCK bi quan, rơi quá sâu, trong khi nền kinh tế chung không có diễn biến xấu bất thường.
Khi thiếu vắng niềm tin, đám đông hành động theo tâm lý và chỉ số chứng khoán cứ phập phù chuyển động, bất chấp mọi dự đoán chuyên gia, phân tích dựa trên các mô hình tiên tiến, cũng khó dự báo chính xác đà chuyển động này.
Video đang HOT
Nếu niềm tin đầu tư là một khái niệm chỉ điểm yếu chung của thị trường, thì với nhà đầu tư, nên hành xử thế nào cho giảm thiểu sự chơi vơi trong môi trường như thế?
20 năm xây dựng TTCK, đã có 2,1 triệu tài khoản đầu tư được mở, trong đó có hàng vạn nhà đầu tư đam mê chứng khoán như một nghề nghiệp thực thụ.
Họ bám sàn, kiếm sống trên thị trường, sống với từng nhịp thở của chỉ số và trụ lại trong đầu tư chứng khoán. Với các nhà đầu tư này, tìm niềm tin nơi thị trường không phải là câu chuyện quan trọng nhất, mà tìm niềm tin nơi doanh nghiệp (DN) mới chính là cách giúp họ trụ lại trong khó khăn.
3 năm gần đây, TTCK Việt Nam có sự tăng mạnh về quy mô vốn hóa. ây là một kết quả không thể phủ nhận khi các DN đại chúng, DN cổ phần hóa, DN sau chào bán cổ phần ra công chúng… đều phải thực hiện nghĩa vụ lên sàn.
Ở mức quy mô vốn hóa 180 tỷ USD, TTCK Việt Nam có tới 740 DN niêm yết. Gần 40 DN trong số đó có vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng, trong đó có 7 DN vốn hóa rất lớn, trên 100.000 tỷ đồng (VHM, VIC, VNM, VCB, GAS, SAB, BID).
Trong một thị trường đa dạng về hàng hóa, cơ hội chọn lựa rót vốn cũng đa dạng theo. Nhưng làm thế nào để tìm được DN đáng tin trong đầu tư chứng khoán?
Bên cạnh việc các DN cần thực thi công tác IR và nhà đầu tư cần trau dồi khả năng nhận diện giá trị DN, thị trường xuất hiện một số nỗ lực mới, góp sức cho các bên “nhìn thấy nhau”.
Theo dự kiến, ngày 2/11, Lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu 2018 sẽ được tổ chức tại TP. HCM. Năm 2018 là năm đầu tiên Cuộc bình chọn DN niêm yết được thực hiện (trên cơ sở nâng cấp từ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên hàng năm) với dự kiến, qua từng năm, Cuộc bình chọn sẽ nâng dần tiêu chí đánh giá DN, nhằm chọn ra những điển hình minh bạch, quản trị hiệu quả và phát triển bền vững, giúp gắn kết niềm tin thị trường.
Người quan sát
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Chính sách mới sẽ thúc đẩy vốn ngoại vào Việt Nam
Dự án Luật Chứng khoán sửa đổi được xây dựng trên tinh thần chú trọng tạo dựng các chính sách nhằm đảm bảo cho thị trường chứng khoán (TTCK), thị trường vốn hoạt động công khai, minh bạch và bền vững hơn, đồng thời tạo môi trường thông thoáng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
TTCK Việt Nam trên sân chơi hội nhập
Sau 18 năm hình thành và phát triển, dù là thị trường non trẻ, nhưng TTCK Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực ASEAN và Đông Á. Trong 10 năm qua, quy mô của thị trường cổ phiếu đã tăng 4 lần, năm 2006 là 22% GDP, năm 2010 là 44% GDP và thời điểm hiện tại là gần 80% GDP, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 10 năm qua là 43%/năm.
Nếu vào thời điểm năm 2006, cả 2 sở giao dịch chứng khoán chỉ có 192 doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch, thì đến nay, thị trường có 1.467 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên 2 sở. TTCK Việt Nam hiện có gần 30 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế khác nhau đã tham gia TTCK như Vinamilk, Vingroup, Novaland, Sabeco, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Petrolimex, VPBank và mới đây, sàn chứng khoán Việt đón nhiều tên tuổi lớn khác như Techcombank, Vinhomes... Những doanh nghiệp lớn lên sàn chứng khoán giúp TTCK Việt Nam tăng giá trị vốn hóa, tăng vị thế thị trường trong khu vực và tăng sức cạnh tranh thu hút vốn trên trường quốc tế.
