Tim Cook: “Ông vua” quản lý chuỗi biến Apple thành đế chế giá trị nhất toàn cầu
Apple đang dẫn đầu bảng xếp hạng công ty giá trị nhất thế giới với vốn hóa hơn 2.000 tỷ USD, theo Visual Capitalist.
CEO Tim Cook được đánh giá đã góp công lớn trong việc xây dựng pháo đài bất khả xâm phạm cho gã khổng lồ công nghệ Mỹ.
Theo Bloomberg, trong thời gian đầu về Apple, Tim Cook dành 18 giờ mỗi ngày để làm việc và gửi email suốt cả đêm. Khi không ở văn phòng, ông dường như sống trong phòng tập gym.
“Tim Cook thực sự là một người của công việc. Ông chăm chỉ, chăm chỉ, chăm chỉ và chăm chỉ. Tuy nhiên, tôi thấy Tim Cook khá tẻ nhạt”, một cựu nhân viên của Apple từng làm việc cùng Tim Cook từ những ngày đầu cho biết.
Thành công của “táo khuyết” thường được cho là thành quả từ Steve Jobs, người đã làm cách mạng với sản phẩm máy tính và điện thoại thông minh. Tuy nhiên, nếu là một nhà quản trị doanh nghiệp, người ta không thể không dành cho Tim Cook sự nể phục bởi chiến lược quản lý chuỗi cung ứng và xử lý hàng tồn kho. Chính điều này đã giúp Apple có thể sản xuất iPod, iPhone và iPad với số lượng cực lớn với chi phí tối ưu nhất.
Gartner, công ty nghiên cứu tại Mỹ đã liên tục xếp Apple vào vị trí dẫn đầu trong danh sách 25 công ty quản trị chuỗi cung ứng tốt nhất trên toàn cầu từ năm 2013-2014. Thậm chí, từ năm 2015, Apple và Procter & Gamble đã được Gartner đưa vào danh sách mới có tên “bậc thầy” về chuỗi cung ứng. Danh sách này đặc biệt này ghi nhận thành tích và năng lực quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả liên tục nhiều năm.
Tim Cook chính thức đầu quân cho Apple vào năm 1998 với vị trí Phó chủ tịch cấp cao phụ trách hoạt động trên toàn cầu. “Đầu năm 1998, tôi đã lắng nghe trực giác của mình. Không quá 5 phút sau cuộc phỏng vấn đầu tiên với Steve Jobs, tôi đã quyết định gia nhập Apple. Trực giác của tôi cho rằng gia nhập Apple là cơ hội duy nhất để làm việc trong môi trường sáng tạo hàng đầu. Đồng thời, tôi sẽ có mặt trong đội ngũ điều hành làm nên một công ty vĩ đại của Mỹ”, Tim Cook chia sẻ.
Trước khi về Apple, Tim Cook đã có kinh nghiệm trong việc điều hành chuỗi cung ứng tại Compaq, ông lớn thành lập vào năm 1982, kinh doanh các sản phẩm laptop và một số dịch vụ liên quan.
Thời gian đầu làm việc cho Apple, Tim Cook nhanh chóng nhận ra chuỗi cung ứng, hàng tồn kho của công ty đang gặp vấn đề và thực hiện các bước cần thiết để tối ưu. Ngay trong năm đầu tiên Tim Cook làm việc, Apple đã chi 100 triệu USD để đặt chỗ trước các chuyến bay vận tải xuyên suốt dịp lễ. Động thái này nhằm chuẩn bị cho việc mở bán mẫu iMac G3 trên toàn cầu mà không lo các vấn đề vận chuyển quá tải vào dịp mua sắm cao điểm.
Quyết định của Tim Cook đã được đền đáp xứng đáng khi iMac G3 trở thành sản phẩm thành công vang dội. Những đối thủ của Apple bị đẩy vào thế khó, đối mặt với tình trạng không thể tìm được đơn vị vận chuyển hàng hóa trong mùa bán hàng sôi động nhất năm.
