Tìm hiệu trưởng trường tư – không dễ!
Nhiều chủ trường thừa nhận việc tìm được hiệu trưởng phù hợp rất khó. Có trường đã phải trả giá vì lựa chọn thiếu hợp lý.
Khuôn viên được đầu tư của Trường Lômônôxốp Hà Nội.
Bài học đắt giá
Là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Hệ thống giáo dục M.V Lômônôxốp, NGƯT Nguyễn Phú Cường chia sẻ từng có bài học đắt giá về việc chọn hiệu trưởng. Theo đó, cách đây khoảng 10 năm, HĐQT nhà trường chọn một hiệu trưởng vốn là cổ đông, có học vị tiến sĩ.
Nhưng người này chỉ tranh quyền lãnh đạo với Chủ tịch HĐQT mà không chú trọng việc gương mẫu; khoán trắng quản lí chuyên môn, không xây dựng được khối đoàn kết nên không tập hợp được giáo viên (GV) và cha mẹ học sinh (HS), gây mất đoàn kết, khiếu kiện kéo dài. Hậu quả, từ cơ sở giáo dục có thương hiệu nổi tiếng Hà Nội, sau 5 năm, trường gần như mất thương hiệu. Số HS giảm từ 2.800 xuống còn 1.300 em.
Sau đó, Lômônôxốp thay hiệu trưởng khác, học vị thạc sĩ; tuy không phải cổ đông nhưng đã tham gia cùng Chủ tịch HĐQT lãnh đạo. NGƯT Nguyễn Phú Cường cho biết: Người hiệu trưởng mới này gắn bó với nhà trường nhiều năm, trưởng thành từ GV rồi đảm đương dần các chức vụ tổ trưởng chuyên môn, thư ký hội đồng sư phạm, phó hiệu trưởng, tham gia Chi ủy và hiện là Bí thư Chi bộ (được đào tạo qua thực tiễn của trường).
Hiệu trưởng đã đi cùng những thăng trầm của nhà trường, hiểu triết lí giáo dục của nhà đầu tư là nhân văn, khai phóng; thống nhất tầm nhìn, những giá trị cốt lõi của trường dành cho HS… Với biện pháp quản lí hiệu quả, hiệu trưởng mới đưa trường tiến lên, kiểm định chất lượng giáo dục của Sở GD&ĐT đạt mức độ cao nhất. Số HS tăng từ 1.300 lên trên 2.500 em.
Là Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc khối phổ thông của EQuest – tổ chức giáo dục có 17 trường, đơn vị thành viên khắp Việt Nam – TS Đàm Quang Minh thừa nhận tìm được hiệu trưởng phù hợp là nhiệm vụ khó khăn.
“Vai trò của hiệu trưởng các trường ĐH tư thục khác nhau theo đặc thù hoạt động. Với nhiều trường, hiệu trưởng chịu trách nhiệm toàn diện từ tài chính đến quản lý chuyên môn. Tuy nhiên, với trường khác, hiệu trưởng tập trung vào chuyên môn theo phân công của các chủ đầu tư. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm dẫn dắt, là hình ảnh đại diện của nhà trường và phải nắm được các quy định pháp luật một cách cụ thể. Để chọn hiệu trưởng, các trường tư thục không có quá nhiều lựa chọn, vì không phải ai cũng dũng cảm sang làm lĩnh vực tư vốn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng nói riêng, bộ máy vận hành trường ĐH tư thục nói riêng cần có nhiều tiêu chuẩn quan trọng để dẫn dắt một trường ĐH. Đó là kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực ĐH, thực thi, vận dụng chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục ĐH. Tiếp đó là uy tín với giới học thuật và cán bộ, năng lực lãnh đạo tổ chức. Sự nhạy bén về tư duy, chiến lược và thị trường vô cùng quan trọng để cạnh tranh sòng phẳng. Để tìm được người giỏi cho tất cả các mặt trên là không dễ” – TS Đàm Quang Minh chia sẻ.