Cùng với sự lớn mạnh về quy mô thị trường, việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, tiếp tục góp sức phát triển thị trường vốn Việt Nam được xác định là một nhiệm vụ quan trọng. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, bên cạnh việc triển khai xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi, đảm bảo cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch và bền vững hơn, tạo môi trường thông thoáng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, thì công tác nâng hạng TTCK Việt Nam cũng được nhà quản lý đặc biệt quan tâm, với mong muốn các chủ thể cùng góp sức nâng hạng thị trường.
Trên trường quốc tế, các TTCK về cơ bản được phân loại làm 3 nhóm là nhóm thị trường phát triển (Developed Markets) - được cho là có độ mở lớn nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài; nhóm thị trường mới nổi (Emerging Markets) và nhóm thị trường cận biên (Frontier Markets). Trong báo cáo xếp hạng mới nhất của MSCI (tổ chức uy tín trong lĩnh vực cung cấp các công cụ phân tích thị trường tài chính và xây dựng các chỉ số tham chiếu cho các nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu để đo lường hiệu quả hoạt động đầu tư) công bố tháng 6/2018, TTCK Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các thị trường cận biên và tiến sát tới các thị trường mới nổi.
So sánh với các tiêu chí của thị trường mới nổi, TTCK Việt Nam thực tế đã đạt được nhiều tiêu chuẩn mà MSCI đưa ra về mặt định lượng. Cụ thể, với hàng loạt doanh nghiệp tỷ USD trên sàn, TTCK Việt Nam có đủ số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xếp hạng của MSCI như Vinamilk, Vingroup, Masan, Hòa Phát..., xét trên giá trị vốn hóa và thanh khoản cổ phiếu trên thị trường. Tuy nhiên, để được nâng hạng và tăng sức hấp dẫn dòng vốn quốc tế chảy vào TTCK thì còn một số tiêu chí định tính mà Việt Nam cần phải hoàn thiện. Đây là điều mà riêng ngành chứng khoán không tự giải quyết được, cần có sự phối hợp ở cấp cao hơn.
Tại nhiều diễn đàn đầu tư tổ chức những năm gần đây, Nhóm công tác thị trường vốn thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đã nêu quan điểm, nhà đầu tư nước ngoài cần một quy định rõ ràng, chi tiết về tỷ lệ tham gia sở hữu và các quyền bình đẳng khi rót vốn vào doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là điểm MSCI chọn làm căn cứ đánh giá để xem xét việc nâng hạng TTCK Việt Nam.
Cùng với đó, môi trường đầu tư Việt Nam còn thiếu mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối và tổ chức luồng thông tin kết nối giữa các thị trường... Giải quyết những điểm này, lãnh đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước chia sẻ, sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xử lý phù hợp với quy định nội tại của pháp luật Việt Nam. Nếu các vấn đề chính sách được xử lý sớm, trên nền tảng TTCK Việt Nam tăng sức hấp dẫn vốn ngoại, kỳ vọng MSCI tiến hành nâng hạng vào tháng 6/2019 là có cơ sở.
Một không gian quan trọng khác trên thị trường tài chính Việt Nam là lĩnh vực bảo hiểm. Chia sẻ với các nhà đầu tư quốc tế tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tổ chức tại Hàn Quốc vào tháng 4/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, bảo hiểm là một trong các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường bảo hiểm hiện có 63 doanh nghiệp, trong đó có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2017 đạt khoảng 5,5 tỷ USD.
Trong lĩnh vực này, Việt Nam thực hiện đối xử công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước, trong đó có hệ thống các ngân hàng thương mại. Mục tiêu đặt ra là, năm 2018 hoàn thành cổ phần hóa 64 doanh nghiệp, năm 2019 hoàn thành cổ phần hóa 18 doanh nghiệp, bên cạnh việc thoái vốn nhà nước tại hàng trăm doanh nghiệp khác mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối.
