Tìm lối ra cho cai nghiện ma túy
“ Người nghiện ma túy tràn lan”, bạn đọc báo kêu lên như vậy. Nạn hút chích, mua bán ma túy diễn ra công khai giữa đường, giữa ban ngày, các tấm ảnh do phóng viên chụp về cũng nói lên điều đó.
Dạy nghề cho các đối tượng cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân (H.Hóc Môn, TP.HCM) – Ảnh: Tiến Long
Tọa đàm về cai nghiện ma túy tại báo Tuổi Trẻ sáng 31-10-2014 – Ảnh: Tiến Long
Làm sao giảm thiểu vấn nạn này? Đó là nội dung xuyên suốt cuộc tọa đàm được Tuổi Trẻ tổ chức sáng 31-10.
Cai nghiện tập trung, cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng, trong đó có biện pháp mạnh như cách ly, biện pháp nhẹ như dùng thuốc hỗ trợ, tư vấn tâm lý… đều đã được áp dụng ở TP.HCM nhưng vẫn không làm giảm được người nghiện ma túy.
Làm thế nào để tìm ra một giải pháp khả thi cho cai nghiện ma túy? Câu hỏi này được những người làm công tác phòng chống ma túy lẫn những người nghiện thảo luận sôi nổi với những đề xuất cụ thể, xuất phát từ tình hình thực tiễn.
“TP.HCM đang đề xuất một cơ chế riêng là thành lập trung tâm cai nghiện tập trung với đầy đủ nhân lực, vật lực về y tế, tâm lý để đưa người nghiện vào đó trong giai đoạn cắt cơn, tư vấn. Hiện có thể tận dụng những cơ sở hạ tầng, con người có sẵn là đội ngũ bác sĩ tại 17 trung tâm cai nghiện của TP.”
Ông Lê Văn Tám (phó trưởng phòng quản lý cai nghiện phục hồi – Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội)
Người nghiện cần gia đình, xã hội giúp đỡ
- Ông Bùi Quang Thủy (Q.Phú Nhuận, nghiện ma túy 40 năm): Người nghiện nào cũng mong muốn cai nghiện thành công, nhưng rồi sau khi cắt cơn, sau khi cơ thể đã không còn đòi hỏi ma túy nữa thì trong óc não chúng tôi lại vẫn nhớ. Không vượt qua nổi chính mình thì tái nghiện.
Theo trải nghiệm của tôi, quan trọng nhất để cai nghiện là giải quyết vấn đề tâm lý. Người nghiện rất cần được sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng để tự kéo mình ra xa ma túy, tăng sức đề kháng tâm lý.
Các buổi sinh hoạt, tư vấn ở địa phương cũng rất có hiệu quả, khuyến khích người cai nghiện tiến bộ và giúp cộng đồng giảm kỳ thị.
- Anh Chu Thái Bảo (Q.Gò Vấp, nghiện ma túy tám năm): Tôi đang được cai nghiện bằng liệu pháp uống methadone, đồng thời được mẹ giúp đỡ, bạn bè khuyên nhủ, nên tôi tin rằng mình sẽ bỏ được ma túy. Lần cai nghiện này với tôi là lần thứ 10.
Tôi nghiện ma túy từ năm 15 tuổi. Ngày biết mình bị nghiện, tôi đã khóc và quyết tâm sẽ bỏ. Nhưng rồi không bỏ được, dù ở nhà, đến trung tâm cai nghiện dịch vụ hay lên trường cai nghiện tận trong rừng…
Hiện giờ, sáng tôi ra khỏi nhà, gặp người nghiện hút chích ngay cửa, trưa đi về gặp người bán ma túy giữa đường. Môi trường như vậy, nếu không được uống methadone, tôi chỉ có cách chích heroin.
Video đang HOT
Bằng kinh nghiệm của mình, tôi có thể nói rằng thuốc và các biện pháp hỗ trợ cắt cơn chỉ chiếm 30% trong cai nghiện thôi, phần còn lại là do tâm lý. Nhưng tâm lý cũng cần được giúp đỡ.
- Ông Trần Văn Thông (cán bộ phụ trách cai nghiện ma túy, Phòng LĐ-TB&XH Q.4): Nghiện ma túy vừa là bệnh, vừa là tệ nạn, hai mặt của vấn đề đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính tổng thể và song hành.
