Tìm hương bánh khoái xưa ở quán Lạc Thiện
Nhiều người thường cho rằng, món ăn ký ức là món ngon nhất. Có thể khi cuộc sống đầy đủ người ta không còn thương nhớ quá nhiều về một món ăn; nhưng khi thiếu thốn, được thưởng thức một món ngon sẽ để lại trong bạn một ấn tượng sâu sắc. Và khi tháng ngày trôi qua, món ăn đó có nguy cơ bị mai một, thì nỗi nhớ càng bùng lên dữ dội.
1. Tôi người miền Trung, di cư vào Nam đã hơn 20 năm nay, cứ mải miết đi tìm hương vị bánh khoái xưa cũ mà mãi chưa thành hiện thực. Tại một vùng đất đa văn hóa như Sài Gòn, nơi hội tụ đầy đủ các tinh hoa ẩm thực 3 miền mà lại rất khó tìm chỗ ăn bánh khoái ngon. Bao nhiêu lần đi tìm món ăn này cũng là bấy nhiêu lần tôi hy vọng rồi lại thất vọng. Có thể người Sài Gòn đã có bánh xèo nên bánh khoái không được mặn mà đón nhận lắm. Thế nên, muốn thưởng thức bánh khoái chính hiệu chỉ có cách về lại Huế.
Gác lại nỗi lo cơm áo, tôi quyết khăn gói tìm về miền Trung. Và tất nhiên điểm dừng chân đầu tiên là quán bánh khoái Lạc Thiện nằm trong chuỗi 3 quán bánh khoái Thượng Tứ, nơi mà đến Huế ai cũng muốn ghé qua. Có thâm niên đã gần 40 năm, quán vẫn giữ nguyên phong cách phục vụ truyền thống như nhiều năm nay: chỉ có bốn bàn ở tầng trệt và ba bàn trên gác, không kê thêm, khách đến đông đành phải chờ theo thứ tự. Bếp và các nguyên liệu bày sẵn ở sảnh, nên khi chế biến khách có thể thưởng lãm và hít hà mùi thương của bánh khoái nóng.
Khuôn bánh làm bằng gang, đường kính bằng 2/3 gang tay người lớn, có cán dài cũng bằng gang để cầm cho khỏi nóng
2. Bánh khoái phải ăn nóng nên khách gọi đến đâu bánh đổ đến đó. Để có được chiếc vỏ bánh giòn rụm mà vàng ươm đi cùng hương thơm nồng nàn thì phải chọn được nguyên liệu ngon. Đầu tiên là bột gạo ngon mang xay nhuyễn, trộn theo một tỷ lệ thích hợp với nước và lòng đỏ trứng gà, thêm chút bột nghệ cho có màu vàng tươi. Khi bột tan hoàn toàn thì cho thêm nước mắm, tiêu, hành… Phần nhân gồm có chả quết, tôm tươi, mỡ lát và giá tươi. Chả quết là thịt nạc heo được giã bằng tay (dùng chày và cối to theo cách truyền thống), cùng với tôm đất được mua từ rạng sáng, vừa kéo lưới từ sông lên hãy còn nhảy tanh tách, mang về làm sạch và luộc sơ để tôm giữ nguyên vị ngọt và săn đặc trưng.
Người Huế thường dùng mỡ heo để giữ nguyên phong vị truyền thống. Do đó mỡ nước thường được dùng thay cho dầu ăn, cũng như tóp mỡ được khai thác triệt để làm nguyên liệu cho các món ngon nổi tiếng như cơm hến, bún hến, bánh bèo… Bánh khoái vì thế cũng dậy hương nhờ mỡ nước. Bên cạnh bếp luôn là hũ mỡ nước sóng sánh vàng, bên dưới có màu trắng đục do váng mỡ lắng xuống, hương thơm ngậy ngậy beo béo do được rán vừa lửa và chọn loại heo ngon.
Khuôn bánh làm bằng gang, đường kính bằng 2/3 gang tay người lớn, có cán dài cũng bằng gang bọc gỗ để cầm cho khỏi nóng. Ngày xưa bánh đổ bằng bếp lò có đun than củi, bây giờ chuyển sang bếp gas cho tiện lợi. Dù hương vị không đổi quá nhiều, cũng để lại chút tiếc nuối cho những người hoài cổ như tôi.
Rau ăn kèm bánh khoái bao gồm xà lách, ngò, quế, cải cay, dưa leo và tất nhiên không thể thiếu trái vả thái mỏng
Khi khuôn đã nóng, đầu bếp rưới lên một muỗng canh mỡ nước. Mỡ sôi già thì cho bột bánh vào. Đợi vài phút cho bánh vàng mặt ngoài thì cho nhân vào rồi nhanh chóng úp một nửa vỏ bánh sao cho có hình bán nguyệt để phần nhân tiếp tục chín. Rưới thêm mỡ và lật úp lại thêm lần nữa cho vỏ bánh vàng giòn đẹp mắt.