Quá trình này cần có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam củng cố về nhiều mặt. "Chính phủ Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài, thông qua những hình thức như mua cổ phần, góp vốn, M&A..., sẽ tham gia làm đối tác chiến lược trong các doanh nghiệp Việt Nam, cùng hợp tác và tạo ra giá trị gia tăng cho các nền kinh tế", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Luật chơi mới sẽ rộng cửa đón vốn ngoại
Để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhất là các nhà đầu tư quốc tế tham gia thị trường vốn Việt Nam thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu, M&A các doanh nghiệp Việt và cộng lực phát triển, "luật chơi", hay nói cách khác là sự chuyển động chính sách, luôn là tâm điểm quan tâm của các thành viên thị trường. Dự ánsửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán lần này, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (5/2019) và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 (10/2019), là một cơ hội cho sự thay đổi trong tư duy đón dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp chảy vào doanh nghiệp Việt Nam.
Tiếp tục các nỗ lực phát triển TTCK Việt Nam
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Sự phát triển của TTCK trong những năm vừa qua là kết quả tổng hợp nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là sự tăng trưởng ở mức cao của GDP cũng như sự ổn định của các chỉ tiêu vĩ mô trong một khoảng thời gian khá dài, cùng với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, tạo cơ hội công bằng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực phát triển TTCK Việt Nam để tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư chuyên nghiệp, lựa chọn tham gia thị trường theo hình thức M&A.
Theo Ban soạn thảo Dự án Luật Chứng khoán sửa đổi, mục tiêu của dự án này là giải quyết các vướng mắc hiện hành với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, nâng cao thẩm quyền của cơ quan quản lý trong việc quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường; nâng cao chất lượng quản trị công ty, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường.
Riêng về chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Dự thảo Luật sẽ xử lý những vướng mắc về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp được quy định trong Luật Đầu tư, trong đó có vấn đề tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa được quy định rõ. Trên thực tế, đối với các ngành nghề kinh doanh chưa quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được đầu tư 49%.
Dự thảo Luật mới sẽ xác định rõ tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng trên TTCK Việt Nam; rà soát điều kiện, trình tự thủ tục đối với nhà đầu tư nước ngoài theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ để tạo thuận lợi cho sự chu chuyển của các dòng vốn.
Về câu hỏi mà các nhà đầu tư lớn quan tâm nhất là tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng sẽ được làm rõ như thế nào, phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dự kiến, điểm này sẽ được xác định bằng 5 phân lớp. Cụ thể, trường hợp cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, thì thực hiện theo cam kết quốc tế. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo pháp luật chuyên ngành. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nếu có quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định đó.
Ngoài ra, các ngành, nghề mà pháp luật chuyên ngành chưa quy định hoặc không quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề (mà công ty đó hoạt động) có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác.
Tính đến hết tháng 6/2018, TTCK Việt Nam có gần 2 triệu tài khoản được mở, trong đó có trên 30.000 tài khoản là của nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại đang sở hữu danh mục khoảng 36 tỷ USD đầu tư cổ phiếu, trái phiếu trên tổng số vốn hóa toàn TTCK Việt Nam là 160 tỷ USD vào thời điểm cuối tháng 6/2018. Quy mô thị trường càng lớn, sức hấp dẫn các dòng vốn chuyên nghiệp càng cao.
Tuy nhiên, làm thế nào để biến sự hấp dẫn này thành dòng chảy vốn thực tế và mọi hình thái đầu tư, nhất là đầu tư lớn qua M&A, mang lại hiệu quả cho các bên? Thị trường đang chờ đợi những tín hiệu mới từ chính sách để bước tiếp trong khát vọng đưa TTCK Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền tài chính khu vực.
Tường Vi
Theo Trí Thức Trẻ
TTCK tuần tới sẽ tiếp tục 'giằng co' Sau phiên 'ngày thứ năm hoảng loạn' 11-10, TTCK Việt Nam trải qua trọn vẹn một tuần lễ giằng co và thận trọng cao độ. Tính chung cả tuần VN-Index ghi nhận 3/5 phiên giảm điểm, đánh mất thêm 1,2% điểm số so với cuối tuần trước. Dù sao đi nữa, với mức "tụt dốc" gần 4% ở tuần trước đó thì kết...