Cây bút San Oliver của trang Apple Insider cho biết Tim Cook đã cắt giảm số lượng nhà cung cấp từ 100 xuống chỉ còn 24. Điều này ép các công ty còn lại phải “đấu đá” lẫn nhau nếu muốn giành được đơn hàng từ Apple.
Theo Bloomberg, năm 1996, Apple đã bán một nhà máy sản xuất lớn ở Colorado. Đồng thời, Tim Cook cũng cho dừng hoạt động sản xuất ở Ireland, đóng cửa nhà máy duy nhất còn sót lại tại Elk Grove, California, Mỹ. Đây cũng là thời điểm đánh dấu cột mốc Apple đẩy mạnh việc thuê ngoài sản xuất ở Trung Quốc, bắt đầu bằng laptop và webcam.
Foxconn được xem là đối tác sản xuất lớn nhất của Apple. Công ty này đã xây dựng hàng loạt nhà máy quy mô bằng cả một thành phố ở Trịnh Châu (Hà Nam, Trung Quốc) với diện tích rộng lớn và khoảng hơn 350.000 công nhân có tay nghề.
So với Trung Quốc, hạ tầng sản xuất ở Mỹ thấp hơn rất nhiều. Ngoài ra, các công nhân ở Trung Quốc thường sẵn sàng làm việc nhiều giờ hơn với mức lương chỉ bằng một phần lương tối thiểu ở Mỹ.
Điểm đặc biệt ở Tim Cook ông yêu cầu Foxconn và những đối tác sản xuất tuân theo các yêu cầu về tính thẩm mỹ, chất lượng do chính Steve Jobs và nhà thiết kế Jony Ive đặt ra. Những kỹ sư của Apple tạo ra thiết bị sản xuất chuyên dụng phải thường xuyên đến Trung Quốc để kiểm tra, đánh giá và cải tiến phần cứng cũng như dây chuyền sản xuất.
Danh sách kiểm tra, đánh giá nhà cung cấp của Apple có đến 500 tiêu chí khác nhau gồm quyền lao động, sức khỏe, an toàn, môi trường, đạo đức và hệ thống quản lý. Nhà cung cấp cần phải đảm bảo đáp ứng với các quy tắc và tiêu chuẩn của Apple, nếu không họ sẽ nhanh chóng bị thay thế.
Video đang HOT
Tim Cook còn có những “nước đi cao tay” hơn đối thủ bằng cách mua các linh kiện mới trước nhiều năm và thực hiện các giao dịch độc quyền đối với nhiều linh kiện quan trọng nhằm đảm bảo Apple luôn đi đầu.
Năm 2019, có khoảng 98% chuỗi cung ứng của Apple gồm việc thu mua, sản xuất, lắp ráp nằm trong tay 200 đối tác. Trong nhóm này, gần một nửa công ty đặt nhà máy sản xuất ở Trung Quốc, 90% ở châu Á.
Trong thời gian gần đây, những căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ – Trung đã khiến một số đối tác của Apple chuyển dây chuyền sản xuất iPhone, AirPods sang Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên, việc thay thế công xưởng Trung Quốc không phải là câu chuyện một sớm một chiều.
“Táo khuyết” còn được biết đến với chính sách ký các hợp đồng dài hạn đối với một số nhà cung cấp chính. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ sẵn sàng chi khoảng tiền lớn để đặt cọc trước nhằm thương lượng được chi phí thấp và số lượng dự trữ lớn nhất có thể. Cách làm này mang đến nhiều giá trị bền vững cho Apple, đồng thời giảm thiểu rủi ro, hạn chế đối thủ có thể mở rộng khả năng sản xuất hàng loạt.
Điều này cũng có thể lý giải vì sao Apple dường như không chịu ảnh hưởng quá lớn trong cuộc khủng hoảng chip trên toàn cầu diễn ra từ năm 2020 đến nay. Cuối tháng 7/2021, Tim Cook đã xác nhận những con chip do Apple tự sản xuất vẫn đảm bảo đầy đủ về mặt số lượng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt diễn ra đối với những loại chip thứ yếu, đảm nhận một số chức năng cơ bản như điều khiển màn hình hay giải mã âm thanh.
