Tiểu thương bãi thị vì chợ “mất vệ sinh” (!?)
Ngày 7/6, Chợ mới Đà Lạt đã hoạt động trở lại, sau một ngày hàng chục tiểu thương bãi thị. Nguyên nhân vụ việc được các tiểu thương cho biết: Không chỉ do chợ mất vệ sinh, bị cúp điện mà còn bởi các bên chưa thống nhất về phí mặt bằng và một vài khoản phí bị “chồng chéo”…
Được biết, sáng ngày 6/6, hàng chục tiểu thương chợ mới Đà Lạt (thuộc dự án Dalat Center), tập trung trước văn phòng Công ty CP Len Nguyễn (chủ đầu tư chợ mới Đà Lạt) để phản đối việc Ban quản lý ( BQL) chợ cắt điện, không cho kinh doanh…
Bức xúc trước việc BQL chợ mới Đà Lạt đơn phương cắt điện, không cho kinh doanh, bà Nguyễn Thị Vương, kinh doanh mặt hàng quần áo tại chợ mới Đà Lạt cho biết: “Sáng 6/6, khi lên chợ thì phát hiện rác, nước thải… bị đổ đầy trước các quầy hàng. Không những vậy, nguồn điện cung cấp cho sạp của tôi còn bị cắt. Tình trạng này xảy ra tại nhiều quầy trong chợ…”
Bức xúc trước thực trạng này, các tiểu thương đã liên hệ với bảo vệ thì được biết do BQL chợ cắt dịch vụ, vì các bên chưa thống nhất phương án thu phí, lệ phí mặt bằng quầy, sạp.
Hàng chục tiểu thương bức xúc bãi thị vì chợ mất vệ sinh
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hoa (chủ quầy hàng Hoa Khuê), không kém phần bức xúc: “Trước khi có lệnh giải tỏa chợ đồ cũ (chợ quần áo cũ), lúc đó họp dân có cả chính quyền, công an phường, đại diện Công ty CP Len Nguyễn thông báo với các tiểu thương rằng quầy này chỉ từ 600 – 700 triệu đồng, nhưng khi chúng tôi làm thủ tục, ký hợp đồng mua quầy lại lên tới trên 1 tỷ đồng”.
“Dù vậy, các tiểu thương vẫn chấp nhận, nhưng khi đi vào hoạt động, BQL chợ lại bắt đóng thêm phí mặt bằng 300.000đ/quầy 6m2. Nói chung tiền gì chúng tôi cũng đóng cả, nhưng buôn bán khó khăn quá, chúng tôi chỉ xin giảm phí mặt bằng, BQL chợ đã không giảm mà giờ còn đơn phương cắt điện và không cho chúng tôi kinh doanh buôn bán thì thật khó mà chấp nhận được”, Bà Hoa bức xúc nói thêm.
Vào rạng sáng 6/6, trước nhiều quầy bán hàng trong khu chợ mới Đà Lạt, rác thải quăng bừa bãi…
Video đang HOT
Một số tiểu thương chợ mới Đà Lạt cũng cho biết thêm, ngoài các khoản tiền điện nước, phí vệ sinh, bảo vệ, cứ một bóng đèn chiếu sáng dọc hành lang giữa hai quầy mỗi tháng BQL chợ thu tới 200.000đ (mỗi quầy 100.000đ), chưa kể tiền cầu thang cuốn, mỗi tháng chỉ hoạt động đúng một lần nhưng BQL chợ cũng thu tới 100.000đ/tháng.
Theo tính toán của các tiểu thương, họ phải đóng tới 6 khoảng phí gồm: phí bảo vệ, phí chiếu sáng công cộng, lệ phí phục vụ hoạt động chợ, phí vệ sinh công cộng, tiền điện và tiền nước. Trong đó, phí phục vụ hoạt động chợ (50.000đ/m2/tháng) là trùng với các khoản phí khác nên các tiểu thương đã ngừng đóng từ tháng 4/2015.
Do chưa đóng lệ phí phục vụ hoạt động chợ nên BQL chợ mới Đà Lạt ngừng cung cấp dịch vụ tới 45 quầy hàng. Các tiểu thương cũng “nghi” việc xả rác, nước thải trước các quầy hàng do người của BQL chợ. Qua đây họ cũng đề nghị cơ quan chức năng làm rõ “kẻ gian” đã đổ rác thải, gây mất vệ sinh khu vực ở 45 quầy hàng trên (vì chợ luôn có camera ghi hình).