Video đang HOT
Lễ công nhận Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT ICOSchool Bắc Giang. Ảnh: NTCC
Cần tố chất, kỹ năng đặc thù
Theo ông Hà Đình Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS – THPT ICOSchool, Bắc Giang, làm hiệu trưởng trường tư có đầu tư lớn đòi hỏi năng lực lãnh đạo quản lí rất cao. Họ vừa phải thỏa mãn con số lợi nhuận cho chủ đầu tư mà vẫn tạo cho GV môi trường sư phạm chất lượng, hiệu quả; vừa phải tạo môi trường giáo dục tốt cho HS.
TS Nguyễn Thị Thành – Hiệu trưởng Trường THPT Bình Minh, Hoài Đức, Hà Nội cho rằng: Hiệu trưởng trường ngoài công lập, ngoài các tiêu chuẩn, phẩm chất, kỹ năng tương tự như hiệu trưởng trường công, còn cần thêm một số tố chất, kỹ năng đặc thù khác như: Hiểu biết về tài chính, quản trị doanh nghiệp, truyền thông, quảng cáo, dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Ngoài chương trình giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT, hầu hết trường ngoài công lập còn có chương trình bồi dưỡng, tăng cường, các hoạt động giáo dục riêng.
Do đó, hiệu trưởng cần phải biết tập hợp đội ngũ chuyên gia, xây dựng chương trình và tổ chức thực hiện theo triết lý, mục tiêu giáo dục của trường hiệu quả. Hoạt động của trường ngoài công lập có đặc thù là cung cấp dịch vụ nên hiệu trưởng cần phải biết cân đối hài hòa giữa lợi ích của HS, GV, phụ huynh và hội đồng quản trị.
Công tác điều hành, quản lý của hiệu trưởng vừa phải bảo đảm tốt nhất về chất lượng giáo dục, dịch vụ chăm sóc học sinh, vừa bảo đảm quyền lợi của cán bộ, GV và cân đối được các hoạt động tài chính, đầu tư khác.
NGƯT Nguyễn Phú Cường thì lưu ý: Hiệu trưởng trường tư khác với hiệu trưởng trường công. Trường công, hiệu trưởng là chủ tịch hội đồng trường, có nhiệm vụ lãnh đạo, quản lí nhà trường. Trường tư, ngoài hiệu trưởng còn có chủ tịch hội đồng trường là chủ tịch HĐQT.
Hiệu trưởng có vai trò quản lí nhiều hơn là lãnh đạo. Tuy vậy, cả hai vai trò này đều cần và có quan hệ biện chứng. Như vậy, chủ tịch HĐQT và hiệu trưởng được xem như là những thuyền trưởng, có vai trò đầu tầu, tập hợp được cha mẹ HS và cán bộ – GV -nhân viên hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch mỗi năm học.
“Tiêu chuẩn chung của hiệu trưởng đã có trong Thông tư số 32/2020/TT- BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Bài học như tôi chia sẻ ở trên cho thấy, tiêu chuẩn hiểu biết về giáo dục phổ thông (như quy định của Bộ GD&ĐT) khi quản lí trường phổ thông rất cần thiết.
Ngày nay, phòng Tổ chức cán bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội rất khắt khe với việc này, tôi cho là đúng. Cuối cùng, tìm hiệu trưởng phải là người đồng thuận, đồng hành với chủ trường và hai bên thấy thực sự cần nhau, thống nhất với nhau về triết lí nhân văn khai phóng trong giáo dục; các giá trị cốt lõi và tầm nhìn của nhà trường; thống nhất giữa hiệu trưởng và chủ tịch về cách điều hành, những việc làm, những “vùng hoạt động” của mỗi người” – NGƯT Nguyễn Phú Cường chia sẻ.
Hiệu trưởng là người định hướng cho đội ngũ GV trong quá trình dạy học để đáp ứng mục tiêu đổi mới giáo dục. Là người giám sát, hỗ trợ GV trong quá trình dạy học theo chương trình mới; là người tổ chức “xây dựng chương trình nhà trường”, phát hiện, điều chỉnh kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình này cho phù hợp.