Angelo Zino, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu CFRA cho biết Apple có thể đang tích trữ chip dành cho thế hệ iPhone 13 của mình và chấp nhận đánh đổi thiếu hụt với những model đã bán ra thị trường.
Theo tờ The New York Time, iPhone được xem là sản phẩm bán chạy nhất và mang đến lợi nhuận cao nhất cho Apple. Hãng này chọn mua nhiều linh kiện như chip nhớ, mô đun camera, micro, màn hình cảm ứng từ các nhà cung cấp trên toàn cầu. Sau đó, Apple sẽ chuyển chúng đến các nhà máy lắp ráp ở Trung Quốc bằng đường hàng không để tiết kiệm thời gian và chi phí.
Hệ thống nhà máy sản xuất của Foxconn ở có 94 dây chuyền sản xuất. Để lắp ráp một chiếc iPhone phải trải qua khoảng 400 bước bao gồm đánh bóng, hàn, khoan và lắp vít. Nhà máy này có thể sản xuất hơn 500.000 chiếc iPhone mỗi ngày, trên 350 chiếc một phút.
Những chiếc iPhone được lắp ráp hoàn chỉnh và đóng gói đẹp mắt sẽ rời nhà máy bằng xe tải và được đưa đưa đến sân bay Trịnh Châu. Sân bay này đã được mở rộng đáng kể trong những năm gần đây do việc sản xuất iPhone ngày càng tăng. Sau đó, lô hàng được chuyển bằng đường hàng không đến Mỹ và nhiều thị trường khác trên toàn cầu.
Trước đó, các hãng sản xuất máy tính tại Trung Quốc đều vận chuyển hàng hóa đến Mỹ chủ yếu bằng tàu container. Mỗi chuyến đi thường kéo dài khoảng một tháng. Tim Cook đã tiên phong trong việc thay đổi phương thức vận chuyển hàng hóa. Điện thoại thông minh đủ nhỏ để vận chuyển bằng máy bay với số lượng lớn và tiết kiệm chi phí. Một chiếc Boeing 747 có thể dễ dàng mang theo 150.000 chiếc iPhone.
Bên cạnh đó, Apple cũng sử dụng dịch vụ chuyển phát UPS hoặc FedEx để giao hàng cho những người dùng đặt mua sản phẩm online qua website của công ty. Ở những kênh phân phối còn lại như cửa hàng bán lẻ và nhà phân phối, Apple trữ hàng tại kho trung tâm và giao sản phẩm từ các kho này.
Tại thị trường Trung Quốc, lực lượng hải quan sử dụng một hệ thống điện tử để xác nhận hàng hóa xuất khẩu và sau đó đóng dấu thêm lần nữa để những chiếc iPhone thành hàng nhập khẩu. Ở Trịnh Châu, quá trình này diễn ra tại một cơ sở hải quan ngay bên ngoài nhà máy, giúp rút ngắn thời gian.
Khi các sản phẩm được khai báo là hàng nhập khẩu, hải quan có thể thu 17% thuế giá trị gia tăng, một loại thuế quốc gia, dựa trên giá nhập khẩu. Sau đó, các mẫu iPhone có thể được để vận chuyển khắp Trung Quốc.
Apple lựa chọn xe tải cỡ lớn để vận chuyển hàng tại Trung Quốc. Mất khoảng 18 giờ lái xe từ Trịnh Châu đến Thượng Hải, nơi Apple đã thiết lập nhà kho trung tâm tại Trung Quốc. Một xe tải lớn có thể chứa được tới 36.000 chiếc iPhone. Do vận chuyển số lượng hàng giá trị cao ước tính đến 27 triệu USD nên bên trong các xe tải thường được trang bị camera và đôi khi có nhân viên an ninh đi kèm.
Sau khi iPhone rời khỏi nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, trung bình phải mất hai ngày để đến một cửa hàng ở Thượng Hải và mấy khoảng ba ngày để đến được cửa hàng ở San Francisco, Mỹ.
