Tìm hiểu tàu bán ngầm đặc biệt của Hải quân Việt Nam
Việt Nam được cho là đang sở hữu một số tàu lặn bán ngầm do Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên chế tạo.
Trong phóng sự viết về nhà máy X56 (Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân) trên báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 02/10/2014 có đăng hình ảnh các nhân viên kỹ thuật đang sửa chữa một thiết bị lặn. Thiết bị lặn này ít khi được nhắc tới trong danh sách các phương tiện hiện có của Hải quân Nhân dân Việt Nam, hình ảnh của chúng cũng hiếm khi xuất hiện và đây mới chỉ là lần thứ 2 được công khai rõ ràng, vậy thiết bị này có chức năng gì?
Thiết bị lặn tại nhà máy X56. Ảnh: Quân đội nhân dân
Nhìn bên ngoài thì thiết bị này có hình dáng như 1 tàu ngầm cỡ nhỏ. Một số nguồn tin nước ngoài cho biết trong giai đoạn 1996 – 1997 Việt Nam đã mua 2 tàu ngầm cỡ nhỏ của Triều Tiên cùng 2 thiết bị lặn bán ngầm, rất có thể trong ảnh chính là 1 trong 2 thiết bị lặn bán ngầm I-SILC do Triều Tiên chế tạo.
Tuy nhiên phân tích hình ảnh cho thấy đây có thể là thiết bị lặn I-SILC do Việt Nam cải tiến. Không giống như các tàu bán ngầm thế hệ trước của Triều Tiên, mẫu I-SILC của Việt Nam dài hơn và được trang bị động cơ điện giúp di chuyển ngầm dưới nước, có thể lặn hoàn toàn ở độ sâu khoảng 3 m và chỉ có phần ống thông hơi nổi lên, ống thông hơi này khi không sử dụng có thể hạ xuống giúp tránh bị phát hiện.
Video đang HOT
Thiết kế mẫu I-SILC của Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân
Thông số kỹ thuật của tàu bán ngầm I-SILC (thông số này được lấy từ 1 tàu I-SILC của Triều Tiên bị Hàn Quốc bắt giữ): Dài: 12,8 m; rộng: 2,95 m; lượng giãn nước: 10,5 tấn; động cơ: 3 động cơ Johnson V8 công suất 260 mã lực; tốc độ tối đa: 50 hải lý/giờ khi đi nổi và 6 hải lý/giờ khi lặn; tầm hoạt động: 200 hải lý; độ sâu có thể lặn: 3 m với ống thông hơi và tối đa là 20 m; khả năng vận chuyển: 8 người (4 thủy thủ đoàn, 1 – 2 người phụ trách hộ tống, 1 – 3 người thực hiện nhiệm vụ xâm nhập); vũ khí trang bị: các loại vũ khí cỡ nhỏ.
Tàu bán ngầm I-SILC của Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân
Việc Việt Nam mua 2 thiết bị lặn bán ngầm đi kèm 2 tàu ngầm cỡ nhỏ của Triều Tiên cho thấy rằng 2 tàu lặn bán ngầm chính là nơi huấn luyện cho thủy thủ đoàn của 2 chiếc tàu ngầm Triều Tiên. Ngoài ra thiết bị lặn bán ngầm vốn được Triều Tiên thiết kế để chở theo người nhái, lính đặc nhiệm thâm nhập vào lãnh thổ đối phương do đó 2 tàu I-SILC của Việt Nam rất có thể cũng được sử dụng để chuyên chở người nhái hoặc đặc công nước phục vụ cho công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Nhờ ưu điểm di chuyển với tốc độ rất cao nên các tàu bán ngầm này có thể chở lính đặc nhiệm thâm nhập bí mật vào bờ biển hoặc đảo của đối phương. Ngoài ra một số mẫu tàu bán ngầm còn được trang bị thêm ngư lôi để tiêu diệt tàu mặt nước, biến chúng thành mối đe dọa với bất kỳ tàu lớn nào ở gần.
Theo Tri Thức
Tàu ngầm Trường Sa gấp rút thử nghiệm
Doanh nhân tự đóng tàu ngầm Trường Sa đang gấp rút hoàn thiện những khâu cuối cùng, dự kiến hết tuần đầu tiên tháng 1/2014, con tàu mini sẽ được thử nghiệm trong bể nước.