Ở Q.4, chúng tôi đang tăng cường các biện pháp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; khuyến khích người nghiện tự đăng ký để nâng cao ý thức, đề nghị cơ sở y tế xác định mức độ nghiện để tư vấn cụ thể, kỹ lưỡng.
Chúng tôi cũng duy trì các hoạt động câu lạc bộ, nhóm để giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, tạo sân chơi lành mạnh; thường xuyên đến thăm, tư vấn, hỗ trợ lẫn nhau.
Tôi cho rằng những hoạt động nhằm vào việc xây dựng lại cách sống cho người nghiện, ngăn chặn tái nghiện còn quan trọng hơn việc cắt cơn tập trung.
Ông Lê Văn Tám – Ảnh: Tiến Long
Nên mở rộng sử dụng methadone
- Anh Chu Thái Bảo: Tôi xin hiến kế: công an phường, dân phòng chia nhau đến túc trực ở những địa điểm người bán ma túy và người nghiện hay tập trung. Đây là biện pháp cần thiết để hạn chế buôn bán, giảm kích thích người vừa cai nghiện.
Tôi mới được nghe về các hình thức sinh hoạt nhóm đồng đẳng ở cộng đồng. Nếu địa phương tôi ở có thành lập, tôi sẵn sàng tham gia.
Chúng tôi rất khao khát bỏ được ma túy để trở lại làm một con người đúng nghĩa, làm lại cuộc đời mình. Mọi người hãy giúp chúng tôi.
- Ông Bùi Quang Thủy: 40 năm nghiện hút, cai nghiện nhiều lần không hiệu quả nhưng nay được uống methadone, tôi rất tin tưởng. Tuy nhiên, methadone đang được tài trợ cho người cai nghiện nên phạm vi áp dụng còn hẹp.
Tôi đề nghị hãy mở rộng việc sử dụng methadone và các loại thuốc thay thế khác để nhiều người nghiện có thể tiếp cận và có thêm cơ hội cai nghiện.
- Ông Lê Văn Tám (phó trưởng phòng quản lý cai nghiện phục hồi – Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội): Việc cai nghiện được hay không chính do ở bản thân mình. Tự bản thân anh em không quyết tâm thì không ai giúp được.
Còn nói về phía các cơ quan chức năng, tôi xin khẳng định rằng việc hỗ trợ cai nghiện ma túy là một quá trình dài cần nhiều biện pháp phối hợp. Chủ trương mới, luật mới của chúng ta quy định lần lượt ba biện pháp cai nghiện:
1 – Cai nghiện tự nguyện tại nhà hay cơ sở y tế từ 3-6 tháng.
2 – Giáo dục tại địa phương từ 3-6 tháng.
3 – Đưa người nghiện vào cơ sở chữa bệnh tập trung.
Còn rất nhiều bất cập trong việc áp dụng ba biện pháp này: các điều kiện cơ sở về nhân viên, dịch vụ y tế, tổ tư vấn, tham vấn tâm lý chưa đủ để thực hiện có hiệu quả cai nghiện tại cộng đồng.
Còn nhiều bất cập khi thực hiện luật mới
- Ông Nguyễn Văn Chung (viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Q.3): Chúng ta từng coi ma túy là tệ nạn xã hội nên giao cho ngành LĐ-TB&XH quản lý, nhưng luật mới thì coi người nghiện là người bệnh cần phải được điều trị.
Như vậy, đúng luật là phải giao ngành y tế chăm sóc họ, nhưng luật vẫn quy định bên tổ chức cai nghiện, lập hồ sơ trình ra tòa để đưa đi cai nghiện (theo bước ba) vẫn là ngành LĐ-TB&XH.
Điều này cho thấy ngành LĐ-TB&XH đang vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa làm hồ sơ cai nghiện, vừa quản lý các trại cai nghiện.
Tôi cho rằng các nhà làm luật đã hết sức vội vàng khi xây dựng quy trình xử lý cai nghiện. Chúng ta chưa chuẩn bị được hạ tầng: ngay từ đầu để xác định người nghiện cần phải có bác sĩ chuyên môn.