Theo ông Daniel Vidaa – Giám đốc quản lý cung ứng Apple, Tim Cook vô cùng khắt khe với việc xử lý đơn hàng. Tim Cook quan niệm thời gian giao hàng nhanh không chỉ khiến người dùng hài lòng mà còn giúp Apple giảm các chi phí tồn kho.
Tim Cook cho rằng lĩnh vực công nghệ thay đổi rất nhanh chóng. Vì thế, việc để hàng tồn kho quá lâu được xem là một tội ác. Ông so sánh các sản phẩm Apple giống như việc kinh doanh trong ngành bơ sữa. Nếu sản phẩm lưu kho vượt quá hạn sử dụng thì công ty đã gặp vấn đề vì không ai muốn mua sữa tươi đã bị chua. Ngoài ra, Tim Cook cũng khẳng định giá trị sản phẩm sẽ giảm từ 1 đến 2% mỗi tuần nếu tình trạng tồn kho tiếp diễn.
Những kết quả ban đầu cho thấy chiến lược của Tim Cook đã đúng. Số lượng tồn kho giảm từ một tháng xuống chỉ còn 6 ngày. Đến năm 2012, con số này tiếp tục giảm còn 5 ngày. Đây thực sự là một con số ấn tượng, bỏ xa đối thủ xếp thứ 2, 3 trong ngành công nghệ gồm Dell với 10 ngày tồn kho hay Samsung đến 21 ngày tồn kho. Vào thời điểm đó, Apple được đánh giá quản lý hàng tồn kho tốt hơn 5 lần so với HP và 5,5 lần so với Motorola.
Năm 2011, Apple đã bán hầu hết mọi chiếc iPad 2 được sản xuất và không phải đối mặt với tình trạng tồn kho. Sự thành công này đến từ việc Apple đã cắt giảm số lượng SKU (đơn vị lưu kho) xuống còn xấp xỉ 26.000, thấp hơn rất nhiều lần so với các công ty công nghệ khác. Chiến lược cắt giảm số lượng nhà cung ứng chính, kho trung tâm, SKU cùng với việc đồng bộ hóa dữ liệu trên toàn hệ thống đã giúp việc dự báo nhu cầu của Apple chính xác hơn.
Ngày 27/1, Apple công bố đã có hơn tỷ chiếc iPhone đang hoạt động trên toàn cầu. “Đó là một thành tích xuất sắc của Tim Cook khi thiết kế và điều hành chuỗi cung ứng chưa từng có cho Apple. Đặc biệt, ông cũng khéo léo để Apple hạn chế bị ảnh hưởng trong cuộc chiến tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc”, nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities chia sẻ.
Tháng 8/2018, Apple đã trở thành công ty công nghệ có giá trị vốn hóa thị trường chạm mức 1.000 tỷ USD đầu tiên trong lịch sử. “Táo khuyết” cũng chỉ mất chưa đầy 2 năm để hoàn thành cột mốc tiếp theo. Tháng 2/2021, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đạt mốc vốn hoá 2.300 tỷ USD. Dan Ives dự đoán Apple có thể chạm đến mức 3 nghìn tỷ USD trong 12 tháng tới.
Với hơn 10 năm đảm nhận vị trí CEO Apple, Tim Cook đã góp phần đưa iPhone trở thành sản phẩm công nghệ thành công nhất lịch sử. Đồng thời, ông cũng xây dựng cho Apple một pháo đài bất khả xâm phạm.
“Tim Cook có thể không thiết kế được một sản phẩm như Steve Job. Tuy nhiên, ông ta hiểu thế giới tới mức mà rất ít CEO nào tôi gặp trong hơn 60 năm qua có thể so sánh kịp”, Warren Buffett nhận xét về Tim Cook.
Chưa tốt nghiệp đại học và chẳng viết nổi một dòng code, bí kíp nào đã giúp Steve Jobs tạo nên đế chế công nghệ Apple hàng nghìn tỷ USD?
