Tìm cách “trói vợ” nhiều ông chồng nhận hậu quả ngược
Gây dựng “tai mắt”, vận dụng công nghệ là cách mà nhiều ông chồng tìm bằng chứng, ngăn vợ ngoại tình. Tuy nhiên, khi vụ việc vỡ lỡ không chỉ tình yêu mà cả sự kính trọng, tin tưởng của vợ cũng bay mất, vợ cũng có nguy cơ không giữ được.
Sự ân cần, yêu thương mới là sợi dây &’trói’ vợ chặt nhất
Theo dõi 24/24h
Vụ án hơn 14.000 điện thoại bị nghe lén vừa được công an Hà Nội phát giác đã gây cơn địa chấn trong gia đình vợ chồng anh Trần Văn Thành và chị Nguyễn Thu Nga (Đống Đa). Lâu nay, chị luôn cảm thấy chồng nắm được nhất cử nhất động của mình. Có vài lần, trong những lần cãi vã, anh Thành đã tố vợ chuyên đi nói xấu chồng với bạn bè. Những thông tin đó, chị Nga chỉ nhắn cho bạn thân, ít ai biết được. Lúc đó, chị chỉ nghĩ chồng đã lén đọc trộm điện thoại của mình mà thôi. Lần khác, chị gọi điện về quê, hứa cho em trai vay tiền. Hôm sau, chị mở két lấy tiền thì không thấy đâu, chồng chị cho biết anh đột xuất có việc kinh doanh phải tiêu… Chị đành thất hứa với em. Rồi không ít lần bạn bè chị gọi nhau đi gặp gỡ, uống bia, chồng chị đều “tình cờ” đi ngang qua hoặc bị đau bụng khẩn cấp, nhưng khi chị tất tưởi về nhà thì chồng chị lại khỏi.
Đọc tin về việc điện thoại bị cài phần mềm nghe lén, theo dõi mọi cuộc gọi và nhắn tin, chị Nga mới chột dạ. Chị ra cửa hàng điện thoại, nhờ nhân viên quét chương trình, cài đặt lại thì phát hiện ngay ra “phần mềm gián điệp”. Tối về, chị quẳng điện thoại trước mặt chồng, thu xếp quần áo, ôm con về nhà ngoại ở. “Tôi khó có thể tha thứ cho hành vi hèn hạ của chồng. Dù làm gì, vợ chồng đều có những khoảng trời riêng cần được tôn trọng. Trong khi đó, chồng tôi không chỉ lén lút theo dõi vợ, mà còn có những hành vi lừa vợ, chơi khăm vợ, rất khó tha thứ”. Chị Nga cho biết, chị chưa quyết định là có ly hôn chồng hay không nhưng chắc chắn từ nay, chị khó có thể giữ được sự tin yêu, tôn trọng chồng như trước được.
Ông Nguyễn An Chất – Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn cũng cho biết, không ít bà vợ, ông chồng luôn ám ảnh về chuyện chồng (vợ) sẽ cặp bồ nên tìm cách kiểm soát nhất cử nhất động của bạn đời. Nhưng phương tiện hiện đại không giúp ông chồng củng cố niềm tin của vợ, càng không giúp giữ được vợ.
Vợ mất, nhà tan
Vốn là hoa khôi trong trường đại học, sau khi có con, chị Ánh Mai (phố Phó Đức Chính, Hà Nội) càng mặn mà, quyến rũ. Chị lại làm trong lĩnh vực marketing, thường xuyên tiếp xúc với khách hàng nên phải ăn mặc tươm tất, xinh đẹp. Anh Đình – chồng chị là nhân viên hành chính, công việc nhàn rỗi nên rất “sốt ruột” khi thấy vợ mỗi ngày một xinh tươi hơn. Anh thường tưởng tượng cảnh vợ mình tay trong tay với người đàn ông khác, lả lơi nơi quán rượu, thậm chí nóng bỏng ở phòng ngủ. Vì thế, anh dựng hàng rào quanh vợ mình. Anh thường xuyên yêu cầu vợ cho tham gia các buổi tụ tập với bạn bè của vợ, kết thân với họ, liên kết facebook. Các cuộc vui của vợ anh đều nắm rõ. Thấy chưa đủ, ở cơ quan vợ, anh cũng đặt tai mắt, bằng cách giúp đỡ tận tình vài nhân viên của vợ, thi thoảng rủ họ đi ăn, moi thông tin. Vì thế, vợ đi đâu, làm gì, tiếp khách ở quán cà phê nào, ăn ở đâu, đi chơi đâu, gặp ai, anh đều nắm được. Anh còn lén đặt thiết bị định vị vào điện thoại, ô tô của vợ, để lúc nào anh cũng biết vợ ở đâu. Anh Đình chắc chắn vợ luôn ở trong vòng kiểm soát của mình.
Một ngày, anh Đình tá hỏa vì định vị cho thấy vợ đang ở trong một nhà nghỉ ngoại thành. Thấy vậy, anh Đình tức tốc phóng xe đến lên phòng, đạp cửa xông vào. Bên trong, vợ anh đang ngồi mặt lạnh như tiền, cùng với cô bạn gái… nhìn anh tóe lửa. Vợ anh quẳng điện thoại vào mặt chồng, giọng khinh bỉ: “Tôi đã chán anh từ lâu lắm rồi, nhưng vẫn nghĩ anh là người trung thực, tốt bụng. Nhưng giờ mới thấy, anh chỉ là một thằng hèn. Chúng ta chia tay nhau thôi”.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà nhận định: “Quan hệ vợ chồng muốn lâu bền phải dựa trên sự yêu thương, tin tưởng và tôn trọng. 3 yếu tố này giống như “thế chân kiềng”, mất đi 1 trong 3 yếu tố này đều khiến gia đình lung lay. Do đó, các hành vi theo dõi, kiểm soát nhất cử nhất động của vợ chỉ khiến niềm tin và sự tôn trọng nhau bị giảm sút. Nếu người vợ phát hiện, họ sẽ cảm thấy bị quấy rối, xúc phạm, thiếu tin tưởng và tôn trọng người chồng. “Việc cài định vị có thể biết được việc làm của họ, người mà họ gặp gỡ chứ không thể giữ được trái tim, càng không chắc chắn về hạnh phúc” – ông Hòa khẳng định.
Nếu người ta muốn “ăn nem” thì sẽ có nhiều cách vượt qua vòng kiểm soát. Có người quay sang cặp kè với chính “tai mắt” của chồng, có người mua thêm điện thoại khác để liên hệ, còn điện thoại chồng cài nghe lén chỉ để ở cơ quan, chỉ gọi điện công việc. Như vậy, chồng thấy vợ vẫn “định vị” ở cơ quan nhưng người thì đã ở tận thiên đường nào. Theo ông Hòa, vấn đề không phải ở xa hay ở gần, đi với ai, làm gì mà chính là hai vợ chồng có thực sự yêu nhau, tin tưởng nhau và sống có trách nhiệm với gia đình hay không. Điều này không một phương tiện theo dõi nào có thể xác định được.
“Để giữ vợ, không có cách nào hữu hiệu hơn là người chồng xây dựng được sự tin yêu, tôn trọng của vợ. Một người chồng luôn nỗ lực vì gia đình, biết chăm sóc vợ con, biết lắng nghe, chia sẻ mọi vui buồn, việc nặng nhẹ với vợ thì sẽ chẳng người vợ nào muốn “tháo chạy” khỏi gia đình cả” – ông Trịnh Trung Hòa.
Theo ANTD