Trong khi chờ đổ bánh, rau và nước lèo đã được dọn lên. Rau ăn kèm bánh khoái bao gồm xà lách, ngò, quế, cải cay, dưa leo và tất nhiên không thể thiếu trái vả thái mỏng. Vả có cùng họ với sung là loại trái được trồng phổ biến ở Huế, giàu dinh dưỡng và thơm ngon nên có mặt trong hầu hết các món ngon của ẩm thực Huế. Có thể kể ngay một loạt món đặc trưng như vả hầm chân giò, vả kho thịt nạc cho phụ nữ mới sinh để lợi sữa, gỏi vả tôm thịt, vả chấm ruốc với nuốt (giống con sứa, thường có nhiều vào mùa hè) hoặc với thịt luộc …
Video đang HOT
Khi ăn, cho lần lượt rau thơm ra chén cùng 1/3 chiếc bánh khoái rồi rưới nước lèo lên trên cùng, trộn đều và thưởng thức
3. Cũng như bánh ướt thịt nướng Huyền Anh, nước lèo tại đây làm cho món bánh khoái trở nên “thượng hạng” do được pha chế bởi công thức gia truyền. Nước lèo để chấm bánh khoái thể hiện sự tỉ mỉ và tinh tế của ẩm thực Huế, là sự kết hợp của rất nhiều thành phần như gan heo, lạc (đậu phộng) rang, mè… băm nhuyễn và trộn đều với các loại gia vị. Sau đó đun sôi, cho đến khi thấy sền sệt thì tắt bếp. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng để làm được thì không hề dễ chút nào.
Khi ăn, cho lần lượt rau thơm ra chén cùng 1/3 chiếc bánh khoái rồi rưới nước lèo lên trên cùng, trộn đều và thưởng thức. Mùi thơm của tôm, thịt, trứng hòa với các vị béo, bùi, chua, cay, mặn ngọt thật đậm đà. Hoặc có thể chỉ dùng bánh khoái không để cảm nhận theo cách riêng.
Chợt nhớ đến lời dặn dò của cố nhà thơ Tạ Nghi Lễ:
“Nợ áo cơm dặm đường xa ngái
Lòng hẹn lòng tôi nhé về quê…”
Để thương nhớ nhiều những mùa gặt trải vàng gốc rạ, khi việc đồng áng xong xuôi mẹ để dành ít gạo ngon để chị em tôi ra đầu làng xay mịn, được xúm xít quanh bếp than hồng xem mẹ đổ bánh khoái…
Đồng Văn (thực hiện)
Theo Sài Gòn Ẩm Thực
List quà vặt dưới 10.000 đồng nóng hổi mùa thu
Mùa hè oi ả đã qua đi, những món ăn mát lạnh, thanh đạm tuy vẫn còn vô cùng hấp dẫn nhưng cũng chịu lép vế chút ít trước các món ăn vặt nóng hổi cực kỳ hợp để thưởng thức trong tiết thu mát mẻ.
Quà vặt phố phường có đặc điểm là rất rẻ, dùng ăn chơi chứ không để ăn no. Bởi vậy, chỉ cần một chiều rảnh rỗi, cùng bạn bè rong ruổi một vài con phố là bạn đã có thể ghé vào không chỉ một mà rất nhiều hàng quán khác nhau. Nếu "hầu bao" không quá rủng rỉnh, đừng quên ghi nhớ các món ăn vặt giá cực rẻ dưới đây trước khi bắt đầu buổi dạo chơi của bạn.
Bánh giò nóng
Bánh giò làm từ bột tẻ nên ăn không bị ngấy, nhân bánh lại vô cùng nhiều "đạm" với nào thịt, nào mộc nhĩ, hạt tiêu, hành khô. Bánh giò ăn nóng rất hấp dẫn, rất thích hợp để thưởng thức trong tiết trời mát mẻ. Một chiếc bánh giò khá đầy đặn có giá bán chung ở nhiều nơi là 10.000 đồng hoặc rẻ hơn. Nhưng đó là giá chỉ riêng cho bánh giò, nếu bạn gọi thêm các loại chả cốm, giò ăn kèm thì giá một đĩa sẽ khoảng 20.000 đồng - 25.000 đồng.
Thịt xiên nướng
Thịt xiên nướng thường được bán vào buổi chiều tại các quán nhỏ, hương thơm ngào ngạt làm rạo rực bất cứ cái dạ dày nào lúc tan tầm.Thịt nướng thường được làm từ thịt lợn, tẩm gia vị, mật ong thơm tho rồi nướng trên than củi.Là một trong những món vặt được hưởng ứng bốn mùa, bánh mỳ thịt xiên nướng giờ có mặt ở hầu khắp các cổng trường học hay khu chợ. Chỉ cần 7.000- 10.000 đồng/xiên thịt cộng thêm đôi nghìn chiếc bánh mỳ là bạn đã có bữa lót dạ vừa thơm vừa chất.