Dù không giỏi chuyên môn như các kỹ sư, nhưng Steve Jobs lại là bậc thầy về marketing.
Nhà sáng lập Steve Jobs của Apple được coi là một trong những người thành công nhất lịch sử kinh doanh khi biến một công ty gần phá sản trở thành hãng có lợi nhuận nhất nhì thế giới. Điều trớ trêu là Steve Jobs không hề giỏi trong thi cử cũng như mảng kỹ thuật.
Trên thực tế, bản thân Steve Jobs không phải kỹ sư máy tính, không thể viết nổi một dòng code hay thậm chí là có bằng MBA. Trớ trêu hơn, ông còn chẳng có bằng đại học và theo nhiều nhân viên, trình độ quản lý của ông dở tệ. Nếu Apple vận hành theo kiểu hành chính nhà nước hoặc quản lý cứng nhắc, chắc chắn sẽ chẳng có chỗ đứng cho Steve Jobs.
Vậy điều gì khiến người sáng lập Apple này trở nên vĩ đại? Câu trả lời đơn giản là tài năng marketing. Vậy bí quyết của Steve Jobs trong marketing là gì?
Tìm những người bạn giỏi hơn mình
Bản thân Steve Jobs đã là một người tài năng, nhưng điều khiến ông thành công rực rỡ là khả năng tìm kiếm, kết bạn với những người giỏi hơn mình. Một trong những người bạn, người thầy đầu tiên của Steve là ông Regis McKenna, một huyền thoại marketing của Thung lũng Silicon. Chính McKenna đã tìm đến Mike Markkula để đưa ông vào Apple khi hãng còn là một doanh nghiệp nhỏ có trụ sở trong một chiếc gara ô tô. Bản thân Markkula đã tạo ra xương sống marketing cho Apple và hãng vẫn còn sử dụng suốt 42 năm đến tận ngày nay.
Sau đó, Steve còn kết bạn với chuyên gia quảng cáo Lee Clow, người đã tạo nên chiến dịch marketing "Think Defferent" nổi tiếng vào năm 1984.
Bài học ở đây là dù bạn giỏi đến thế nào, có nhiều tiềm lực ra sao thì vẫn nên học cách mở rộng quan hệ, lắng nghe những người giỏi hơn bạn và luôn tìm kiếm những chuyên gia biết nhiều hơn bạn để học hỏi.
Sản phẩm phải thực sự tốt
Ông Guy Kawasaki, người từng làm dưới quyền Steve ở Apple cho biết nhà sáng lập này khác với những thiên tài marketing khác ở chỗ đầu tiên phải làm ra một sản phẩm tốt thật sự. Hiện nay nhiều chuyên gia marketing cho rằng bất kỳ sản phẩm hay dở thế nào thì chuyên viên marketing vẫn phải quảng cáo được cho nó, nhưng Steve lại khác. Ông luôn muốn kiểm soát chặt chẽ từ khâu chất lượng sản phẩm cho đến marketing chứ không đơn giản là "nhận bất cứ thứ rác rưởi nào và tô son trát phấn lên cho nó".
Giá trị cốt lõi
Khi Apple được thành lập vào năm 1977, Steve Jobs và Markkula đã liệt kê ra 3 giá trị cốt lõi của công ty:
1. Apple luôn đồng hành cùng khách hàng
2. Apple chỉ tập trung làm thật tốt một số mảng chứ không lan man
3. Apple sẽ chuyển hóa toàn bộ giá trị cốt lõi của mình như sự đơn giản, chất lượng cao...vào mọi hoạt động, không chỉ riêng trong việc sản xuất sản phẩm mà còn trong mảng đóng gói, trưng bày hay thậm chí là phong cách truyền thông.