Trao đổi về thực trạng này, bà Dương Thị Hoài Thu – Tổng Giám đốc Công ty CP Len Nguyễn (chủ đầu tư chợ mới Đà Lạt), xác nhận: BQL chợ đã ngưng cung cấp dịch vụ quản lý bảo vệ, vệ sinh và cắt điện vì các tiểu thương của 45 quầy trên đã vi phạm hợp đồng, không đóng phí duy trì quản lý.
Ban quản lý chợ mới Đà Lạt cũng khẳng định, hoàn toàn không có chuyện nhân viên thuộc BQL chợ thực hiện việc vứt rác, đổ nước bẩn trước các quầy sạp của tiểu thương. Riêng camera không ghi lại được hình ảnh, vì trước khi xảy ra vụ việc nơi này đã bị cắt điện.
Cũng theo bà Thu, khoản thu mà tiểu thương phản ánh là lệ phí phục vụ hoạt động chợ, công ty thu không vượt mức trần của UBND tỉnh quy định đối với chợ được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn không từ ngân sách nhà nước. Ngày 22/5, BQL chợ đã tổ chức đối thoại với đại diện tiểu thương, tuy nhiên giữa hai bên vẫn chưa đi tới thống nhất các khoản thu nên một số tiểu thương ngưng đóng lệ phí từ tháng 4/2015.
Ngày 2/6 phía Công ty Len Nguyễn đã hai lần ra thông báo cho 20 tiểu thương (chủ 45 quầy hàng nói trên) chưa đóng lệ phí phải thực hiện đóng phí trước ngày 5/6, nhưng đến sáng 6/6 những hộ kinh doanh vẫn chưa đóng lệ phí phục vụ hoạt động chợ nên BQL chợ mới Đà Lạt đã ngừng cung cấp các dịch vụ bảo vệ tài sản, dọn dẹp vệ sinh, cấp điện chiếu sáng.
“Trước mắt, phía BQL chợ sẽ cấp lại điện cho bà con tiểu thương sử dụng bình thường. Thời gian tới, sẽ tiếp tục đối thoại với các tiểu thương nhằm đảm bảo tình hình kinh doanh cũng như tình hình trật tự tại chợ”, bà Thu cho biết.
Ngọc Hà – N.Trang
Theo Dantri
Hàng trăm tiểu thương chợ Đầm ở Nha Trang lại bãi thị
Sáng 20.4, hàng trăm tiểu thương chợ Đầm, TP.Nha Trang đã bãi thị, sau đó đến UBND TP.Nha Trang để tiếp tục kiến nghị giữ khu chợ tròn ở trung tâm chợ Đầm.
Tiểu thương chợ Đầm đề nghị giữ lại chợ Đầm tròn
Lãnh đạo UBND TP.Nha Trang đã có cuộc gặp với số bà con tiểu thương này. Tại buổi gặp mặt tại UBND TP Nha Trang, các tiểu thương cho rằng chợ Đầm là một trong những biểu tượng của TP.Nha Trang nên cần được giữ lại. "Chúng tôi nhận thấy chợ vẫn kiên cố. Cơ quan chức năng cho rằng chợ xuống cấp thì cho chúng tôi rõ hơn chợ xuống cấp ở mức độ nào? Có nhất thiết phải đập đi không? Liệu có lãng phí không?", một tiểu thương đặt câu hỏi.
Bà Ngô Thị Bình, một tiểu thương chợ Đầm, cho rằng "nhiều tiểu thương đã gắn bó ở khu vực chợ tròn hàng chục năm, giờ chuyển qua chợ mới sẽ làm xáo trộn cuộc sống và công việc kinh doanh".
Giá thuê/bán lô sạp ở chợ mới cũng là điều mà bà con tiểu thương rất quan tâm. Bà Nguyễn Thị Kim Bắc kiến nghị cơ quan chức năng và chủ đầu tư quan tâm khi bà con vào chợ mới thì giá phải hợp lý, đền bù thỏa đáng cho bà con.
Tiểu thương trình bày nguyện vọng với lãnh đạo UBND.TP Nha Trang và các đơn vị liên quan sáng 20.4
Đây không phải lần đầu tiên tiểu thương chợ Đầm bãi thị, đề nghị giữ lại chợ tròn. NhưThanh Niên Online đã thông tin, sáng 30.1, khoảng 300 tiểu thương chợ Đầm đã nghỉ bán để kiến nghị các cơ quan chức năng và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa xem xét không phá bỏ khu chợ tròn.
