Tìm đáp án cho câu hỏi cũ
Cuộc xung đột tại Ukraine, năng lực cạnh tranh trong dài hạn của Liên minh châu Âu (EU), an ninh năng lượng và vấn đề người di cư sẽ là những nội dung chính mà các lãnh đạo EU tập trung thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh thường kỳ diễn ra trong các ngày 23-24/3.
Đây đều là những vấn đề đã đặt ra các thách thức cho EU cả trong ngắn và dài hạn, khó có thể giải quyết chỉ trong một chương trình nghị sự và đòi hỏi tinh thần đoàn kết, nhượng bộ cũng như sự dung hòa giữa 27 nước thành viên để tìm được tiếng nói chung.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP/TTXVN
Ukraine hiện là mối quan tâm hàng đầu và sát sườn của EU. Theo kế hoạch, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ tham dự sự kiện này bằng hình thức trực tuyến. Trước thềm hội nghị, giới chức Brussels cho biết EU sẽ tái khẳng định cam kết hỗ trợ Kiev, thảo luận biện pháp tăng cường cung cấp đạn dược cho Ukraine. Trọng tâm thảo luận sẽ xoay quanh đề xuất của Thủ tướng Estonia Kaja Kallas về việc đưa ra các đơn đặt hàng số lượng lớn để đẩy nhanh việc gửi khí tài quân sự tới Ukraine.
Chủ đề thứ hai được các nhà lãnh đạo EU quan tâm là các biện pháp tức thì nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của khu vực và thúc đẩy thị trường chung gắn kết chặt chẽ hơn sau 30 năm hình thành. Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, hiện là thời điểm phù hợp để các nước tận dụng triệt để thế mạnh, nhận biết và khắc phục điểm yếu trong năng lực cạnh tranh. Những hậu quả về kinh tế do cuộc xung đột Ukraine gây ra buộc EU phải đánh giá lại năng lực cạnh tranh kinh tế của mình cả trong ngắn và dài hạn. Một ví dụ rõ nhất về thách thức mà EU đối mặt khi cuộc xung đột bùng phát đó là thâm hụt thương mại năng lượng. Năm 2022, thâm hụt thương mại năng lượng là 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn khối, trong khi mức thâm hụt năm 2021 là 1,7% GDP. Trong khi cùng giai đoạn, Mỹ thặng dư thương mại năng lượng tăng gấp 3, xuất khẩu năng lượng tăng 60% trong năm 2022.
Châu Âu đã nhập khẩu lượng lớn LNG từ Mỹ. Ảnh minh họa: norwaynews.com
Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra những đề xuất về cách thức giúp nền công nghiệp EU tiến bước trên lộ trình chuyển đổi xanh và số hóa, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều dấu hiệu các nước trợ cấp có mục tiêu cho ngành công nghiệp. EU nhất trí những biện pháp trong ngắn hạn như nới lỏng cơ chế trợ cấp nhà nước đi đôi với việc linh hoạt hơn trong sử dụng các công cụ tài chính hiện có, đơn giản hóa các thủ tục và quy trình cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động, thúc đẩy đào tạo và bồi dưỡng nhân lực chuyên nghiệp cho các lĩnh vực trong tương lai. Có 3 lĩnh vực mà EU đặt làm trọng tâm trong phát triển chiến lược dài hạn gồm đầu tư, sáng tạo và thương mại. EC tin tưởng hành động chung mạnh mẽ ở cấp độ toàn khối, vốn đã thúc đẩy hoạt động và sản lượng kinh tế trong những năm qua, sẽ tiếp tục đóng vai trò nâng cao năng lực cạnh tranh và thịnh vượng cho EU trong dài hạn. Tại hội nghị, các lãnh đạo sẽ xem xét đề xuất 9 điểm mà EC đưa ra, trong đó phải kể đến một số điểm đang rất được quan tâm như thúc đẩy thị trường chung mở rộng và đi vào chiều sâu, tăng cường hội nhập dịch vụ; hướng đến Liên minh thị trường vốn gắn kết sâu hơn, hoàn thiện Liên minh ngân hàng, phát triển các cơ chế quản lý dịch vụ thuế và tài chính toàn khối để hỗ trợ các doanh nghiệp; tập trung đa dạng hóa nguồn cung năng lượng bằng cách đẩy mạnh triển khai năng lượng tái tạo, số hóa hệ thống năng lượng và các cơ sở lưu trữ năng lượng; thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn; ưu tiên hỗ trợ các công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử, web 4.0, thực tế ảo, an ninh mạng…. và tiếp tục tự chủ chiến lược thương mại và rộng mở.