Hiệu trưởng trường tư: Ngồi vào "ghế nóng"?
Thay đổi vị trí hiệu trưởng liên tục phổ biến tại không ít trường tư. Nhiều người cho rằng, vị trí này là "ghế nóng", không phải ai cũng chịu được áp lực.
Trường ĐH Hoa Sen trong 4 năm có đến 5 hiệu trưởng nhận "ghế nóng".
4 năm có 5 hiệu trưởng
Mới đây, Trường ĐH Hoa Sen (HSU) công bố bổ nhiệm PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy, nguyên Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM giữ chức vụ quyền hiệu trưởng từ ngày 1/3. PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy được xem là người thứ 5 nắm quyền Hiệu trưởng HSU kể từ năm 2017 tới nay (nếu tính luôn thời điểm chuyển giao giữa TS Bùi Trân Phượng và PGS.TS Lưu Tiến Hiệp, bà Thúy là người thứ 6 - PV).
Theo đó, năm 2017, UBND TPHCM công nhận PGS.TS Lưu Tiến Hiệp là Hiệu trưởng HSU nhiệm kỳ 2012 - 2017, thay bà Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng từ 1996 - 2017. Sau khi Hiệu trưởng Lưu Tiến Hiệp hết nhiệm kỳ, trường đề xuất GS Trương Nguyện Thành lên làm hiệu trưởng nhưng không được chấp nhận do chưa đủ tiêu chuẩn. Đến tháng 7/2018, PGS.TS Trần Đan Thư - Trưởng khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng HSU nhưng thời gian chỉ kéo dài trong 5 tháng. Thời điểm này, HSU được sang nhượng cho Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG) và tháng 12/2018, GS.TS Mai Hồng Quỳ (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM) được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng HSU.
Sau GS.TS Mai Hồng Quỳ, tháng 3/2020, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật - ĐHQG TPHCM) được công bố giữ chức vụ Hiệu trưởng HSU, nay PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện chuyển sang vị trí Chủ tịch Hội đồng trường HSU.
Tương tự, Trường ĐH Hùng Vương TPHCM (HVUH) từ năm 2016 tới nay cũng có 3 người nắm giữ chức vụ hiệu trưởng. Mặc dù, được UBND TPHCM công nhận chức vụ hiệu trưởng nhiệm kỳ 2016 - 2021 nhưng năm 2018, TS Tạ Thị Kiều An đã viết đơn xin từ nhiệm. Người thay thế bà An là PGS.TS Đỗ Văn Xê (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ).
Ngày 4/11/2020, PGS.TS Đỗ Văn Xê cũng rời ghế Hiệu trưởng HVUH, thay vào vị trí này là TS Nguyễn Kim Quang (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM). Ngày 5/11/2020, trên trang cá nhân của mình, PGS.TS Đỗ Văn Xê viết: "Xin thông báo với bạn bè gần xa Đỗ Văn Xê ngưng vị trí Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TPHCM, chuyển sang làm nhiệm vụ khác ít bị áp lực hơn để phù hợp với sức khỏe của tuổi già...".
Bên cạnh đó, cũng có người được xác lập làm hiệu trưởng nhiều trường ĐH nhất. Cụ thể, TS Đàm Quang Minh rời ghế hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân (Huế) ngày 21/11/2020. Ông được cho là người nắm giữ kỷ lục đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đại học. Từ năm 2014 đến nay, TS Minh là hiệu trưởng ở 3 trường đại học khác nhau: FPT, Thành Tây, Phú Xuân. Nhiều người cho rằng, ông đã biến công việc của mình thành "nghề hiệu trưởng" chuyên nghiệp.
PGS.TS Đỗ Văn Xê phát biểu trong một sự kiện.
Áp lực "ghế nóng"
Sau khi rời ghế Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM với hai nhiệm kỳ, năm 2013, PGS.TS Thái Bá Cần về đầu quân cho Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG) với vị trí ban đầu là Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, rồi Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Hoa Sen, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Gia Định và hiện đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc NHG.