Giải quyết kiến nghị của tiểu thương chợ Đầm, cuối tháng 2.2015, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng kết luận rằng "thực hiện dự án chợ Đầm là cần thiết", vì chợ Đầm ngày càng xuống cấp, không đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường và không tương xứng với danh hiệu TP.Nha Trang là đô thị loại I thuộc tỉnh Khánh Hòa - trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước.
UBND tỉnh yêu cầu UBND TP.Nha Trang, chủ đầu tư là Công ty CP Sông Đà Nha Trang, Ban quản lý chợ Đầm rà soát từng trường hợp cụ thể đang kinh doanh tại chợ Đầm tròn để lập phương án sắp xếp, bố trí, hỗ trợ di dời và giá cả cho thuê (được UBND tỉnh phê duyệt) mặt bằng kinh doanh mới tại khu vực chợ đang xây dựng; đảm bảo quyền lợi hợp pháp của hộ kinh doanh tại chợ Đầm tròn cũ; phối hợp với cơ quan thuế nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền việc miễn, giảm các loại thuế, phí liên quan đến các hộ kinh doanh tại chợ Đầm tròn cũ bị ảnh hưởng trong quá trình xây dựng chợ mới, đề xuất ý kiến tham mưu những nội dung vượt quá thẩm quyền để UBND tỉnh xem xét giải quyết.
Khu chợ mới đang được xây dựng phía sau chợ Đầm tròn
Sáng 20.4, hàng trăm tiểu thương chợ Đầm vẫn tha thiết đề nghị tỉnh và các đơn vị liên quan giữ lại chợ Đầm tròn. Có người cho rằng lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa "nên cân nhắc" không phá bỏ khu chợ tròn. Trong trường hợp phải phá bỏ thì xem xét giữ lại chợ thêm một thời gian, không được lâu thì khoảng 5 năm, để tiểu thương có sự chuẩn bị và có thể ổn định cuộc sống. Vì "có người còn nợ ngân hàng chưa trả hết, giờ qua chợ mới, có thể lâm vào cảnh nợ chồng nợ".
Ông Lê Tất Dũng, phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang, cho biết đến nay dự án xây dựng khu chợ mới đã hoàn thiện khu tầng 1 và sẽ phân lô sạp trong tháng 4 và tháng 5 tới. Dự kiến quý 3 năm nay, toàn bộ khu vực lô sạp sẽ làm xong. Ông Dũng nói theo thống kê, có 1.484 lô kinh doanh và khẳng định "nếu bà con có nhu cầu về diện tích và số lô thì chúng tôi đáp ứng đủ". Ông Dũng cũng cho biết tiểu thương có thể mua các lô sạp, những ai không có điều kiện để mua hoặc thuê lâu dài thì có thể thuê theo tháng hoặc theo ngày.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Nha Trang, cho biết lãnh đạo TP tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của bà con. TP yêu cầu tất cả các nhóm lô sạp phải được lên phương án giá, chủ đầu tư có 6 loại hợp đồng để bà con chọn lựa tùy theo khả năng. Chủ đầu tư xây dựng mỗi loại lô sạp, mỗi loại hợp đồng có giá riêng, sắp tới niêm yết rõ ràng, ai chọn lô sạp nào có giá kèm theo. Các ý kiến về đền bù thì thực hiện theo quy định.
"Thành phố và tỉnh có trách nhiệm trong đảm bảo quyền lợi cho bà con, đồng thời giám sát chủ đầu tư trong quá trình thực hiện. UBND TP.Nha Trang sẽ báo cáo lên tỉnh những kiến nghị của bà con để giải quyết", ông Tuấn nói.
Tin, ảnh: Nguyễn Chung
Theo Thanhnien
Rác thải tràn mặt hồ bán đảo đẹp nhất thủ đô Túi nilông, rác sinh hoạt thậm chí cả bộ sofa hay những bao tải đồ ken đặc mặt hồ trong khu bán đảo, từng được coi là đẹp nhất của Hà Nội. Mặt nước hồ Linh Đàm đang bị rác thải bủa vây sau hơn một năm được chỉnh trang và kè bờ để làm đường đi bộ. Rác thải, lá cây khô...