Theo ông Hòa, đến nay, tàu ngầm này tiếp tục có những thay đổi
Trước đó, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa đã dự định sẽ hoàn thiện con tàu và thử nghiệm ngày 1/1/2014, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề khiến tàu ngầm Trường Sa không thể xuống nước theo đúng hạn định.
Trao đổi với báo Đất Việt chiều 2/1, doanh nhân người Thái Bình chia sẻ về tiến độ của chiếc tàu ngầm mà ông đang tự chế tạo. Theo doanh nhân này, tàu ngầm Trường Sa đang có một số vấn đề về hệ thống đường điện phía trong khoang tàu.
Ông Hòa cho biết, chiều 2/1, các thợ lắp đặt động cơ đã hoàn thành công việc của mình và rút đi, chỉ còn hệ thống điện cần phải kiểm tra lại. Theo ông Hòa, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến việc thử nghiệm con tàu không thể thành công, do đó, ông cần tiếp tục kiểm tra từng mối nối, từng đường dẫn.
Ngoài ra, theo thiết kế ban đầu, con tàu sẽ không có hệ thống sonar thủy âm, nhưng sau khi được sự ủng hộ của một số nhà nghiên cứu kiều bào, ông đã có trong tay hệ thống này.
Chính vì hệ thống sonar thủy âm nên ông Hòa phải tính toán, quy hoạch lại sức chứa trong khoang. Nhưng cuối cùng, doanh nhân này đã quyết định sẽ không lắp đặt sonar vào con tàu bởi không còn khoảng trống cần thiết.
"Có sonar, tàu Trường Sa sẽ hoàn thiện hơn, nhưng đây chỉ là con tàu đang chế tạo thử nghiệm, do đó, điều quan trọng, Trường Sa phải hoạt động được dưới nước đã, còn có thêm các thiết bị điện tử nào, tôi sẽ thêm vào sau khi khẳng định khả năng hoạt động trong môi trường ngập nước" - doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa chia sẻ.
Sau khi rút hệ thống sonar thủy âm, ông Hòa liệt kê lại những trang thiết bị điện tử mà tàu ngầm Trường Sa sẽ mang theo gồm có radar quét ngang (nhập từ nước ngoài, làm nhiệm vụ quan sát phía trước và tầng đáy), đồng hồ đo độ sâu, vận tốc, kính tiềm vọng điện tử (có khả năng quan sát và ghi lại hình ảnh), máy định vị vệ tinh GPS.
Ông Nguyễn Quốc Hòa bày tỏ: "Cứ sau mỗi lần thử nghiệm, con tàu lại phát sinh một số vấn đề mà bản thiết kế ban đầu không ngờ tới. Ngay như việc chế tạo, thử nghiệm hệ thống không khí tuần hoàn AIP trong phòng kín, nhưng khi đưa vào khoang tàu đã có rất nhiều thay đổi. Do đó, việc chậm tiến độ là điều khó tránh khỏi. Tôi chỉ dò dẫm từng bước một, tài liệu cũng phải lấy từ nước ngoài, do đó rất khó có thể hạn chế mọi khả năng trong vòng một bản thiết kế".
Tuy nhiên, khi nói về một kỳ hạn cuối cùng để con tàu sớm vào bể thử nghiệm, ông Hòa dự kiến hết tuần này (5/1/2014 - PV) sẽ đưa con tàu vào môi trường ngập nước.
"Tôi là một người cầu toàn, nhưng mình đang sáng chế, mọi thứ đều phải có lần một, lần hai, thậm chí nhiều nhiều lần, do đó, tôi quyết định sẽ không lùi ngày nữa, nếu con tàu đã thực sự sẵn sàng."
Chia sẻ về chiếc tàu ngầm Kilo mang tên Hà Nội đã vào đến cảng Cam Ranh, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa bày tỏ, ông thường xuyên theo dõi thông tin về con tàu này.
"Trung bình một ngày tôi bỏ ra một tiếng để theo tin tức thời sự, báo chí, thời gian gần đây, một nửa thời gian trong một tiếng đó tôi dành để theo dõi thông tin về tàu ngầm Kilo của Việt Nam. Tôi cũng như những người dân khác của đất nước, đó thực sự là một tin vui đối với tôi".
Theo Xahoi