Theo PGS.TS Thái Bá Cần, áp lực về tuyển sinh với hiệu trưởng trường tư lớn hơn trường công rất nhiều. "Với trường công tuyển đủ hoặc dư thì dồi dào, còn thiếu một chút cũng không sao. Trường tư do nguồn thu học phí gần như nuôi toàn bộ bộ máy vận hành trường, trả cổ tức cho cổ đông... Hầu hết, những hiệu trưởng trường tư không được nhà đầu tư tín nhiệm là nằm ở kết quả tuyển sinh" - PGS.TS Thái Bá Cần chia sẻ.
Quy định trước đây việc bổ nhiệm hiệu trưởng trường ĐH tư thục phải được sự công nhận của chủ tịch UBND tỉnh/thành nơi trường đóng trụ sở. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, việc bổ nhiệm hiệu trưởng trường tư do hội đồng trường quyết định không cần phải thông chính quyền địa phương. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng tính toán chi ly trong việc sử dụng hiệu trưởng. Phần lớn những hiệu trưởng mới làm được trên dưới một năm đã bị thay do hợp đồng ký kết với trường chỉ là một năm. Sau thời hạn này nếu nhà đầu tư và hiệu trưởng thỏa thuận được thì làm tiếp, không thì đường ai nấy đi. Điều này cũng khiến việc thay đổi hiệu trưởng trường tư diễn ra một cách chóng vánh.
Đồng thời, các chủ trường tư có xu hướng săn đón, mời các lãnh đạo trường công khi kết thúc nhiệm kỳ, thậm chí có những trường hợp đang đương nhiệm về điều hành trường tư. GS Đào Văn Lượng (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn) cho rằng: Các chủ trường tư cần ở hiệu trưởng uy tín về mặt chuyên môn và quản lý. Trong đó, yếu tố uy tín trong quản lý rất quan trọng.
Còn PGS.TS Thái Bá Cần cho rằng: Một trong những lý do để nhà đầu tư chọn hiệu trưởng trường công sang điều hành trường tư vì người làm hiệu trưởng trường công đã có kinh nghiệm điều hành trường ĐH. Đồng thời, về nhân thân, họ cũng trải qua quá trình sàng lọc, bảo đảm uy tín.
PGS.TS Đỗ Văn Xê nêu quan điểm: Làm cho trường tư dễ hơn vì chủ sở hữu rõ ràng nên các việc khác cũng rõ ràng theo. Hiệu trưởng không phải làm mọi việc vì có việc quan trọng do người chủ trường làm. Đồng thời, PGS.TS Đỗ Văn Xê cũng cho rằng, nếu hiệu trưởng trường tư có năng lực làm việc, thuận lợi nhiều hơn so với làm ở trường công. Bởi trường tư có quy trình làm việc đơn giản, rõ ràng... Nhiều thứ không phải thông qua bộ phận liên quan nên có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả.
Trong khi đó, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, việc thay đổi hiệu trưởng trong một thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng đến đào tạo cũng như những chủ trương định hướng phát triển của trường.
"Một kế hoạch của hiệu trưởng để phát triển nhà trường thường phải cần 5 năm để triển khai. Năm đầu tiên thời gian làm quen, tìm hiểu môi trường mới, phân tích SWOT (điểm mạnh, yếu, cơ hội, nguy cơ). Kết quả triển khai phải đợi khi sinh viên ra trường mới đánh giá được..." - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.
Phụ huynh "tố" Hiệu trưởng Tiểu học Yên Viên mập mờ nhiều khoản thu, chi tiêu Một người nhận là Phó Trưởng Ban phụ huynh trường cùng nhiều phụ huynh Trường Tiểu học Yên Viên (Gia Lâm), Hà Nội bức xúc về nhiều khoản thu - chi của nhà trường. Vừa qua, Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam có nhận được phản ánh của anh Trần Văn Đô, tự nhận là Phó Trưởng ban Ban đại diện...