Video đang HOT
Về vấn đề năng lượng, ưu tiên đặt ra vẫn là đảm bảo an ninh nguồn cung có mức giá phù hợp. Các lãnh đạo EU sẽ xem xét việc giảm tiêu thụ năng lượng và giảm giá. Vấn đề gây căng thẳng nhất vẫn là cách thức giảm dần tiến tới loại bỏ phụ thuộc năng lượng vào Nga và phi carbon hóa toàn bộ hệ thống năng lượng EU. Nhiều khả năng các lãnh đạo sẽ tiếp tục yêu cầu phối hợp chặt chẽ hơn trong việc mua bán khí đốt và tận dụng triệt để hiệu quả của cơ chế nền tảng năng lượng EU để mua chung khí đốt (AggregateEU). Các lãnh đạo EU cũng sẽ kêu gọi EC tiếp tục đánh giá tác động của các biện pháp khẩn cấp về năng lượng áp dụng trong năm 2022 để làm cơ sở đưa ra quyết định có gia hạn các biện pháp hay không. Bên cạnh đó, đề xuất cải cách thị trường năng lượng của EU cũng sẽ là một chủ đề được thảo luận tại hội nghị.
Người di cư được đưa tới bờ biển ở Dungeness, Anh, sau khi được giải cứu trên biển. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN
Thời gian qua, vấn đề người di cư có dấu hiệu nóng trở lại tại EU. Chủ tịch Hội đồng châu Âu gọi đây là vấn đề đã khơi mào căng thẳng chính trị và tư tưởng nội khối, thậm chí làm gia tăng tình trạng phân cực trong xã hội.
Trong bối cảnh số lượng người nhập cư bất hợp pháp năm ngoái tăng 64% so với năm 2021 và những áp lực ngày càng gia tăng ở đường biên giới bên ngoài của khối, tại hội nghị lần này, các lãnh đạo EU sẽ đánh giá những sáng kiến của EC về quản lý đường biên giới hỗn hợp và các biện pháp phối hợp trong tiếp nhận hay đưa người di cư hồi hương. EU dự kiến hợp tác nhiều hơn và tốt hơn với các nước thứ ba, nước xuất phát và nước trung chuyển. Trọng tâm thảo luận sẽ là các biện pháp tăng cường hợp tác ngăn chặn tình trạng buôn người và triệt phá các tổ chức tội phạm
Những ưu tiên thảo luận tại hội nghị là thách thức mà EU đã tìm hướng giải quyết trong nhiều hội nghị trước, song chưa đạt được thống nhất. Đặt mục tiêu trở thành một khối đoàn kết, với sức chịu đựng dẻo dai trước những cuộc khủng hoảng, có tầm ảnh hưởng toàn cầu rộng lớn hơn và ít phụ thuộc hơn, các nhà lãnh đạo EU đang hướng đến một cách tiếp cận đồng lòng hơn. Dù vẫn còn nhiều khó khăn để dung hòa những khác biệt trong nội khối nhưng như Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel khẳng định, đây là cách duy nhất để duy trì mô hình EU dựa trên chính những nguyên tắc hình thành khối về những giá trị mang lại cho người dân, về cam kết đạt được sự thịnh vượng chung và đảm bảo an ninh để tiến lên phía trước, để tạo động lực hướng đến mục tiêu tự chủ và chủ quyền chiến lược.
Thách thức và cơ hội trên 'ghế nóng'
Từ ngày 1/7, CH Séc chính thức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu, còn gọi là Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU).
Lần thứ hai tiếp quản "ghế nóng" trong bối cảnh EU đối mặt hàng loạt thách thức, đặc biệt những tác động từ cuộc chiến ở Ukraine, Séc đã thể hiện sự chủ động, tích cực và có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, những vấn đề chính trị trong nước, bất đồng nội bộ EU cùng diễn biến địa chính trị phức tạp có thể gây ra không ít sóng gió đối với tân chủ tịch EU trong nhiệm kỳ này.