Bác sĩ chuyên môn là những ai? Ai được cấp giấy chứng nhận? Rõ ràng là chưa có ai. Vấn đề người nghiện của TP đang dừng lại ở đây và đang bế tắc.
Việc lập hồ sơ đưa đi cai nghiện cũng quá nhiêu khê với 29 biểu mẫu do Bộ Tư pháp triển khai. Giấy tờ nhiều quá, ai sẽ làm? Công an hay ngành LĐ-TB&XH? Hiện vẫn chưa tập huấn, chưa vận hành.
Luật xác định với những người lang thang, không nơi cư trú hợp pháp, sẽ giao cho tổ chức xã hội trong thời hạn 30 ngày trước khi trả về địa phương để thực hiện cai nghiện tại cộng đồng.
Vấn đề ở đây là tổ chức xã hội nào? Ở TP.HCM có 12.000 người nghiện không có hộ khẩu. 12.000 người này sẽ giao cho tổ chức nào, kinh phí ở đâu? Đó là chưa kể quy định đưa họ về địa phương là vi phạm Luật cư trú.
Chúng ta coi người nghiện là người bệnh để tăng nhân quyền, nhưng lại xảy ra việc phân biệt đối xử khi người nghiện có hộ khẩu hay KT3 ở TP.HCM thì được uống methadone, người khác thì không được. Như vậy là không thể xử lý được cái gốc.
Trước đây, một buổi ngành LĐ-TB&XH xét được 20 hồ sơ đưa người đi cai nghiện nhưng nếu đưa qua tòa thì ông thẩm phán nào xét được 20 hồ sơ một buổi? Có thể nói từ luật, quy định tới thực hiện còn rất “vênh”.
Tại sao lại có tình trạng người nghiện ma túy tràn lan? Ví dụ ở Q.3 có khoảng 500 người sử dụng ma túy thì chưa đầy 20 công an trong đội phòng chống ma túy. Mà họ còn phải đi làm án chứ không phải chỉ lập hồ sơ cai nghiện.
Không để người nghiện trở thành nguồn gốc của tội phạm
Chiều 31-10, ông Đặng Đình Luyến – phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – chủ trì cuộc họp với bộ ngành gồm: Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ LĐ-TB&XH để xem xét các kiến nghị của TP.HCM về việc thí điểm mô hình “cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý” cho người nghiện ma túy trong khi chờ phán quyết của tòa án.
Ông Huỳnh Thành Lập, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, trình bày lại các vấn đề mà TP.HCM kiến nghị.
Ông Lập nói TP.HCM có ba vấn đề cần giải quyết: Thứ nhất, việc hút chích công khai sẽ chấm dứt, không để người nghiện ngang nhiên thách thức chính quyền, thách thức xã hội.
Thứ hai, không để người nghiện trở thành nguồn tội phạm, nguồn lôi kéo gia tăng người nghiện mới.
Thứ ba, đề nghị các cơ quan chức năng trung ương chỉ rõ cho TP “địa chỉ để quản lý” người nghiện trong thời gian làm thủ tục có phán quyết của tòa án.
Địa chỉ này có thể là Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh… nhằm giúp TP xúc tiến việc tiếp nhận người nghiện trong thời gian chờ thủ tục.
Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan trung ương đều chia sẻ những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý người nghiện của TP.HCM trong bối cảnh người nghiện ma túy tăng cao, đồng thời lắng nghe tất cả giải pháp, phương án mà TP đề xuất để báo cáo, nghiên cứu và chọn ra giải pháp hợp lý nhất.
Theo Tuổi Trẻ
Kiến nghị đưa ngay người nghiện vào trung tâm
Đoàn ĐBQH TP.HCM vừa có bản kiến nghị trình lên QH cho phép TP.HCM khẩn cấp áp dụng giải pháp tình thế để giúp người nghiện đi cai.
Xung quanh vấn đề này, Thanh Niên đã trao đổi thêm với ông Huỳnh Ngọc Ánh (ảnh), ĐBQH, Phó chánh án TAND TP.HCM.