Bản thân Steve Jobs trở nên vĩ đại vì ông đã kiên trì áp dụng những giá trị cốt lõi bất biến vào mọi mặt của Apple. Bạn nghĩ điều đó đơn giản ư? Hãy nhìn vào website công ty bạn xem, liệu các phần có thống nhất như được làm từ 1 giá trị cốt lõi bất biến hay nó là sự cắt ghép của nhiều thứ khác nhau. Bạn có thấy website của mình trông như do 1 người tạo nên hay nó là sự tổng hòa của nhiều phong cách khác nhau để rồi gộp lại thành 1 thứ hỗn độn.
Kể cả khi website của bạn thiết kế đồng nhất, liệu nó có phù hợp với phong cách truyền thông, họp báo của doanh nghiệp không? Thế còn bao bì, cách trưng bày sản phẩm lẫn cách giao hàng? Liệu tất cả mọi thứ có thống nhất theo giá trị cốt lõi ban đầu của doanh nghiệp không hay nó chỉ tuân theo nửa vời.
Dám "đốt" tiền
Steve là một người đàn ông biết cách thể hiện trước đám đông và dám tiêu tiền vào những thứ ông cho là hợp lý. Một ví dụ điển hình là quảng cáo năm 1984 cho sản phẩm máy tính Macintosh. Như thường lệ, Steve Jobs muốn quảng cáo lớn cho sản phẩm này. Ông thuê đạo diễn Ridley Scott nổi tiếng thời đó với giá 900.000 USD để làm một đoạn quảng cáo 60 giây, sau đó tốn thêm 800.000 USD để có thể chạy quảng bá đoạn video này tại giải Super Bowl. Tổng giá trị 1,7 triệu USD thời đó tương đương với 3,4 triệu USD hiện nay nếu tính lạm phát và rõ ràng đó là một con số khổng lồ cho 1 clip 60 giây.
Quyết định táo bạo này của Steve đầy rủi ro khi mọi người vẫn chưa rõ liệu Macintosh có bán được hàng hay không. Thậm chí, ban điều hành của Apple chẳng hề thích quảng cáo này tý nào và họ đã dự định không làm chúng, nhưng Steve đã bác bỏ tất cả, chấp nhận chơi lớn và có được hồi báo. Danh tiếng của Apple trở nên tốt hơn, được nhiều người biết hơn và giá trị hình ảnh của Apple còn đáng giá hơn doanh thu mà Macintosh đem lại.
Sản phẩm cần câu chuyện
Trong sự kiện quảng cáo năm 1984, Apple đã quảng bá chương trình như một sự kiện marketing mà ý tưởng và sự độc đáo của nó khiến nhiều người nhớ tới như một trải nghiệm khó quên. Sau chiến dịch năm 1984, Steve tiếp tục những bước đi tương tự khi tốn 2,5 triệu USD cho toàn bộ 40 trang quảng cáo trên tờ Newsweek. Sau đó là các chiến dịch "Think Different" hay "I'm a Mac".
Điểm chung của mọi bước đi trên là tạo sự trải nghiệm cho khách hàng, tạo nên những câu chuyện hấp dẫn mà những người yêu mến Apple phải xếp hàng dài chờ mua sản phẩm như chờ mua vé xem những ca sĩ nổi tiếng biểu diễn.
Cựu giám đốc Jean Louis Gassee của Apple cho biết Steve hiểu được tầm quan trọng của việc tạo nên những câu chuyện trong các chiến dịch marketing và liên tục dùng chúng.
"Mọi người muốn những câu chuyện thú vị. Đó là lý do tại sao ngày nay có rất nhiều chỉ trích hướng đến Apple và CEO đương nhiệm Tim Cook bởi họ chẳng có câu chuyện thú vị nào cả", ông Gassee nói.
'Apple sẽ thành công ty trị giá 3.000 tỷ USD vào năm 2022' Theo chuyên gia phân tích Dan Ives của Wedbush, trong thời gian từ 12-18 tháng tới, vốn hóa thị trường của Apple sẽ tăng lên 3.000 tỷ USD. Nhận định này được đưa ra trong thời điểm cổ phiếu Apple vừa giảm khoảng 5%, sau đợt bán phá giá của các nhà đầu tư. Hiện tại Táo khuyết là công ty có giá...