Nem chua rán
Nem chua rán luôn đắt hàng quanh năm bởi hương vị cũng như giá cả hoàn toàn phù hợp với đối tượng người trẻ. Chỉ với khoảng 5.000 đồng là bạn đã có một chiếc nem chua rán vàng ruộm, ruột hồng đào dẻo dính, ăn vừa thơm mềm, vừa giòn ngon. Tuy nhiên một chiếc nem chua rán khá nhỏ nên thông thường người bán thường bán từ 5-10 chiếc một lần gọi.
Quẩy nóng
Dù giá cả ngày một leo thang nhưng một chiếc quẩy vẫn không thể đắt hơn 5.000 đồng, một người ăn quẩy no nê cũng không thể mất quá 20.000 đồng. Tuy vậy, ngày nay tìm được một hàng quẩy nóng vô cùng hiếm hoi. Có lẽ bởi giá thành rẻ, chi phí thuê mướn vị trí lại cao nên chỉ có những gia đình đã bán quẩy nóng lâu năm là còn trụ lại với nghề. Mặc dầu vậy, tại Hà Nội bạn vẫn có thể tìm được một vài hàng quẩy nóng như ở Đại La, Trần Nhật Duật, Bách Khoa, Hàng Bông...
Bánh rán, bánh gối, bánh khoai, bánh bao chiên
Chỉ với khoảng 5.000 đồng là bạn đã có thể sở hữu một chiếc bánh rán, bánh khoai, hoặc bánh bao chiên còn nóng hổi từ một cô chủ quán ven đường nào đó. Những loại bánh này thường được bán cùng hàng quán với nhau nên chỉ cần ghé vào một quán là bạn đã tha hồ làm thỏa mãn cái bụng cồn cào bằng đủ thứ bánh quê dân dã.
Bánh gối có giá cao hơn đôi chút, khoảng 10.000 đồng một chiếc bởi kích thước bánh lớn hơn,vỏ bánh nhân bánh cũng được chăm chút kĩ càng hơn bánh bao hay bánh rán mặn. Bánh gối nóng hổi, giòn tan, thơm nức cũng là món ngon khó cưỡng trong những chiều thu nhiều gió.
Bánh xèo, nem lụi
Bánh xèo, nem lụi có gốc gác miền Trung và thường được bán kèm với nhau. Các quán bánh xèo, nem lụi giá bình dân ở Hà Nội có khá nhiều, nổi tiếng hơn cả là dãy quán trên phố Đội Cấn hay một vài hàng ở phố cổ. Giá một chiếc nem lụi khoảng 5.000 đồng, bánh xèo khoảng 10.000 đồng, chất lượng bánh và nem ở mức trung bình nhưng mức giá vô cùng cạnh tranh đã giúp cho những quán bánh xèo, nem lụi giá rẻ trở nên hút khách đặc biệt một vài năm trở lại đây.
Trứng vịt lộn, trứng cút lộn
Trứng vịt lộn hiện nay có giá chung vào khoảng 7.000 đồng một quả, nếu ăn kèm ngải cứu cũng không thể vướt quá 10.000 đồng mà lại rất thơm ngon bổ dưỡng nên được nhiều người ưa chuộng. Nhưng nếu muốn thưởng thức trứng lộn với kích thước nhỏ, bạn sẽ có thêm chọn lựa là trứng cút lộn. Trứng cút lộn giá khoảng 1.500 đồng một quả, tùy theo số lượng người mà bạn có thể gọi số lượng nhiều hay ít.
Bánh khúc
Bánh khúc hay xôi khúc vốn là món ăn mang đậm hương vị truyền thống Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng. Món ăn có sự kết hợp của rau khúc, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn tạo nên hương vị hấp dẫn, đặc biệt nếu thưởng thức trong những ngày trời se lạnh. Một chiếc bánh khúc giá khoảng 10.000 đồng, một người bình thường cũng chỉ ăn khoảng 1 chiếc là đủ no.
Ngô nướng, ngô luộc
Ngô luộc có thể bắt gặp quanh năm, nhưng ngô nướng chỉ được bán nhiều nhất vào mùa đông hoặc cuối thu. Những ngày gió mát lạnh, trong tay có bắp ngô nóng hổi, thơm nức là niềm thích thú nhỏ nhoi nhiều người mong muốn. Ngô nướng hay ngô luộc bán ở các quá vỉa hè, giá khoảng 6.000-10.000 đồng một bắp.
Theo MASK Online
[Chế biến] - Bánh khoai tẩm vừng chiên Chỉ với vài nguyên liệu đơn giản, dễ tìm bạn đã có thể làm ra mốn bánh khoai tẩm vừng chiên vàng giòn thơm ngon hấp dẫn rồi! Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau để làm bánh khoai tẩm vừng chiên: 1 quả khoai mật Bột nếp 2 muỗng canh đường Mè rang Hấp chín khoai rồi lột bỏ vỏ, nghiền...