Trụ sở Hội đồng châu Âu tại Strasbourg, miền đông nước Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Séc xác định khẩu hiệu cho nhiệm kỳ 6 tháng này là "Châu Âu như một bổn phận: Nghĩ lại, xây dựng lại, nâng cao năng lực", với hình ảnh biểu trưng gồm 27 kim la bàn theo màu quốc kỳ các nước thành viên EU, thể hiện thông điệp Séc sẽ điều hướng và viết nên tương lai EU.
Chính phủ Séc cũng xác định 5 ưu tiên gồm: đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn và tái thiết Ukraine sau chiến tranh; đảm bảo an ninh năng lượng; tăng cường năng lực quốc phòng và an ninh trên không gian mạng của EU; khả năng phục hồi chiến lược của nền kinh tế EU và cuối cùng là khả năng phục hồi của các thể chế dân chủ.
Trong vấn đề Ukraine, Séc ủng hộ nỗ lực của EU sớm giải quyết bằng cách sử dụng mọi công cụ, gồm các biện pháp trừng phạt. Cuộc khủng hoảng người tị nạn do xung đột ở Ukraine gây ra được Séc đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, do đó cần huy động mọi nguồn lực để ứng phó. Tầm nhìn xa hơn được chủ tịch EU nhiệm kỳ nửa cuối năm 2022 nêu ra là kế hoạch tái thiết Ukraine hậu chiến. Séc cũng tuyên bố ưu tiên thúc đẩy tiến trình kết nạp Kiev vào EU.
Về ưu tiên thứ hai, Séc cho rằng EU cần thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga. Do đó, Séc sẽ tập trung đẩy nhanh thực hiện chương trình REPowerEU với trọng tâm đa dạng hóa nguồn cung, tiết kiệm năng lượng, nhanh chóng chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo và phát thải thấp. Séc cũng muốn thực hiện các quy định về cung cấp khí đốt và mua chung tự nguyện, biện pháp được cho là giúp củng cố vị thế đàm phán của EU.
Trọng tâm tiếp theo là tăng cường năng lực quốc phòng và an ninh của EU, hợp tác với các đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng ngoài EU và hỗ trợ triển khai "La bàn chiến lược" của EU. Séc quan tâm đến hợp tác và đầu tư để giảm sự phụ thuộc về công nghệ, giải quyết các mối đe dọa trên không gian mạng, ưu tiên đề xuất thiết lập một hệ thống liên lạc vũ trụ của EU.
Séc nhận định đại dịch COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine đã dẫn đến cú sốc lạm phát, gia tăng sự không chắc chắn của thị trường, cho thấy sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ra sự gián đoạn lớn nhất đối với thị trường hàng hóa trong nửa thế kỷ qua.
Một trong những giải pháp là hỗ trợ có mục tiêu cho năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ chiến lược, tăng tốc số hóa và tự động hóa ngành công nghiệp châu Âu, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh thông qua đầu tư. Séc cũng ưu tiên phát triển thị trường nội khối, cải thiện môi trường kinh doanh, nhấn mạnh tầm quan trọng của ví nhận dạng kỹ thuật số EU và thị trường dữ liệu công bằng.
Đối với ưu tiên cuối cùng, Séc sẽ tập trung vào vấn đề minh bạch tài chính của các đảng chính trị, tính độc lập của truyền thông đại chúng và đối thoại cởi mở với công dân.
Theo Văn phòng Chính phủ Séc, trong nhiệm kỳ này, Séc sẽ tổ chức khoảng 300 sự kiện. Đại diện 27 chính phủ các nước thành viên EU sẽ gặp nhau ít nhất 14 lần tại Séc, trong đó có hội nghị thượng đỉnh không chính thức EU dự kiến diễn ra tại Praha trong tháng 9 hoặc tháng 10 tới.