Ảnh: Trường Sơn
Người dân TP.HCM vô cùng bất an và lo lắng trước tình trạng người nghiện tiêm chích ma túy công khai nơi công cộng. Cá nhân ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Người dân bất an và lo lắng là thực tế. Việc quản lý người nghiện hiện nay của chúng ta còn nhiều bất cập. Khi Nghị quyết 16 của QH (về thực hiện đề án "Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện" ở TP.HCM - PV) không thực hiện nữa, chúng ta chuyển sang thực hiện luật Xử lý vi phạm hành chính, thì muốn đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung buộc phải có quyết định của tòa án. Tuy nhiên, quy trình rườm rà, thủ tục quá phức tạp dẫn đến thực trạng là trong thời gian vừa qua số người nghiện ma túy nhiều nhưng số người đi cai nghiện tập trung thì không đáng kể, dường như không có trường hợp nào do bị ràng buộc thủ tục.
Người nghiện ở TP phần đông là người tứ xứ, nay đây mai đó, không có chỗ ở ổn định. Ngay cả những người nghiện có hộ khẩu tại TP cũng không ở ổn định tại một địa chỉ nào nên hết sức khó khăn trong việc quản lý, hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng. Người dân, báo chí cũng đã phản ánh nhiều rồi. Người nghiện công khai tiêm chích ma túy ở nhiều nơi công cộng. Nói tình hình xã hội bất an là có căn cứ.
Trách nhiệm trong vấn đề này thuộc về ai?
Bây giờ chưa thể nói đến vấn đề trách nhiệm thuộc về ai, bên nào được, vì khi luật mới ra đời đã thay đổi hoàn toàn tư duy trước đây của chúng ta về việc xử lý người nghiện. Tác động đến quyền con người thì phải làm đúng luật, đúng Hiến pháp. Còn những văn bản, thông tư ra đời chưa kịp để thực thi luật thì bây giờ chúng ta phải làm cho kịp thời.
Vậy giải pháp tình thế nào mà TP.HCM kiến nghị để khẩn cấp giải quyết được vấn đề nhức nhối này?
Quy định của luật thì chúng ta phải chấp hành nghiêm nhưng bất cập ở chỗ thông tư, văn bản hướng dẫn để thực hiện quá chậm. Một mặt chúng ta phải thúc đẩy những bộ ngành có trách nhiệm phải ra ngay những văn bản hướng dẫn. Thứ hai là những vướng mắc do quy định dưới luật không sát với thực tế thì phải sửa đổi sớm. Nếu không thì T.Ư phải cho thực hiện một giải pháp tình thế, không chỉ dành riêng cho TP.HCM mà cho cả các tỉnh, thành khác. Đó là cần phải đưa ngay người nghiện vào trung tâm. Khi phát hiện người nghiện phải cho địa phương tập trung lại để cắt cơn nghiện, giúp họ xa rời ma túy trong lúc chờ hoàn tất thủ tục đi cai nghiện tập trung. Tôi nghĩ rằng cách làm này không trái luật, không trái với Hiến pháp, không có xâm phạm gì đến quyền công dân cả. Đây là việc chữa bệnh, cứu người thì bằng biện pháp gì tốt nhất, kịp thời nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất thì chúng ta phải làm.
Trước đây, TP.HCM đã thực hiện thành công mô hình cai nghiện tập trung. Các cơ sở cai nghiện tập trung từ mô hình này hiện vẫn còn, chỉ là do phải đợi chờ có quyết định của tòa án mà thôi. Trước mắt chưa làm được việc đó (văn bản hướng dẫn quy trình xử lý để tòa án ra quyết định cuối cùng - PV) thì chúng ta cần phải áp dụng ngay giải pháp tình thế như tôi đã nói. Nếu để kéo dài tình trạng như hiện nay thì đe dọa đến tài sản, tính mạng người dân; gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Theo TNO
Trèo tường trốn khỏi trại cai nghiện... tìm gặp nhà báo Bỗng dưng tôi nhận được điện thoại của một người đang "trả lệnh" cai nghiện ma tuý bắt buộc ở Trại cai nghiện tỉnh Thái Nguyên. "Tôi là Nguyễn Hữu Nam mà. Nam hôm trước được các anh tặng sách ở trại cai nghiện đây!". Công văn của Chi cục Phòng chống tệ nạn tỉnh Thái Nguyên sau khi PV báo Lao động...