Tuy nhiên, những vấn đề chính trị-kinh tế ở Séc được cho sẽ tạo rào cản lớn. Xung đột tại Ukraine đang khiến Séc phải vật lộn với khó khăn, giá năng lượng leo thang (giá điện tăng gần 300%, giá gaz tăng hơn 100%, giá xăng tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái), lạm phát tăng vọt (ở mức 16% tính đến tháng 5/2022 và được dự báo chưa dừng lại), thâm hụt ngân sách cao (có thể vượt dự toán 280 tỷ korun, tương đương hơn 12 tỷ USD cho năm tài khóa 2022), thu nhập thực tế của người dân giảm...
Nếu không có những quyết sách phù hợp và hiệu quả, chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Petr Fiala sẽ đối mặt vô vàn thách thức, nhất là khi liên minh cầm quyền SPOLU gồm 5 đảng không thực sự gắn kết. Thêm vào đó, đảng lớn thứ hai trong chính phủ liên minh là đảng Các thị trưởng và các ứng viên độc lập (STAN) đang vướng bê bối liên quan tới một vụ án tham nhũng lớn khiến một bộ trưởng phải từ chức và một số thành viên cấp cao khác bị khởi tố, bắt giam. Chuyên gia chính trị học Ladislav Mrklas của Séc cho rằng điều này có thể làm suy yếu Chính phủ Séc khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch EU.
Séc chuẩn bị cho nhiệm kỳ chủ tịch EU khá sớm và kéo dài nhưng không có tính liên tục và nhất quán. Chính phủ của cựu Thủ tướng Andrej Babis khởi động quá trình này từ năm 2018 nhưng không thể tiếp tục sau khi phong trào ANO của ông thất bại trong cuộc bầu cử hạ viện Séc hồi tháng 10/2021. Trong khi đó, Thủ tướng đương nhiệm Fiala chỉ có thể tuyên thệ nhậm chức sau nhiều tháng đàm phán thành lập chính phủ liên minh.
Những ưu tiên ban đầu của Séc trong nhiệm kỳ chủ tịch EU như giải quyết hậu quả của đại dịch, các chính sách về biến đổi khí hậu, giải quyết vấn đề người di cư và vấn đề an ninh... buộc phải thay đổi sau cuộc xung đột tại Ukraine cuối tháng 2 vừa qua. Việc "bẻ lái" theo thời cuộc dễ khiến Séc rơi vào thế "việt vị", ví dụ ưu tiên về tái thiết Ukraine rất có thể chỉ mang tính biểu tượng nhiều hơn thực tế bởi chưa có cơ sở để khẳng định xung độtt tại Ukraine sẽ kết thúc khi nào và với kết cục ra sao.
Bên cạnh đó, những bất đồng và mâu thuẫn nội bộ của EU cũng là thách thức không nhỏ khi mà 27 quốc gia thành viên vẫn đang tranh cãi về vấn đề người di cư, dán nhãn năng lượng xanh, trong đó có quan điểm về khí đốt và năng lượng hạt nhân, căng thẳng với Ba Lan về cải cách tư pháp, thậm chí quan điểm về xung đột Ukraine và quan hệ với Nga như trường hợp của Hungary. Trên cương vị Chủ tịch EU, Séc buộc phải đưa ra quan điểm chính thức của mình cũng như quan điểm chung của toàn khối về cả những vấn đề đang gây tranh cãi. Điều này có thể khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa Séc với một số nước thành viên EU và giữa các thành viên khác với nhau.
Trong 6 tháng tới, năng lực "điều hướng" của Séc sẽ phụ thuộc đáng kể vào sự ổn định chính trị nội bộ của nước này và khả năng đoàn kết EU cùng lúc trên nhiều mặt trận. Thử thách cam go cũng là cơ hội lớn để quốc gia Trung Âu với hơn 10 triệu dân này khẳng định vị thế và tiếng nói của mình, thúc đẩy những lợi ích riêng trong lợi ích chung của EU khi phải đối mặt với một thế giới đầy biến động.
EU sắp cung cấp cho Ukraine một triệu quả đạn pháo Các nước Liên minh châu Âu (EU) dự định đạt được thỏa thuận theo đó Ukraine sẽ nhận được 1 triệu quả đạn pháo trong vòng 1 năm. Bloomberg đưa tin, hôm nay (20/3) các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của EU dự kiến sẽ hỗ trợ giải ngân 1 tỷ Euro từ Quỹ Hòa bình châu Âu để mua đạn...